CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 14 (05/4– 11/04/2021)

Thứ ba - 06/04/2021 03:52 984 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
     Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “9 điều lưu ý khi tắm vào mùa hè” của An Nhiên trích từ  tạp chí Sống Khỏe.
    Tắm cũng cần phải lưu ý ư? Việc của mỗi người đều phải hàng ngày, có gì mà phải lưu ý? Nhưng đúng là bạn phải lưu ý thật đó, nếu không có thể bạn sẽ gặp nguy hiểm và bị bệnh tật.
Không tắm sau khi uống rượu. Khi tắm lượng đường trong cơ thể bị tiêu hao nhiều do hoạt động thể lực và máu tuần hoàn nhanh. Khi mức độ đường trong máu xuống thấp, nhiệt độ cơ thể sẽ hạ theo, dễ gây sốc.
     Không tắm ngay sau khi ăn. Khi vừa ăn xong, ruột cần cung cấp nhiều máu để bảo đảm tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, khiến việc cung cấp máu cho các cơ quan khác phải giảm đi. Nếu tắm ngay lúc này thì sẽ làm tăng việc của các cơ quan khác và tăng nhanh tuần hoàn máu khiến cho công năng tiêu hóa của ruột bị yếu đi, khả năng hấp thụ thức ăn sẽ kém hơn.
    Không tắm quá lâu. Người già không nên tắm lâu và nhiều, vì thể lực người già tương đối yếu, da trở nên mỏng, tuyến mỡ dưới da dần dần teo đi. Nếu tắm quá nhiều da sẽ trở nên khô, dễ bị tróc da, thậm chí bị nẻ hoặc sinh chứng ngứa. Ngâm mình trong nước quá lâu, mao quản sẽ giãn ra làm cho đại não thiếu máu, sinh nhức đầu hoặc choáng váng.
    Không tắm nước quá lạnh. Nhiều người cho rằng, mùa hè nên tắm nước lạnh, nước càng lạnh càng tốt vì chỉ có nước lạnh mới giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh và đem lại sự sảng khoái. Tuy nhiên, việc tắm nước lạnh lại khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, khiến các lỗ chân lông bị co lại, các vi mạch dưới da cũng bị co lại ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Tốt nhất là nên tắm khi nước ở nhiệt độ khoảng 20-25 độ C.
    Không tắm khuya. Nhiều người có thói quen, trước khi đi ngủ thì chạy vào phòng tắm, “dội” vài cái để làm mát cơ thể giúp giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn. Tuy nhiên, tắm vào ban đêm, khi nhiệt độ môi trường cũng như nhiệt độ trong nước đã xuống thấp có thể dẫn đến tắc mạch máu. Vì thế, tránh tuyệt đối việc tắm vào đêm khuya.
    Không tắm nhiều lần trong ngày. Vào mùa hè, mồ hôi ra nhiều, khiến cơ thể nhớp nháp, cộng thêm vào đó là nhiệt độ môi trường tăng cao khiến cơ thể lúc nào cũng có cảm giác nóng bức khó chịu,  vì vậy nhiều người thường chọn cách tắm nhiều lần trong ngày (sáng dậy tắm, trưa lại tắm, chiều tắm, trước khi ngủ tắm...).
   Tuy nhiên, việc tắm quá nhiều lần trong ngày cũng không phải là tốt. Bởi việc tắm nhiều sẽ làm khô da, làm da mất đi các vi khuẩn có ích, thậm chí là còn gây hại cho da bởi sự tác động của các hóa chất tẩy rửa như xà phòng, sữa tắm. 
    Vào ngày hè cũng chỉ nên tắm tối đa 2 lần/ngày, một lần vào buổi sáng và có thể thêm một lần vào buổi chiều tối. Thời gian tắm cũng không nên quá lâu, mỗi lần tắm từ 15-20 phút. 
     Không vội bật điều hòa khi tắm xong. Mùa hè nóng nực khiến nhiều người sau khi tắm xong vẫn cảm thấy cơ thể chưa đủ mát liền chạy ngay vào phòng bật điều hòa nhiệt độ hoặc là ngồi trước quạt
Việc làm này là rất nguy hiểm bởi sau khi tắm xong, nhiệt độ cơ thể đã hạ thấp lại tiếp tục ngồi trước quạt hay trong phòng có điều hòa càng khiến nhiệt độ cơ thể tiếp tục hạ xuống hơn nữa gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động lưu thông máu của cơ thể.
     Tốt nhất, khi tắm xong cần lau khô cơ thể, tránh nơi gió lùa, tránh ngồi trước quạt hoặc để quạt xối thẳng vào người, tránh vào ngay phòng đang bật điều hòa nhiệt độ lạnh.
    Không tắm khi vừa đi ngoài nắng về. Khi đi nắng về nhiều người chỉ ngồi vài phút sau đó chạy vào phòng tắm với hy vọng nước sẽ làm hạ nhiệt cơ thể.
Việc tắm khi mồ hồi còn chưa ráo là điều nguy hiểm bởi các lỗ chân lông lúc đó vẫn còn đang mở rộng, hơi nước sẽ ngấm qua những lỗ chân lông này vào cơ thể. Hệ quả là chúng ta sẽ rất dễ bị cảm ho, sốt, viêm phổi...
    Không tắm khi vừa chơi thể thao xong. Tuyệt đối tránh việc tắm ngay khi vừa mới tập thể thao xong, hãy lau khô mô hôi bằng khăn bông, ngồi khoảng 20 phút để cơ thể kịp thích nghi với môi trường bình thường trong phòng rồi hãy tính đến việc bước vào phòng tắm.

