Chuyên mục truyền thanh - Tuần 580 (20/5 – 26/5/2019)

Thứ ba - 27/08/2019 21:51 1.403 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG    
  
  Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những thói quen giúp cơ thể khỏe mạnh hơn cả ăn kiêng được trích từ tạp chí Phụ nữ.
    Sau đây là những thói quen trong cuộc sống cần thay đổi, bao gồm cả thói quen ăn uống để có một cơ thể khỏe mạnh:
    Ăn chậm và nhai kỹ
    Một nghiên cứu cho thấy những người ăn nhanh cũng tăng cân nhanh hơn người ăn chậm. Ăn chậm và nhai tốt sẽ khiến cơ thể cảm thấy no, ngay cả khi ăn ít hơn. Để tập thói quen ăn chậm, hãy bắt đầu bằng cách đếm số lần nhai, và tăng dần số đếm nếu cảm thấy mình không nhai đủ.
    Uống nước thường xuyên
    Uống nước là điều cần thiết để giúp cơ thể khỏe mạnh. Uống nước trước bữa ăn còn giúp giảm cân bằng cách tạo cảm giác no, từ đó giúp bạn không tiêu thụ quá lượng calo cần thiết.
    Một nghiên cứu cho thấy những người uống nửa lít nước 30 phút trước bữa ăn sẽ ăn ít hơn những người không uống.
    Bày thức ăn không lành mạnh trong đĩa màu đỏ
    Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng một thí nghiệm cho thấy mọi người uống ít hơn từ cốc màu đỏ và ăn ít hơn từ đĩa màu đỏ so với đồ ăn thức uống được bày trong cốc và đĩa màu xanh.
    Nguyên nhân có thể là do chúng ta cảm nhận màu đỏ là tín hiệu của việc dừng lại.
    Tránh đồ uống có đường
    Đường là thủ phạm lớn nhất đối với một số vấn đề liên quan đến sức khỏe như bệnh tiểu đường và béo phì đến bệnh tim. Một lon soda chứa đến 52g đường trong khi giới hạn lượng đường cơ thể cần tiêu thụ hàng ngày là 37,5 gram với nam và 25 gram đối với nữ. Thay vào đó, hãy uống đồ uống tốt cho sức khỏe như trà xanh, cà phê hoặc nước ép trái cây tươi.
    Tránh mất tập trung khi ăn
    Tập trung ăn uống mà không bị phân tâm khi xem TV hoặc chơi game sẽ khiến ăn ít hơn và tiêu thụ ít calo hơn. Các nghiên cứu nhận thấy: những người bị phân tâm trong bữa ăn đã ăn thêm khoảng 10% lượng thức ăn so với khi tập trung ăn.
    Ăn sáng mỗi ngày
    Bỏ bữa sáng hoặc ăn không đủ đều có hại cho sức khỏe. Ăn sáng không chỉ cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào để bắt đầu ngày mới mà còn giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, tăng cân và phát triển bệnh tim.

II. GIỚI THIỆU SÁCH    
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách: 
    - Bách khoa những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam.
    - Sài Gòn chở cơm đi ăn phở.

 
BÁCH KHOA NHỮNG CÂY THUỐC VÀ VỊ THUỐC VIỆT NAM
 
    Trong cuộc sống quanh ta, có rất nhiều loại rễ, cây, hoa và quả được sử dụng làm thực phẩm hằng ngày, có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon từ ăn sống, làm gỏi cho đến nấu canh hay làm gia vị chế biến;… Đây là những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng góp phần quan trọng để duy trì sự sống, hoạt động và sự phát triển của cơ thể con người. Tuy nhiên, ngoài giá trị dinh dưỡng, ít ai biết rằng các loại thực phẩm này lại có nhiều tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh và đẩy lùi các nguy cơ bệnh khác.
    Mỗi loại thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng khác nhau, từ đó công dụng chữa bệnh cũng khác nhau. Quyển sách “Bách khoa những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” do Tăng Bình và Ái Phương tuyển chọn, NXB Hồng Đức ấn hành năm 2018 sẽ giúp cho độc giả tìm hiểu tác dụng và áp dụng đúng các bài thuốc chữa bệnh đơn giản từ những loại cây quen thuộc xung quanh.
    Sách dày 415 trang với bố cục 12 phần:
    Phần 01: Những cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh tim mạch, điều hòa huyết ấp;
    Phần 02: Những cây thuốc và vị thuốc giúp bổ khí huyết, trị mất ngủ;
    Phần 03: Những cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh phụ nữ;
    Phần 04: Những cây thuốc và vị thuốc chữa mụn nhọt và mẩn ngứa;
    Phần 05: Những cây thuốc và vị thuốc trị giun sán;
    Phần 06: Những cây thuốc và vị thuốc chữa tiêu chảy, tiết lỵ;
    Phần 07: Những cây thuốc và vị thuốc lợi tiểu, thông mật;
    Phần 08: Những cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh ở đường tiêu hóa, dạ dày;
    Phần 09: Những cây thuốc và vị thuốc chữa ho, chống viêm, cảm sốt;
    Phần 10: Những cây thuốc và vị thuốc giải độc, côn trùng cắn, cầm máu;
    Phần 11: Những cây thuốc và vị thuốc chữa tê thấp, đau nhức, giảm đau;
    Phần 12: Những cây thuốc và vị thuốc có chất độc.
    Tuy nhiên, thông tin trong quyển sách chỉ có tác dụng tham khảo, nếu muốn áp dụng hay chẩn trị lâm sàng, người đọc nên hỏi ý kiến người có chuyên môn.
    Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 615.09597/B102KH; Mã số: TC.4376.

