Điện ảnh những dấu ấn thời gian / Hải Ninh. - H. : Văn hoá - Thông tin, 2006. - 383tr.; 21cm

Chủ nhật - 14/03/2021 23:47 1.273 0
Điện ảnh những dấu ấn thời gian / Hải Ninh. - H. : Văn hoá - Thông tin, 2006. - 383tr.; 21cm
    Ngày 15 tháng 3 năm 1953, từ chiến khu Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 147 thành lập “Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam”. Từ đó đến nay, điện ảnh Việt Nam đã khẳng định vị trí và vai trò của mình trong đời sống văn hóa dân tộc, đã phục vụ hàng triệu người xem phim trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, thu hút đông đảo khán giả nhiều nước trên thế giới trong các cuộc giao lưu văn hóa, trong các liên hoan phim quốc tế và khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế bằng nhiều giải thưởng với các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nghệ thuật, giá trị về nội dung mang đậm tính nhân văn cao cả và bản sắc dân tộc Việt Nam.
     Nhằm ghi lại những phát triển của điện ảnh Việt Nam qua nhiều giai đoạn, những thành công và khó khăn của phim, cũng như tài năng của những diễn viên điện ảnh đã tạo nên những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao qua thời gian, Nghệ sĩ Nhân dân Hải Ninh đã viết quyển sách “Điện ảnh những dấu ấn thời gian” được Nxb. Văn hoá - Thông tin xuất bản năm 2006. 
    Sách dày 383 trang gồm 2 phần:
    Phần một với các viết như: Cái nôi của dòng phim nghệ thuật; Lớp quay phim vỡ lòng ngày ấy; Chiến dịch Hồ Chí Minh - Chúng tôi làm phim Thành phố lúc rạng đông; Trà Giang và những cuộc hành hương sau 30 năm; Hà Nội - 12 ngày đêm trở dạ; Cảm xúc và sáng tạo; “Em bé Hà Nội và cuộc hành trình 25 năm; Từ những cái nhìn của một đạo diễn Mỹ - Phillip Noyce; ... Trong đó, bộ phim “Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm” được tác giả dành nhiều trang viết như: Nhân vật và cuộc đời; Thâm nhập thực tế Vĩnh Linh; Diễn viên và nhân vật; Dàn dựng - bối cảnh - tạo hình; Lâm Tới trong vai Trần Sùng; Trà Giang - diễn viên điện ảnh có đẳng cấp quốc tế; ... cho thấy được những chặng đường nghệ thuật để tạo nên một bộ phim có giá trị vượt thời gian, có ảnh hưởng lớn đến bạn bè quốc tế trong cái nhìn về điện ảnh Việt Nam.
    Phần hai là các bài viết như: Đạo diễn Hồng Sển - một tài năng nghệ thuật của điện ảnh Việt Nam; nghệ sĩ và nhân vật Lâm Tới trong phim “Cánh đồng hoang”; “Mùa gió chướng” - mùa gió đang lên; Như Quỳnh - một nét đẹp dân tộc và hiện đại; Lê Vân - Những bước đi của hoàng hậu; “Điện Biên Phủ” và hồi ức của người đạo diễn già 85 tuổi; Nhìn sâu vào một tác phẩm đoạt hai giải vàng quốc gia và quốc tế “Đời Cát”; Từ “Thung lũng hoang vắng” đến kinh đô Hàn Quốc - Seoul; Qua hai bờ đại dương, thế hệ điện ảnh trẻ Việt Nam tự khẳng định; ... 
    Riêng ở bài “Thử bàn về một số phong cách, màu sắc trong phim truyện Việt Nam”, tác giả đã nêu nhận định về phim truyện Việt Nam giai đoạn 1959 - 1999:  “Từ quy mô sản xuất đơn giản của thể loại phim thời sự, tài liệu buổi ban đầu, chúng ta đã có thể xây dựng một loại hình nghệ thuật phức tạp một cách chính quy, một công nghệ điện ảnh khép kín từ các khâu văn học, nghệ thuật cho đến khoa học kỹ thuật, là một điều kỳ diệu mà không phải bất cứ quốc gia nào cũng làm được... Qua hàng trăm bộ phim, các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam đã có nhiều sáng tạo nghệ thuật và đã tạo ra những phong cách khác nhau. Sự công nhận và khẳng định đó đã vượt ra ngoài phạm vi một quốc gia, đã ghi dấu ấn trên một loạt các giải thưởng có giá trị nghệ thuật cao, trong các liên hoan phim quốc tế như Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm; Con chim vành khuyên; Mối tình đầu; Đến hẹn lại lên; Hồi chuông màu da cam; Em bé Hà Nội; Đường về quê mẹ; Hai người lính; Kim Đồng; Bao giờ cho đến tháng mười; Cỏ lau; Thương nhớ đồng quê; Trừng phạt; Cây bạch đàn vô danh; Giải hạn; Ngã ba Đồng Lộc...”.
     Là thế hệ đi trước có nhiều đóng góp cho điện ảnh nước nhà, tác giả cũng đã bày tỏ: “Nhìn lại một chặng đường, điện ảnh Việt Nam lại đang đứng trước những thách thức lớn lao trên con đường phát triển và tồn tại của mình. Điều làm cho chúng ta còn niềm tin và hy vọng là, trong muôn vàn khó khăn đã xuất hiện một đội ngũ nghệ sĩ trẻ, được đào tạo chính quy. Học vấn và trí tuệ của họ cho phép cảm nhận một thế giới hài hòa, với tinh thần vị tha, cởi mở, biết vượt qua quá khứ để đến với tương lai”. 
     Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Điện ảnh những dấu ấn thời gian” để hiểu hơn về lịch sử điện ảnh Việt Nam, từ đó có thể biết rồi tìm xem những bộ phim hay có giá trị vượt thời gian của điện ảnh nước nhà và sẽ có được những cảm nhận của riêng mình.
    Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
    ▪ Ký hiệu phân loại: 791.4 / Đ305A
    ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.035806
    ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.004251; MG.004252

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây