Phụ nữ và trẻ em luôn là nhóm đối tượng nhận được sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ được ưu tiên hàng đầu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đối với trẻ em, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (khoản 1 Điều 37). Đặc biệt, Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm nhất quán về bảo vệ quyền của phụ nữ xuyên suốt, trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), 2013. Trong đó, Hiến pháp năm 2013, khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội về bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Điều 26).
Hiện nay, xã hội phát triển với tốc độ rất nhanh, các vấn đề phát sinh trong xã hội cũng tăng nhanh tương ứng. Hàng ngày, phụ nữ và trẻ em phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn trên khắp thế giới như phân biệt-kì thị giới tính, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm sinh lý, nạn đói, nạn thiếu thốn lương thực-y tế, sự bạo hành gia đình, bị tấn công quấy rối, bị hạn chế tham gia các tổ chức chính trị-xã hội, hạn chế về tiếp cận giáo dục và các tổ chức bảo vệ quyền lợi ích chính đáng, bị ép thực hiện các hủ tục phong kiến mê tín, bị đối xử tệ do ảnh hưởng giai cấp,..v..v.. với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chính vì thế, phụ nữ và trẻ em cần phải tự trang bị cho mình thêm nhiều kiến thức liên quan đến quyền của mình. Nói đến quyền phụ nữ, quyền trẻ em là nói đến những quyền con người mà chỉ phụ nữ, trẻ em có được với tư cách là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của phụ nữ, trẻ em được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia cũng như trong các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Từ đó, phụ nữ và trẻ em có thêm công cụ và tiếng nói để tự bảo vệ bản thân mình, kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong các trường hợp bị vi phạm quyền lợi ích hợp pháp của mình.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2024 với khẩu hiệu “Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh!”, “Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc hơn!” Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả ấn phẩm “Hỏi-đáp Quyền phụ nữ, quyền trẻ em theo công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam” được Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc liên kết Công ty Cổ phần tri thức văn hóa sách Việt Nam – Vina Book JSC xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc năm 2022 do Tiến sĩ Đỗ Xuân Lân biên soạn. Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thường thức cơ bản nhất về quyền phụ nữ, quyền trẻ em trong các điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam đã công nhận và được bảo vệ.
“Hỏi-đáp Quyền phụ nữ, quyền trẻ em theo công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam” gồm 115 trang in giấy vàng nhạt, khổ in 14cmx20cm, bìa cứng in màu sắc bắt mắt. Nội dung sách gồm 2 phần: Phần I Quyền phụ nữ và Phần II Quyền trẻ em. Sách tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề cơ bản về quyền phụ nữ, quyền trẻ em, bao gồm các khái niệm, đặc điểm, các quyền cụ thể trong điều ước quốc tế cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền phụ nữ, quyền trẻ em.
Thông qua các câu hỏi – đáp Trong Phần I về quyền phụ nữ, độc giả sẽ hiểu rõ hơn Công ước CEDAW - Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, được Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành ngày 18/12/1979, tính đến ngày 08/4/2002 có 168 quốc gia là thành viên. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia CEDAW vào ngày 29/7/1980 và phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Đồng thời, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về ghi nhận và bảo vệ quyền phụ nữ cũng được tác giả ghi rõ trong phần này. Qua Công ước CEDAW, phụ nữ được bảo vệ trong vấn đề phân biệt đối xử, ghi nhận và bảo đảm thực thi các quyền của phụ nữ về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,.v..v…trong đó nổi bật là các quyền bình đẳng với nam giới, như: Quyền bình đẳng với nam giới trong tham gia bầu cử, ứng cử và tham gia trong bộ máy nhà nước (Điều 7); cơ hội đại diện cho chính phủ của mình trên diễn đàn quốc tế và tham gia công việc của các tổ chức quốc tế (Điều 8); quyền nhập, giữ nguyên hay thay đổi quốc tịch của mình (Điều 9); quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 15); quyền bình đẳng trong giáo dục (Điều 10); quyền được hưởng các cơ hội làm việc và những phúc lợi xã hội, được hưởng thù lao trên cơ sở thành quả làm việc (Điều 11); quyền bình đẳng trong hưởng thụ các phúc lợi gia đình và tham gia các hình thức tín dụng (Điều 13); quyền bình đẳng trong tham gia các hoạt động giải trí, thể thao và các mặt của đời sống văn hóa (điểm c Điều 13); quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình (Điều 16). Ngoài bảo vệ phụ nữ trong bình đẳng giới, phụ nữ còn có: quyền được bảo vệ trước mọi hình thức buôn bán phụ nữ và bóc lột mại dâm phụ nữ (Điều 6); quyền được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (Điều 12),...
Trong Phần II về Quyền trẻ em, tác giả giới thiệu đến bạn đọc Công ước Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em - Công ước CRC được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989 và Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em vào ngày 20-02-1990. Công ước CRC gồm 03 phần với 54 điều khoản, bên cạnh định nghĩa còn có các nguyên tắc chung của việc bảo vệ quyền trẻ em, các biện pháp bảo vệ đối với trẻ em tị nạn, trẻ em trong khu vực có xung đột quân sự, trẻ em bị bóc lột và trẻ em thuộc dân tộc thiểu số. CRC là văn kiện quốc tế có giá trị pháp lý cao nhất về quyền con người của trẻ em. Công ước CRC được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 và Việt Nam đã phê chuẩn Công ước vào ngày 20/02/1990, là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ quyền trẻ em cũng được tác giả ghi rõ trong phần này.
Với mong muốn giúp bạn đọc có thêm một cách tiếp cận với quyền con người, quyền phụ nữ, quyền trẻ em thông qua hình thức hỏi và đáp trong quyển sách “Hỏi-đáp Quyền phụ nữ, quyền trẻ em theo công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam” nhằm trang bị cho bản thân vốn kiến thức khái quát hơn, toàn diện, có chủ đề chủ điểm hơn. Và Bộ phận Truyền thanh – Thư viện mong rằng, quyển sách được giới thiệu vừa rồi sẽ là một trong những ấn phẩm hay, bổ ích thiết thực và cần tìm đọc ngay đối với mọi thành viên trong gia đình của chúng ta. Hãy cùng đọc, cùng suy ngẫm, cùng thông tin và sẻ chia hiểu biết về quyền phụ nữ và quyền trẻ em ngay từ bây giờ, quý bạn đọc nhé!