I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Cà phê: Uống như thế nào để có lợi?” trích từ báo Sức khoẻ và đời sống. Phần lớn chúng ta đều uống cà phê vào buổi sáng để “nạp năng lượng” cho cơ thể, để cảm thấy tỉnh táo và để xua đi cơn ngái ngủ buổi sáng. Bên cạnh nhu cầu thực tế, uống cà phê, cũng trở thành một thú vui trong xã hội ngày nay. Chúng ta coi cà phê như một cái cớ để nghỉ ngơi và một cơ hội để mọi người kết nối. Nhưng loại đồ uống này cũng có những hạn chế. Hàm lượng caffein trong cà phê có thể gây ra những rắc rối. Uống quá nhiều cà phê có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, làm rối loạn đồng hồ sinh học bên trong. Uống cà phê như thế nào tốt nhất? Mặc dù cà phê có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn, điều đó không có nghĩa bạn nên tránh xa chúng hoàn toàn. Có nhiều lợi ích cà phê có thể mang lại cho bạn. Giúp cho não tỉnh táo là một trong những lý do chính. Vì vậy, chúng ta nên tập trung kiểm soát cách uống và thời điểm uống trong ngày. Dưới đây là một số cách sử dụng cà phê lý tưởng: Uống cà phê lúc 2 giờ chiều Caffein cần một thời gian để hết tác dụng và có thể gây rối loạn giấc ngủ, ngay cả khi bạn không cảm thấy nó trong cơ thể. Vì lý do này, tốt nhất là nên uống cà phê vào buổi sáng hoặc muộn nhất là đầu giờ chiều. Sử dụng cà phê hoặc đồ uống chứa nhiều caffein khác (như nước tăng lực), sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Không uống quá 4 cốc mỗi ngày Người lớn không nên uống quá 400mg caffein/ngày tương đương với khoảng 4 cốc cà phê. Sử dụng quá nhiều caffein có thể gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào caffein để duy trì sự tỉnh táo. Nếu bạn thực sự phải uống nhiều cà phê, hãy lựa chọn loại đã khử caffein. Giảm lượng caffein hấp thu trong ngày Bạn có thể cần caffein vào buổi sáng sớm vì đó là thời điểm bạn ít tỉnh táo trong ngày. Càng về sau, bạn sẽ cần ít caffein hơn. Đó là một ý tưởng hay để giảm lượng caffein hoặc dùng những đồ uống không chứa caffein. Bạn có thể chọn trà hoặc cà phê đã khử caffein để đảm bảo caffein không ảnh hưởng tới bạn vào buổi tối. Quan tâm tới kích cỡ cốc cà phê bạn sử dụng Hãy chú ý đến kích thước của cốc cà phê bạn uống, uống một cốc nhỏ đầy thay vì một cốc lớn vơi. Nó sẽ mang đến cho bạn cảm giác bạn đang được uống nhiều cà phê hơn.II. GIỚI THIỆU SÁCH Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách: - Bốn mùa trà rượu nước hương - Cho khế nhận vàng
BỐN MÙA TRÀ RƯỢU NƯỚC HƯƠNG
Ở Việt Nam, có thể nói trà, rượu có mặt trong mọi hoạt động của xã hội, từ trong gia đình ra ngoài phố, từ nhà hàng, quán chợ cho đến những nơi tiếp khách sang trọng. Từ tế lễ, cưới hỏi, sinh nhật, ma chay, cúng giỗ,... Trà và rượu Việt vì thế đã trở thành một thứ thức uống khởi nguồn cho sự giao tiếp tình cảm trong đời sống thường nhật của người Việt. Quyển sách “Bốn mùa trà rượu nước hương” của Viên Trân là một ấn phẩm rất được bạn đọc yêu thích, đặc biệt là những bạn đọc quan tâm đến phong tục tập quán của người Việt. Tác giả không chỉ có ngòi bút hào phóng mà còn thể hiện kiến thức phong phú về thú thưởng trà, rượu trong bề dày văn hoá, lịch sử và văn chương Việt Nam. Với độ dày 301 trang, quyển sách gồm 22 bài viết cùng 8 ngoại truyện không chỉ hướng dẫn mọi người ướp trà, pha trà, rượu… mà còn truyền đạt những câu chuyện từ xưa đến nay liên quan đến trà, rượu Việt, lòng tự hào của một người yêu trà Việt Nam mà tác giả có dịp tìm hiểu, nghiên cứu nhiều năm: “Nếm chén Thùy Hương nghe tịch mịch”, “Đem nắng Dương Xuân ủ Uyên Minh”, “Pha chén Cúc Xuân thơm cả áo”, “Khui rượu Hương Nương chế Hà Hoa tửu”, “Thiêu Hồng Mễ tửu ngắm mưa sa”,… Những bài viết là những quấn quýt, yêu thương, kiến thức bất tận của tác giả với người ông thân yêu của mình, người luôn hiện diện trong ký ức và truyền dạy kiến thức, văn hóa dân tộc khi chị còn nhỏ. Đọc quyển sách, chúng ta nhận ra trà, rượu vừa là thức uống thanh tuý giầu hương vị, lại vừa mang đến một cảm nghiệm tâm thức cho tinh thần, hoài cổ, an nhiên.Uống trà là một cách biểu thị sự tâm đắc, trình độ văn hoá và cảm tình cùng người đối thoại. Nét đẹp văn hóa uống rượu của người Việt cũng hết sức tao nhã. Tuy nhiên hiện nay, có một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống rượu dẫn tới những hệ lụy không đáng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Cho nên muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa này cần phải có sự chừng mực, lấy niềm vui là chính, không thúc ép, để người Việt Nam có thể tự hào về một truyền thống văn hóa uống rượu đậm đà bản sắc dân tộc. Khi uống trà, rượu đã vươn lên đến mức độ nghệ thuật, nó không chỉ phản ánh văn hóa dân tộc mà còn là biểu tượng cho cái đẹp, phong cách sống và tâm hồn của dân tộc. Quyển sách “Bốn mùa trà rượu nước hương” do NXB Tổng hợp TP. HCM ấn hành năm 2018. Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 895.92234/B454M; Mã số: DV.53978, MV.19837, MV.19838. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.
CHO KHẾ NHẬN VÀNG
Thành công là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn. Có rất nhiều cách để thành công và mỗi người sẽ có một cách cho riêng mình. Ít ai đồng ý và nhận ra rằng, ta sẽ thành công khi biết cho đi, biết giúp đỡ người khác cùng thành công, khi ấy ta thành công hơn cả thành công. Nhưng đôi khi, ta chỉ thấy rằng, những người giúp đỡ người khác thường chịu thiệt thòi, chẳng những không được đáp lại mà còn nhận nhiều sự phiền hà về bản thân mình. Quyển sách “Cho khế nhận vàng” của tác giả Adam Grant sẽ giúp bạn đọc có được cái nhìn khác về “cho” và “nhận”, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, một lĩnh vực mà khái niệm “cho” chưa được thừa nhận như là một cách để thành công. Sách có độ dày 303 trang gồm 8 phần: “Những sự đền đáp thỏa đáng”, “Chim công và gấu trúc”, “Hiệu ứng lan tỏa”, “Tìm ngọc trong cát”, “Quyền năng của phong cách giao tế ôn hòa”, “Mù quáng hay khôn ngoan?”, “Lan truyền sự cho đi trong một hệ thống”, “Thoát khỏi chiếc bóng”. Trong quyển sách, tác giả đã phân chia ra ba nhóm người chính dựa theo phong cách hành xử: những người chỉ biết đến lợi ích bản thân, những người luôn hết lòng vì người khác và những người dung hòa. Trong khi những người chỉ biết lợi ích bản thân ra sức giành lấy phần có lợi nhất về mình, những người dung hòa hướng đến việc trao đổi lợi ích, thì những người luôn hết lòng vì người khác lại hoàn toàn khác biệt - họ luôn cố gắng giúp đỡ mọi người mà không cần bất cứ sự đền đáp nào. Đây cũng chính là chìa khóa mang lại thành công cho họ - những người luôn hết mình vì người khác. Qua đó, bạn sẽ thấy rằng, chúng ta đã đánh giá thấp khả năng thành công của những người sẵn sàng cho đi. Tuy thường bị mỉa mai là kẻ ngốc, nhưng những người này hóa ra lại thành công nhất. Nhằm tìm ra căn nguyên thành công của họ, tác giả đã khảo chứng một số câu chuyện và trường hợp tiêu biểu để hiểu bằng cách nào mà việc cho đi lại có hiệu quả và không rủi ro như suy nghĩ của chúng ta. Xuyên suốt nội dung của quyển sách, bạn đọc sẽ được biết những trường hợp thành công