Chuyên mục truyền thanh - Tuần 575 (15/4 – 21/4/2019)

Thứ ba - 27/08/2019 05:18 1.283 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG    
 
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “6 cách tuyệt vời giữ ẩm cho làn da ngày nắng hanh khô được trích từ Tạp chí Phụ nữ.
    Để bạn có thể bảo vệ và sở hữu làn da khỏe mạnh, bác sĩ da liễu Rosemarie Ingleton, làm việc tại New York (Mỹ), đưa ra gợi ý chăm sóc và giữ ẩm cho làn da. 
    Cung cấp nước cho da
    Các loại trái cây và rau xanh chứa hàm lượng dinh dưỡng và vitamin cao chính là lựa chọn tuyệt vời cho các nàng sở hữu làn da khô. Trái cây bổ sung nước cho các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là các tế bào dưới da.
    Ngoài ra, bạn có thể trực tiếp xịt khoáng để giữ ẩm cho da. Bạn nên chọn các loại xịt khoáng cho chứa hàm lượng glycerin cao bởi nó chính là thành phần giúp da duy trì độ ẩm và hạn chế tình trạng mất nước rất tốt ở da.
    Không tắm quá lâu
    Tắm vòi sen sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi, tuy nhiên, nếu bạn kéo dài thời gian tắm, đặc biệt là với nước nóng sẽ khiến làn da của bạn bị khô.
    Cách tốt nhất là bạn nên tắm trong thời gian ngắn, nhiệt độ nước ấm. Sau khi tắm, bạn nên xoa một lớp kem dưỡng ẩm hoặc sử dụng lotion để làm dịu da. Đặc biệt, thời điểm sau khi tắm sẽ giúp các sản phẩm dưỡng da dễ dàng thẩm thấu vào da hơn và độ ẩm của da cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
    Đắp mặt nạ dưỡng da
   Với làn da khô, mặt nạ dưỡng ẩm sâu là giải pháp hiệu quả nhất. Bạn có thể sử dụng mặt nạ thường xuyên 2-3 lần/tuần để làn da được cải thiện và phục hồi nhanh chóng.
    Khi đắp mặt nạ, bạn có thể thả lỏng cơ thể ở tư thế nằm và hít thở sâu trong thời gian các thành phần dinh dưỡng từ mặt nạ thẩm thấu vào da.
    Phục hồi da khô qua đêm
    Khi thời tiết hanh khô, không chỉ làn da trên mặt bị khô ráp mà da tay và da chân có xu hướng bị tróc vảy.
    Bạn có thể lấy một đôi tất và một đôi găng tay chất liệu cotton, sau đó sử dụng kem dưỡng ẩm bôi đều lên đôi tất và găng tay đó. Bạn sẽ đeo chúng qua đêm để kem dưỡng ẩm thẩm thấu vào da giúp da tay và chân của bạn mềm mại hơn.
    Không liếm môi
    Liếm môi trở thành thói quen khi bạn cảm thấy môi bị khô hoặc nứt nẻ. Tuy nhiên, đây là thói quen không tốt bởi các enzyme trong nước bọt sẽ làm mất đi lớp da bảo vệ tự nhiên của môi khiến môi của bạn trở nên khô hơn.
   Thay vì liếm môi, bạn nên chuẩn bị cho mình một thỏi son dưỡng môi để môi giữ được độ ẩm cần thiết cho những ngày hanh khô.
    Để son dưỡng môi phát huy hết tác dụng, bạn nên sử dụng chúng cùng với một lớp kem chống nắng mỏng để bảo vệ môi bạn khỏi các tác động trực tiếp từ môi trường. 
    Giữ độ ẩm thích hợp cho phòng ngủ
    Bạn có thể đặt máy tạo độ ẩm hoặc quạt hơi nước trong phòng ngủ để tăng thêm độ ẩm trong không khí. Điều này giúp làn da của bạn cảm thấy dễ chịu hơn vào buổi sáng.

II. GIỚI THIỆU SÁCH    
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách: 
    - Bác Hồ: Tấm gương sáng mãi - giản dị
    - Cuốn sách và tôi.