 
SÀI GÒN CHỞ CƠM ĐI ĂN PHỞ

    “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” của tác giả Ngữ Yên là một quyển tùy bút rất hấp dẫn về văn hóa ẩm thực, tập hợp những câu chuyện về ẩm thực Việt Nam nói chung được nhìn từ tính cách, lối tư duy kiểu người Sài Gòn.
    Quyển sách có độ dày 279 trang gồm 64 bài viết: “Bếp lửa sinh thành”, “Tô canh khế”, “Xa rồi cơm thuần Việt”, “Săn cái ngon giữa Sài Gòn”, “Sài Gòn ăn sáng”, “Nhan sắc phở Sài Gòn”, … Tất cả mang đến bạn đọc hình ảnh của một Sài Gòn hội tụ những món ăn thật quen thuộc còn mang hương vị những quê nhà như: Bát canh chua, Mắm kho quẹt,… nhưng cũng có những món ăn đậm chất vùng miền như: Tô canh khế, Nồi lẩu rắn, Nồi cháo nấm tràm…Và, còn có những món đang bàn cãi nảy lửa, như món thịt chó. Nhưng dù đứng “chiến tuyến” nào, cũng phải thừa nhận một điểm rất chung: đây là món từng khá phổ biến của một thời mà bất kỳ dân ăn rong nào cũng có thể từng bị “cám dỗ”!
    Từ câu chuyện ẩm thực, bức tranh về đời sống Sài Gòn trong mắt của những người dân nhập cư cũng hiện lên sống động. Sài Gòn không có đặc sản nhưng lại có tất cả đặc sản của mọi vùng miền, mọi quốc gia. Có những khu chợ người Quảng, những “thiên đường” món Bắc, những phố ẩm thực Hàn, Nhật, Thái, …
    Nhiều bài viết được giới thiệu trong tập sách là chuyện “một thuở”, có thể xem như chất liệu vi lịch sử để người ngày sau có thể hiểu hơn về “ngày xưa”, về một bối cảnh rộng lớn hơn phạm vi cái ăn, mâm ăn, bàn ăn thời tác giả đang sống, khám phá và viết.
    Với văn phong hóm hỉnh, quyển sách nhỏ mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây.
    Sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM ấn hành năm 2017. Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 895.92284/S103G; Mã số: DV.53035, MV.19567, MV.19568.III.


