Hiện nay du lịch sinh thái đang ngày càng được quan tâm và khuyến khích phát triển tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc phát triển du lịch sinh thái không chỉ đóng góp và sự phát triển hoạt động du lịch, đem lại lợi ích cho cộng đồng, mà còn đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái với sự đa dạng sinh học (trong đó có nhiều loài đặc hữu hoang dã và các hệ sinh thái đặc sắc) cùng các giá trị văn hóa bản địa độc đáo. Phát triển du lịch sinh thái sẽ mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là các vường quốc gia. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của du lịch sinh thái đối với sự phát triển du lịch và cộng đồng, Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam luôn xác định du lịch sinh thái là loại hình du lịch ưu tiên phát triển. Định hướng này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi phát triển du lịch đang hướng tới nền kinh tế xanh, góp phần tích cực vào phát triển bền vững và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Nhằm tăng cường nâng cao nhận thức của xã hội, về tầm quan trọng của phát triển du lịch sinh thái trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên, quyển sách “Phát triển du lịch sinh thái” do Nguyễn Hà Anh, Việt Phương biên soạn sẽ cung cấp một số kiến thức chung về du lịch sinh thái, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; tiềm năng và những nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam; vai trò của cộng đồng trong tham gia phát triển du lịch sinh thái; kinh nghiệm và một số mô hình du lịch sinh thái thành công tại Việt Nam và trong khu vực ASEAN.
Trong đó, trình bày một số mô hình du lịch sinh thái thành công của Việt Nam ở một số nơi như: Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng; Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Mô hình trang trại làm du lịch sinh thái ở Lương Sơn (Hòa Bình); Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn ở Trà Vinh; Du lịch sinh thái vườn tiêu ở Phú Quốc; Nhà dài Tà Lài - mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch nhân văn…
Với 115 trang, quyển sách “Phát triển du lịch sinh thái” do Văn hoá dân tộc xuất bản năm 2022, Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 338.4 / PH110TR
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.027048; MA.027049
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061947