 
BÁC HỒ: TẤM GƯƠNG SÁNG MÃI – GIẢN DỊ

    Có ai đó đã từng nói: Chúng ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng chúng ta có thể học được ở Người những đức tính cao đẹp. Đối với mỗi người Việt Nam, trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đức tính giản dị là điều chúng ta dễ nhận thấy và dễ học ở Người.
    Quyển sách “Bác Hồ : Tấm gương sáng mãi - Giản dị” do Nguyễn Thị Duyên biên soạn, NXB Mỹ Thuật ấn hành năm 2018 sẽ giới thiệu đến các bạn những câu chuyện kể về đức tính giản dị của Bác. 
    Sách có độ dày 80 trang gồm hơn 20 chuyện kể: “Chủ tịch nước cũng không có đặc quyền”, “Thế thì chúng ta đã gặp nhau rồi”, “Lịch sử ba bộ quần áo của Bác”, “Một bữa ăn tối của Bác”, “Đôi dép Bác Hồ”, “Bữa cơm kháng chiến”, “Bác Hồ tăng gia rau cải”, “Bác có phải là vua đâu”…
    Trước kia, dù là anh Văn Ba đang làm phụ bếp trên tàu, là Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng đầy khó khăn ở thủ đô Paris, hay sau này là một vị Chủ tịch nước sống kham khổ nơi chiến khu trong những năm kháng chiến, hay là một vị nguyên thủ quốc gia sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, thì cũng vẫn là một người yêu lao động, không ưa chuộng những nghi thức cầu kỳ, suốt đời giữ một nếp sống thanh bạch, tao nhã, giản dị. Tất cả đều được thể hiện trong lối ăn, mặc, ở của Người.
    Đọc quyển sách, nhớ về những câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “Thăm cõi Bác xưa” của nhà thơ Tố Hữu, các bạn sẽ có thêm niềm ngưởng mộ về đức tính giản dị của một lãnh tụ của dân tộc Việt Nam. 
    “… Nhà Bác đơn sơ một góc vườn
     Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn
     Giường mây, chiếu cói đơn chăn gối
    Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn...”
    Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách “Bác Hồ : Tấm gương sáng mãi - Giản dị” tại Phòng Thiếu Nhi, Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 335.4346/B101H; Mã số: ND.6123, ND.6122. 

 
CUỐN SÁCH VÀ TÔI

    Vương Hồng Sển (1902-1996) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Ông là người rất ham mê đọc sách và thích ghi chép tất cả những điều tai nghe, mắt thấy. Phần lớn những tác phẩm của ông rút tỉa từ những tài liệu dưới dạng hồi ký mà ông còn giữ gìn được. 
    Quyển sách “Cuốn sách và tôi” đã được cụ Vương Hồng Sển viết năm 1984, tập di cảo của quyển sách này được NXB Trẻ ấn hành năm 2010. Quyển sách như là một sự “tỏ bày cảm tình riêng với sách” - trút hết nỗi lòng, kinh nghiệm viết và đọc sách; một chút tiếc nuối cho những cuổn sách có số phận long đong, cũng như cho bản thân ông không còn nhiều thời giờ để lang thang trong thế giới bao la khôn cùng của sách... 
    Những ghi chép của ông về thú chơi sách bao giờ cũng gắn với một kỷ niệm nào đó trong quá khứ, chuyện riêng tư lẫn câu chuyện chung của thời cuộc, dẫu đã xa xôi nhưng khi đọc lại vẫn khiến chúng ta bâng khuâng không ít... như cụ Vương thỉnh thoảng vẫn nhắc nhớ những lúc sách lâm cảnh ngặt nghèo - bị hiểu lầm, bị kết tội oan hay bị ruồng bỏ. Những lúc sách khan hiếm như vậy, cụ chống gậy thả bộ ra khu chợ trời lùng sục. Kiếm được một quyển sách hay như tìm được bạn tốt - mà sách không bội bạc bao giờ, cụ nói vậy, chắc là để "bảo vệ" tâm hồn dễ bị thương tổn của mình. 
    Qua 225 trang tập di cảo “Cuốn sách và tôi”, cụ Vương Hồng Sển không chỉ dâng hiến sự hiểu biết của mình về nhiều mặt của đời sống, mà còn mang theo những hương xưa độc đáo, tràn trề xúc cảm qua từng trang viết - văn chương của ông giản dị, tự nhiên mà lôi cuốn vô cùng, - một lối hành văn duyên dáng lạ lùng và luôn luôn gây bất ngờ.
    Thư viện TP. Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu tập di cảo Cuốn sách và tôi với mong ước chia sẻ cùng bạn đọc một phần nhỏ di sản tinh thần mà cụ Vương Hồng Sển để lại. Sách hiện đạng được phục vụ tại Thư viện với Mã số: DV.41221, MH.5526; Ký hiệu phân loại: 002.02/C517S.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN

    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Sự ra đời và ý nghĩa ngày Sách Việt Nam 21/4” 
    Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (có một sự trùng lặp đáng nhớ, bởi đó cũng là ngày mất của hai đại văn hào nổi tiếng tiếng giới: W. Shakespeare và M. Cervantes).
    Trên thế giới lễ hội sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn.
    Ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) đã trở thành ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta đã đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành trong cả nước.
    Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
    Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.

IV. GIẢI TRÍ

    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Kết thúc chương trình hôm nay, xin gởi đến quý vị và các bạn bản hòa tấu “The day dream” 
 Tags: 2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây