I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “3 loại dầu ăn tốt cho trẻ” của Linh Chi được trích từ tạp chí Thế giới Phụ nữ. Sử dụng dầu ăn đúng cách không chỉ bổ sung nguồn chất béo, vitamin tự nhiên mà còn hỗ trợ bé tiêu hóa thức ăn dễ hơn.
Dầu gấc
Dầu gấc có hàm lượng beta-caroten cao (cao hơn cà rốt 15 lần và gấp gần 70 lần cà chua). Vì thế, chúng cung cấp cho bé một nguồn vitamin A tự nhiên đáng quý. Chính lượng vitamin A này sẽ giúp bé có đôi mắt khỏe mạnh, góp phần phòng chống các bệnh về mắt. Ngoài ra hàm lượng beta–caroten vượt trội này còn giúp hệ xương của bé phát triển, góp phần đáng kể vào việc tăng trưởng chiều cao của bé.
Cách sử dụng lượng dầu gấc thích hợp cho trẻ là ½ thìa cà phê nhỏ vào bát cháo, bột mỗi ngày. Bạn cũng nên chọn mua các loại dầu gấc chuyên dụng, dành cho bé ăn dặm.
Dầu mè
Chiết xuất từ hạt vừng, dầu mè an toàn cho bé từ 6 tháng tuổi. Dầu mè có hương vị thơm đặc biệt, dễ dàng chiều chuộng khứu giác nhạy cảm ở các bé. Dầu mè giàu dinh dưỡng với phức hợp vitamin B, E, D, axit oleic và linoleic; các khoáng chất phốt pho, canxi và protein; có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống virus.
Dầu mè có thể sử dụng để xào rau ở nhiệt độ thấp; thêm vào thức ăn đã nấu chín hoặc ướp thịt, cá để trộn với bột làm bánh, làm dậy mùi thơm cho thực phẩm.
Dầu ô-liu
Dầu ô-liu an toàn cho bé ngay từ giai đoạn đầu làm quen với ăn dặm. Dầu ô-liu chứa chất béo tốt omega 3 và omega 6 tương tự như chất béo trong sữa mẹ. Đây cũng là nguồn dồi dào chất chống oxy hóa, các vitamin A, C, D, E, K, B; rất tốt cho sự phát triển của bé. Dầu ô-liu tốt cho bé là loại nguyên chất Extra Virgin, sử dụng thêm vào thức ăn, nước sốt đã nấu chín, cho bé thưởng thức.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Cẩm nang công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình dành cho cán bộ xã, phường, thị trấn.
- Người cha trong hành trình của bạn.
CẨM NANG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC, GIÁO DỤC TRẺ EM;
BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH DÀNH CHO CÁN BỘ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Hiện nay, nạn bạo lực gia đình và vi phạm quyền trẻ em đang là vấn đề mà xã hội quan tâm. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phòng ngừa bạo lực gia đình như: Hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật phòng chống Bạo lực gia đình, Luật trẻ em,... Các cấp, các ngành đều có sự chung tay trong việc phòng chống bạo lực gia đình.
Quyển sách “Cẩm nang công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình dành cho cán bộ xã, phường, thị trấn” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội biên soạn, NXB Lao động - Xã hội ấn hành năm 2014 sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích xung quanh vấn đề này. Sách có độ dày 94 trang bao gồm 02 phần chính.
Phần 1 mang tên “Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” khái quát chung về trẻ em, các quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Theo đó, trẻ em là công dân Việt Nam dưới mười sáu tuổi, được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hiểu là hoàn cảnh không bình thường về thể chất hoặc tinh thần, không đủ điều kiện để thực hiện quyền cơ bản và hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Vì vậy, nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhất là việc thực hiện chế độ, chính sách, biện pháp, tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn, kỹ thuật và các quy định đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó còn có những biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em; Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Vi phạm quy định về cấm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi;…
Phần 2 với tiêu đề “Công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình” trình bày những khái quát chung về bình đẳng giới và công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Trong những năm qua, Nhà nước luôn có những chính sách để hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; Xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, Nhà nước tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới;…
Có thể nói cho đến nay, nước ta đã có một hành lang pháp lý khá đầy đủ để triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc các nạn nhân bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng con người. Quyển sách “Cẩm nang công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình dành cho cán bộ xã, phường, thị trấn” sẽ là nguồn tài liệu hữu ích dành cho các cán bộ cơ sở trong việc thực hiện công tác bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em; bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 342.59708/C120N; Mã số: DV.48763, MA.14310.
NGƯỜI CHA TRONG HÀNH TRÌNH CỦA BẠN
“Công cha như núi Thái Sơn…” là một câu trong bài ca dao nổi tiếng được truyền từ đời này qua đời khác mà mỗi đứa trẻ Việt Nam luôn được người lớn dạy bảo ngay từ tấm bé. Lời ca dao tuy giản dị mà ý nghĩa thật sâu sắc, nói lên công lao to lớn của người cha trong việc sinh thành và nuôi dưỡng con cái.
