I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Bạn đang tự rút ngắn tuổi thọ của mình nếu có các thói quen xấu sau” được trích từ trang báo Tri thức trẻ. Ngủ sau 23h đêm, bỏ ăn sáng, lười uống nước… là những thói quen rất có hại cho sức khỏe. Để đảm bảo một cuộc sống mạnh khỏe và hạnh phúc, bạn cần rèn luyện những thói quen tốt và hạn chế những thói quen xấu. Đừng tự làm suy giảm chất lượng cuộc sống của mình bằng những thói xấu sau đây.
1. Ngủ sau 23h đêm: Các nhà khoa học trên trang Health khuyên mỗi người nên ngủ đủ 6-8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngủ không đủ giấc sẽ gây hại cho bộ não, đặc biệt vào ban đêm từ sau 23h trở đi, quá trình lão hóa của các tế bào não diễn ra rất nhanh.
2. Hút thuốc lá: Chất độc từ thuốc lá được chứng minh gây trở ngại cho quá trình tim bơm oxy lên não, từ đó gây hại cho bộ nhớ. Theo India Times, tiếp xúc với khói thuốc lá trong thời gian dài sẽ phá hủy các cấu trúc phổi bình thường. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng như cảm lạnh, viêm phổi, thậm chí gây ung thư phổi hoặc bệnh khí thũng.
3. Uống bia rượu: Thói quen uống rượu bia nhiều có thể dẫn đến teo não. Nghiên cứu cho thấy những người uống rượu nhiều khi đến tuổi trung niên bị suy giảm trí nhớ sớm hơn 6 năm so với những người uống ít hoặc không uống bia rượu.
4. Bỏ bữa sáng: Bỏ ăn bữa sáng làm giảm lượng đường trong máu, làm ngưng trệ quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cho não bộ. Tuy nhiên bạn nên lưu ý không nên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ vào buổi sáng, nếu không sẽ gây ra phản ứng ngược.
5. Trùm chăn khi ngủ: Bình thường, con người hít vào oxy, thở ra CO2 và nhiều chất độc hại. Nếu trùm chăn kín đầu khi ngủ thì bạn sẽ hít phải những chất có hại do chính mình thải ra. Khi thiếu dưỡng khí, tế bào não rất dễ bị tổn thương, hệ quả là sụt giảm trí nhớ nhanh chóng. Ở độ tuổi 20 bạn chưa nhận ra triệu chứng rõ ràng, nhưng khi bước vào tuổi 30 bạn sẽ hiểu tác hại của việc suy giảm trí nhớ.
6. Ăn nhiều đồ ngọt: Não bộ cần đủ lượng protein và vitamin nhất định để hoạt động và phát triển. Vậy nên dân công sở thường ăn 1 chiếc bánh ngọt vào bữa xế để làm việc tốt hơn. Tuy nhiên nếu bạn ăn đồ ngọt không kiểm soát thì lại là chuyện khác. Khi ăn nhiều đồ ngọt, bạn sẽ không còn thèm ăn những chất khác nữa dẫn đến tình trạng thừa đường nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Ngoài ra, ăn nhiều đồ ngọt cũng khiến bạn có nguy cơ bị béo phì.
7. Uống ít nước: 85% não của con người là nước. Các hoạt động của não rất cần nước, do đó nếu bạn cung cấp không đủ nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của não bộ, trong đó có trí nhớ.
8. Lười vận động: Các nhà khoa học đã chứng minh rằng tập thể dục thường xuyên làm tăng lưu thông máu và cung cấp oxy cho não, qua đó giúp ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ. Lối sống ít vận động đồng nghĩa với việc sở hữu một trí nhớ kém cùng cơ thể tích mỡ, dễ dẫn đến bệnh béo phì và tim mạch.
9. Sống trong căng thẳng liên tục: Stress làm gia tăng lượng hormone cortisol ở vùng hippocampus, ảnh hưởng đến khả năng học tập và ghi nhớ của não bộ. Để bảo vệ trí nhớ, bạn hãy tập một lối sống thanh thản, học cách kiểm soát cảm xúc và tách mình ra khỏi những lo lắng không cần thiết.
10. Làm việc quá nhiều: Cũng giống như một chiếc máy phải chạy quá công suất nhiều lần sẽ bị hư hỏng. Khi cơ thể khi bị bệnh hoặc làm việc quá tải mà bạn cứ cố gắng duy trì việc học tập hoặc làm việc sẽ gây ra những tổn thương cho nhiều cơ quan, đặc biệt là não.
11. Không đọc sách: Nghiên cứu cho thấy việc đọc mỗi ngày rất tốt cho trí tưởng tượng, giúp não phát triển năng động hơn. Do đó hãy giảm bớt tình yêu với công nghệ mà hãy dành thời gian cho việc đọc sách. Bạn sẽ thấy khả năng nhớ, tư duy logic, tưởng tượng gia tăng rõ rệt
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Hoạt động thương hồ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Truyền thống và biến đổi.
- Phong lưu cũ mới.
HOẠT ĐỘNG THƯƠNG HỒ Ở VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: TRUYỀN THỐNG VÀ BIẾN ĐỔI
Thương hồ là một hoạt động kinh tế sông nước quan trọng của các cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ xa xưa, việc buôn bán trên sông nước là một loại hình dịch vụ quan trọng và cần thiết, đáp ứng nhu cầu đa dạng của cư dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
Quyển sách “Hoạt động thương hồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Truyền thống và biến đổi” do Ngô Văn Lệ, Ngô Thị Phương Lan và Huỳnh Ngọc Thu biên soạn, NXB Chính trị Quốc Gia Sự thật ấn hành năm 2019 sẽ giúp người đọc tìm hiểu đặc trưng truyền thống cũng như những biến đổi của hoạt động thương hồ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long theo chiều dài lịch sử, làm rõ vai trò của hoạt động kinh tế - văn hóa này đối với đời sống của cư dân trong vùng.
Sách có độ dày 319 trang với bố cục 3 phần.
Phần 1 trình bày các khái niệm về thương hồ, cộng đồng thương hồ, chợ nổi, truyền thống và biến đổi; giới thiệu tổng quan về đồng bằng sông Cửu Long - vùng sông nước, đa tộc người và đa văn hóa, những đặc trưng sinh thái của vùng - nền tảng của hoạt động thương hồ. Đây là vùng mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc, thuận lợi cho các hoạt động giao thương đường thủy, đặc biệt là hoạt động thương hồ. Hoạt động này hình thành và phát triển từ rất sớm và đến ngày nay vẫn còn tồn tại và trở thành thương hiệu của vùng đất này.
Phần 2 tập trung trình bày các dạng thức hoạt động điểm và tuyến của nghề thương hồ. Các thương hồ hoạt động theo điểm thường xuyên tập trung mua bán tại các chợ nổi - nơi được hình thành tự phát do các ghe thuyền chở hàng hóa từ khắp nơi tập trung tại các ngã giao nhau của các dòng sông để trao đổi mua bán, rồi từ đó tỏa đi các hướng, len lỏi đến mọi ngóc ngách trong vùng. Một số chợ nổi nổi tiếng như: Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy - Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng),… Các thương hồ hoạt động theo tuyến thì chở hàng hóa đi dọc theo những tuyến đường thủy khắp vùng để bán như: Nghề đi ghe của người Việt ở Cần Đước, của người Chăm Islam ở An Giang.
Phần 3 khái quát các đặc trưng kinh tế - văn hóa và xã hội của cộng đồng làm nghề thương hồ. Tuy là một cộng đồng lưu động, khác với các cộng đồng làng xã truyền thống, nhưng cộng đồng thương hồ gắn kết với nhau nhờ đặc điểm nghề nghiệp và thông qua chia sẻ những nét sinh hoạt văn hóa, kinh tế và xã hội đặc trưng. Chợ nổi và hoạt động thương hồ là một cách thích nghi hữu hiệu với môi trường sinh thái của vùng sông nước trong điều kiện hạ tầng cơ sở của vùng chưa phát triển và các địa phương bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Do vậy, trong bối cảnh phát triển chung của đất nước hướng đến sự kết nối giữa các vùng miền qua việc phát triển hạ tầng cơ sở cùng với sự thay đổi của nhu cầu thị hiếu, hoạt động thương hồ cũng có những biến đổi quan trọng.
