THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY
Bài GTS tuần 3 tháng 12
Thứ hai - 18/12/2023 03:568750
Quyển sách là cả một nghiên cứu toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền với rất nhiều cống hiến.
Người Cần Thơ thường tự hào về quê hương của mình nằm trên bờ sông Hậu, gạo trắng nước trong, vườn cây xanh mát, hoa trái bốn mùa và đã góp phần hình thành cái nôi chung của nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương Nam Bộ thu hút lòng người. Từ vùng đất này, ở cái thời nào cũng xuất hiện những soạn giả và nghệ sĩ cải lương nổi danh cả nước, trong đó có cố soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền (1876 – 1953) người làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt nốt, tỉnh Long Xuyên (thời Pháp thuộc) nay là xã Trung kiên, quận Thốt nốt, TP Cần Thơ. Và đây cũng chính là quyển sách có cùng tựa đề mà chúng tôi muốn giới thiệu đến quý thính giả trong tháng 12 này. Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền xuất thân từ phong trào thơ ca bình dân – đờn hát tài tử ở vùng quê sông nước Hậu Giang và đã trở thành một tài năng sân khấu cải lương cùng thời với các nghệ sĩ Cao Văn Lầu, Năm Châu, Bảy Nhiêu, Phùng Há… Mộc Quán lớn lên trong một “thời đại nhiều bi thương nhưng anh dũng” của đất nước: Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn thì chủ hòa, nhân dân cả nước thì chủ chiến dưới sự lãnh đạo của nhiều anh hùng dân tộc, nhiều phong trào yêu nước nổi lên nhưng chưa tìm thấy lối đi đúng đắn. Lớn lên trong bối cảnh đó, Mộc Quán chắc chắn rằng sẽ còn nghe kể về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá (1868), cuộc nổi dậy chống Pháp của nghĩa quân Đinh Sâm ở vùng Ba Láng – Phong Điền vào năm 1868; được nghe những vần thơ yêu nước đầy khí khái của Cử nhân Phan Văn trị (1830 – 1910); chắc chắn có sự ảnh hưởng của các phong trào yêu nước như phong trào “Khuyến học du hội” do nhà sư Nguyễn Giác Nguyên trụ trì chùa Nam Nhã ở Cần Thơ vận động hoặc “Hội khuyến học” ở Long Xuyên, Cần thơ. Trong bối cảnh đó, Mộc Quán đã có sự chuyển hướng tích cực từ chỗ làm công cho chủ Tây. Làm hương chức sang con đường văn học – nghệ thuật và có thể nói cả cuộc đời ông đã cống hiến cho sự nghiệp này, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật sân khấu. Quyển sách là cả một nghiên cứu toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền với rất nhiều cống hiến: - Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền đã có công cùng với ông Vương Có thành lập gánh hát Tập Ích Ban vào năm 1916 – Một trong những gánh hát cải lương sớm nhất ở Cần Thơ và ở Nam Bộ. - Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền là người có công đưa bản Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu lên sân khấu cải lương vào năm 1923 qua việc nhuận sắc vở “Tối độc phụ nhơn tâm” của soạn giả Nguyễn Công Bình. - Qua gần 37 năm (1916 – 1953) cống hiến cho nghệ thuật, Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Là người góp phần tạo cơ sở, nền móng cho nghệ thuật, phương pháp viết kịch bản cải lương, các tác phẩm sân khấu có giá trị của ông được nhiều thế hệ sau học tập, phát triển, ông cũng là người góp phần đào tạo ra những ngôi sao tiên phong của sân khấu cải lương Nam Bộ. Nội dung cốt lõi qua phân tích 1 vở tuồng 3 trích đoạn của Mộc Quán “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” được gởi gắm qua hình tượng Hoa Mộc Lan; Sự hy sinh tất cả quyền lợi, tình yêu đôi lứa, phẩm giá người phụ nữ … cho đất nước qua các hình tượng Huyền Trân Công chúa, Điêu Thuyền, Bạch Thu Hà…Đó chính là đóm sáng kêu gọi sự thức tỉnh lòng yêu nước của soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền trong bối cảnh tối tăm của đất nước, nhân dân ta sống dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, qua đó cũng nói lên một điều: tác phẩm nghệ thuật phải phản ánh tâm tư nguyện vọng và nói lên tiếng nói của quần chúng. Chính tư tưởng yêu nước đã giúp cho Mộc Quán chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả trong một thời gian rất dài. Về nghệ thuật, Mộc Quán đã thể hiện tài năng của mình trong nhiều lĩnh vực. Trên cái nền tư tưởng yêu nước, sự tiến bộ, lòng trung quân ái quốc …ông đã xây dựng cốt truyện các nhân vật, các tuyến nhân vật, phân màn cảnh… hết sức logic và lôi cuốn người xem. Ông đã sử dụng bài bản ca hết sức “ăn khớp” hợp lý trong các tình huống kịch. Những lời ca, ngôn ngữ của các nhân vật đều những bài thơ hoặc là những câu văn vần. Điều này dễ hiểu vì trước khi là soạn giả, ông đã là một nhà thơ. Nét độc đáo nhất trong sáng tác các vở cải lương của Mộc Quán: sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, nâng cao khéo léo, nhuần nhuyễn giữa các loại hình: hát bội, ca ra bộ, kịch nói..Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cái dân tộc và cái hiện đại, giữa hiện đại và truyền thống. Đó là sự đóng góp về phương pháp viết kịch bản nói riêng, góp phần xây dựng nền tảng, cơ sở nói chung cho một nền nghệ thuật mới: sân khấu cải lương trong buổi đầu mới hình thành. Chính vì thế mà nhiều vở tuồng của ông trở thành những tác phẩm kinh điển cho mãi tới bây giờ. Và những tác phẩm kinh điển đó là gì, và những người học trò đầu tiên của nền cải lương Nam Bộ của Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền là ai? Xin mời quý thính giả đến Thư Viện – Trung tâm VH-TT và Truyền thanh quận Ninh Kiều để tìm đọc. Xin chào và hẹn gặp lại.