Chuyên mục truyền thanh - Tuần 586 (01/7 – 07/7/2019)

Thứ tư - 28/08/2019 03:27 1.382 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG    
   
 Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi, được trích từ báo Thanh niên.
    Tuy đang ở độ tuổi rất trẻ nhưng nhiều người lại thường xuyên bị đau lưng, đau cổ. Đó có thể là dấu hiệu thoát vị đĩa đệm nhưng ít ai nhận ra và điều trị ngay từ sớm.
    Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm trượt ra khỏi vị trí bình thường bên trong đốt sống, chèn ép vào tủy sống hoặc dây thần kinh, gây triệu chứng đau thần kinh. Căn bệnh không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
    Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm thường gặp
    Tình trạng thoát vị có thể xảy ra ở bất cứ đĩa đệm nào, nhưng phổ biến nhất là đĩa đệm giữa các đốt sống lưng và đốt sống cổ.
    Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn đầu: Nhân nhầy của đĩa đệm bắt đầu biến dạng nhưng phần bao xơ bên ngoài vẫn chưa bị rách hoàn toàn, do đó nhiều người chỉ cảm thấy tê cứng nhẹ ở lưng hoặc cổ. Theo thời gian, đĩa đệm phình ra, vòng bao xơ dần suy yếu và nhân nhầy nhanh chóng thoát ra tạo nên một khối thoát vị. Cơn đau bắt đầu xuất hiện khi khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh. Tuy nhiên, đa số người bệnh đều nhầm lẫn triệu chứng này với cơn đau do nhức mỏi cơ thông thường, nên có thái độ chủ quan.
    Dấu hiệu thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn nặng: 
    Khi dây thần kinh ngày càng bị chèn ép, cơn đau tại vùng thắt lưng, hông và cổ ngày càng dai dẳng. Có người bệnh đau dữ dội nhưng cũng có người lại đau âm ỉ. Khu vực đau còn lan dọc từ thắt lưng xuống mông, mặt sau chân, bàn chân hoặc đau lan từ vùng cổ sang vai gáy, xuống cánh tay, khuỷu tay và bàn tay. Mức độ đau tăng khi hắt hơi, ho, nằm nghiêng, đại tiện, quay hoặc cúi người, vận động mạnh, mang vác nặng và giảm khi nằm hoặc nghỉ ngơi. Ngoài ra, người bệnh còn bị tê bì các đầu ngón tay, ngón chân, cảm giác châm chích như kiến bò.
    Đến giai đoạn nguy hiểm nhất, khi bao xơ đĩa đệm bị phá vỡ và nhân nhầy biến dạng hoàn toàn, người bệnh phải đối diện với hội chứng chùm đuôi ngựa, mất kiểm soát đại tiểu tiện, biến chứng teo cơ, tê liệt, thậm chí là tàn phế.
    Đối tượng mắc bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng trẻ hóa
    Bác sĩ Hoisang Gong (người Hàn Quốc), được đào tạo chuyên ngành Thần kinh cột sống tại Mỹ, chia sẻ: “Số lượng bệnh nhân thoát vị đĩa đệm trẻ tuổi ngày càng tăng. Mặc dù chỉ ở độ tuổi 25 - 35 nhưng họ đã gặp các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Qua quá trình thăm khám, tôi phát hiện nguyên nhân gây bệnh chủ yếu xuất phát từ yếu tố nghề nghiệp và thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày”.
    Những đối tượng sau đây có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm rất cao:
    Nhân viên văn phòng ngồi lâu liên tục (6 - 8 giờ/ngày) hoặc ngồi sai tư thế, dẫn đến áp lực lên đĩa đệm.
    Người có công việc đặc thù đứng hoặc ngồi nhiều và có lối sống thụ động như: lễ tân, sinh viên, tài xế, thợ may…
    Nhóm người lao động phổ thông làm việc vất vả, thường xuyên khuân vác nặng nhọc hoặc bê vật nặng không đúng tư thế.
    Người có thói quen sinh hoạt không khoa học như: đeo túi nặng lệch vai, ngồi vắt chéo chân, gối đầu quá cao khi ngủ…
    Người thừa cân, béo phì khiến cột sống chịu nhiều áp lực, đĩa đệm nhanh bị tổn thương.

