Căn cước công dân là giấy tờ thân nhân quan trọng đối với mỗi một cá nhân, được cá nhân sử dụng trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội như học tập, làm việc, thực hiện các giao dịch,…
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những kiến thức pháp lý về căn cước công dân, năm 2021 Nxb. Hà Nội đã xuất bản quyển sách “Tư vấn, phổ biến và áp dụng pháp luật: Căn cước công dân” do TS. Lê Thị Giang - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội biên soạn. Sách gồm 115 trang với 2 phần:
Phần 1 “Pháp luật về căn cước công dân” gồm 80 câu hỏi - đáp về những quy định chung, quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân, quyền và trách nhiện của người dân về căn cước công dân.
Trong đó, một số câu hỏi thường gặp như: Những đối tượng nào áp dụng Luật Căn cước công dân 2014? Công dân có các quyền và nghĩa vụ gì về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân? Các hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014? Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định như thế nào? Số định danh cá nhân là gì và được quy định như thế nào? Cấu trúc số định dân cá nhân được quy định như thế nào? Các trường hợp nào công dân được đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân? Có lợi ích gì khi đổi sang thẻ Căn cước công dân gắn chip?...
Phần 2 trình bày 15 tình huống pháp lý phát sinh phổ biến mà rất nhiều cá nhân và hộ gia đình thường gặp phải liên quan đến căn cước công dân.
Tìm đọc quyển sách “Tư vấn, phổ biến và áp dụng pháp luật: Căn cước công dân”, bạn đọc sẽ nhận được nhiều kiến thức pháp luật hữu ích về căn cước công dân. Qua đó có thể giải đáp được chính các thắc mắc của mình, cũng như tư vấn cho gia đình, bạn bè và những người xung quanh các kiến thức pháp luật về căn cước công dân.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 342.59708 / T550V
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.060324
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.025138; MA.025139