Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là: “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007).
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là một trong những vấn đề không chỉ riêng ở một quốc gia hay vùng lãnh thổ mà còn là vấn đề mang tính chất toàn cầu. BLGĐ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội của cá nhân, gia đình, cộng đồng và quốc gia; là nguyên nhân gây ra những tổn thất về mặt thể chất, tinh thần đối với nạn nhân, trở thành rào cản đối với cơ hội phát triển của nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Quyển sách “Bạo lực gia đình ở Việt Nam - Thực trạng và các yếu tố tác động” do PGS.TS. Đặng Thị Hoa chủ biên, Nxb. Khoa học Xã hội xuất bản năm 2020 sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về vấn đề này.
Quyển sách là kết quả nghiên cứu nằm trong chương trình “Nghiên cứu, đánh giá tổng thể về gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện. Sách dày 474 trang, gồm 5 chương:
Chương 1 trình bày lý thuyết và phương pháp nghiên cứu BLGĐ; Kinh nghiệm một số quốc gia như Lào, Malaysia, Hàn Quốc, Australia, Nepal về chính sách phòng chống BLGĐ và bối cảnh nghiên cứu phòng chống BLGĐ ở Việt Nam. Cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia đã ban hành khá nhiều bộ luật liên quan đến phòng chống BLGĐ như: Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật hình sự, Luật Hôn nhân gia đình... Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận đáng kể người dân còn hạn chế trong nhận thức, chưa tiếp cận hoặc hiểu biết một cách đầy đủ các bộ luật có liên quan dẫn tới còn nhiều hành vi vi phạm Luật phòng chống bạo lực gia đình và các quy định pháp luật khác. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho rằng, phòng chống BLGĐ là một vấn đề lớn, cần có sự can thiệp của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, của cộng đồng và ngay cả đối với nạn nhân và người gây ra bạo lực.
Chương 2 nêu những thực trạng BLGĐ hiện nay. Đó là bạo lực giữa vợ và chồng, bạo lực của cha mẹ với trẻ em, bạo lực với người cao tuổi. Theo nghiên cứu nhận thấy, ở Việt Nam người gây ra BLGĐ chủ yếu là nam giới, chiếm khoảng 86% số người gây BLGĐ, được xác định với vai trò là người chồng, người cha đối với con cái và người con của cha mẹ già. Tiếp theo là phụ nữ với vai trò là người vợ, người mẹ, người con của cha mẹ già. Bên cạnh những nạn nhân vốn được coi là nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, thì trong những năm gần đây đã ghi nhận, nam giới cũng phải chịu những hành vi BLGĐ, chủ yếu là bạo lực tinh thần và bạo lực kinh tế, một số trường hợp bị bạo lực thể xác và tình dục.
Chương 3 nghiên cứu và phân tích các yếu tố văn hóa, xã hội và kinh tế tác động tới BLGĐ. Qua đó nhận thấy yếu tố văn hóa như khuôn mẫu truyền thống và các mối quan hệ gia đình người Việt có tác động mạnh mẽ đến hành vi BLGĐ. Yếu tố này có thể là môi trường cho các hành vi BLGĐ tiếp diễn trở thành thói quen, nếp sinh hoạt hay lối sống của một bộ phận cá nhân, gia đình trong xã hội khó thay đổi. Yếu tố xã hội là một yếu tố có thể thúc đẩy thêm tình trạng BLGĐ, khi ảnh hưởng một số vấn đề tiêu cực của xã hội làm thay đổi lối sống của một bộ phận gia đình. Yếu tố kinh tế được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy hay hạn chế BLGĐ. Sự phân bổ thu nhập theo vai trò giới và mối quan hệ về quyền quyết định trong quản lý sản xuất, chi tiêu của hộ gia đình và thừa kế tài sản là những yếu tố ảnh hưởng đến BLGĐ.
Chương 4 trình bày tác động của chính sách trong phòng, chống BLGĐ. Cho thấy ở Việt Nam, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã được thi hành hơn 10 năm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống BLGĐ và bước đầu đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong hạn chế BLGĐ. Nhiều chính sách phòng chống BLGĐ và mô hình xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc đã được thực hiện triển khai trong toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện và triển khai các mô hình phòng, chống BLGĐ. Việc đánh giá thực hiện các mô hình, rút ra những bài học kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội ở từng vùng, từng địa phương là cần thiết.
Chương 5 trình bày định hướng chính sách và giải pháp phòng chống BLGĐ. Nhóm nghiên cứu đã nêu rõ một số giải pháp như: Đề cao trách nhiệm và cá nhân trong phòng chống BLGĐ; Đổi mới hoạt động của mạng lưới cộng đồng về phòng chống bạo lực gia đình; Đổi mới các chính sách và hoàn thiện việc triển khai các quy định pháp luật trong phòng chống BLGĐ; Lồng ghép thực hiện chính sách trong phòng chống BLGĐ. Đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin nâng cao nhận thức của người dân nói chung và của đội ngũ cán bộ thuộc các cấp chính quyền về bình đẳng giới và BLGĐ. Sự tham gia của chính quyền và các ban ngành, đặc biệt là công an, y tế giúp bảo vệ nạn nhân bị bạo lực, xử lý bạo lực. Tiếp tục triển khai những mô hình/dự án/ hoạt động can thiệp phòng chống BLGĐ là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Với cách tiếp cận liên ngành tìm hiểu các nguyên nhân, yếu tố tác động dẫn tới những diễn tiến, chu kỳ của BLGĐ, đi đến đánh giá thực trạng và nêu định hướng, giải pháp phòng chống BLGĐ, quyển sách “Bạo lực gia đình ở Việt Nam - Thực trạng và các yếu tố tác động” là tài liệu cần thiết giúp mọi người nâng cao nhận thức, cùng đấu tranh để hạn chế và từng bước xóa bỏ BLGĐ, xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
Ký hiệu phân loại: 362.8209597 / B108L
Phòng đọc: DV.058042;
Phòng mượn: MA.022460; MA.022461