I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “5 tác hại đối với da khi sử dụng điện thoại thường xuyên” được trích từ tạp chí Phụ nữ. Sử dụng điện thoại thường xuyên là thói quen không thể bỏ của nhiều chị em. Tuy nhiên, thói quen này là nguyên nhân gây ra nhiều tác hại cho làn da không phải ai cũng biết.
Dưới đây là 5 tác hại cho làn da khi bạn sử dụng điện thoại thường xuyên.
Gây mụn trên da
Điện thoại là nơi tập trung nhiều vi khuẩn, nó như một chiếc nam châm hút vi trùng và vi khuẩn, có nghĩa là trong một ngày, những bụi bẩn, lớp trang điểm, dầu thừa, bụi bẩn, chất độc từ môi trường sẽ tích tụ lại trên màn hình điện thoại. Và khi sử dụng điện thoại thường xuyên sẽ tạo cơ hội cho những vi khuẩn độc hại đó tiếp xúc với da của bạn.
Thời gian nghe, gọi điện thoại quá lâu và nhiều lần sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động làm tắc nghẽn lỗ chân lông và gây ra mụn.
Tình trạng viêm và dị ứng da
Vỏ điện thoại được làm chủ yếu từ Nikel và Chromium. Trong đó, Nikel là một tác nhân gây dị ứng da và thậm chí đã được xem là tác nhân số một trong nhiều năm. Nếu như bạn gặp tình trạng mẩn đó và ngứa ngáy những vùng da tiếp xúc với điện thoại, chứng tỏ bạn đã bị dị ứng với Nikel hoặc Chromium.
Tăng sự xuất hiện nếp nhăn ở cổ
Việc liên tục nhìn xuống màn hình điện thoại sẽ làm tăng lên sự xuất hiện nếp nhăn ở cổ. Vùng da cổ cũng tương tự như da mặt, vùng da này khá mỏng, nhạy cảm và rất dễ bị lão hóa. Khi lặp đi lặp lại việc nhìn xuống màn hình điện thoại sẽ làm mất đi sự đàn hồi vốn có của da, dẫn đến da dễ hình thành nếp nhăn.
Tăng sự hình thành của đốm nâu và nám
Mặc dù việc tiếp xúc với ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại đã được nghiên cứu là không gây hại đến ADN dẫn đến nguy cơ ung thư. Nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy ánh điện thoại làm tăng sự xuất hiện của đốm nâu và nám. Nếu bạn đang bị nám, thì nhiệt sinh ra từ điện thoại sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề, làm tăng lên sự không đều màu da.
Lão hóa da sớm
Bên cạnh làm da không đều màu và hình thành nám thì ánh sáng của điện thoại còn làm tăng sự lão hóa da. Ánh sáng điện thoại tiêu diệt collagen của da, làm hình thành nếp nhăn nhiều hơn.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ.
- Truyện cổ Grimm.
VỪA NHẮM MẮT, VỪA MỞ CỬA SỔ
“Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” là truyện dài nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Tác phẩm đã giành được giải Vàng trong Giải A cuộc thi Vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2002 do Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn TP. HCM tổ chức.Sách đã được tái bản nhiều lần, được dịch qua tiếng Thuỵ Điển và giành giải thưởng Peter Pan cho mảng văn học thiếu nhi. Ngoài ra, tác phẩm cũng được chuyển ngữ sang tiếng Anh dưới tên “Open the windows, eyes closed”.
Đây là tập truyện gồm những thiên truyện nhỏ kể theo ngôi thứ nhất của cậu bé 10 tuổi tên là Dũng về cuộc sống quanh cậu: “Những âm thanh đẹp nhất”, “Ghét cái răng khểnh”, “Thương nhớ ngón tay”, “Tình yêu”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Đôi guốc của cô giáo Hà”;…
Tập truyện là một bức tranh đồng quê dung dị, trong trẻo, sống động, đầy chất thơ, lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thông qua tác phẩm, tác giả mang lại cho người đọc một món quà quý báu, và cho cả những người đã bước qua tuổi thơ một bài học sâu sắc: hãy nhắm mắt và mở lòng mình, nhìn cuộc sống bằng tất cả các giác quan để cảm nhận, để thấu hiểu, để yêu thương.
Một số đoạn trích hay trong truyện:
“Một đứa trẻ ra đời là một sự may mắn, ngày tôi ra đời là ngày tôi may mắn có thêm bạn mới. Chẳng hạn, tôi làm sao có thể quen thằng Tí và chọn nó làm bạn thân nếu tôi không ra đời?”.
“Chúng ta chỉ được khóc một lần khi chào đời, một cái khóc dễ thương nhất.”
“Không gì đẹp bằng cái tên của mình. Một cái tên là một tình thương lớn.”