Quyển sách là bức tranh khá toàn diện và hệ thống về nghề thương hồ, là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách của vùng và các địa phương trong công tác quản lý, phát huy các giá trị kinh tế, văn hóa - xã hội của hoạt động thương hồ, một hoạt động kinh tế đặc thù quan trọng của vùng sông nước miệt vườn.
Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 306.3095978/H411Đ; Mã số: DC.2695.
PHONG LƯU CŨ MỚI
Trân trọng vốn văn hoá truyền thống của dân tộc chính là điều kiện để tồn tại và phát triển của dân tộc đó. Nếu như trong cuộc sống hiện nay, chúng ta đã có nhiều phương tiện thông tin đại chúng hay những sinh hoạt văn hoá cuốn hút thì những thú vui của người xưa vẫn tồn tại và lan rộng trong nhiều lớp người, điều đó hẳn có lý do.
Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến bạn đọc quyển sách “Phong lưu cũ mới” nhà văn Vương Hồng Sển chấp bút, được NXB Tổng hợp Tp. HCM ấn hành năm 2016. Với độ dày 328 trang, quyển sách là tập nghiên cứu, bình luận khá công phu của ông về văn hóa, thú chơi phong lưu của người Miền Nam xưa như thú nuôi chim, thú chọi gà, thú chơi cá lia thia, thú chơi dế mèn, cúc, cống… đi kèm các bài luận về chim phụng hoàng, ve ve, bọ hung rất chi tiết và tỉ mĩ.
Chia sẻ về thú nuôi chim, nhà văn đưa ra những kiến thức vô cùng hữu ích: “Nuôi nhồng, nuôi sảnh, nuôi sáo sánh, sáo nghệ, sáo trâu, thì sắm lồng tre lồng trúc xinh xinh, lồng sắt sơn son, lồng thép thau có đậu bông bắt chỉ ngộ nghỉnh. Các loại chim nầy, lưỡi mềm (trừ sáo trâu dở hơn hết), khéo học nhái được tiếng người. Đôi ba tháng, thấy chim biếng nói thì biết lưỡi nó đớ đi, vì có một lớp da khô đóng mo ngoài chót, lưỡi không mềm mỏng như ngày thường: những lúc như vậy, chim biếng nói biếng ăn…. Thật vậy, có nuôi chim mới biết thương chim.”
Hay để nuôi cá lia thia, ông khuyên: “Nước trong chai để rộng cá, không nên để nhiều lắm mà cũng không nên để ít lắm. Để nhiều, nước kề họng chai thì bắc cầu cho thằn lằn, thừa dịp câu trộm cá thêm dễ! Để ít thì con cá cạn nước không bền sức bằng cá nuôi nước sâu.”
Tác giả cũng dành nhiều trang dày công nghiên cứu về thú chọi gà nhưng ông viết: “Ngày nay đá gà đã cấm. Nhưng đây là thuật lại chuyện cũ, thói cũ để đánh dấu một thời xưa, tưởng cũng nên.”
Và còn khá nhiều thú vui “phong lưu” khác mà cụ Vương Hồng Sển đề cập trong quyển sách. Với lối viết văn tự sự nhẹ nhàng, cùng nhiều câu chuyện thú vị, quyển sách sẽ giúp các bạn trẻ ngày nay hiểu biết thêm về những trò chơi dân gian xưa qua đó làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình, có cái nhìn toàn diện hơn về cách thức giải trí của người Việt Nam xưa, với các bạn chuyên ngành Văn hóa thì đây là tài liệu hữu ích.
Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 394.09597/PH431L; Mã số: DV.50370, MG.7913, MG.7914.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Miếng bánh mì cháy”.
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.
Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy hay không. Cha tôi choàng tay qua vai tôi và nói:
“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”
Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.
Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”
Bài học rút ra: Trong cuộc sống, bạn cần phải biết học cách cảm thông đối với điểm yếu, điểm hạn chế của người khác. Cảm thông với cuộc sống, tính cách của mọi người trong gia đình, bạn bè, vợ chồng… sẽ giúp bạn có một cuộc sống dung hòa xung quanh. Sự cảm thông – bí quyết nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình. Câu chuyện này chính là bài học về sự cảm thông giữa người với người.
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Trong chương trình phát thanh tuần này, mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe ca khúc “Cơn mưa chiều nay”, sáng tác Lâm Hùng