I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những đồ vật cá nhân không sạch sẽ như chúng ta nghĩ” được đăng trên tạp chí Phụ nữ. Dụng cụ cắt móng tay: Mắt thường không thể nhìn thấy nhưng có một lượng lớn vi khuẩn, vi rút và vi sinh vật nấm trên ngón tay và móng chân. Vì vậy, dụng cụ cắt móng tay dễ trở thành vật trung gian truyền bệnh nhiễm trùng.
Bông tai: Tai có nhiều mạch máu. Đó là lý do tại sao rất dễ bị nhiễm các bệnh truyền qua đường máu chỉ bằng cách đeo chung bông tai. Khi muốn mượn bông tai, hãy lưu ý lau sạch chúng bằng cồn.
Son: Dưới bề mặt của môi cũng có các mạch máu. Tất cả những gì bạn thoa lên môi có thể đi vào máu - thậm chí là vi khuẩn. Virus herpes có thể được truyền từ người này sang người khác khi dùng chung môi.
Nhíp tỉa lông mày: Nếu bạn sử dụng nhíp của người khác để tỉa một vài sợi lông, thì việc đó không gây lo ngại. Nhưng nếu sử dụng chúng để loại bỏ những sợi lông mọc ngược và máu xuất hiện, dụng cụ này có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng.
Lăn khử mùi: Lăn khử mùi có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, đặc biệt là nếu vi khuẩn xâm nhập vào vết thương nhỏ sau khi cạo râu. Lăn khử mùi chỉ che giấu mùi hôi và không ngăn chặn sự nhân lên của vi khuẩn.
Bánh xà phòng: Vi sinh vật bao phủ bánh xà phòng sau mỗi lần sử dụng - không chỉ các vi khuẩn vô hại mà cả các vi rút nguy hiểm. Điều tồi tệ nhất là khi bánh xà phòng nằm trong đĩa xà phòng ướt. Bởi độ ẩm là một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm và vi rút. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, sử dụng xà phòng dạng lỏng.
Lược: Không bao giờ sử dụng lược chung với bất kỳ ai khác. Nó làm tăng nguy cơ lây lan ký sinh trùng như chấy, ghẻ và thậm chí là nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Nếu dùng chung bàn chải tóc, hãy làm sạch ngay bằng chất khử trùng.
Khăn tắm: Khăn là nơi sinh sản của vi trùng, đặc biệt là khi treo trong phòng tắm có độ ẩm cao. Nếu khăn có mùi mốc, điều đó có nghĩa là có sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn. Một chiếc khăn nhiễm khuẩn có thể khiến người dùng nhiễm trùng nấm và vi khuẩn gây phát ban, mụn trứng cá và viêm kết mạc.
Cọ trang điểm: Tránh dùng chung các sản phẩm trang điểm có thể tiếp xúc với chất lỏng cơ thể như nước mắt, niêm mạc mũi, nước bọt, máu hoặc mụn mủ. Và tốt hơn không nên dùng chung bút kẻ mắt, phấn mắt, mascara, kem che khuyết điểm, phấn trang điểm, son môi và phấn mắt
Tai nghe: Sử dụng chung tai nghe với người khác có thể gây ra sự phát triển của vi khuẩn trong tai. Nguy cơ tăng lên nếu bạn sử dụng chúng trong khi tập luyện: nhiệt và độ ẩm bổ sung góp phần vào sự phát triển của vi khuẩn.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta.
- Bác Hồ với phụ nữ.
NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
Gần một nghìn năm của chế độ phong kiến tự chủ Việt Nam đã chứng minh một quy luật rằng, thế nước thịnh hay suy, mạnh hay yếu phụ thuộc phần lớn vào đường lối trị nước của các bậc vua chúa, vào đội ngũ quan lại triều đình có thực sự đưa ra được những quốc sách, kế sách phù hợp với sự phát triển các mặt đời sống của đất nước, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước hay không. Bởi, chỉ có đưa ra được những kế sách đúng mới vạch ra được đường lối đúng, phù hợp với sự phát triển của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Điều đó cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của những kế sách đúng, kế sách hay đối với sự phát triển đất nuớc trong lịch sử.
