“Phần lớn bài viết trong tập này là những câu chuyện thật xoay quanh gia đình, người thân ruột thịt với nhiều kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống, nên có thể xem đây là một món quà tinh thần mà tác giả dành trọn cho gia đình và bè bạn tri âm. Khi bạn đọc có trên tay quyển sách nhỏ bé này thì nhiều người trong các trang viết nay đã hóa thành thiên cổ”.
Đó là những dòng tự sự của Nguyễn Quốc Nam – tác giả quyển “Nơi tình yêu ở lại”, Nxb. Hội Nhà văn ấn hành năm 2019.
Qua 120 trang, sách bao gồm 20 tác phẩm viết về cha, về mẹ, về những yêu thương mà tác giả đã trải qua. Trong tác phẩm “Phải chi” vì hoàn cảnh túng quẫn, bế tắc khiến người cha chìm trong men rượu để tìm quên. Say xong ông lại chửi, những tiếng lè nhè chửi vợ, chửi con hay chửi cuộc đời nghiệt ngã. Nhân vật “tôi” - một đứa bé chán ghét tiếng chửi ấy tự nhủ sẽ đi mua băng cát-sét về để thu tiếng chửi của ba, khi ba tỉnh thì mở cho ông nghe. Nghĩ nhưng không làm, rồi một ngày ba qua đời, anh đã nuối tiếc thốt lên rằng: “Phải chi – Phải chi ngày đó tôi thu tiếng nói của ba thì ngày nay tôi sẽ hạnh phúc lắm dù đó là tiếng nói lè nhè trong cơn mê say”.
Ở “Tôi con bà đồng nát” tác giả kể về mẹ anh - người từng làm nghề đồng nát, lam lũ gồng gánh mưu sinh và để có được ngày hôm nay tác giả đã phải nỗ lực gấp trăm ngàn lần người khác. Tác giả nhớ gánh ve chai của mẹ, nhớ ngôi nhà nhỏ vá chằng vá đụp thuở ấu thơ: “Nơi đó, anh em tụi con đã lớn lên trong tình yêu thương và sự nhọc nhằn của mẹ. Nơi đó, có tuổi ấu thơ của tụi con khắc khoải… đợi mẹ về”.
Hoặc tác phẩm “Múa lân trên đất Tây Đô xưa” giúp người đọc hiểu biết rõ hơn về một loại hình nghệ thuật dân gian đã xuất hiện lâu đời trên mảnh đất Tây Đô. Nghệ thuật múa lân có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng đã được ông cha ta sáng tạo, Việt hóa và trở thành một hoạt động văn hóa gần gũi không thể thiếu trong các dịp lễ, tết.
Quyển sách còn nhiều tác phẩm khác như: Hạnh phúc trong tầm tay; Đạo làm con; Vu Lan thắng hội;… Trong đó có hai tác phẩm “Nơi tình yêu ở lại” và “Huyền thoại về Danh sư Võ Thành Miêng & Võ phái Hắc Long” là viết về những người thầy của tác giả trong nghiên cứu khoa học võ học, về huyền thoại võ cổ truyền.
Bằng những câu chuyện rất thật, “Nơi tình yêu ở lại” giúp chúng ta theo chân tác giả để hoài niệm về những ký ức tuổi thơ. Các bạn cũng có thể sẽ bắt gặp tuổi thơ của mình phảng phất ở đâu đó trong các câu chuyện ấy, một tuổi thơ cơ cực nghèo khó nhưng có được một gia đình trọn vẹn và đầy ắp sự yêu thương của mọi người.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.922808 / N462T
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.022156; MV.022157