    II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Văn hoá biển, đảo qua tín ngưỡng và lễ hội truyền thống Việt Nam.
     - Một ngày tháng năm trong chuồng cọp.


                                     VĂN HOÁ BIỂN, ĐẢO QUA TÍN NGƯỠNG
                                       VÀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM


    Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài, có nhiều đảo và quần đảo thuộc chủ quyền quốc gia mà từ xa xưa người Việt đã phát hiện, khai thác và quản lý. Đối với người Việt, từ bao đời nay biển đã gắn bó mật thiết với không chỉ về lợi ích kinh tế mà còn gắn bó chặt chẽ ở yếu tố tinh thần qua hệ thống tín ngưỡng, tâm linh và qua các lễ hội phong phú, đa dạng. Biển đảo đã trở thành một phần không thể tách rời của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
    Trong giai đoạn hiện nay, sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông nói chung và cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng đã trở thành trách nhiệm lớn lao của toàn dân và phải được tiến hành trên mọi lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, tư tưởng, văn hóa, giáo dục.
Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo là hết sức thiêng liêng và cũng hết sức khó khăn phức tạp, lâu dài, đòi hỏi trí tuệ công sức và sự đóng góp của nhiều người, nhiều thế hệ Việt Nam.
Nhằm góp phần cung cấp những tư liệu, thông tin đúng đắn, phù hợp dưới góc nhìn văn hóa, năm 2020 nhà xuất bản Dân Trí đã xuất bản quyển sách “Văn hoá biển, đảo qua tín ngưỡng và lễ hội truyền thống Việt Nam” do Lê Thái Dũng biên soạn. Sách dày 219 trang, nội dung gồm 3 chương:
    Chương 1: trình bày những nét chính về biển, đảo trong văn hoá Việt Nam như: Văn hóa biển qua dấu tích khảo cổ học; Văn hóa biển qua nền ẩm thực dân gian; Văn hóa biển qua các hoạt động giao thương đường biển và các hệ thống thương cảng; Văn hóa biển thể hiện qua phương ngữ, ca dao, dân ca, hò vè, truyện cổ tích,…
    Chương 2 “Văn hoá biển, đảo qua tín ngưỡng Việt Nam” trình bày khái quát về văn hóa biển đảo qua tín ngưỡng dân gian và một số tục thời phụng mang yếu tố biển đảo.  
    Chương 3 trình bày văn hoá biển, đảo qua các lễ hội truyền thống ở ven biển ba miền Bắc, Trung, Nam. 
    Sách trình bày ngắn gọn, khái quát có trọng tâm, các bài viết có kèm ảnh tư liệu minh họa các lễ hội, giúp bạn đọc nắm được những kiến thức cần thiết nhất, những nét đặc sắc về văn hoá biển đảo ở mỗi vùng miền, địa phương, làm nổi bật tính phong phú, đa dạng của văn hoá Việt Nam nói chung và văn hóa biển nói riêng.
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Văn hoá biển, đảo qua tín ngưỡng và lễ hội truyền thống Việt Nam” tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 306.09597 / V115H;  Phòng Đọc: DV 59400;  Phòng Mượn: MA 24091-24092

