“Không để ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên!” (Olga Berggolts)
“Dấu thời gian - khát vọng của người xưa” là quyển sách giúp người đọc thêm hiểu biết về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Ở đây, hiện lên tinh thần yêu nước thương nòi của tiền nhân với những nỗ lực và khát vọng giải thoát quê hương khỏi đời lầm than, kiếp dân thuộc địa, đưa quốc gia dân tộc tiến vào đường văn minh hiện đại.
Sách so Trần Bảo Định biên soạn, nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2022 với độ dày 379 trang, gồm các bài viết: Tư tưởng kinh doanh Lương Văn Can và văn hóa doanh nghiệp thế kỷ XXI; Xà bông Cô ba; Doanh thương Việt Nam đầu thế kỷ XX: thực nghiệp và tư tưởng; Xà bông Con Vịt; Nguyễn Hảo Vĩnh: Mộng cứu quốc bất thành; Thất Sơn - Truyền thuyết ông Ba Mươi; Hồ Hữu Tường: Phi lạc cõi nhân gian; Con trùn đất đồng bằng sông Cửu Long; Nỗi lòng Đồ Chiểu hay Phan Văn Hùm? Cây sầu đâu bên kia đường Nhà thờ Đức Bà; Tạ Thu Thâu - Chàng trai Lấp Vò trên đất Pháp; Tư Thâu thời niên thiếu ở quê nhà; Thanh niên cao vọng Nguyễn An Ninh; Người phụ nữ ấy!
Theo nhịp thời gian, sách giúp người đọc nhận ra mối tương liên thế hệ sĩ phu - tri thức Việt Nam từ đầu thế kỷ XX và sự tiếp nối giữa Duy Tân và Minh Tân; giữa các thế hệ chí sĩ yêu nước từ Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Háo Văn đến Nguyễn Hảo Vĩnh - người đại diện cho thành tựu của phong trào Minh Tân, kết quả của việc gắn kết giáo dục - doanh thương - minh tân đất nước. Theo đó, tác giả làm rõ quá trình chuyển hướng từ “Đông du” sang “Tây du” trong quan niệm yêu nước và hoạt động đấu tranh chống thực dân Pháp. Giới trí thức Tây học như: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường…. mở rộng phạm vi hình thái, cách thức đấu tranh chống Pháp từ “quốc gia” đến “quốc tế”. Nhưng trên hết, chúng ta - người hậu thế nên nhìn thấy và ghi nhớ một điều cốt lõi là các hoạt động ấy của người xưa đều xuất phát từ tinh thần yêu nước thương nòi, mong mỏi thoát khỏi thân phận dân mất nước.
Bố cục tập sách mở đầu với Lương Văn Can (đại diện tầng lớp sĩ phu) rồi kết thúc với Nguyễn An Ninh (đại diện tầng lớp trí thức Tây học), tác giả giúp người đọc nhận ra Nguyễn An Ninh cũng như nhiều trí thức Nam Kỳ lúc bấy giờ, đã góp phần làm dịch chuyển hệ hình tư duy yêu nước, bước tiến cần thiết cho sự hình thành và phát triển phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp nữa đầu thế kỷ XX. Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường…. cần được ghi nhận như những nhà trí thức tiên phong của nước Việt - biểu tượng tinh thần chống ngoại xâm, nỗ lực giải phóng dân tộc và phát triển đất nước.
Tác giả cũng gửi đến bạn đọc lời nhắn gửi tận đáy lòng: Không chỉ kế thừa tài sản, người đương thời cần ngẫm nghĩ để kế thừa di sản khát vọng của người xưa! Gắng giữ gìn hồn thiêng sông núi!
Trân trọng giới thiệu quyển sách “Dấu thời gian - khát vọng của người xưa” đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.703 / D125TH
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061326
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.011103; MG.011104