CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 01 (04/01– 10/01/2021)

Thứ sáu - 15/01/2021 04:44 1.436 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “8 lợi ích không ngờ của việc hiến máu” trích từ báo Thanh niên. 
   Hiến máu không chỉ là một nghĩa cử đẹp để góp phần bảo vệ mạng sống con người mà còn đem lại cho chính những người hiến máu nhiều lợi ích sức khỏe. Sau đây là những thứ bạn “mang về” cho bản thân từ việc “cho đi” máu của mình: 
   1. Tăng cường sức khỏe tim. Việc hiến máu giúp duy trì nồng độ sắt và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, đồng thời giúp duy trì nhịp tim. Bằng cách kiểm tra nồng độ sắt, việc hiến máu cũng giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh tim.
   2. Ngăn ngừa bệnh thừa sắt (hemochromatosis). Một trong những lợi ích sức khỏe chính của việc hiến máu là giảm nguy cơ mắc bệnh thừa sắt (hemochromatosis). Đúng như tên gọi, đó là một tình trạng sức khỏe phát sinh do cơ thể hấp thu quá nhiều chất sắt. Tình trạng này là do di truyền hoặc có thể do nghiện rượu, thiếu máu và các rối loạn khác gây ra. Việc hiến máu thường xuyên sẽ giảm tình trạng quá tải chất sắt trong cơ thể.
   3. Giảm nguy cơ tổn thương gan. Khi nồng độ sắt trong cơ thể bạn trở nên quá mức, nó làm tăng nguy cơ suy gan và tổn thương tuyến tụy. Do đó, việc hiến máu giúp loại bỏ lượng sắt dư thừa, giúp giảm nguy cơ tổn thương gan và tuyến tụy.
   4. Kiểm soát huyết áp. Một trong những lợi ích quan trọng khác của việc hiến máu là tác động của nó đối với việc kiểm soát mức huyết áp cao. Khi bạn hiến máu, thể tích máu được cân bằng, do đó ngăn ngừa sự gia tăng huyết áp. Vì vậy, một trái tim khỏe mạnh là tốt để ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
   5. Kích thích sản xuất tế bào máu. Một trong những lợi ích sức khỏe quan trọng khác của việc hiến máu là nó giúp kích thích việc sản xuất tế bào máu mới, bù cho việc mất máu, qua đó giúp duy trì sức khỏe tổng thể và sức khỏe của bạn. 
   6. Đốt cháy calorie. Theo Đại học California (Mỹ), một người có thể đốt cháy khoảng 650 calorie mỗi lần hiến 1 pint (khoảng 473 cm3) máu. Những người hiến máu có thể giảm cân nếu thực hiện điều này thường xuyên do nó giúp đốt cháy những calorie thừa trong cơ thể bạn. Tuy nhiên, hiến máu thường xuyên không được khuyến cáo như một cách để giảm cân.
   7. Có thể làm giảm nguy cơ ung thư. Hàm lượng sắt trong cơ thể thấp đi làm giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng ung thư. Nguy cơ bị ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết, phổi, gan, họng và phổi thấp hơn nếu bạn hiến máu. Giảm mức độ sắt trong cơ thể có liên quan đến nguy cơ ung thư thấp, theo Bold Sky.
   8. Những lợi ích khác. Ngoài những lợi ích chủ yếu nói trên, hiến máu còn có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe cảm xúc, có lợi cho sức khỏe thể chất của bạn, giúp thoát khỏi cảm giác tiêu cực, mang lại cảm giác thân thuộc và giảm tình trạng cô lập. 
    II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - 70 năm truyền thống vẻ vang Hội Sinh viên Việt Nam (1950 - 2020)
     - Bước ra thế giới: Lời khuyên sinh viên Việt Nam.

 
70 NĂM TRUYỀN THỐNG VẺ VANG HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM (1950 - 2020)

    Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, các thế hệ học sinh, sinh viên; các tổ chức Hội Sinh viên, Hội Học sinh nước ta đã trải qua các cuộc đấu tranh vô cùng oanh liệt qua các phong trào rộng lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ đầy gian khổ, hy sinh của dân tộc. Thế hệ ấy ngày nay lại hăng hái tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào được dấy lên liên tục, nhất là phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện đang phát triển mạnh mẽ.
   Nhằm góp phần giúp bạn thanh niên học sinh, sinh viên, hội viên Hội Sinh viên Việt Nam tìm hiểu về truyền thống anh dũng của phong trào học sinh, sinh viên và hội viên Hội Sinh viên Việt Nam; năm 2019 Nxb. Thanh niên xuất bản quyển sách “70 năm truyền thống vẻ vang Hội Sinh viên Việt Nam (1950 - 2020)” do Nhà sử học Văn Tùng và TS. Phạm Bá Khoa chủ biên.
   Với độ dày 774 trang, sách gồm 5 phần:
   Phần 1 giới thiệu sự ra đời của các tổ chức yêu nước và phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1925 – 1945.
   Phần 2 và phần 3 trình bày những nhiệm vụ của học sinh, sinh viên trong giai đoạn 1945 – 1975, đó là: Hăng hái học tập, rèn luyện, tu dưỡng, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng” được khởi phát trong sinh viên Hà Nội sau đó nhanh chóng lan nhanh sang các tỉnh, thành phố khác; hàng vạn sinh viên viên từ các trường đại học đã tình nguyện nộp đơn xin nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng, tiêu biểu như: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm,…Cùng thời điểm đó, Hội liên hiệp học sinh, sinh viên miền trung Trung Bộ được thành lập, Hội Sinh viên Miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã biểu tình chống bắt lính, chống sự can thiệp của Mỹ, đòi quyền tự do – dân chủ, khơi dậy lòng yêu nước, thúc giục thanh niên đứng lên đấu tranh chống kẻ thù dân tộc. 
   Phần 4 và phần 5 trình bày những mục tiêu và phương hướng để xây dựng hội sinh viên Việt Nam, đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập, rèn luyện xung kích tình nguyện vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế trong giai đoạn 1975 – 2018.
   Phần Kết luận với nhận định: Nhìn lại quá trình phát triển của phong trào học sinh, sinh viên nước ta và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam từ hồi đầu thế kỷ trước đến nay, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng và sự chăm sóc ân cần của Bác Hồ kính yêu, thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay luôn ghi tạc công ơn to lớn của Đảng, của Bác và nguyện tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của phong trào học sinh, sinh viên, của Hội Sinh viên Việt Nam vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các truyền thống đó là:
   - Truyền thống yêu nước nồng nàn, gắn bó với chế độ xã hội chủ nghĩa, trung thành với Đảng, với nhân dân, tự hào về dân tộc và Bác Hồ kính yêu, về các lực lượng vũ trang nhân dân anh hung, về Đoàn và Hội..
   - Truyền thống hiếu học, say mê sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao... 
   - Truyền thống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, nghiên cứu, chia sẻ khó khăn, gian khổ với đồng bào, không đòi hỏi nhiều cho mình khi đất nước còn nghèo, nhân dân còn thiếu thốn.
Phát huy những truyền thống vẻ vang đó, học sinh, sinh viên ngày nay luôn ra sức thi đua học tập, rèn luyện, tiến vào khoa học công nghệ, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đi đầu và tình nguyện trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để hình ảnh sinh viên Việt Nam luôn là hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam.
   Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách “70 năm truyền thống vẻ vang Hội Sinh viên Việt Nam (1950 - 2020)” tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 371.809597 / B112M; PHÒNG ĐỌC: DL.018544 

 
    BƯỚC RA THẾ GIỚI: LỜI KHUYÊN SINH VIÊN VIỆT NAM

   Ngày nay, mọi người đang nói robot lấy đi việc làm của con người và chẳng mấy chốc sẽ không còn việc làm cho con người. Một số người lo nghĩ, nhưng số khác nghĩ điều đó sẽ không xảy ra. Sự thật là điều đó sẽ xảy ra, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng vấn đề là chúng ta đối phó với xu hướng tự động hóa này như thế nào? Chúng ta học các kỹ năng mới để tận dụng ưu thế của xu hướng tự động hóa này như thế nào? Chúng ta cần biết việc làm nào sẽ bị xóa bỏ, việc làm nào sẽ được tạo ra và kỹ năng nào sẽ được cần đến? 
   Quyển sách “Bước ra thế giới: Lời khuyên sinh viên Việt Nam” của tác giả John Vu, do Ngô Trung Việt dịch,  Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019.  
   Qua 179 trang, sách trình bày các vấn đề như: Thế giới đang thay đổi; Xu hướng của tri thức; Xu hướng toàn cầu hóa mới; Con người, doanh nghiệp đang biến chuyển trong thế giới phẳng; Những cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; Xã hội tri thức và nền kinh tế tri thức; Các kỹ năng then chốt; Các ngành công nghệ mũi nhọn (Công nghệ di động, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn, tự động hóa và robotics, trí thông minh nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nano…), an ninh máy tính, phần mềm,… Đặc biệt tác giả đã phân tích và dự báo về thị trường việc làm hiện nay, việc làm của tương lai và các ngành nghề “nóng” hiện nay.
   Qua các nội dung này, giúp các bạn trẻ thấy được giai đoạn hiện nay là thời kỳ chuyển tiếp giữa thời đại công nghiệp và thời đại thông tin. Quy tắc mới của phát triển kinh tế là tri thức và thông tin, chứ không còn dựa trên vốn, vật tư và lao động nữa. Định hướng việc làm cần phải có sự thay đổi để bắt kịp những yêu cầu trong thời đại mới.
   Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Bước ra thế giới: Lời khuyên sinh viên Việt Nam” tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 378.1 / B557R
     ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058907; PHÒNG MƯỢN: MA.023385; MA.023386

      III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Hãy đeo khẩu trang thường xuyên để phòng, chống dịch COVID-19” của Nguyễn Thị Nhiên, trích từ Cổng Thông tin Điện tử Bộ Y tế Việt Nam.
    Khẩu trang có thể giúp ngăn những người mắc COVID-19 lây lan virus sang người khác. Khẩu trang có thể làm giảm sự lây lan của COVID-19 khi mọi người sử dụng rộng rãi tại các địa điểm công cộng.          Đeo khẩu trang là một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.  
     Một số lưu ý khi đeo khẩu trang: Khẩu trang được khuyến nghị là một tấm chắn đơn giản để giúp ngăn các giọt bắn từ đường hô hấp vào không khí và lan sang người khác khi người đeo ho, hắt hơi, trò chuyện hoặc cao giọng. Đây được gọi là cách kiểm soát nguồn lây nhiễm. Đeo khẩu trang có thể làm giảm việc phun các giọt bắn qua mũi và miệng. Việc này sẽ giúp giữ lại các giọt bắn từ đường hô hấp và không bắn vào người khác. COVID-19 chủ yếu lây lan giữa những người có tiếp xúc gần với nhau (trong phạm vi 2m), vì vậy việc sử dụng khẩu trang đặc biệt quan trọng tại các địa điểm mà mọi người ở gần nhau hoặc khó duy trì các biện pháp giãn cách giao tiếp xã hội. COVID-19 có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng và không biết rằng họ đã bị nhiễm. Đó là lý do tại sao việc mọi người nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thực hiện giãn cách xã hội (ở cách xa người khác tối thiểu 2m) là rất quan trọng. 
   Tất cả mọi người từ 2 tuổi trở lên nên đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng, có đông người khó duy trì các biện pháp giãn cách và khi ở gần những người không sống trong cùng nhà mình. 
   Mặc dù khẩu trang rất được khuyến khích để làm giảm sự lây lan của COVID-19, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, việc đeo khẩu trang có thể không khả thi, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, dẫn đến tình trạng cấp cứu về y tế hoặc gây ra những lo ngại đáng kể về sự an toàn... Trong những trường hợp này, sự thay đổi thích ứng và lựa chọn thay thế nên được xem xét bất cứ khi nào có thể, để làm giảm nguy cơ lây lan COVID-19 nếu không thể đeo khẩu trang.
    Trường hợp nào không nên đeo khẩu trang?
    Không nên đeo khẩu trang cho: Trẻ em dưới 2 tuổi; Bất cứ ai bị khó thở; Bất cứ người nào bất tỉnh, mất khả năng hoặc không thể tự tháo khẩu trang nếu không có sự trợ giúp.
Mọi người không nên đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động có thể khiến khẩu trang bị ướt, như khi bơi ở bãi biển hoặc bể bơi. Khẩu trang ướt gây khó thở. Đối với các hoạt động như bơi lội, điều đặc biệt quan trọng là duy trì khoảng cách với người khác khi ở dưới nước.
Những người đang tham gia hoạt động cường độ cao như chạy có thể không cần đeo khẩu trang, nếu điều đó làm họ cảm thấy khó thở. Nếu không thể đeo khẩu trang, hãy xem xét tiến hành hoạt động đó ở một địa điểm có hệ thống thông gió và trao đổi không khí tốt hơn (ví dụ, ngoài trời thay vì trong nhà) và ở những nơi có thể duy trì khoảng cách với người khác.
    Chỉ đeo khẩu trang đã đủ để phòng dịch chưa?
    Để phòng dịch COVID-19 thì chỉ đeo khẩu trang thôi vẫn chưa đủ, cần sự kết hợp đầy đủ và đồng thời nhiều biện pháp khác như: Thường xuyên rửa tay với xà phòng/xà bông/dung dịch rửa tay nhanh và nước sạch, đặc biệt là sau khi ho, hắt hơi; Sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can; sau khi đi vệ sinh; Sau khi vệ sinh cho trẻ; Trước khi ăn; Khi bàn tay bẩn, trước khi vào và sau khi ra khỏi khu dịch vụ.
Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến nơi công cộng và bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác. Tuyệt đối không được khạc nhổ bừa bãi. Vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ, vệ sinh môi trường xung quanh các bề mặt tiếp xúc. Với trẻ em, phải đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vắc-xin đúng lịch để tăng cường miễn dịch phòng bệnh.
     Đeo khẩu trang như thế nào là đúng cách?
    Khẩu trang chỉ phát huy tác dụng phòng dịch bệnh nếu được sử dụng đúng cách. Đeo khẩu trang sai cách không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn làm mất đi tác dụng bảo vệ, tăng nguy cơ lây bệnh. Cách đeo khẩu trang đúng như sau:
    Đối với khẩu trang y tế, đeo mặt có màu sẫm hơn ra ngoài, mặt có màu nhạt hơn hướng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên. Khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng. Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo. Không bỏ khẩu trang khi giao tiếp, khi ho, hắt hơi nơi công cộng. Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo. Không sử dụng khẩu trang bẩn. Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Đối với khẩu trang vải, nên giặt khẩu trang hằng ngày bằng xà phòng để dùng cho lần sau.
     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!. 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây