Tiểu thuyết gia W. Thackeray từng nói: “Gieo hành vi, bạn sẽ gặt thói quen; Gieo thói quen, bạn sẽ gặt tính cách; Gieo tính cách, bạn sẽ gặt số phận”, có nghĩa rằng mỗi việc làm hằng ngày chính là nguyên nhân quyết định ta là ai, sẽ trở thành người như thế nào. Và bởi vậy, cẩn thận, chu đáo, lòng dũng cảm, sự khiêm tốn hay phép lịch sự…là đức tính được vun trồng từ những việc làm nhỏ nhặt thường ngày. Tính cách và nhân cách của mỗi con người không phải là một hằng số bất biến, thay đổi thói quen xấu để tạo lập thói quen tốt hơn giúp chúng ta trở nên hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn từng ngày. Cũng như khi lòng nhân ái thật sự được mở rộng thì ta có thể dung chứa được mọi lối sống, mọi kiểu cách, mọi quan điểm, mọi phê bình…của người khác mà không cảm thấy bực bội hay khó chịu. Trái lại ta còn có khả năng hướng mình và người khác tới một đồng cảm gần gũi hơn, sâu sắc hơn, cho dù bên ngoài có những khác biệt về cách thức thể hiện. Đây cũng chính là những thông điệp mà quyển sách “Ươm mầm trí tuệ” mà tác giả và Tổ thư viện chúng tôi muốn gởi tới quý thính giả và quý độc giả trong tháng 4 này.
Từ nhiều nguồn trên internet, sách, báo, sáng tác… tác giả Quang Lân đã sưu tầm và tuyển chọn nên quyển sách “Ươm mầm trí tuệ” gồm những câu chuyện về tấm gương danh nhân tri thức nổi tiếng trong lịch sử nước ta và trên thế giới đã phải vượt qua bao gian nan thử thách để chiếm lĩnh đỉnh cao trí tuệ, lòng dũng cảm, tính hy sinh, sự khiêm tốn, tình yêu thương cảm thông sâu sắc từ những con người rất đỗi bình dị và gần gũi xung quanh chúng ta. Từ những câu chuyện trong quyển sách hy vọng sẽ giúp độc giả không chỉ nâng cao vốn hiểu biết mà còn giúp rèn giũa “gieo hành vi”, “gieo thói quen” để có thể gặt hái những thành công xứng đáng.
Nội dung quyển sách bao gồm rất nhiều câu chuyện về tiểu sử của các danh nhân trong nước và thế giới, chúng tôi xin giới thiệu đến quý thính giả 2 vị danh nhân tiêu biểu:
1. Đoàn Thị Điểm: vượt lên phận nữ nhi: Đòan Thị Điểm là con gái của Ông Hương Cống Đoàn Doàn Nghi, từ nhỏ bà đã được dạy dỗ chu đáo thuộc làu Tứ thư, Ngũ kinh. Năm 16 tuổi, có quan Thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi để tiến cử vào cung Chúa Trịnh như bà nhất định từ chối. Dưới thời phong kiến, dù có tài năng uyên bác, người phụ nữ vẫn không được ra khỏi nhà, không được đi thi, không được làm nghề dạy học. Năm 35 tuổi, mặc dù nghề bốc thuốc cũng đủ tạm nuôi gia đình nhưng bà ngẫm nghĩ rằng cái vốn học vấn và văn tài thì chưa có cách nào thi thố được. Bà Điểm thường nói “ Xem qua các chuyện đàn bà con gái ngày xưa thì thấy không hiếm kẻ tài hoa nhưng chưa từng có người dạy học trò đậu đạt”. Nhân thời nhiễu nhương, Bà Đoàn Thị Điểm cho rằng mình đủ tư cách để vượt thói thường nên mở trường học tại nhà, vừa bốc thuốc vừa truyền đạo thánh hiền. Danh tiếng của bà đã thu phục được lòng người, con em gần xa nô nức cắp sách đến trường bà Điểm. Bà còn là người mở ra hình thức khuyến học đó là bà dùng tiền lương mở lớp học ở các làng quê, giúp đỡ trẻ em nghèo được đi học. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, vào thời trung đại duy nhất có bà Đoàn Thị Điểm là nữ mở trường dạy học và trở thành danh sư. Dù ở xã hội phong kiến không dành cho phụ nữ những ngôi vị quan lại và có điều kiện thi cử ngang hàng với nam giới với những tác phẩm để đời, bà đã được người người tôn vinh là một nữ sĩ có thi tài lỗi lạc với lời thơ tao nhã đài các, bóng bẩy, giàu âm điệu và là một phụ nữ mẫu mực nho phong, đầy đủ hiếu thảo nghĩa khí.
2. Thôi Kỳ: Vừa học vừa làm: Thôi Kỳ - nhà khoa học người Mỹ gốc Hoa, nhờ phát hiện ra phản ứng Hall phân số lượng tử nên đã giành được giải Nobel Vật lý năm 1998. Ông sinh ra ở một vùng đất hạn hán nghèo nàn, trong gia đình đông anh em nên điều kiện sinh hoạt gia đình rất khó khăn. Ngay từ nhỏ ông đã hiểu được sự gian nan vất vả của cuộc sống, vì tiền đồ của ông, chị gái ông đã đón ông sang Hồng Kong học hành. Biết chỉ còn một con đường duy nhất nên ông ra sức học tập, ngoài thời gian học ông còn tranh thủ làm thêm. Dựa vào tiền học bổng và làm thuê, ông tốt nghiệp xuất sắc trung học và giành được học bổng học tập tại học viện Augustav, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu tại trường Đại học Chicago và đạt được học vị Tiến sĩ. Tất cả những thành công đều dựa vào tiền học bổng, một đứa trẻ nông dân không một xu dính túi đến Mỹ giành được học vị Tiến Sĩ. Cũng chính nhờ quá trình vượt khó này, ông đã luyện tập được một trang thái cân bằng khi đối mặt với vinh hoa và nghèo khó sau này. Ông vinh dự đươc mọi người gọi là “Người chỉ giỏi làm, không giỏi thu hoạch” trong giới khoa học.