Quyển sách “Người cha trong hành trình của bạn” do Thanh Bình và Nam Anh sưu tầm, tuyển chọn, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2011 sẽ giới thiệu đến các bạn những câu chuyện giản dị, cảm động về tình cha con, giúp những người đã, đang và sắp làm cha hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa của thiên chức thiêng liêng này. Đồng thời nhắc nhớ những người con may mắn biết quý, biết yêu và biết trân trọng từng phút giây còn có cha bên cạnh.
Sách có độ dày 232 trang gồm nhiều câu chuyện như: “Cái chậu vàng”, “Cái chén gáo dừa”, “Cái sọt”, “Bó đũa”, “Giận mày tao ở với ai?”, “Sự tích khăn tang”, “Thần Chết đỡ đầu”, “Biển hồ lai láng”,… Qua đó cho thấy tình yêu của cha chảy trong huyết quản của mỗi con người từ lúc sinh ra. Nhưng tình yêu ấy chỉ có thể lớn lên từ sự yêu thương, chăm sóc của cha dành cho con mỗi ngày. Nó không phải là gia tài lớn để lại, sự nuông chiều quá mức, mà là những chuẩn mực mà cha có thể làm gương cho con: có trách nhiệm với gia đình, trong công việc, trong quan hệ với mọi người. Tài sản, danh lợi cũng sẽ qua đi nhưng nhân cách của con được mọi người nể trọng, sẽ là tài sản quý giá nhất cho con trong cuộc đời.
Một số câu nói hay trong sách:
“Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình” (Cicero);
“Đối với mọi người, từ “cha” chỉ là một tên gọi khác của lòng yêu thương” (Fanny Fern);
“Cha tôi đã cho tôi một món quà quý giá nhất trên đời: luôn luôn tin tưởng ở tôi” (Jim Valavno);
Đọc quyển sách, bạn sẽ nhận ra người cha không chỉ là trụ cột của gia đình, gánh vác trách nhiệm và hy sinh rất nhiều cho con cái mà còn là người thầy đầu tiên trong cuộc đời của các con. Chính vì vậy, con cái cần biết ơn công lao tựa núi Thái Sơn của cha và làm tròn “chữ hiếu”, trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội để đền đáp lại công ơn này.
Quyển sách đang được phục vụ tại Phòng Thiếu nhi, Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 808.83008/NG558C; Mã số: NA.1314, NA.1315. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Ngôi nhà yêu thương” do Bích Thủy biên dịch, được trích từ quyển “Dành cho Mẹ món quà của tình yêu”.
Một lần nọ, tôi trông thấy một đứa trẻ khoảng sáu bảy tuổi đang lang thang trên phố. Trông cô bé rất đáng thương với bộ đồ rách rưới và bẩn thỉu, có lẽ suốt ngày chưa có gì để ăn. Biết được một nơi có thể cho bé bữa ăn no và tấm chăn ấm, tôi vội đưa bé đến. Đó chính là nhà tình thương Shishu Bhavin, nơi nuôi dạy những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Ngay khi tới nơi, cô bé đã được tắm rửa, được mặc quần áo sạch sẽ và bữa ăn ngon. Nhưng rồi tối hôm đó, bé lại bỏ trốn mất.
Sau đó, chúng tôi lại đón bé về lần thứ hai, rồi lần thứ ba, nhưng lần nào cô bé cũng bỏ trốn. Đó quả là một điều khó hiểu, vì có đứa trẻ nào lại từ chối được ăn no, được mặc ấm? Sau lần thứ ba, tôi nhờ một nữ tu bí mật đi theo cô bé để tìm hiểu lý do. Người nữ tu về kể lại rằng, chị thấy đứa bé tìm về ngồi cùng với mẹ và em gái mình dưới gốc cây trên phố. Trên đất bày ra một chiếc đĩa nhỏ xíu, và mẹ bé nấu cơm từ những thứ mà cả ngày họ đã nhặt nhạnh được ngoài đường.
Nơi đó, mẹ con họ cùng ăn cơm và cùng cười đùa.
Nơi đó, người mẹ nghèo khổ, rách rưới sẽ tết tóc cho con mình bằng đôi bàn tay tuy thô ráp nhưng dịu dàng.
Nơi đó, mẹ con họ sẽ nằm ngủ bên nhau.
Đó là gia đình của họ!
Thế là chúng tôi đã hiểu tại sao đứa bé ấy lại bỏ trốn khỏi nơi có thể cho nó cuộc sống đầy đủ. Đó là vì tình mẫu tử thiêng liêng. Nơi nào có mẹ có con thì đó là nơi đầy đủ nhất.
Người mẹ chính là ngôi nhà của người con – Ngôi nhà đích thực của tình yêu thương!
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, chương trình phát thanh tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài hát “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, sáng tác: Nguyễn Văn Chung.