TS. Nguyễn Thị Minh Thái đã có lời nhận xét về tập truyện: “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã thật sự là một cú đúp ngoạn mục về văn chương: Mỗi truyện ngắn nho nhỏ trong đó đã là một truyện tặng cho bạn đọc trẻ thơ, lại vừa là một truyện dành cho người lớn. Bởi chúng nhiều tầng nghĩa, giàu chất thơ, và có lẽ, bởi cả tác phẩm chính là kết quả cái nhìn độc đáo của một chủ thể thi sĩ viết văn xuôi, với động thái đắm đuối nhị nguyên rất mới lạ: vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ... nhìn ra thế giới. Và chỉ để phát hiện ra rằng “thế giới” chính là tất cả những gì thân thuộc, thân mến nhất ngay ở trước mắt: khu vườn nhỏ cạnh cửa sổ nhà mình, cuộc sống hàng ngày êm đêm của cha mẹ, bạn bè, cô giáo, hàng xóm láng giềng kế bên, và... thật thú vị, ở ngay trong trái tim của chính mình, khiến mình phải viết... ra giấy, cho chính mình trước hết.”
Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” tại Phòng Thiếu nhi, Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 895.9223/V551NH; Mã số: NA.2399, NA.2398.
TRUYỆN CỔ GRIMM
“Công chúa ngủ trong rừng”, “Chú bé tí hon”, “Mười hai nàng công chúa”, “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”,… vốn là những câu chuyện không còn xa lạ với biết bao thế hệ và đã nổi tiếng trên toàn thế giới.
Với độ dày 304 trang, quyển sách “Truyện cổ Grimm” do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2018 đưa các câu chuyện ấy của hai anh em nhà Grimm trở thành những tác phẩm mới mẻ với nhiều sắc màu sinh động, hình minh họa đặc sắc sẽ giúp cho người đọc đến với các câu chuyện một cách thú vị hơn.
Đọc quyển sách, các em thiếu nhi sẽ được đến với thế giới cổ tích rộng lớn, kì ảo - nơi có các chàng hoàng tử quả cảm và những nàng công chúa đẹp xinh, có các bà tiên nhân hậu nhưng cũng có những mụ phù thủy độc ác, những con quỷ đáng sợ.,.. Ở đó, như các bạn luôn mong, luôn tin, luôn hi vọng, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, những người hiền lành, ngay thẳng sẽ được hưởng hạnh phúc, còn kẻ ác phải chịu trừng phạt.
Bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn mang đậm màu sắc dân gian Đức, tập truyện này sẽ kèm theo các minh họa màu sinh động, giúp các bạn hình dung rõ nét hơn về không gian cổ tích Grimm màu nhiệm, li kì, đầy ắp bất ngờ.
Quyển sách “Truyện cổ Grimm” đang được phục vụ tại Phòng Thiếu nhi, Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 398.20943/I-309CL; Mã số: NA.3907. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Lời ăn, tiếng nói là biểu hiện ứng xử văn hóa” trích từ Báo Thanh niên.
Các chuyên gia văn hóa, tâm lý học cho rằng việc nói tục, chửi bậy lộng hành trên thế giới ảo nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ gây hậu quả lớn trong đời sống thực.
Theo thạc sĩ Bùi Việt Thành, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: “Để ngăn chặn được điều này cần đòi hỏi có sự chung tay, trong đó vai trò của nhà trường và gia đình là hết sức cần thiết. Gia đình, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền lời ăn, tiếng nói, hành xử chuẩn mực là biểu hiện văn hóa của gia đình và nhà trường. Đây là nơi bắt buộc các thành viên phải noi theo, tuân thủ, làm được điều đó có thể giúp đẩy lùi nạn nói tục, chửi bậy”.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc phòng vẫn hơn chống nên bản thân mỗi người dùng trước hết phải ý thức được tính hai mặt của việc sử dụng mạng xã hội để phát ngôn luôn có sự cân nhắc.
“Việc hình thành hay từ bỏ một thói quen xấu rất khó, không phải dễ có được trong ngày một ngày hai mà cần có sự đấu tranh của ý chí, và hãy thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội bằng việc thường xuyên để tâm đến những câu chuyện đẹp, ý nghĩa và mang tính giáo dục. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần siết chặt sự quản lý đối với các trang mạng xã hội; gia đình, nhà trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho người trẻ; xã hội nên tăng cường tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong môi trường mạng…”, ông An nói.
Còn theo thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên dạy ngữ văn, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5, TP.HCM), gia đình mỗi người trẻ nên tạo một môi trường ấm áp, để mọi người có thể chia sẻ với nhau, quan tâm với nhau nhiều hơn để các bạn trẻ cảm thấy được thể hiện chính mình, không cần nương tựa vào thế giới ảo.
Nếu lạm dụng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát để văng tục, bình luận thiếu tế nhị sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Về phía cá nhân thì tự mình làm xấu đi hình ảnh bản thân, hơn nữa là nhận sự phẫn nộ, khó chịu từ mọi người. Về phía người đón nhận sẽ là sự xúc phạm, tổn thương sâu sắc về tinh thần và có khi trở thành “giọt nước tràn ly” đẩy người khác vào ngõ cụt, có khi là cái chết thương tâm vì không vượt qua nỗi áp lực từ dư luận.
Thạc sĩ Đặng Hoàng An giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: Mạng xã hội là tấm gương phản chiếu chính chúng ta, nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào đó để đánh giá xem bạn là người như thế nào, nên đừng tự tay đánh mất cơ hội của mình bằng những phát ngôn trên mạng xã hội.
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Kết thúc chương trình hôm nay, xin gởi đến quý vị và các bạn bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”, sáng tác Trần Kiết Tường.