II. GIỚI THIỆU SÁCH    
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách: 
    - Nam Bộ qua ngôn từ.
    - Lược sử thời gian.

 
NAM BỘ QUA NGÔN TỪ

    Ngôn từ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa, con người ở vùng đất đó. Ở Nam Bộ sự giống và khác nhau giữa tiếng Việt Nam Bộ và tiếng Việt toàn dân, giữa văn hóa của cộng đồng người Việt ở vùng cực Tây Nam Bộ và văn hóa của người Việt thuở khẩn hoang, mở đất, đã làm cho tiếng Việt trở nên phong phú, đa thanh, đa sắc hơn.
    Quyển sách “Nam bộ qua ngôn từ” do Hồ Xuân Mai và Phan Kim Thoa biên soạn, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành 2019 sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ngôn ngữ, văn hóa, con người vùng đất này. 
    Sách có độ dày 172 trang gồm 10 bài nghiên cứu, đã phân tích, lý giải vì sao văn hóa và ngôn ngữ của người Nam bộ, cụ thể là Tây Nam Bộ lại có những điểm khác với tiếng Việt phổ thông, giúp bạn đọc nhận diện ngôn ngữ nơi đây.
    Trong quyển sách này, các tác giả không quy các bài viết thành những chủ đề cụ thể nhưng người đọc vẫn nhận ra đặc điểm văn hóa của người Việt Nam Bộ qua các đặc điểm của ngôn ngữ, cụ thể là ngữ âm, từ vựng và phong cách diễn đạt của người miền Nam.
    Người miền Nam, đặc biệt là vùng Tây Nam bộ có lối nói chuyện đặc trưng về ngữ âm, từ vựng và phong cách diễn đạt. Trong bài viết “Cơ sở hình thành bản chất người Nam bộ” tác giả đã trình bày bối cảnh lịch sử, quá trình khai phá, hình thành vùng đất mới, sự giao thoa văn hóa - ngôn ngữ với người Khmer, điều kiện thiên nhiên,… để đi sâu vào tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa của cư dân nơi đây. 
    Một số bài viết như: “Ngôn ngữ - Văn hóa của người Nam Bộ”, “Nam Bộ qua ngôn từ”, “Dấu hiệu Nam Bộ”, … cho thấy người Nam bộ thẳng thắn, bộc trực thông qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Khi giao tiếp, họ dùng từ ngữ cụ thể, trực tiếp, ít khi nói vòng hay nói tránh. Từ ngữ dùng để miêu tả giàu hình ảnh, dễ hiểu và là những từ thuần Việt, hiếm khi dùng từ Hán - Việt, giúp người nghe dễ hình dung, đón nhận. Từ ngữ sử dụng có ngữ âm, ngữ khí mang tính chất dân dã như: “đi dìa”, “mình ên”, “trớt quớt”, “ta nói”, “ngon bá cháy bù chét”, “dở ẹc”, “thiệt ngộ”, “khôn bà cố”, “nghen/hen/héng, hôn/hông/hổng”,… 
    Các bài viết “Hai đặc điểm trong câu hỏi đáp của người miền Tây Nam Bộ” và “Từ “quầm” trong lời ăn tiếng nói của cư dân Tây Nam Bộ” đã trình bày những đặc điểm trong câu hỏi - đáp của cư dân nơi đây qua những cụm từ xưng hô “bây - mầy”, “chị - chế”, “anh - hia”. Hay từ “quầm” trong lời ăn tiếng nói của cư dân Tây Nam Bộ, sự dung hợp của người Việt tại Nam Bộ qua các từ: “xài”, “xà quần”, “xỉn”… được các tác giả phân tích, giải thích chi tiết, đưa ra những dẫn chứng cụ thể, hợp lý. Ngoài ra, sách còn có bài viết “Vài nét về tiếng Khmer Nam Bộ” đã phân tích chuyên sâu về tiếng Khmer Nam bộ - ngôn ngữ có sự ảnh hưởng khá nhiều đến ngôn từ, cách nói của người nơi đây.
    Quyển sách “Nam bộ qua ngôn từ” là tài liệu quý giá, có ích cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về con người và văn hóa, ngôn ngữ Nam bộ. Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 495.92201/N104B; Mã số: DC.2696. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.