III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Tại sao không nên hỏi 'Lớn lên con muốn làm nghề gì?” được trích từ Báo Tuổi trẻ. 
    Đó là điều hầu như ai khi còn nhỏ cũng từng được người lớn hỏi, nhưng nhà tâm lý học người Mỹ Adam Grant khuyên các bậc phụ huynh nên bỏ thói quen đó vì một số lý do...
    Khi còn bé, tôi sợ câu hỏi đó lắm. Tôi chưa bao giờ có câu trả lời hay. Người lớn luôn thấy thất vọng vì tôi không mơ trở thành cái gì đó to lớn, như đạo diễn phim hoặc phi hành gia.
    Vào đại học, tôi cuối cùng nhận ra mình muốn làm nhiều thứ, vậy nên tôi chọn trở thành nhà tâm lý học tổ chức. Công việc của tôi là tư vấn giải quyết những rắc rối trong công việc cho người khác. Tôi học được kinh nghiệm từ họ một cách gián tiếp, ví dụ cách đạo diễn phim tìm tòi sáng tạo, các phi hành gia xây dựng niềm tin ra sao...
    Đến bây giờ, tôi tin rằng hỏi trẻ con "muốn làm nghề gì khi lớn lên" chỉ làm tổn thương chúng.
Đầu tiên, câu hỏi này buộc trẻ con phải xác định bản thân chúng về mặt công việc. Khi bạn được hỏi muốn làm gì khi lớn lên, xã hội không chấp nhận những câu trả lời như "làm một người cha", "làm một người mẹ", chứ đừng nói câu trả lời "làm một người chính trực".
    Khi chúng ta định nghĩa bản thân bằng công việc, giá trị của chúng ta bị lệ thuộc vào những gì chúng ta gặt hái được (trong nghề nghiệp). 
    Vấn đề thứ hai, câu hỏi gợi lên hàm ý rằng mỗi người đều có một tiếng gọi nghề nghiệp nào đó. Mặc dù có mục tiêu cũng mang lại niềm vui, nhưng một nghiên cứu khoa học chỉ ra việc đi tìm "tiếng gọi" khiến các sinh viên cảm thấy bối rối và mất phương hướng.
    Nếu bạn đủ may mắn tìm ra một mục tiêu, đó chưa chắc là một nghề khả thi. Thực tế có rất nhiều đam mê nghề nghiệp không thể... trả nổi hóa đơn điện nước, hoặc đơn giản nhiều người trong chúng ta không có năng lực cho công việc đó.
    Có một câu chuyện thế này: Lần nọ, diễn viên hài da màu người Mỹ Chris Rock nghe một nhà quản lý sư phạm nói với đám đông học sinh trung học trong lễ khai giảng rằng, chúng có thể trở thành bất cứ nhân vật nào chúng muốn khi trưởng thành.
    Rock chất vấn: "Quý cô ơi, tại sao cô lại nói dối với lũ trẻ? Có thể 4 đứa trong số chúng muốn làm gì cũng được, nhưng 2.000 đứa còn lại tốt hơn nên đi học nghề. Hãy nói với chúng sự thật: các em có thể làm bất cứ nghề gì mình giỏi - miễn là người ta chịu thuê".
    Nếu xoay sở vượt qua được những chướng ngại vật trên, vẫn còn thử thách thứ ba: hiếm có công việc nào giống với ước mơ, mong đợi thời còn nhỏ.
    Trong một nghiên cứu khác, các nhà tâm lý nhận thấy hành trình đi tìm một công việc lý tưởng khiến các sinh viên năm cuối cảm thấy lo lắng, căng thẳng, ngộp thở và suy sụp trên suốt chặng đường - và họ càng không hài lòng với những gì mình tìm thấy.
    Tác giả Tim Urban viết: "Hạnh phúc là thực tế trừ đi sự trông đợi". Nếu bạn cố tìm kiếm hạnh phúc, bạn chắc chắn sẽ thất vọng. Điều này giải thích tại sao người ta thống kê được những người tốt nghiệp đại học trong giai đoạn suy thoái kinh tế cảm thấy hài lòng với công việc hơn sau 30 năm. Đơn giản vì họ không xem có công việc là chuyện hiển nhiên.
    Mặt tích cực của sự trông đợi ít là nó xóa đi khoảng cách giữa những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta có. Nhiều công trình nghiên cứu gợi ý thay vì vẽ ra một bức tranh công việc màu hồng, tốt nhất bạn nên bắt đầu với một cái nhìn chân thật, bao gồm khó khăn, phức tạp và tất cả những thứ khác.
    Bà hoàng truyền hình Oprah Winfrey diễn tả chính xác nhất: "Công việc của bạn không phải khi nào cũng thỏa mãn bạn".
    Tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện người trẻ đặt mục tiêu cao và mơ ước lớn, nhưng hãy nghe lời khuyên của một nhà tâm lý nghề nghiệp: Những ước mơ đó phải lớn hơn "công ăn chuyện làm". 
    Hỏi trẻ con muốn làm nghề gì có thể đẩy chúng đi theo một con đường bản thân chưa chắc đã muốn, thay vào đó, (phụ huynh) hãy gợi ý cho con em suy nghĩ về con người chúng muốn trở thành, về tất cả những thứ khác nhau chúng muốn làm khi lớn lên.

IV. GIẢI TRÍ

    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Kết thúc chương trình hôm nay, xin gởi đến quý vị và các bạn một sáng tác của Phạm Minh Tuấn “Dấu chân phía trước”. 
 Tags: 2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây