“Tổ quốc Việt Nam nằm trên một vị trí đắc địa với “tọa độ không gian ba chiều” lý tưởng. Nhìn về địa lý tự nhiên, về văn hóa và lịch sử, về vị thế chiến lược thì nước Việt Nam vừa là một quốc gia Đông Á, vừa là một quốc gia Đông Á, lại nằm trên giải phía Tây của vành đai Thái Bình Dương. Do vậy đã hình thành một môi trường văn hóa có cội nguồn từ các thung lũng, châu thổ canh tác lúa nước, tiếp thu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa từ Đông Bắc cùng văn minh Ấn Độ từ Đông Nam, lại mở cánh cửa ra Biển Đông đón nhận trào lưu văn minh từ phương Tây tràn tới”.
GS.NGND.Vũ Dương Ninh - Đại học Quốc gia Hà Nội
“Nhờ vào vị thế địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - chính trị khoan dung và khoáng đạt, qua các thời đại, cư dân miền Trung Việt Nam đã biết tranh thủ những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, nhân văn để tiếp xúc, giao lưu kinh tế, văn hóa. Không gian văn hóa đó vừa thể hiện cơ tầng văn hóa bản địa, vừa mang những sắc thái đa dạng của nhiều nền văn hóa phương Đông, thế giới… đồng thời thể hiện tính hướng biển điển hình và sinh động nhất so với các không gian văn hóa khác nhau của Việt Nam”.
GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung - Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN
“Các nhà khảo cổ học đã tiến hành điều tra khảo cổ quần đảo Trường Sa vào năm 1993 -1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca vào năm 1999… Qua những tư liệu khảo cổ học thu được, chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa”.
PGS.TS. Lại Văn Tới - Viện nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXHVN
Đó là những trích dẫn về biển đảo Việt Nam mà các bạn sẽ đọc được khi đến với quyển sách “Người Việt với biển” do GS. TS. Nguyễn Văn Kim chủ biên, Nxb. Thế giới ấn hành năm 2020.
Với 658 trang, sách có 3 phần chính: Truyền thống và tư duy hướng biển của người Việt; Vị trí thương mại biển và quan hệ giao thương; Ý thức chủ quyền an ninh, kinh tế biển, bao gồm các bài nghiên cứu tập trung khai thác và lý giải mối quan hệ giữa đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam với thế giới bên ngoài qua con đường biển. Trong đó, trình bày các nội dung cốt lõi là:
Cơ tầng văn hóa biển được xây dựng từ những huyền thoại về thời lập quốc, những tín nhiệm tâm linh cho tới câu chuyện dân gian đời thường cùng những ghi chép được tích lũy qua nhiều thời đại đã dần dần tạo nên ý thức về biển ngày một rộng lớn, sâu sắc.
Quan hệ giao thương, là mặt nổi trội khá liên tục và có hiệu quả trong hoạt động biển của đất nước. Mối quan hệ thương mại sớm hình thành và phát triển giữa quốc gia Đại Việt với các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á cho đến sự giao tiếp với các công ty Đông Ấn phương Tây, qua từng thời kỳ đã làm khởi sắc nền kinh tế đất nước.
Đặc biệt, chủ quyền và an ninh biển là chủ đề được quan tâm xuyên suốt theo dòng chảy của lịch sử đất nước. Chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng đảo khác được đề cập thông qua tài liệu ghi chép trong chính sử Trung Quốc và qua sự quan sát của các thương nhân, giáo sĩ người phương Tây. Tự họ - những người ngoại quốc và các nguồn tư liệu, đã nói lên một cách khách quan, hiện thực về quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên biển Đông mà ngày nay, việc bảo vệ chủ quyền, gìn giữ an ninh, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài.
Đọc “Người Việt với biển”, chúng ta càng thấy rõ người Việt Nam, thế hệ tiếp nối thế hệ đã khai phá đất đai, chinh phục biển cả, xác lập chủ quyền, mở rộng giao thương, viết tiếp trang sử hào hùng của cha ông để lại. Sách cũng là tài liệu có giá trị góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
- Môn loại: 959.7 / NG558V
- Phòng Đọc: DL 19569