Văn hoá và phát triển : Lý luận phê bình / Trần Bảo Hưng. - H. : Nxb. Hội Nhà văn, 2020. - 231tr.; 21cm

Chủ nhật - 27/06/2021 22:06 957 0
“Văn hoá và phát triển” là quyển lý luận phê bình được viết bởi nhà văn Trần Bảo Hưng do Nxb. Hội Nhà văn xuất bản năm 2020. Sách dày 231 trang, tập hợp những bài viết của tác giả được sắp xếp theo 3 phần: 

Phần 1 “Những vấn đề của văn học và nghệ thuật” đề cập những khúc mắc của văn học và nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay như sự suy giảm của văn hóa đọc, sự thiếu hụt tài năng trong văn học nghệ thuật, thực trạng của công tác xuất bản v.v.... Tác giả cũng phản ảnh những hạn chế trong nghệ thuật truyền thống, trong các bộ phim truyền hình... Ngoài ra còn đề cập đến một số tiểu thuyết, truyện ngắn, tập thơ được bạn đọc chú ý trong thời gian qua và một số quan niệm về sự hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ. Một số bài viết tiêu biểu như: Phê bình văn nghệ có còn không? Lối ra nào cho người viết sách và ngành xuất bản; Để nghệ thuật truyền thống mãi trường tồn; Sức mạnh của sự chân thật;...

Phần 2 “Những vấn đề của văn hóa và các lễ hội văn hóa” tập trung lý giải những vấn đề của văn hóa và các lễ hội văn hóa trong giai đoạn hiện nay như: bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trong hội nhập, biện pháp giữ gìn các di sản phi vật thể, những điều cần chú ý khi trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử ... Tiêu biểu là một số bài viết như: Giữ nguyên các giá trị cổ kính, vốn có của các di tích khi trùng tu, tôn tạo; Cha ông ta từng xã hội hóa các hoạt động văn hóa; Có nên tổ chức lễ hội một cách ồ ạt; Những hành vi thiếu văn hóa - nguyên nhân và các diệt trừ; Ứng xử có văn hóa - dễ hay khó!

Phần thứ 3 “Những vấn đề của du lịch” đề cập đến những vấn đề của du lịch, nêu lên những tiềm năng và thế mạnh của du lịch Việt Nam. Tác giả cũng phê phán những cách hiểu chưa đầy đủ về du lịch và phát triển du lịch. Theo tác giả, du lịch là một ngành kinh tế nhưng hình thành, phát triển và kinh doanh bằng văn hóa. Do vậy ngoài việc đầu tư những cơ sở vật chất thiết yếu cho ngành du lịch, việc làm căn cơ và lâu dài để du lịch phát triển chính là lưu giữ, bảo tồn và phát huy nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của dân tộc. Ngoài văn hóa ẩm thực một thế mạnh rất lớn của Việt Nam thì nền văn hóa với những phong tục đa dạng, những lễ hội nguyên bản và sơ khai, những làng nghề truyền thống với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phong phú... chính là tiềm năng ưu thế ngành du lịch cần phát huy. Một số bài viết tiêu biểu như: Trở về với dân tộc - là đến với thế giới; Khách du lịch cần gì? Du lịch làng nghề du lịch truyền thống; Để du lịch nông nghiệp cất cánh!... 

Trong nhiều bài viết, tác giả đều đưa ra những luận điểm có tính chất phản biện, nhằm góp phần giúp cho ngành văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật, cũng như du lịch có cơ sở đánh giá lại chặng đường đã qua và định hướng phát triển trong tương lai.

Trân trọng giới thiệu quyển sách đến bạn đọc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:

▪ Ký hiệu phân loại: 306.09597 / V115H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059415
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.024117; MA.024118

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây