I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục khoa học và cuộc sống tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng” BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) trích từ báo Nhân dân điện tử. https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-ve-suc-khoe-mua-nang-nong-607504
Ăn và uống là hai vấn đề luôn gắn kết với nhau và rất quan trọng với sức khỏe con người. Ăn bao nhiêu, uống như thế nào trong những ngày nắng nóng hoàn toàn phụ thuộc vào cân nặng, tuổi và mức độ hoạt động thể lực của mỗi người.
Khi trời nắng nóng, những người làm việc ngoài trời, hoạt động thể lực với cường độ cao, làm việc nặng nhọc thì cơ thể sẽ có các phản ứng để giảm thân nhiệt như: các mạch máu ngoại vi sẽ giãn nở để đào thải nhiệt lượng, tăng tiết mồ hôi và bay hơi mồ hôi để hạ nhiệt... Trong mồ hôi, thành phần chính là nước chiếm 98%, còn lại 2% là muối và sản phẩm chuyển hóa. Vì thế, cơ thể bị mất nước và các chất điện giải qua mồ hôi có nguy cơ gây ra những rối loạn sinh lý và bệnh lý do mất nước và điện giải. Khi bị mất nước và các chất điện giải, sẽ gây ra cho cơ thể các rối loạn chuyển hóa, miệng khô (khát nước), nước bọt quánh, hạ huyết áp, mạch nhanh, nếu nặng dẫn đến rối loạn thần kinh…
Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết, chiếm tới 60 đến 70% trọng lượng cơ thể (ở trẻ em tỷ lệ này còn cao hơn). Con người có thể nhịn ăn một vài ngày, thậm chí một vài tuần nhưng không thể thiếu nước. Một người chỉ cần mất từ 5 đến 10% nước đã coi như mất nước trầm trọng và khi mất từ 15 đến 20% nước là coi hết hy vọng cứu chữa. Người trưởng thành cần 35 ml nước cho 1kg cân nặng (trung bình mỗi ngày cần 1,5 đến 2 lít). Nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống. Nhu cầu nước của cơ thể phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện sinh hoạt, mức độ lao động, tuổi. Người càng nhiều tuổi, lượng nước trong cơ thể càng ít, những người 60 đến 70 tuổi lượng nước chỉ chiếm 50% trọng lượng.
Lượng nước uống/ăn vào và thải ra hằng ngày của người trưởng thành trung bình khoảng 2.500 ml/ngày. Mùa hè, nắng nóng làm cơ thể bị mất nước gây mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon…, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Vì vậy, cần lựa chọn thực phẩm, chế biến món ăn để cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Nếu chế độ ăn không bảo đảm nhu cầu của cơ thể diễn ra trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng. Một chế độ ăn hợp lý, cân đối, đa dạng (có 15 đến 20 loại thực phẩm) sẽ giúp cơ thể phát triển, khỏe mạnh và phòng tránh các bệnh không lây nhiễm. Trong mỗi bữa ăn nên có từ bốn đến năm món ăn: món cơm, món chất đạm, món rau xanh, món canh và món hoa quả để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và nhu cầu nước cho cơ thể.
Theo khuyến nghị, với người Việt Nam, người cao tuổi có hoạt động thể lực trung bình thì nhu cầu về năng lượng là từ 1.800 đến 2.000 Kcal/người/ngày; người từ 50 đến 69 tuổi có hoạt động thể lực trung bình thì nhu cầu với nam giới là 2.300 Kcal/ngày, nữ giới là 2.000 Kcal/ngày; người từ 70 tuổi, nam giới là 2.200 Kcal/ngày, nữ giới là 1.800 Kcal/ngày. Người cao tuổi cần có một chế độ ăn mềm, dễ tiêu hóa, đủ dinh dưỡng và uống đủ nước. Người cao tuổi hay bị thiếu nước do mất cảm giác khát, cho nên cần nhớ uống nước ngay cả khi không khát. Lượng nước nên dùng là 8 ly/ngày (từ 1,5 đến 2 lít), uống làm nhiều lần, không uống quá nhiều một lúc và không uống gần bữa ăn.
Còn đối với trẻ em, việc cho các cháu ăn để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng là rất quan trọng, ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến thức ăn lỏng, mềm để dễ tiêu hóa. Ngoài bữa ăn của trẻ, các bà mẹ cần chú ý bổ sung nước vì mùa hè nhu cầu nước của trẻ sẽ cao hơn các mùa khác. Khi thời tiết nắng nóng, cơ thể trẻ còn yếu trong việc điều tiết thân nhiệt, vì vậy hạn chế cho trẻ ra ngoài trời hoặc đi chơi từ 10 đến 16 giờ hằng ngày, nhất là những ngày nắng gắt. Nếu trẻ ở trong phòng chạy máy điều hòa không khí, nên để nhiệt độ điều hòa thấp hơn nhiệt độ trong nhà từ 1 đến 2oC và chế độ gió ở mức trung bình. Khi đưa trẻ từ phòng điều hòa ra ngoài, cần tắt máy điều hòa trước, rồi mở cửa phòng khoảng 10 đến 15 phút sau mới đưa trẻ ra, như vậy trẻ sẽ không bị tiếp xúc với nhiệt độ nóng - lạnh đột ngột.
Thời tiết quá nóng khiến con người luôn có cảm giác khô khát, việc uống nước nhằm thỏa cơn khát. Tuy nhiên, uống như thế nào để đỡ khát cũng đáng quan tâm. Khi thời tiết nắng nóng cần thường xuyên bổ sung nước, tránh để thiếu nước. Việc uống nước cũng cần từ từ, không nên uống nhiều một lúc. Khi bổ sung nước vào cơ thể quá nhiều trong một thời gian ngắn, cảm giác khát không giảm, thậm chí còn thấy khát hơn, uống nhiều một lúc làm lượng mồ hôi bài tiết ra nhiều hơn, cơ thể càng mệt mỏi hơn vì mất quá nhiều chất điện giải.
Lưu ý, khi khát, không nên uống nước đá, nước lạnh vì sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn so với thân nhiệt sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ bị viêm họng, người bị sâu răng sẽ bị đau nhức, tê buốt. Nước uống phù hợp nhất là những loại nước để ở môi trường tự nhiên, phù hợp với nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, để phòng tránh tình trạng thiếu nước vào mùa hè, cần quan tâm uống đủ nước theo nhu cầu hằng ngày, đối với người cao tuổi và trẻ em, không nên để đến khi thấy khát mới uống…
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam.
- Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hò Cần Thơ.
TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG HÙNG VƯƠNG Ở VIỆT NAM
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. (Ca dao)
Từ xa xưa trong lịch sử, người Việt đã hình thành loại hình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người Việt coi trọng và thực hành các nghi thức cúng lễ tổ tiên và xem đó như một chuẩn mực của “Hiếu đạo” vì người Việt quan niệm sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, tức là, kính thờ khi đã mất như khi còn sống. Tinh thần “Hiếu đạo” đối với đất nước, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, từ xưa cho đến nay, luôn là một “điểm son” trong lẽ sống và văn hóa của người Việt. Trên thế giới có nhiều quốc gia có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc Tổ thì chỉ có ở người Việt và ở Việt Nam. Đây là tín ngưỡng góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam luôn được các thế hệ người Việt duy trì, kế tục, phát huy và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012.
Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu về lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm 2015, Nxb. Lý luận Chính trị đã xuất bản quyển sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do GS. TS. Tạ Ngọc Tấn chủ biên.
Quyển sách là kết quả của cuộc Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Với độ dày 473 trang, quyển sách tập hợp các bài tham luận làm sáng tỏ về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học; Nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt và các tộc người thiểu số trên các vùng miền của Tổ quốc và của bà con Việt kiều xa quê; Khẳng định vai trò của tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương với việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng đất nước hiện nay.
Với nhiều thông tin khoa học về nguồn gốc, tập tục, đặc điểm, giá trị văn hoá thờ cúng Hùng Vương của người Việt, cũng như những chỉ dẫn các địa phương xây dựng đền thờ Hùng Vương, quyển sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại. Đặt biệt là công tác phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một di sản văn hóa thế giới, đồng thời quan sát những biến đổi của Lễ hội Hùng Vương trong hoạt động du lịch hiện nay để có những giải pháp phù hợp.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 398.09597 / T311NG
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.014613; ▪ PHÒNG MƯỢN: MA.015579; MA.015580;
DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA - HÒ CẦN THƠ
Trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian Việt Nam, hò được xem là một thể loại diễn xướng dân gian. Trong quá trình lao động sản xuất, qua đối đáp giao duyên đã sản sinh ra lời hay ý đẹp rồi thêm thắt, uốn nắn bởi cách dùng từ đưa hơi, để tạo ra lời hát có tính nghệ thuật, một phong cách rất riêng của hò.
Sông sâu sóng bủa láng cò,
Thương em vì bởi câu hò có duyên. (Ca dao)
Hò Cần Thơ (còn gọi là hò Sông Hậu) ra đời và phát triển trên vùng đất Cần Thơ. Hò Cần Thơ có một số thể loại chính như: hò mái dài, hò huê tình, hò cấy... Trong đó, hò cấy và hò huê tình chiếm số lượng lớn, có nội dung phong phú. Đây là loại hình di sản văn hóa phi vật thể do những người bình dân diễn xướng và thưởng thức. Trải qua quá trình tồn tại, chuyển sang cuộc sống hiện đại, không gian diễn xướng của hò dần thu hẹp, những người biết hò ngày càng cao tuổi, thế hệ trẻ tiếp nối không nhiều. Do vậy, hò Cần Thơ đang đứng trước nguy cơ mai một.
Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy di sản Hò Cần Thơ, năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ đã xuất bản quyển sách “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hò Cần Thơ” do Bảo tàng TP. Cần Thơ phối hợp với soạn giả Nhâm Hùng nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và thực hiện.
Sách với 95 trang trình bày một số nội dung cơ bản gồm: Quá trình ra đời, tồn tại của di sản Hò Cần Thơ; Hình thức thể hiện - Quy trình thực hành; Đánh giá hiện trạng và giá trị lịch sử văn hóa của di sản Hò Cần Thơ; Một số câu hò được sưu tầm trong dân gian ở vùng đất Cần Thơ.
Quyển sách còn có các phụ lục về một số câu hò được ký âm thuộc các thể loại: Hò huê tình, hò mái dài, hò Cần Thơ; Hò Cần Thơ trong tác phẩm âm nhạc, vọng cổ (“Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Tiếng hò sông Hậu” “Tình anh bán chiếu”) và danh sách 18 nghệ nhân hò ở Cần Thơ.
Đọc sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về Hò Cần Thơ - một loại hình di sản tồn tại trên vùng đất này khoảng trên dưới 100 năm, đã có sự đóng góp đáng kể, đáp ứng nhu cầu, nâng cao đời sống văn hóa - giải trí của cư dân Cần Thơ và tạo nên dấu ấn đặc trưng, nét độc đáo về lối diễn xướng dân gian. Hò Cần Thơ cũng đã góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ và thể hiện sâu sắc tình cảm dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của cư dân nơi đây. Hiện nay Hò Cần Thơ đang đứng trước nguy cơ mai một và đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy di sản, cùng sự chung tay của cộng đồng trong việc sưu tầm, truyền dạy để tiếp tục gìn giữ lưu truyền cho mai sau.
Quý vị và các bạn có thể tìm đọc quyển sách “Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Hò Cần Thơ” tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 781.6200959793 / D300S
PHÒNG ĐỌC: DV.059079; PHÒNG MƯỢN: MG.010459; MG.010460
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Dù ai đi ngược về xuôi...” của Trần Quang Chiến trích từ báo điện tử Đảng Cộng sản.
https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/du-ai-di-nguoc-ve-xuoi-481465.html
Lớn lên trên quê hương Việt Nam yêu dấu, chúng tôi luôn biết rằng, sức mạnh của toàn dân tộc ta được kết tụ từ tinh thần đại đoàn kết muôn người như một. Tất cả con dân đất Việt là anh em một nhà, sinh ra cùng một mẹ Âu Cơ trong bọc trăm trứng...
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.
Đó là câu thơ mà những người con đất Việt đều thuộc từ thời vỡ lòng.
Từ lâu, quê hương Phú Thọ còn được biết đến với cái tên khác, đó là “miền trung du”, bởi địa hình nơi đây giao thoa giữa núi cao vùng Tây Bắc và vùng đồng bằng hẹp trải dài về phía Nam. Núi ở đây có độ cao trung bình vài trăm mét nên còn gọi là đồi. Hình ảnh đồi trong câu thơ bất hủ “ Rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt…” của nhà thơ Tố Hữu đã nhắc tới khi viết về quê hương trung du Phú Thọ.
Người đất Tổ hồn hậu, thật thà, chân chất như củ khoai trên đồng, như củ sắn trên đồi. Không biết có phải trời phú cho bầu khí hậu tự nhiên ôn hòa, mát mẻ hay người đất Tổ rất dễ mến và sống hòa đồng, sâu sắc, dễ gần. Ngoài ra họ rất cần mẫn, chăm chỉ, đoàn kết, trung thành và luôn có chí kiên trì, vượt khó, tiến thủ.
Quê hương đất Tổ thân yêu gắn với truyền thuyết sinh ra nguồn cội dân tộc Việt Nam, cùng sinh ra trong bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non. Đất Tổ không chỉ là quê hương của riêng mình, mà còn là nguồn cội chung của cả đại gia đình 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Lớn lên trên quê hương Việt Nam yêu dấu, chúng ta luôn biết rằng sức mạnh của toàn dân tộc ta là được kết tụ từ tinh thần đại đoàn kết muôn người như một. Sự đoàn kết ấy được tự thân thiết lập và duy trì từ ngàn đời. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng núi cao cho đến vùng đồng bằng, tất cả con dân đất Việt là anh em một nhà, sinh ra cùng một mẹ Âu Cơ trong bọc trăm trứng. Hình ảnh “Lá lành đùm lá rách”, "Bầu ơi thương lấy bí cùng..." thật giản dị, nhưng nó chính là khởi nguồn làm nên sức mạnh của tinh thần đoàn kết Việt Nam, tạo nên ý chí kiên cường trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhớ lắm truyền thuyết Lang Liêu với cuộc thi “bánh chưng, bánh dày”, bánh chưng là đại diện đất, bánh dày đại điện trời; rồi chuyện Vua Hùng kén rể với ‘gà chín cựa, ngựa chín hồng mao’; hình ảnh người Sông Thao đội nón lá cọ, cơm nắm lá cọ, với đặc sản bưởi Đoan Hùng nức danh xa gần... Nhớ lắm cảm giác vui khôn tả khi các di sản của quê hương được UNESCO vinh danh như “Hát xoan Phú Thọ”; “ Tín ngưỡng thờ cùng Vua Hùng – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”... Và tự hào khi Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội lớn của cả nước và là ngày “Quốc lễ”.
Nhớ lắm lời căn dặn bất hủ của Bác Hồ như một thông điệp lịch sử nhắn gửi tương lai: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Năm nay, ngày giỗ Tổ lại về! Cảm nhận của một người con sinh ra trên đất Tổ rất vinh dự, tự hào. Ngày giỗ Tổ - ấy là thời điểm con cháu xa gần bốn phương sum họp, tề tựu một nhà trong không khí đầm ấm, thuận hòa. Đó cũng là dịp để người người cả nước hội tụ, gắn bó, củng cố thêm tình đoàn kết, thủy chung trước sau như một, là cội nguồn làm nên sức mạnh Việt Nam./.
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cảm ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.