THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY
Bài GTS tuần 4 tháng 7
Thứ sáu - 26/07/2024 05:041790
Cuốn sách “TẢN MẠN VỀ HUẾ - TỪ GÓC NHÌN DI SẢN VĂN HÓA” tập hợp chủ yếu các bài viết ngắn, có tính chất tản mạn về lịch sử, văn hóa, di sản của vùng đất Huế.
“Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”… Lời bài hát “Huế tình yêu của tôi”- Sáng tác: Trương Tuyết Mai chắc hẳn vô cùng quen thuộc với người yêu âm nhạc, người dành cho Huế những tình yêu đặc biệt. Đó là những câu từ dành để nói về tình cảm của những ai đã từng đặt chân tới Huế. Sức hút của Huế không nằm ở sự sôi động, náo nhiệt mà chính sự lặng lẽ, nên thơ và rất đỗi oai hùng đã đi sâu vào lòng người. Để rồi ai cũng phải sững lại trước nét đẹp ấy, một cảm giác khó tả khiến bất kỳ ai cũng phải luyến lưu. Vừa “dịu dàng” với nón bài thơ, tà áo dài tím đi vào thơ ca, vừa “trầm tư” đến lạ với cung đình, lầu các, những di tích mang dấu ấn thăng trầm của lịch sử đã đi qua. Người Huế có tính cách dịu dàng, dễ thương pha lẫn sự e ấp, kín đáo với giọng nói làm say lòng người. Người Huế luôn nở nụ cười trên môi mỗi khi gặp người khác, bất kể đó là ai, đến từ đâu. Sông Hương, cầu Trường Tiền, Cố đô Huế, loại hình nghệ thuật Nhã nhạc -Âm nhạc cung đình và vô vàng món ăn ngon từ cung đình đến dân gian, hệ thống kiến trúc - bảo tàng vừa cổ đại lẫn hiện đại giúp Huế có dấu ấn rất riêng của mình không chỉ trong thơ ca mà còn trong bản thân từng di sản văn hóa còn được bảo tồn và truyền lưu đến ngày nay. Với mong muốn cung cấp cho quý thính giả-quý độc giả một trong những tài liệu được đầu tư biên soạn công phu và tổng quan về bảo tồn văn hóa - di sản trong thành phố Huế,Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tác phẩm “TẢN MẠN VỀ HUẾ - TỪ GÓC NHÌN DI SẢN VĂN HÓA” – được Nhà xuất bản Hà Nội liên kết Công ty Cổ phần tri thức văn hóa sách Việt Nam – Vina Book JSC xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc năm 2023 của tác giả Phan Thanh Hải. Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những góc nhìn chân thực nhất, gần gũi nhất về Huế đến từ chính tác giả-người con xứ Huế-người có cơ hội và điều kiện học tập, nghiên cứu, công tác 27 năm trong Di tích (cách gọi ngắn gọn để chỉ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế). Cuốn sách “TẢN MẠN VỀ HUẾ - TỪ GÓC NHÌN DI SẢN VĂN HÓA” tập hợp chủ yếu các bài viết ngắn, có tính chất tản mạn về lịch sử, văn hóa, di sản của vùng đất Huế. “TẢN MẠN VỀ HUẾ - TỪ GÓC NHÌN DI SẢN VĂN HÓA” gồm có 332 trang in giấy trắng, sạch sẽ, minh họa bìa màu đẹp mắt, bìa giấy cứng khổ 16cmx24cm. Trong cuốn sách này, tác giả tạm chia thành 3 phần: Phần 1 là các bài viết về lịch sử, văn hóa vùng đất; Phần 2 gồm các bài viết về đề tài di tích và cổ vật; Phần 3 là các bài viết về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đối với các bài viết đã được in ấn khá lâu, tác giả có cập nhật thông tin quan trọng ở mục ghi chú cuối bài. Có thể đề lược một số bài viết nổi bật trong Phần 1 như: Để dòng Hương kể chuyện của mình, Vua Khải Định – Người làm mới kiến trúc cung đình Huế, Điện Hòn Chén và lễ hội Hòn Chén ở Huế, Di sản trong lòng cộng đồng, Nghệ thuật ẩm thực Huế. Trong Phần 2, tác giả Phan Thanh Hải đưa bạn đọc đi thăm thú, chiêm ngưỡng, lắng nghe và cảm nhận vòng quanh thành phố Huế qua: Đôi nhịp Trường Tiền, Điện Long An – Lịch sử và giá trị văn hóa, dạo qua Cung An Định-cung Diên Thọ của các Thái hậu triều Nguyễn rồi ghé thăm Cung Trường Sanh-Một quần thể kiến trúc cung đình tiêu biểu thời Nguyễn. Dừng chân nghỉ bên Những ngôi nhà tạ trong kiến trúc cung đình Nguyễn. Từ quần thể kiến trúc cung đình, tác giả giới thiệu đến những kiến trúc đẹp xuất hiện trong dân gian, giữa cộng đồng người dân như Nhà rường Huế- Chùa Huế-Tịnh Tâm hồ,…Bạn đọc cũng không thể bỏ qua hàng loạt cổ vật nổi danh xứ Huế như Non bộ-Bình phong-Cửu đỉnh-Bộ ấn kiếm cuối cùng của triều Nguyễn-Kim bảo Ngọc tỷ-Bàn ủi,,... Người con xứ Huế, cùng nhân dân cả nước ắt hẳn vô vùng tự hào với 902 di tích lớn nhỏ được tính đến hiện tai tại Huế. Trong đó, quần thể di tích Cố đô đã được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới với 16 cụm di tích (nay được mở rộng lên gần 30 cụm và đã được công nhận là Di tích đặc biệt cấp quốc gia). Ít có nơi nào như ở Huế vẫn còn bảo tồn được gần như nguyên vẹn, hoàn hảo một hệ kiến trúc thành trì pha trộn phong các truyền thống và phương Tây; một hệ cung điện độc đáo với điện, đình, lầu, các, lang, tạ,…; một hệ đàn miếu với đủ cả đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, miếu thờ Tổ, miếu thờ Thần,…; một hệ thống lăng tẩm với quy mô lớn và phong cách độc đáo; một hệ thống cầu cống, thủy đạo cổ vẫn vận hành qua hàng thế kỷ; một hệ thống vườn cung đình; hệ thống hành cung, chợ búa; hệ thống phủ đệ, nhà vườn gần như phân bố đều khắp trong khu đô thị cổ… Bên cạnh đó, kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ của Huế cũng được tác giả giới thiệu đến bạn đọc như: Nhã nhạc cung đình, lễ hội cung đình, lễ tế, tế hưởng, nghi thức-lễ nghi cung đình triều Nguyễn, hệ thống nghệ thuật dân gian phong phú, hệ thống làng nghề thủ công truyền thống độc đáo, hệ thống nghệ thuật ẩm thực đặc sắc tinh tế,…Nhưng đứng trước tốc độ phát triển và sự thay đổi của đất nước, của đô thị, Huế cần phải làm gì để giữ gìn và phát huy, bảo tồn hệ thống các giá trị văn hóa-di sản trên của mình? Xin mời quý độc giả cùng tìm đọc “TẢN MẠN VỀ HUẾ - TỪ GÓC NHÌN DI SẢN VĂN HÓA” để có được đáp án mình mong muốn. Kính mời quý độc giả tìm đọc tác phẩm “TẢN MẠN VỀ HUẾ - TỪ GÓC NHÌN DI SẢN VĂN HÓA” hiệncó tại Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều, Số 12 Phan Văn Trị, P.An Phú, q.NK.