 
LƯỢC SỬ THỜI GIAN

    Giáo sư Stephen Hawking được xem là nhà toán học và vật lý vĩ đại nhất của thời đại chúng ta từ sau nhà bác học Albert Einstein. Mặc dù bị liệt nặng nhưng ông đã cho ra những công trình nghiên cứu và lý thuyết được toàn thế giới công nhận và kính phục. Ông nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm như: “Lỗ đen và vũ trụ nhỏ”, “Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ”, cùng với những quyển sách và các bài báo khoa học khác.
    Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách nổi tiếng nhất của ông -“Lược sử thời gian” (A Brief History of Time), phiên bản tái bản lần thứ 13, do Cao Chi và Phạm Văn Thiều biên dịch, NXB Trẻ ấn hành năm 2016. 
    Quyển sách có độ dày 284 trang, trong đó tác giả giải thích nhiều khía cạnh của vũ trụ như lý thuyết Big Bang, lỗ đen, nón ánh sáng, nguyên lý bất định, không gian và thời gian, vũ trụ giãn nở, các hạt cơ bản và các lực trong tự nhiên, nguồn gốc và số phận của vũ trụ, du hành thời gian,… cũng như giới thiệu tiểu sử của ba nhà khoa học quá cố Albert Einstein, Galileo Galilei và Issac Newton. Mục đích của ông là cố gắng giúp cho độc giả phổ thông có thể vẽ nên bức tranh tổng quát về vũ trụ thông qua các lý thuyết sẵn có và lý giải một vài ý niệm toán học. 
    Những lý thuyết của ông về lỗ đen và vũ trụ trong quyển sách có sức ảnh hưởng sâu sắc đến góc nhìn của người đọc về mọi thứ xung quanh và đã truyền cảm hứng đam mê khoa học đến với hàng triệu người - những người mong muốn tìm hiểu về cách vận hành của vũ trụ nhưng lại không có đủ kiến thức cơ bản về vật lý thiên văn.
    Tuy đã qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của những người yêu mến và ngưỡng mộ nhưng “Lược sử thời gian” cùng nhiều ấn phẩm khác của ông vẫn tiếp tục được tái bản và được nhiều thế hệ sau này biết đến như chính ngọn lửa đam mê khoa học mà ông đã góp phần truyền đi sẽ không bao giờ tắt.
    Quyển sách hiện đang phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 523.1/L557S; Mã số: DV.51014, MC.5014, MC.5015. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN

    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nơi công sở có 1 kiểu người: Sếp khinh thường, đồng nghiệp cười chê, muôn đời không thăng tiến nổi!” được trích từ tạp chí Phụ nữ.
    Người lắm chuyện
    Những người lắm chuyện thường đào bới thông tin về đời tư và công việc của đồng nghiệp, sau đó nói cho cả văn phòng biết. Kiểu người này thường dành thời gian bàn luận về các vấn đề diễn ra nơi công sở hơn là bắt tay vào làm việc của mình. Chính vì vậy, họ thường mang tiếng xấu là không chuyên nghiệp. Các đồng nghiệp cũng cảm thấy khó khăn khi phải tin tưởng kiểu người này và tránh làm việc nhóm hoặc đề bạt họ.
    Kiểu hay buôn chuyện
    Biểu hiện: Chủ đề nói chuyện quen thuộc của những người này là: “Tối qua Minh đi uống với Bình phòng nhân sự à? Hùng phòng kế toán có trục trặc với vợ đúng không?”.
    Kiểu người này không chỉ biết, mà còn muốn nói cho tất cả mọi người điều họ biết nữa.
    Cách đối phó: Bạn có thể thấy những câu chuyện của họ khá thú vị. Nhưng họ chính là một trong những đồng nghiệp nguy hiểm nhất quanh bạn. Họ sẽ biến những chuyện riêng tư thành chuyện của công chúng. Vì thế, tốt nhất là hãy giữ khoảng cách an toàn.
    Người mềm lòng
    Người mềm lòng là những người luôn luôn đồng ý. Họ không biết nói không với các nhiệm vụ mới, các ý tưởng tồi tệ hay với những người đồng nghiệp thiếu tôn trọng. Nỗi sợ không dám thể hiện quan điểm của họ thường được ngụy trang thành lòng tốt, tuy nhiên, thái độ thiếu đóng góp này có thể cản trở quá trình việc nhóm.
    Kiểu người này sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý các ưu tiên, từ đó dễ bị tụt lại. Họ cũng không phải là một nhân viên sáng tạo. Thêm vào đó, họ dễ bị hiểu nhầm là chỉ biết nịnh bợ sếp.
    Kiểu thích ra lệnh
    Biểu hiện: Những người này có quan điểm rất “thú vị” về làm việc nhóm. Họ sẽ yêu cầu bạn làm công việc của mình, trong khi họ làm những thứ “quan trọng” khác như xem bóng đá trên YouTube và chơi game trên trình duyệt. Chức vụ của họ có thể còn không bằng bạn, nhưng như người ta nói đấy: “Nếu bạn không nói, chẳng ai biết bạn muốn gì cả”.
    Cách đối phó: Hãy dừng ngay việc đó lại. Nếu bạn tỏ ra nhượng bộ, họ sẽ lấn tới và sẽ khiến cuộc đời bạn trở nên thực sự đau khổ.
    Người bảo thủ
    Trái ngược với người mềm lòng, kiểu người này thường phản đối ý kiến của người khác. Họ thích làm theo những điều mình đã quen và cố gắng giữ chúng như cũ, dù phải trả giá bằng hiệu suất làm việc. Những người bảo thủ thường mải mê thực thi kỷ luật và gặp khó khăn trong việc tin tưởng đồng nghiệp hay các báo cáo trực tiếp. Điều này khiến họ không thể làm việc hiệu quả. Họ chính là những kẻ thích kiểm soát mọi thứ.
    Những người lắm chuyện thường đào bới thông tin về đời tư và công việc của đồng nghiệp, sau đó nói cho cả văn phòng biết. Kiểu người này thường dành thời gian bàn luận về các vấn đề diễn ra nơi công sở hơn là bắt tay vào làm việc của mình. Chính vì vậy, họ thường mang tiếng xấu là không chuyên nghiệp. Các đồng nghiệp cũng cảm thấy khó khăn khi phải tin tưởng kiểu người này và tránh làm việc nhóm hoặc đề bạt họ.
     Người đóng vai "nạn nhân"
    Kiểu người này cho rằng, dù vấn đề gì xảy ra ở nơi công sở cũng không phải lỗi của họ. Họ không chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình hay cho việc trễ deadline. Họ có thói quen đổ lỗi cho những người khác trong văn phòng. Những người chuyên đóng vai "nạn nhân" này nghĩ rằng mình không bị ràng buộc bởi các quy tắc. Sớm muộn gì họ cũng đánh mất niềm tin của đồng nghiệp.

IV. GIẢI TRÍ
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Trong chương trình phát thanh tuần này, xin gởi đến quý vị và các bạn bài giao hưởng Bambino.
 Tags: 2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây