Ngày 09 tháng 11 năm 2020, Đình Thạnh Hòa, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia. Đây là ngôi đình được hình thành từ những năm giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trải qua thời gian ngôi đình vẫn lưu giữ khá trọn vẹn những đường nét kiến trúc, phong cách trang trí đặc trưng và các lễ hội truyền thống của đình làng Nam bộ.
Nhằm giúp bạn đọc và du khách gần xa có những thông tin rõ hơn về ngôi đình này, năm 2021, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã xuất bản quyển “Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thạnh Hoà” do Bảo tàng thành phố Cần Thơ biên soạn với dạng song ngữ Việt - Anh với 21 trang.
Đọc sách, bạn đọc sẽ dễ dàng tìm đến ngôi đình với các chỉ dẫn chi tiết sau: Đình Thạnh Hòa tọa lạc tại khu vực Long Thạnh A, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, theo Quốc lộ 91 về hướng thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang khoảng 40 km, qua cầu Thốt Nốt, rẻ phải vào đường Nguyễn Thái Học, đi tiếp 200 m rồi rẻ phải 100 m là đến đình Thạnh Hòa. Nếu đi đường thủy, từ bến Ninh Kiều, ngược về phía thượng nguồn sông Hậu khoảng 40 km, ghé vào bến phà Thốt Nốt - Tân Lộc ở phía trái, lên bờ đi vào Trung tâm thương mại quận Thốt Nốt sẽ đến đình Thạnh Hòa.
Ngôi đình được xây dựng trện diện tích 1.424,3 m2, mặt chính quay về hướng Đông, gồm các hạng mục: cổng tam quan, võ ca, võ qui, chính điện, hậu điện, nhà thờ Tiên sư và các ngôi miếu nhỏ. Hàng năm, Ban quản trị đình Thạnh Hòa và bà con địa phương long trọng tổ chức 2 kỳ lễ hội chính: Lễ Kỳ yên Thượng điền (diễn ra vào ngày 19, 20 và 21/4 âm lịch) và Lễ Hạ điền (diễn ra trong hai ngày 19 và 20/11 âm lịch) cầu cho mưa thuận gió hòa, dân cư ấm no hạnh phúc, tưởng nhớ những bậc anh hùng, liệt sĩ, những người có công với nhân dân, với đất nước, quê hương… thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân trong vùng và du khách gần xa. Các nghi thức cúng tế ở đây được tổ chức và thực hành theo truyền thống. Vào mỗi kỳ lễ hội, Ban quản trị mời đoàn hát bội về đình biểu diễn phục vụ nhân dân.
Ngoài 2 lễ hội chính tại đình còn diễn ra Lễ Khai hạ hay còn gọi là Lễ Khai sơn trảm mộc vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Mục đích của lễ này là để báo hiệu bắt đầu công việc cày cấy, trồng trọt; đồng thời xua đi những điều không may trong năm cũ để nhân dân được yên ổn làm ăn trong năm mới.
Cũng như nhiều ngôi đình Nam bộ xưa với vai trò là trung tâm của làng với các chức năng chính (tín ngưỡng, hành chính, văn hóa), tuy nhiên trải qua thời gian, đình Thạnh Hòa là một trong số ít các ngôi đình còn giữ được gần như nguyên vẹn những giá trị về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt là nét đặc trưng về kiến trúc nghệ thuật được tạo nên từ bàn tay tài hoa khéo của các nghệ nhân ở cuối thế kỷ XIX với các mảng chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ những đề tài quen thuộc trên cột, vì kèo, bao lam, hoành phi, liễn đối cùng quần thể tiểu tượng và hệ thống tượng gốm trang trí trên tầng mái,… Hiện nay, đình Thạnh Hòa còn lưu giữ bản sắc phong của vua Tự Đức vào năm 1852 và nhiều đồ thờ tự có niên đại trên dưới 100 năm tuổi càng làm cho ngôi đình thêm giá trị, cổ kính thu hút nhiều lượt khách tham quan.
Quý vị và các bạn hãy đọc quyển sách “Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thạnh Hoà” và dễ dàng tìm đến tham quan, chiêm bái, nghiên cứu một di tích quốc gia độc đáo đã được các thế hệ người Cần Thơ gìn giữ, tôn tạo phục vụ cộng đồng.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.793 / D300T
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059754
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010635; MG.010636; MG.010637