Quyển sách “Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta” do PGS Bùi Xuân Đính sưu tầm và biên soạn, NXB Chính Trị Quốc Gia Sự Thật ấn hành năm 2018 sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc một tư liệu quý nghiên cứu về những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta trong thời kỳ phong kiến, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với độ dày 453 trang, quyển sách tập hợp hơn 60 kế sách của các vị quan yêu nước ở các vị trí quan trường khác nhau của các vương triều: Nguyễn Trung Ngạn đề xuất lên vua Trần Hiến Tông việc lập các tào thương - kho chứa thóc tô để chẩn cấp cho dân bị đói; Những lời khuyên của Phan Thiên Tước đối với vua Lê Thái Tông về trách nhiệm của nhà vua đối với vận mệnh của dân, của nước; Hoàng Thanh dâng sớ bảy điểm lên vua Lê Thánh Tông đề cập đến những vấn đề lớn của đất nước; Bài văn sách “Đình đối” của Vũ Kiệt bàn đến vấn đề hệ trọng của đất nước là nạn tham nhũng; Những kế sách của Đặng Thiếp trong việc mở mang giao thông, phát triển thủy lợi, khai hoang lập ấp; Hay những đề xuất của Giáp Hải, Nguyễn Công Hãng, Phạm Như Đăng, Phan Bảo Định, Nguyễn Công Trứ,… Đó là những tờ sớ, tờ khải, bản điều trần đề cập tới không chỉ những vấn đề quan trọng của đất nước, mà cả những khía cạnh bình thường cảu đời sống nhân dân và đưa ra những đề nghị, sáng kiến cải cách, được ghi chép trong các bộ sử cũ của nước nhà.
Với vốn kiến thức sâu rộng, đa ngành, tác giả không chỉ tập trung trình bày nội dung của từng kế sách mà còn đưa ra những nhận định chủ quan về các kế sách, luận giải về ý nghĩa của nó với xã hội đương thời, đồng thời rút ra các bài học quý cho xã hội chúng ta hôm nay.
Quyển sách “Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta” hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 959.702/NH556K; Mã số: DV.54086, MG.8973, MG.8974. Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc.
BÁC HỒ VỚI PHỤ NỮ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó” (Trích Hồ Chí Minh toàn tập). Người không chỉ đánh giá đúng vai trò, vị trí của người phụ nữ Việt Nam mà còn động viên, cổ vũ họ phấn đấu vươn lên, khẳng định vị thế và những đóng góp của mình cho xã hội.
Quyển sách “Bác Hồ với phụ nữ” được NXB Thanh niên ấn hành năm 2017, với độ dày 242 trang, tập hợp có chọn lọc 62 bài viết, bài nói, buổi gặp gỡ, chuyến công tác, câu nói chân thực, các chuyện kể cảm động được kể từ chính những gương mặt phụ nữ Việt Nam đã có vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác quan tâm chăm sóc, dạy bảo như: “Người Hà Nội nhớ Bác”; “Điều Bác căn dặn”; “Những kỷ niệm về Bác”; “Vì sao sáng nhất”; “Bông hồng Bác tặng”; Những giây phút thiêng liêng”; “Được gặp Bác”… Họ là những người phụ nữ ở các cương vị khác nhau như nông dân, nhà báo, nhà giáo, bác sỹ, nghệ sỹ, cán bộ Hội Phụ nữ, Anh hùng quân đội,… nhưng tất cả họ đều học được ở Bác từ phong cách làm việc, lối sống giản dị, khiêm nhường và cũng từ đó họ phấn đấu trưởng thành trên mọi lĩnh vực công tác.
Qua quyển sách “Bác Hồ với phụ nữ” người đọc càng hiểu thêm được tình cảm yêu thương vô bờ của Bác dành cho mọi người. Phụ nữ Việt Nam ngày nay càng quyết tâm nêu cao vai trò, trách nhiệm trong các phong trào thi đua yêu nước, để không phụ sự tinh cậy của Bác và truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Đó cũng chính là mục đích, giá trị của quyển sách này, thiết thực “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII.
Sách hiện đang được phục vụ đang Thư viện TP. Cần Thơ với Mã số: DV.53482, MA.18258, MA.18259; Ký hiệu phân loại: 305.409597/B101H. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nghệ thuật thấu hiểu trong giao tiếp”.
Hình thức giao tiếp chính chúng ta thường dùng hàng ngày trong công việc cũng như trong cuộc sống là: giao tiếp trực tiếp và giao tiếp gián tiếp. Trong đó giao tiếp trực tiếp hay còn gọi là giao tiếp mặt đối mặt, còn giao tiếp gián tiếp bao gồm giao tiếp qua điện thoại, giao tiếp qua mạng xã hội và giao tiếp qua email. Trong ba hình thức này, bạn thiên về hình thức nào?
Mỗi người, tùy theo tính cách, sở thích, nghề nghiệp của mình mà sẽ có thế mạnh riêng cho từng hình thức giao tiếp. Và việc thấu hiểu được thế mạnh của mình cũng như đối tượng giao tiếp là gì, bạn sẽ chủ động hơn và có những điều chỉnh tốt hơn khi giao tiếp, trao đổi với họ.
Thấu hiểu đối tượng giao tiếp trực tiếp: Người mạnh về hình thức này thường là người hướng ngoại, có sự tự tin nhất định cũng như là người “nói giỏi hơn viết”. Họ sử dụng ngôn ngữ cơ thể tốt, khả năng diễn đạt cũng như truyền tải cảm xúc khá hiệu quả, và nhiều khi có sự hài hước khiến người đối diện cảm thấy khá thu hút.
Những người có xu hướng giao tiếp mặt đối mặt thường có vẻ ngoài thân thiện, dễ tạo ra sự đồng cảm ở nơi người khác trong quá trình giao tiếp. Họ biết điều chỉnh lời ăn tiếng nói của mình sao cho hợp ý người nghe. Tuy nhiên những người này kỹ năng lắng nghe thường không được tốt.
Đối tượng thường giao tiếp qua điện thoại: Giao tiếp qua điện thoại sẽ có hai dạng: nhắn tin và gọi điện. Thường người thích nhắn tin có tính hướng nội nhiều hơn, hay suy nghĩ và cẩn thận. Điều gì với họ cũng cần có thời gian, không thể quyết định nhanh chóng được. Người nhắn tin điện thoại có thể hơi nhút nhát và không ưa mạo hiểm.
Họ khá e dè trong các mối quan hệ và để thật sự thấu hiểu họ là một việc không dễ dàng. Với những người thích giao tiếp bằng các cuộc gọi, tính thiếu kiên nhẫn là điều dễ thấy ở họ. Suy nghĩ của họ cũng kém sâu sắc hơn, đời sống nội tâm kém phong phú hơn. Tuýp người này thích chia sẻ, giãi bày song không phải là người thích san sẻ tình cảm cho nhiều người.
Giao tiếp qua mạng xã hội: Hình thức giao tiếp này ngày càng phổ biến và được rất nhiều đối tượng ưa chuộng. Viết blog, chia sẻ status trên facebook, vào phòng chat, “tám” trên các forum, diễn đàn… là những hình thức giao tiếp qua mạng xã hội. Bản thân các cá nhân thích hình thức này đều là người thích thể hiện bản thân song lại không năng nổ khi ra xã hội bên ngoài. Họ bất mãn, thất bại, cô đơn trong đời sống thực và muốn tìm một sự đồng cảm trên mạng xã hội ảo rộng lớn. Dĩ nhiên chúng ta sẽ không nói đến những tay viết blog chuyên nghiệp hay xem blog là một nơi thể hiện ý kiến cá nhân về các vấn đề xã hội, kinh tế,…
Hình thức giao tiếp qua mạng xã hội khá đặc biệt so với các hình thức giao tiếp kia vì người tiếp nhận ở đây không xác định cụ thể là ai cả. Chính vì thế, cảm xúc, sự kiện được chia sẻ trở nên thật hơn, táo bạo hơn là ở hình thức giao tiếp khác. Mặt khác, trong hình thức giao tiếp qua mạng xã hội, chúng ta có thể giả danh, không thừa nhận tên thật, giấu giếm trình độ, bằng cấp… vì vậy, các mẫu người sử dụng hình thức giao tiếp này cũng đa dạng hơn.
Giao tiếp qua email: Hình thức giao tiếp này thường dùng trong công việc nhiều hơn, dành cho những người bận rộn, ít gặp mặt nhau. Giao tiếp qua email đòi hỏi bạn phải có khả năng diễn đạt, trình bày để thông điệp truyền đi đạt hiệu quả cao nhất. Nếu như trong tin nhắn, chat, bạn có thể viết từ không dấu, chấm phẩy lộn xộn, dùng tiếng lóng… thì trong email, mọi người rất dị ứng điều này. Nó có tính chất trang trọng hơn là các hình thức kia.
Giao tiếp qua email thể hiện rất nhiều trình về độ học vấn, năng lực ngôn ngữ và tính chuyên nghiệp trong công việc của một người. Đây là một hình thức giao tiếp bạn phải học hỏi, chứ không phải một sớm một chiều mà bạn có thể thành thạo được.
Tuy nhiên, các hình thức giao tiếp chỉ phần nào phản ánh tính cách của một người, để thấu hiểu về họ thật sự, bạn cần xem xem họ đang nói gì và tiếp xúc, gặp gỡ họ nữa. Những câu chữ, lời nói trong các hình thức giao tiếp gián tiếp chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, nên bạn cũng đừng phụ thuộc quá.
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Kết thúc chương trình hôm nay, xin gởi đến quý vị và các bạn bài hát “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.