                               MỘT NGÀY THÁNG NĂM TRONG CHUỒNG CỌP

     Với những người trẻ, sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, điều đọng lại sâu sắc nhất trước những di tích lịch sử lao tù chính là khí tiết của người tù chính trị trước cảnh đọa đày. Nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong lao tù vẫn kiên cường bất khuất đấu tranh với địch. Từ một nhà tù biệt lập giữa biển khơi, họ biến thành trường học cách mạng mà mỗi học viên là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, thà hy sinh chứ nhất định không chịu khuất phục, không chịu đầu hàng.
     “Một ngày tháng năm trong chuồng cọp” là quyển hồi ký của nữ tù chính trị người Cần Thơ với bí danh Lê Hồng Quân sinh năm 1947 (tên thật là Đào Thị Huyền Nga). Sách được Nxb. Hội Nhà văn ấn hành năm 2020 với 114 trang gồm 4 câu chuyện được viết sau khi ra tù nhớ về đồng đội, về cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt đã qua của tác giả..
     Mở đầu là hồi ký “Cuộc diễn thuyết đầu xuân 1968” kể về chiến công đầu tiên của Đơn vị Nữ biệt động Sài Gòn – Gia Định mà tác giả đã tham gia xây dựng lực lượng và tổ chức hoạt động. Giữa lưới kiểm soát dày đặc của mật vụ, cảnh sát dã chiến, nhưng cô và đồng đội đã tổ chức diễn thuyết trước hàng ngàn đồng bào giữa chợ Bến Thành, treo cờ Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngay giữa chợ Bến Thành, trao truyền đơn và thư chúc Tết của Bác Hồ tận tay đồng bào trong phiên chợ Tết.
     Ở “Một ngày tháng năm trong chuồng cọp” cũng là tiêu đề của quyển hồi ký, tác giả kể về những năm tháng bị tù đày từ Chí Hòa ra Côn Đảo và bị giam ở Chuồng Cọp 1. Để vượt qua những khắc nghiệt trong Chuồng Cọp, những nữ tù chính trị đã tổ chức sinh hoạt lại trong tù, chia sẻ cho nhau từng sợi chỉ, miếng cơm, hạt muối, đặc biệt là động viên nhau giữ vững tinh thần. Bằng những mối liên hệ đặc biệt, cô đã có được bản Di chúc của Bác Hồ và học thuộc lòng để truyền lại cho chị em trong Chuồng Cọp Côn Đảo. Đó là một thứ vũ khí tư tưởng, tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tiếp sức cho tập thể nữ tù chính trị trong các cuộc đấu tranh, giữ vững khí tiết. 
    Tiếp đến là hồi ký “Ngày thứ năm trong tù” kể về Nguyễn Văn Quang, người chiến sĩ trinh sát trẻ tuổi của Tiểu đoàn Nữ biệt động Lê Thị Riêng đã cùng với tác giả bị giặc bắt và tra tấn vô cùng dã man, nhưng không ai khai báo. Đến ngày bị bắt thứ năm trong tù, trước sự tra khảo man rợ của kẻ thù người chiến sĩ trinh sát đã hy sinh, khi giặc thọc cây ma trắc vào vết thương trên ngực thì anh vẫn ung dung hát cho đến lúc tắt thở, tiếng hát đau xé lòng tác giả và những người đồng đội bị giam ở phòng bên.
    Sau cùng là hồi ký “Tiễn má đi chiến trường” kể về người đồng đội đặc biệt của tác giả. Hai má con đồng chí này đều công tác chung một chiến trường ven đô Cần Thơ, cùng được điều động tăng cường cho Sài Gòn – Gia Định, cùng bị bắt, bị đày ra Côn Đảo, rồi được trao trả tự do. Sau đó, hai má con đã cùng giúp nhau rèn luyện sức khỏe và sớm trở lại chiến trường. Họ là hình ảnh tiêu biểu cho những chiến sĩ cách mạng, người trước - người sau tiếp tục chiến đấu với khát vọng giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
     Ngày nay, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, đất nước hòa bình độc lập và đang bước vào thời kỳ đổi mới, nhưng những câu chuyện chân thực trong quyển “Một ngày tháng năm trong chuồng cọp” giúp cho các thế hệ trẻ thêm hiểu biết và luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ cha anh đi trước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
       Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
      Ký hiệu phân loại: 895.92283403 / M458NG;
      PHÒNG MƯỢN:  MV.22627; MV.22628

