THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY
Bài GTS tuần 2 tháng 5
Thứ hai - 06/05/2024 21:171660
Nhân kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19 tháng 5, Tổ Thư viện xin gởi đến quý thính giả những câu chuyện về Bác, những câu chuyện về đời thường của một danh nhân thế giới qua quyển sách “Chuyện thường ngày của Bác Hồ” do tác giả Hồng Khanh sưu tầm, tuyển chọn. Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2007.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và của thế giới. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt Trận, Nhà Nước và Quân Đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Bao nhiêu sách báo trong nước và ngoài nước đã viết, đang viết và tiếp tục viết về sự nghiệp hoạt động cách mạng, tư tưởng và cả cuộc sống sinh hoạt thường ngày của Người. Nhân kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19 tháng 5, Tổ Thư viện xin gởi đến quý thính giả những câu chuyện về Bác, những câu chuyện về đời thường của một danh nhân thế giới qua quyển sách “Chuyện thường ngày của Bác Hồ” do tác giả Hồng Khanh sưu tầm, tuyển chọn. Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2007. Người ta sinh ra ở đời, dù làm đến chức cao nhất hay chỉ người dân bình thường, hằng ngày đều phải ăn, mặc, đi lại, làm việc, tiếp xúc với mọi người… Những sinh hoạt thường ngày không thể thiếu ấy được thể hiện cầu kỳ hay giản dị, lịch sự hay buông thả, xa hoa hay tiết kiệm, đài các hay bình dân… phụ thuộc một phần điều kiện vật chất, hoàn cảnh xã hội, nhưng phần lớn hơn có tính quyết định là phụ thuộc ý thức, tư tưởng và ý chí rèn luyện không ngừng của con người đó. Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đến ngày Người đi xa. 2/9/1969 khoảng xấp xỉ một phần tư thế kỷ ấy, đất nước Việt Nam gặp biết bao sóng gió bão bùng. Nhưng dưới tay lái vững vàng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, con thuyền cách mạng Việt Nam vẫn tiến lên vượt hết mọi khó khăn gian khổ giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người Việt Nam không những vĩ đại trong tư tưởng, trong sự nghiệp vì dân vì nước mà còn vĩ đại mẫu mực cả trong nếp sống hằng ngày. Sau CMT8 năm 1945, Nhà nước VNDCCH ra đời. Để giúp việc Chủ tịch HCM và Chính Phủ điều hành đất nước, Văn phòng Phủ Thủ Tướng được hình thành trong đó có một bộ phận đặc biệt bước đầu gồm tám người được phân công phục vụ trực tiếp Bác Hồ về các công việc sự vụ hằng ngày từ hành chính, cận vệ, chăm sóc sức khỏe đến tài xế…Bộ phận này trong suốt thời gian ở chiến khu Việt Bắc để đảm bảo bí mật, thường được gọi là C.Q 41 nghĩa là cơ quan 41. Con số 41 là lấy hai số cuối của năm 1941, năm Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba nước ngoài đi tìm đường làm cách mạng. Tám đồng chí đó là Võ Chương, Nguyễn Cần, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Văn, Hoàng Văn Phúc, Chu Phương Vương, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình được Bác Hồ trìu mến đặt tên theo thứ tự là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi với mong muốn hằng ngày gọi tên các tên các chú là nhắc nhở Bác phải lo làm sao hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Bác là cùng với Đảng, Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi. Niềm vinh dự tự hào được Chủ Tịch nước đặt tên càng thôi thúc 8 đồng chí không ngừng làm tốt nhiệm vụ. Từ đấy, trong tiếp xúc hằng ngày hai tiếng Bác Hồ chính thức được gọi thay cho năm chữ “Chủ Tịch Hồ Chí Minh” với cả tấm lòng kính trọng, biết ơn, gần gũi và thương yêu vô hạn. Đối với những người được vinh dự trực tiếp giúp việc cho Bác càng hết sức vui mừng được Bác gọi bằng “chú” với cả tình thương ân cần, trìu mến, giúp đỡ, dạy bảo không hề có chút cách biệt từ đó tình Bác cháu, tình đồng chí càng thể hiện sâu đậm. Đồng chí Triệu Hồng thắng kể lại thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lương thực thực phẩm thiếu thốn. Bác cùng ăn như anh em giúp việc. Chỉ khác là mỗi bữa ăn của Bác có thêm một bát nước cơm mà đồng chí cấp dưỡng cố chắt gạn để Bác có thêm bồi dưỡng. Các anh em giúp việc cho Bác chỉ lo làm sao bảo đảm được mọi nhu cầu vật chất và tinh thần cần thiết hằng ngày cho Bác để Bác vừa có thêm thời gian lo việc dân, việc nước vừa còn có thể thư giãn giải trí. Anh em thường nói với nhau “Sức khỏe của Bác là tài sản quốc gia” “Ngày nào Bác cũng vui, cũng khỏe, cũng thanh thản là điều mong của đồng bào cả nước”. Mỗi khi Bác đi công tác xa vài ba ngày trở lên, Bác không quên nhắc đồng chí phụ trách có thể cho anh em thay nhau về nghỉ với vợ con, gia đình, quê hương. Sự quan tâm dù nhỏ ấy của Bác càng động viên anh em phấn khởi làm việc hết mình. Câu chuyện chúng tôi vừa kể với quý thính giả được tác giả Hồng Khanh sưu tầm từ các ghi chép của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác lúc sinh thời. Và trong quyển sách “Chuyện thường ngày của Bác Hồ” còn rất nhiều mẩu chuyện ghi lại cuộc sống đời thường của Bác. Xin mời quý thính giả tìm đọc. Xin trân trọng kính chào.