Hiếu học là một nét đẹp trong truyền thống của dân tộc ta. Thuở xưa, nhiều gia đình dù nghèo đói đến mấy cũng cố gắng cho con đi học bởi học thành tài, ra làm quan sẽ làm rạng danh cha mẹ, dòng tộc. Sử sách đã lưu danh nhiều tấm gương vượt khó như Nguyễn Quán Nho, Đoàn Tử Quang, Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi… Họ xuất thân bần hàn, không có tiền đi học nhưng đã cố gắng đạt được kiến thức bằng mọi cách, từ đứng ngoài nghe giảng, viết chữ lên cát cho đến bắt đom đóm làm đèn để học mỗi đêm. Họ cũng là những người không ngừng học hỏi, ngay cả khi đã đỗ đạt, vẫn luôn trau dồi kiến thức như Lê văn Hưu, Lê Quý Đôn. Các tấm gương vượt khó ấy, sử sách đã ghi chép để lưu truyền cho hậu thế.
Những con người hiếu học xuất thân nghèo khổ, thương cha mẹ mà phấn đấu cũng là những người con có hiếu. Tiếp thu tri thức và truyền thống nho học, họ không chỉ là những người con có hiếu với cha mẹ mà còn trung với vua, với đất nước. Đó là Trần Hưng Đạo xemchwx hiếu với nghĩa cao cả hơn - đó là hiếu trung với đất nước, là Nguyễn Trãi vâng lệnh cha, không theo sang Trung Quốc khi người cha bị giặc Minh bắt đi, ở lại theo Lê Lợi kháng chiến, là một Tô Hiến Thành kiên trì đến cùng chức trách của một cố mệnh đại thần, bất chấp mọi sự dồn ép của các thế lực trong triều đình...
Quyển sách “Kể chuyện gương hiếu học và những người con trung hiếu” do Trường Khang biên soạn sẽ kể về những con người như thế. Đọc và hiểu về những tấm gương của người xưa với những đức tính tốt đẹp, giúp chúng ta càng có thêm động lực và ý chí vươn lên nắm bắt tri thức, sống cuộc đời có ý nghĩa, góp phần xây dựng đất nước ngày tươi đẹp.
Sách do Nxb. Hà Nội xuất bản 2022 với 219 trang, Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 371.3 / K250CH
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.027052; MA.027053
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061949