đến từ mọi thành phần trong xã hội, bao gồm: các chuyên viên cố vấn, bác sĩ, luật sư, kỹ sư, nhân viên bán hàng, giáo viên, kế toán viên, nhà văn và vận động viên thể thao. Điểm chung là họ đều theo đuổi ý tưởng tạo dựng thành công cho bản thân trước, rồi sau đó quay lại giúp đỡ những người khác, qua đó chứng minh rằng, những người biết cho đi trước chắc chắn là những người nằm ở vị trí thuận lợi nhất để nhận lấy thành công sau này. Quyển sách “Cho khế nhận vàng” là một minh chứng cho câu nói nổi tiếng của nhà văn Mark Twain: “Cho và nhận là cả một nghệ thuật. Khi cho đi một, bạn sẽ nhận về gấp nhiều lần”. Sách do NXB Tổng hợp TP. HCM ấn hành năm 2014. Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 650.1/CH400KH; Mã số: DV.48559, MA.14240.III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Ca trực đêm của bác sĩ và bài học làm người” trích từ Tạp chí Sống khoẻ. Đêm trực: 0 giờ Một người đàn ông đến cấp cứu vì đau quặn bụng. Khi mình đến khám, ông ta cứ luôn miệng nói: 'Tôi quen anh giám đốc A. Tôi có làm ăn với chị trưởng phòng B'. Có lẽ do ông ta nghĩ rằng, khi nói ra những mối quan hệ ấy, mình sẽ làm việc chu đáo hơn. Mình đã đáp lời rằng: - Anh có thể thôi nói tên và chức vụ của người khác. Anh hãy nói về chính anh đi, tên, chức vụ và bệnh của anh. Ông ta trố mắt ra nhìn mình, phải mất vài phút sau ông ta mới có thể bắt đầu khai bệnh. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay như vậy, bạn nhỉ? Cứ vỗ ngực tự hào chứng tỏ với nhau rằng: tôi là con ông D, cháu bà C, tôi quen biết ông E và có mối quan hệ thân thiết với bà F, thay vì chúng ta nói về chính mình. Nhưng một người trưởng thành thật sự lại là người luôn tự đứng vững trên đôi chân mình, can đảm chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, không dựa vào ai cả, không đổ thừa ai cả. 4 giờ sáng Một người phụ nữ đến cấp cứu vì đau đầu ngủ không được. Trong khi mình đang viết bệnh án thì nghe bà ta kêu lên: 'Chú bác sĩ và cô y tá kia, mau trả điện thoại lại cho tôi'. - Bà coi lại cẩn thận đi, tụi con đâu có lấy điện thoại của bà. - Cô nói gì? Chỉ có cô và chú bác sĩ kia lại gần tôi... Không cô thì chú kia lấy. Báo bảo vệ hay công an ngay đi. Bệnh nhân ngồi bật dậy, khác với lúc mới vào nhăn nhó khó chịu mệt mỏi. - Ôi mẹ ơi, mẹ nói cái gì kỳ lạ vậy? Con giữ điện thoại của mẹ đây. Tại con đi đóng tiền tạm ứng nhập viện nên mẹ không biết. - Vậy hả? Tao tưởng hai đứa này nó ăn cắp. Bé y tá vừa định lên tiếng, mình vội ngăn lại và thì thầm: 'Thôi bỏ đi em'. Mình nhớ một câu chuyện trong Phúc Âm, có người đến hỏi: 'Nếu ai đó tát vào má con thì sao?'. Chúa Giêsu đã trả lời: 'Con hãy đưa luôn má còn lại cho người ta tát. Và nếu có ai xin con cái áo khoác bên ngoài, con cũng hãy cởi luôn cái áo khoác bên trong mà cho'. Thường chúng ta chỉ đến với Thượng Đế khi bị đau khổ, mất mát, muốn mà chưa được. Và khi chúng ta bị ức hiếp bị bắt nạt, chúng ta mong là luật công bằng, luật nhân quả được thực thi. Nhưng Thượng Đế luôn im lặng. Ngài dạy: 'Hãy tha thứ, hãy cho đi nhiều hơn'. Bởi chỉ những người yếu đuối, thiếu thốn, bị bỏ rơi... mới dùng đến bạo lực và đi xin. Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói: 'Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao. Còn những cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp. Cái tôi của ai nhỏ bé thì tâm lượng người đó mênh mông!'.IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn! Kết thúc chương trình hôm nay, xin gởi đến quý vị và các bạn bài hát “Thiên sứ”, sáng tác Đào Nguyên Sơn.