“Chúng ta học thế nào?” là cuốn sách tóm lược các nghiên cứu và phát triển về cách thức mà não bộ của chúng ta hoạt động để có được ký ức và sau đó sử dụng chúng. Cơ chế học tập của bộ não rất kỳ lạ, nó vượt ra bên ngoài sự tập trung và kỷ luật tự thân thông thường. Trong cơ chế đó, sự phân tâm, sự gián đoạn, sự thay đổi môi trường học tập, giấc ngủ và thậm chí cả sự quên… cũng là một bộ phận cấu thành quá trình học tập hiệu quả. Muốn học thật tốt, chúng ta cần biết cách lười nhác một chút (thay vì miệt mài học hành quên cả việc chơi), ngủ nhiều hơn mộ chút (thay vì cố thức để nhồi thêm kiến thức), cần để đầu óc thư giãn (thay vì bắt nó học hành cực nhọc); tóm lại để học cho tốt chúng ta cần một cách học thông minh hơn thay vì chỉ chăm chỉ học đến mụ mẫm cả người.
Đó là thông điệp của Benedict Carey, tác giả quyển sách - một cây bút nổi tiếng trên tờ The New York Times. Bản thân tác giả là một người lận đận khi học hành vì học tập chưa đúng phương pháp, nhưng sau cùng đã hiểu cơ chế hoạt động của não bộ và có được thành công trên con đường khoa cử.
Các bạn hãy đọc quyển sách để hiểu biết chi tiết về cơ chế học tập của bộ não qua 4 phần (lưu trữ ký ức, giải quyết vấn đề, khai thác tiềm thức). Từ đó, các bạn có thể vận dụng để nhanh chóng cải thiện quá trình học tập hiệu quả hơn.
“Chúng ta học thế nào?” được Trần Trọng Hải Minh dịch, Nxb. Thế giới xuất bản năm 2022 với độ dày 402 trang. Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 153.1 / CH513T
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061092
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.013347; MH.013348