I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Công dụng tuyệt vời của món mứt ngày Tết” trích từ báo Dân ViệtKhông chỉ là món ăn truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về, mứt còn có công dụng tuyệt vời với sức khỏe. Các loại rau, củ như khoai lang, bí đao, cà chua, gừng… đến tất cả các loại quả như hồng, đào, lê, me, mận, táo, dâu, kiwi… đều được chế biến thành mứt. Những loại mứt này có tác dụng đặc biệt cho sức khỏe. Mỗi loại mứt lại có tác dụng khác nhau. Mứt gừng có tác dụng làm ấm tỳ vị, chống nôn, giải độc, chữa ho. Trong mứt gừng chứa nhiều sinh tố và chất dinh dưỡng như protid, lipid, chất xơ, bêta-caroten, vitamin (B1, B2, PP, C), canxi, sắt, kẽm, phốt pho, selen... đều là những chất không thể thiếu cho cơ thể. Gừng có tính ấm, vị cay; có tác dụng cầm nôn, tiêu đàm, ra mồ hôi, sát trùng, tiêu đàm trị ho suyễn... gừng mang lại nhiều lợi ích nhưng không nên dùng nhiều, mỗi ngày chỉ dùng từ 1-2 lát, mỗi lần 4-5 lát, nếu ăn mứt chỉ nên ăn từ 10-15g/ ngày. Mứt quất có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, chống nôn, giải độc rượu. Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 10 đến 15g mứt quất. Mứt sen có tác dụng an thần, giảm stress, chống suy nhược bởi trong hạt sen có tác dụng bổ tâm và thận, thích hợp dùng làm món ăn “thực dưỡng” cho người mất ngủ, mộng nhiều, hồi hộp bất an, di tinh, tiêu chảy do rối loạn chức năng tiêu hóa. Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 20-50g/ngày. Mứt hồng có tác dụng chống suy nhược, chữa ho, tiểu đêm. Với mứt hồng, có thể dùng 60 đến 100g/ngày. Mứt khoai lang có tác dụng nhuận trường, chống táo bón. Mỗi ngày chỉ nên ăn từ 4 đến 6g mứt khoai. Mứt dừa có tác dụng nhuận tràng. Mỗi ngày không nên dùng quá 10g mứt dừa. Mứt me có tác dụng giải khát, kích thích tiêu hóa, nhuận tràng. Mứt cà chua, cà rốt giúp sáng mắt, đẹp da, ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, chúng ta không nên ăn mứt 3 không (không nhãn mác nguồn gốc, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng,…). Nếu không quá bận rộn, mọi người nên tự chế biến mứt để ăn (ăn có giới hạn sẽ rất tốt cho sức khỏe).II. GIỚI THIỆU SÁCH Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách: - Thường thức bảo vệ sức khoẻ mùa xuân - Món ăn mùa xuân THƯỜNG THỨC BẢO VỆ SỨC KHỎE MÙA XUÂN
Sự thay đổi khí hậu tự nhiên của bốn mùa có ảnh hưởng lớn đến cơ thể con người: hoạt động tinh thần, lưu lượng khí huyết, vận hành của ngũ tạng, chuyển hóa trao đổi chất… Đặc biệt là, sự phát sinh bệnh tật và cùng một bệnh thì biểu hiện nặng nhẹ theo mùa cũng khác nhau. Điều đó dẫn đến việc phòng bệnh theo mùa khác nhau, chữa trị cũng theo đó mà có sự vận dụng phù hợp. Vì vậy, chúng ta cần phải nắm những thông tin cần thiết để tăng khả năng phòng chữa bệnh. Quyển sách “Thường thức bảo vệ sức khoẻ mùa xuân” do Nguyễn Văn Đức và Nông Thúy Ngọc biên soạn, NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2013 sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức chủ yếu trên các phương diện ăn uống, vận động, sinh hoạt, bồi bổ sức khỏe để phòng bệnh, chữa bệnh mùa xuân. Với độ dày 194 trang gồm 48 bài viết, quyển sách góp phần giúp bạn nắm vững những nguyên tắc ăn uống, sinh hoạt, luyện tập vào mùa xuân - khi tiết trời thay đổi, bắt đầu chuyển ấm: “Xuân hạ cần dưỡng dương, thu đông cần dưỡng âm”; “Dưỡng sinh bốn mùa bằng Đông y thế nào?”; “Mấy ngày tết không nên ăn nhiều uống lắm một lúc”; “Ngày tết uống cà phê tốt hay uống trà tốt?”; “Mùa xuân cần dưỡng sinh thế nào?”;… Đầu xuân tuy nhiệt độ tăng dần, nhưng lên xuống thất thường, khi nhiệt độ giảm xuống sẽ rất dễ nhiễm lạnh. Các món ăn vào mùa xuân cần thanh đạm, nên chọn loại thực phẩm vừa giúp cho dương khí tăng lại ngon miệng, như giá đỗ, rau chân vịt, hành tây, tỏi, cam quýt, mật ong… Đặc biệt đối với người già hay trẻ nhỏ, những người khả năng hấp thu dinh dưỡng yếu thì nên chú trọng cung cấp thực phẩm đủ vitamin như cà chua, cà rốt, cải bắp… Nên hạn chế các món nhiều dầu mỡ hay đồ ăn cứng để không tổn hại dạ dày. Ngoài ra, thời tiết ấm lên sẽ là môi trường sống của các loại virus gây bệnh hay dịch sốt. Phòng bệnh thời điểm này cơ bản là giữ ấm cơ thể và vệ sinh phòng ở, ăn chín uống sôi. Quyển sách “Thường thức bảo vệ sức khoẻ mùa xuân” hiện đang phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 613/TH561TH; Mã số: DV.47303, ME.5266. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.
MÓN ĂN MÙA XUÂN
Mùa xuân là mùa mọi vật như bắt đầu một cuộc sống mới, cũng là mùa được đánh giá là nhiều món ăn ngon nhất trong năm. Tiệc xuân sẽ thêm phần sinh động vì có sự góp mặt của những món ăn thơm ngon, đẹp mắt và giàu dinh dưỡng. Quyển sách “Món ăn mùa xuân” do Bình Minh biên soạn, NXB Lao động - Xã hội ấn hành năm 2010 sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích, hướng dẫn bạn cách làm một số món ngon để bổ sung vào thực đơn ngày Tết cho gia đình. Với độ dày 63 trang, quyển sách giới thiệu đến người đọc công thức nấu 30 món ăn dành cho dịp đầu năm. Đó là những món ăn nhẹ nhàng, có nhiều rau xanh và những món ăn được chế biến từ các loại củ quả, salad, nộm, súp… Những món ăn này sẽ góp phần làm mới vị giác của bạn và không có nhiều dầu mỡ như: “Rau củ trộn tương”, “Nấm xào”, Măng tây xào giòn”, “Tôm xào nấm”, “Đậu phụ tứ Xuyên”, “Sa lát Nga”,… Ngoài ra, cách món ăn được chế biến từ các loại thịt cũng sẽ làm phong phú thêm bữa ăn như: “Thịt lợn rim tương”, “Gà nướng lò than”, “Ngao mực sốt cay”, “Cá hấp”, “Lươn xào sả ớt”, “Lẩu ghẹ”, “Tôm chiên xù”,… Quyển sách được in màu và minh họa với nhiều hình ảnh sống động. Hầu hết các nguyên liệu trong sách đều gần gũi, dễ hiểu, dễ tìm ở các hệ thống siêu thị, chợ hay tạp hóa. Bên cạnh việc đọc sách, sự tinh tế và tình cảm của người làm đặt vào món ăn cũng rất quan trọng, sẽ cho người nhận thưởng thức thành phẩm một cách ý nghĩa, cho cả nhà quây quần dùng bữa và cảm nhận được nhiều điều hơn cả ăn ngon. Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 641.8/M430Ă; Mã số: DV.43033, MD.7336, MD.7337.III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bài viết “Nét khác biệt đáng yêu của mùa xuân hai miền Nam Bắc” của Tú Uyên đăng trên Tạp chí Du lịch.Sau khi những cơn gió lạnh lẽo của mùa đông đi qua, mùa xuân khẽ khàng ùa đến trên khắp dải dất hình S những sắc màu tươi vui của một năm mới đến. Mùa xuân, mùa của những khóm hoa sặc sỡ sắc màu, của những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ trang trí tết,... trải dài từ Bắc chí Nam tạo nên không khí xuân tưng bừng và nhộn nhịp. Tuy nhiên, mỗi miền đều có một mùa xuân riêng với những nét khác biệt thú vị ở hai miền Nam - Bắc. Những cơn gió se lạnh - những ánh nắng ấm áp Nếu mùa xuân của miền Bắc là những cơn gió lạnh đầu mùa, những đợt rét tái tê thì mùa xuân của miền Nam là những luồng gió heo may mát mẻ, những ánh nắng ấm áp bừng lên rực rỡ. Do thời tiết khác biệt nên bầu không khí xuân, cách ăn mặc của hai miền Nam - Bắc cũng có những nét riêng thú vị. Ví như về thời trang trong những ngày xuân ở Hà Nội sẽ là những chiếc áo len ấm áp, hay khăn quàng nhiều màu sắc, mũ len phong phú họa tiết,... còn ở miền Nam lại là những chiếc váy vintage giản dị, hay bộ đồ lửng đậm chất thể thao năng động,...Mùa xuân ở miền Bắc, có những ngày lạnh thở ra khói khiến ta không khỏi xuýt xoa, khẽ rùng mình giữa làn gió xuân lạnh lẽo và ao ước một bàn tay ấm nắm lấy tay mình. Những ngày này đi nghỉ ở những địa điểm du lịch hấp dẫn như Sa Pa, Hà Nội, Ninh Bình,... cùng người thương, gia đình thì hết ý. Ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận vào xuân thì thường về Tây Nguyên để tận hưởng không khí lạnh, nhưng nhiều người vẫn chọn đón nắng xuân ấm áp ở Sài thành qua những hoạt động thú vị của mùa xuân. Màu hồng hoa đào – màu vàng hoa mai Mùa xuân là mùa mà trăm hoa đua nở, cỏ cây háo hức đón mừng năm mới, riêng có hai loài hoa nổi bật cho mùa xuân hai miền là hoa đào và hoa mai. Sự khác biệt này rất rõ rệt khi chợ hoa miền Bắc ngập trong màu hồng của những cánh đào phai và chợ hoa miền Nam rực rỡ giữa màu vàng ươm của những cành mai mới nở. Đào và mai là hai loài hoa đặc trưng cho tết Việt Nam, khi nhìn thấy những nụ hồng đào hay nụ mai vàng hé nở là ta biết chắc mùa xuân đang ùa về trên dải đất hình chữ S. Bên cạnh màu vàng hoa mai còn có màu vàng hoa cúc, màu hồng hoa giấy, màu tím hoa lan,... ở khắp các chợ hoa của miền Nam. Ở chợ hoa miền Bắc thì lại ngập sắc đào hồng và màu cam ngọt ngào của những chậu quất mừng xuân, thêm vào đó là những chậu kiểng xanh um đợi người mua về trưng tết. Riêng miền Nam có một mảnh đất đặc biệt cũng rực rỡ sắc hoa đào giữa mùa xuân đó là Đà Lạt - thành phố ngàn hoa. Bắc – Nam đón xuân có gì khác? Điểm chung trong những ngày mùng một, mùng hai tết của cả nước là đường xá đều vắng hoe - một không gian thực sự rất tết, bởi vì mọi người đều đang sum vầy bên nhau trong những mái nhà yên ấm để đón tết đoàn viên truyền thống của dân tộc. Về ẩm thực ngày xuân, người Bắc giữ truyền thống với các loại bánh chưng, bánh tét, bánh dày trên mâm cỗ gia đình còn người Nam cũng cùng nhau gói bánh tét dâng cúng tổ tiên. Cách trưng bày trái cây, hoa lá của người Nam cũng có phần phóng khoáng hơn tùy theo sở thích mỗi gia đình. Bức tranh mùa xuân hai miền Mùa xuân trên nước Việt là bức tranh đa sắc màu của những mảnh ghép bản sắc văn hóa khác nhau. Nếu miền Nam là sự sống động của những hoạt động vui chơi giải trí của giới trẻ như lễ hội mùa xuân, đường hoa, đêm nhạc sôi động, hay những đoàn xe rần rần từ Sài Gòn đổ về quê ăn tết,... thì miền Bắc là những ngày dạo phố thong dong, thăm họ hàng trong làng, xóm, chụp ảnh bên vườn đào, vườn hoa đầy sắc xuân, đi xin câu đối đỏ của những ông đồ hay chữ,... Bức tranh mùa xuân của mỗi miền có một nét thú vị riêng vào những ngày xuân rực rỡ. Có rất nhiều yếu tố khiến cho mùa xuân mỗi nơi mỗi khác, nếu mùa xuân Hà Nội hồng rực sắc đào trong tiết trời se lạnh thì xuân Sài Gòn lại vàng rực những cành mai trong ánh nắng ấm áp. Dù có những khác biệt như vậy, nhưng mùa xuân của hai miền đều là xuân họp mặt theo đúng nghĩa khi tết đến xuân về trên đất nước Việt Nam. Những ngày mùa xuân, chúng ta hãy cùng hòa chung không khí tươi vui ấy mà bắt đầu năm mới của mình thật năng động và nhiều niềm vui.IV. GIẢI TRÍ Kính thưa quý vị và các bạn! Kết thúc chương trình hôm nay, xin gởi đến quý vị và các bạn bản hoà tấu “Điệp khúc mùa xuân”, sáng tác Quốc Dũng.