Nghệ thuật Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX. Đây là loại hình diễn tấu gồm 4 loại nhạc cụ là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này đã có sự cách tân với việc bổ sung một số nhạc cụ khác. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do những người lao động bình dân Nam Bộ sáng tác, biểu diễn sau những giờ làm việc. Chữ “tài tử” có nghĩa là người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc. Nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 5/12/2013.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu biết về một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, năm 2015, Nxb. Quân đội nhân dân tổ chức tái bản có bổ sung cuốn “Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử” của tác giả Võ Trường Kỳ.
Sách dày 219 trang, nội dung gồm 5 chương là những đúc kết của tác giả sau nhiều năm nghiên cứu, cung cấp đến bạn đọc những thông tin cơ bản về nghệ thuật đờn ca tài tử: Nguồn gốc phát sinh dòng âm nhạc tài tử Nam Bộ; phong trào âm nhạc ở Nam Bộ và quá trình hình thành hệ thống bài bản đờn ca tài từ; giá trị nghệ thuật cũng như việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống này... Ngoài ra, tác giả cung cấp một số bài viết liên quan cũng như giới thiệu một số thông tin về các nghệ nhân, nhạc sư đờn ca tài tử đã có nhiều đóng góp trong lưu truyền phát triển loại hình nghệ thuật này, trong đó có các nghệ nhân đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt nam truy tặng và phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
Xin trân trọng giới thiệu quyển sách “Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử” đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 781.62009597 / T310H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.054218
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009021; MG.009022