19 bài viết trong quyển sách nhỏ “Về quê ăn Tết” của tác giả Dương Hoàng Lộc chắc chắn sẽ làm bạn đọc, nhất là người xa quê không khỏi bồi hồi nhớ về quê hương xứ sở.
Dưới ngòi bút mộc mạc bình dị của tác giả, cảnh vật, con người, và sinh hoạt Tết của người dân Nam Bộ trở nên sống động và rất đỗi chân thực. Những phong tục tập quán ngày tết như tục chạp mả, chưng mai, hoa vạn thọ, đi chợ Tết, viếng chùa đầu năm, ẩm thực ngày tết với nhiều món bánh mứt đặc trưng, những câu chuyện về quê ăn Tết, v.v… là bức tranh nhân văn đầy ý nghĩa thắm đượm tình yêu quê hương, yêu cuộc sống.
Tác giả viết về cảnh Tết quê: “Ngày Tết, người ta hay ngồi tâm tình bên nhau sau một năm dài bận rộn, vất vả. Trên bàn tiếp khách giữa nhà, cùng ăn một ít bánh mứt, nhấp chút trà nóng và ngắm hoa mai được cắm ở bình hay trên cây ở trước sân. Hoa mai tỏa ra một mùi hương nhè nhẹ, thơm và thanh khiết vô cùng, khiến tâm hồn con người dịu bớt hẳn những lo toan, trăn trở. Hương mai quyện cùng mùi thơm lừng của bánh mứt, hòa lẫn mùi của nhang trầm tỏa ra, thậm chí kết cùng mùi ngai ngái của hoa vạn thọ tạo nên thứ mùi đặc biệt, đó là mùi Tết thật khó lẫn vào đâu được!”.
Bên cạnh đó, tác giả còn có những trang viết về sinh hoạt Tết của người dân miệt vườn Lái Thiêu, miệt vườn Cái Mơn, ở cửa biển Sông Đốc, ở Ba Tri,… Mỗi làng quê với những đặc trưng riêng làm phong phú, đa dạng nét đẹp văn hóa ngày Tết.
Đọc “Về quê ăn Tết” để chúng ta quay về với những ký ức tuổi thơ, biết trân quý và có trách nhiệm giữ gìn hồn quê, tiếp nối ông cha xưa tạo ra những ký ức Tết quê hương tươi đẹp cho con cháu mai sau.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 394.269597 / V250QU
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059599
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.024362; MA.024363