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin mời đến quý vị và các bạn tìm hiểu về sự ra đời của Ngày Sách Việt Nam 21/4 trích trong bài viết “Ngày Sách Việt Nam 21/4: Hướng đến xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam” của báo điện tử Thể thao Văn hóa. 
https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/ngay-sach-viet-nam-21-4-huong-den-xay-dung-chien-luoc-sach-quoc-gia-viet-nam-n20200421080537158.htm
    Ngày Sách Việt Nam 21/4 ra đời theo Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/2/2014 đã khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người.
   Sự kiện này cũng hướng đến việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
    Sự ra đời của Ngày Sách Việt Nam là dấu mốc quan trọng đối với ngành xuất bản, in và phát hành, như Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Việc ra đời Ngày Sách Việt Nam thể hiện sự quan tâm kịp thời, tầm nhìn của Đảng, Chính phủ nhằm chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam; có thể coi đây như là tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc ở Việt Nam".
     Đầy đủ các văn bản, chỉ đạo
    Ngày 25/8/2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42-CT/TW "Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản", nhằm định hướng hoạt động cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trong giai đoạn đất nước đang có những chuyển biến nhanh chóng về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời mang tính định hướng cao cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên, điểm đáng chú ý nhất của Chỉ thị 42-CT/TW là không chỉ tiếp tục khẳng định xuất bản là một lĩnh vực tư tưởng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, là một bộ phận văn hóa Việt Nam, còn nhấn mạnh tính thiết yếu của xuất bản trong giáo dục, đào tạo, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức xã hội, trong đó đích đến là xây dựng xã hội học tập - một xã hội có sự thống nhất giữa chế độ giáo dục cho mọi người và học tập suốt đời. Nội dung của Chỉ thị 42-CT/TW cho thấy sự phát triển nhận thức, lý luận của Đảng về xuất bản, chỉ ra định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển xuất bản trong thời kỳ mới, qua đó khẳng định vai trò của xuất bản đối với văn hóa đọc và văn hóa đọc đối với sự phát triển của đất nước.
    Tiếp nối tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW, Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW nêu rất rõ các yêu cầu, trong đó có xác định vai trò đầu mối của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ban hành một hệ thống văn bản pháp luật, tạo dựng hành lang pháp lý cho hoạt động xuất bản, việc duy trì, phát triển văn hóa đọc. Luật Xuất bản năm 2004, sửa đổi năm 2008; Luật Xuất bản năm 2012 đều có những quy định liên quan đến việc phát triển văn hóa đọc. Ngày 6/5/2009, Thủ trướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó có nhiều nội dung về việc phát triển văn hóa đọc. Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục ban ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng 2030.
    Nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ của ngành văn hóa là: Xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, góp phần xây dựng có hiệu quả thế hệ đọc tương lai. Tiếp đó, Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Xóa mù chữ đến năm 2020, Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng của văn hóa đọc là: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bấn phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tê - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
     Đặc biệt, việc ra đời Ngày Sách Việt Nam 21/4 theo Quyết định số 284/QĐ-TTg không chỉ khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, còn là điểm nhấn để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sáng tác, xuất bản, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc Việt Nam - Cục trưởng Nguyễn Nguyên khẳng định./.
   
      Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại. 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây