CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 52 (21/12– 27/12/2020)

Thứ năm - 07/01/2021 22:18 1.148 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những loại vitamin B rất quan trọng đối với sức khỏe” trích từ tạp chí Sống khỏe. 
    Cơ thể người không thể dự trữ vitamin nhóm B (trừ B12) nên việc bổ sung hằng ngày là cần thiết. Mệt mỏi, môi nứt nẻ, móng tay giòn, tóc dễ gãy…, đó có thể là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu vitamin B. Nếu vitamin D giúp xương chắc khỏe và củng cố hệ miễn dịch, thì vitamin B đóng vai trò chủ chốt về khoản cung cấp năng lượng, cải thiện tâm trạng và duy trì sự sắc bén của não bộ. Tổng cộng vitamin B có 8 nhóm phụ, gồm:  
    B1 – Thiamin. Đây là vitamin giúp lấy năng lượng từ thực phẩm. Con người cũng cần nó để duy trì hệ thần kinh khỏe mạnh, ngăn chặn tâm trạng xuống dốc. Dấu hiệu thiếu chất: mệt mỏi, mất tập trung, cáu gắt, nhức đầu, mất khẩu vị, buồn nôn, táo bón. Thực phẩm nên dùng: măng tây, hạt hướng dương, cá hồi, hạt mắc ca, hạt cười, đậu các loại.
    B2 – Riboflavin. Sức khỏe của da và mắt phụ thuộc vào B2, cũng như chức năng của hệ thần kinh trung ương và chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng. Dấu hiệu thiếu chất: nhiệt miệng, nứt và nhức khóe môi, mệt mỏi, dễ xúc động, mắt đỏ, nhạy cảm với ánh sáng, đau họng và lưỡi, da bị ngứa ngáy và xuất hiện vảy như bệnh chàm ở mũi và mặt, mất ngủ. Thực phẩm nên dùng: nấm các loại, trứng, cải bó xôi, bông cải, măng tây, quả hạnh nhân, phô mai, cá mòi, mực, hạt mè.
    B3 – Niacin. Niacin có vai trò đặc biệt trong việc ngăn ngừa nguy cơ hư thai hoặc dị tật bẩm sinh; cũng như cần thiết cho quá trình chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng; xua đi mệt mỏi và duy trì trạng thái cảm xúc cân bằng. Dấu hiệu thiếu chất: cảm giác bủn rủn, vô lực, mất khẩu vị, nhức đầu, nôn ói. Thực phẩm nên dùng: cá ngừ, gà, gà tây, nấm các loại, thực vật ở biển như tảo; đậu phộng, đậu các loại, hạt hướng dương, bơ.
    B5 – a xít Pantothenic. Đây là vitamin cần thiết để tạo và chuyển hóa vitamin D; cũng như chuyển hóa năng lượng từ thực phẩm. Dấu hiệu thiếu chất: mệt mỏi, không chịu được áp lực từ stress, khó tiêu, mất ngủ, không muốn ăn uống. Thực phẩm nên dùng: gan động vật, hạt hướng dương, cá hồi, bơ, bông cải, nấm, yến mạch.
    B6 – Pyridoxine. Pyridoxine hỗ trợ cơ thể sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin; cho phép cơ thể gia tăng năng lực chống chọi trước tình trạng trầm cảm, stress và lo lắng. Dấu hiệu thiếu chất: nhờn da ở phần trán và xung quanh mũi, không hứng thú chuyện tình dục; bứt rứt khó chịu, trầm cảm, lo lắng, đau đầu. Thực phẩm nên dùng: ớt, bông cải xanh, chuối, cần tây, cải bruxen, cá ngừ; tỏi, hạt hướng dương, hạt cười, thịt gà, thịt gà tây, mận, bơ.
    B7 – Biotin. Biotin cần thiết cho quá trình tan mỡ và là dưỡng chất quan trọng cho tóc, móng và da.
Dấu hiệu thiếu chất: da khô, vảy nến, bong ra từng mảnh; ngứa quanh mắt, mũi, miệng; tóc/móng giòn; mệt mỏi/lờ đờ; mất vị giác. Thực phẩm nên dùng: trứng, phô mai, chất bơ sữa, gan, bơ, quả mâm xôi, chuối, bơ đậu phộng, cá hồi, cá mòi. Cần biết, loại vitamin này tuy có trong thực phẩm nhưng với hàm lượng rất ít.
    B9 – a xít folic. A xít folic cần thiết cho thai phụ trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nhằm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh như nứt đốt sống. Dạng vitamin B này cũng hỗ trợ phá hủy a xít amino gọi là homocysteine trong máu; ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đột quỵ và bệnh động mạch ngoại biên. Dấu hiệu thiếu chất: lưỡi đỏ, sưng, nứt khóe môi, mệt mỏi/yếu ớt, bứt rứt, mau quên/nhầm lẫn, mất ngủ, thiếu máu, vọp bẻ, trầm cảm, mất trí nhớ. Thực phẩm nên dùng: đậu trắng, rau bina, măng tây, rau diếp, bơ, bông cải, xoài, cam.
    B12 – cobalamin. Đây là vitamin cho phép sản xuất hồng huyết cầu khỏe mạnh và bảo vệ các tế bào trước sự tấn công của các gốc tự do. Đồng thời, cobalamin cần thiết để duy trì sức khỏe hệ thần kinh và miễn dịch. Dấu hiệu thiếu chất: lưỡi sưng, mệt mỏi/kiệt sức, rối loạn kinh nguyệt, giảm khả năng miễn dịch, thiếu máu ác tính. Thực phẩm nên dùng: động vật có vỏ (như tôm, cua), gan, cá mòi, đậu hũ, thịt đỏ, sữa, phô mai, trứng.

     II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Cù lao Ré - Quê hương của đội Hoàng Sa. 
     - Nông nghiệp xanh, sạch - Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi giàu selen.

 
CÙ LAO RÉ - QUÊ HƯƠNG CỦA ĐỘI HOÀNG SA
    
     Trong quá trình lao động sản xuất và đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ lãnh thổ, biển đảo đã thực sự trở thành một bộ phận chặt chẽ trong không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Cù lao Ré là một trong những hòn đảo thuộc duyên hải miền Trung sớm được người Việt chinh phục làm cơ sở sinh cơ lập nghiệp. Từ đất liền và ở Cù Lao Ré, cư dân Việt tiến ra khai thác vùng Biển Đông đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo này. Cùng với các xã gốc bên cửa biển Sa Kỳ, Cù Lao Ré trở thành bộ phận quan trọng trong không gian quê hương của đội Hoàng Sa, là địa phương điển hình gắn bó máu thịt giữa đất liền và hải đảo – lực lượng thực thi và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
    Năm 2020, công trình nghiên cứu “Cù lao Ré – quê hương của đội Hoàng Sa (Từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX)” của Tiến sĩ Dương Hà Hiếu đã được Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội in thành sách với độ dày 313 trang.
     Sách gồm 6 chương, cung cấp những luận chứng, luận cứ vững chắc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. 
    Chương 1 giới thiệu các nội dung tổng quan về Cù lao Ré như: Điều kiện tự nhiên; Tên gọi, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu; Tài nguyên thiên nhiên; Lịch sử tụ cư trên Cù lao Ré; Cư dân văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và quá trình khai phá định cư của cư dân Việt.
    Chương 2 trình bày các nội dung như: Đời sống kinh tế của cư dân Cù lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; Nông nghiệp; Ngư nghiệp; Thủ công nghiệp; Thương nghiệp; Tô thuế; Tổ chức xã hội Cù lao Ré từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX; Từ thế kỷ XVII đến trước năm 1804; Từ năm 1804 đến giữa thế kỷ XIX. 
    Chương 3 giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình khai chiếm, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa mang đậm chất biển đảo của cư dân qua các nội dung như: Đời sống văn hóa vật chất của cư dân Cù lao Ré; Kiến trúc; Ẩm thực; Phương tiện đi lại; Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Cù lao Ré; Phong tục tập quán; Tôn giáo và tín ngưỡng; Một số lễ hội tiêu biểu.
    Chương 4 trình bày quá trình xác lập và thực thi chủ quyền Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của cư dân Cù lao Ré từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX: Sự ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn và Tây Sơn; Thời điểm ra đời và quê hương của đội Hoàng Sa; Cư dân Cù lao Ré trong đội Hoàng Sa thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn; Cư dân Cù lao Ré trong hoạt động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dưới triều Nguyễn đến giữa thế kỷ XIX; Dưới thời vua Gia Long (1802 – 1820); Dưới thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) và Thiệu Trị (1840 – 1847). Qua đây góp phần làm sáng tỏ về sự ra đời, hoạt động và nhiệm vụ của đội Hoàng Sa cũng như những đóng góp của các thế hệ cư dân Cù lao Ré trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.
Ngoài ra còn có các phụ lục và tài liệu là minh chứng rõ ràng về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời vạch trần và phê phán những âm mưu, luận điệu xuyên tạc về chủ quyền biển đảo Việt Nam.     
     “Cù lao Ré - Quê hương của đội Hoàng Sa” là tài liệu có ý nghĩa thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông hiện nay. Đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử nước nhà và nâng cao ý thức, hành động giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà ông cha ta đã để lại.
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 959.753 / C500L; Phòng mượn: MG.010418; MG.010419.

 
NÔNG NGHIỆP XANH, SẠCH - KỸ THUẬT TRỒNG TRỌT
 VÀ CHĂN NUÔI GIÀU SELEN

    Selen là một loại nguyên tố phi kim loại, ký hiệu hóa học là Se. Selen có quan hệ mật thiết với sức khỏe, tuổi thọ của loài người. Selen là nguyên tố vi lượng cần thiết cho người và động vật, cũng là nguyên tố không thể thiếu của thực vật sinh trưởng phát triển. Selen trong cơ thể người chủ yếu được cung cấp từ thực phẩm giàu selen ăn uống hàng ngày, một khi hàm lượng selen trong cơ thể người không đủ, khả năng miễn dịch sẽ giảm, từ đó dẫn đến các loại bệnh. 
    Vì sao chúng ta chỉ có thể nhận được selen thông qua thực phẩm? Tại sao chúng ta nên chú ý đến một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng giàu Selen? Đặc biệt, làm sao để trồng trọt và chăn nuôi tạo nên lương thực, thực phẩm sạch có lợi cho sức khỏe, trong đó chứa hàm lượng Selen cao?
    Quyển sách “Nông nghiệp xanh, sạch – Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi giàu selen” do Lê Ninh chủ biên và Nguyễn Khắc Khoái dịch sẽ giúp bạn đọc nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tố selen đối với con người, động vật và thực vật. Sách do Nxb. Hà Nội ấn hành năm 2020 với 79 trang, chia thành 3 chương: 
    Chương 1 “Khái niệm về nguyên tố selen 7” giới thiệu các nội dung như: Selen là gì? Selen phân bổ ở những địa phương nào? Selen có những chủng loại nào? Loại selen nào có thể dùng làm thực phẩm?
   Chương 2 “Tác dụng và ứng dụng của selen” giải đáp một số nội dung như: Tại sao selen là nguyên tố vi lượng cần thiết của cơ thể người? Selen có công hiệu gì đối với cơ thể người? Selen có tác dụng bảo vệ huyết quản tim não và sức khỏe cơ tim như thế nào? Thai phụ bổ sung selen có tác dụng gì? Tại sao nói selen có hiệu quả làm đẹp?... 
   Chương 3 “Nông nghiệp giàu selen” trình bày các nội dung như: Sản phẩm nông nghiệp giàu selen; Phân selen và thức ăn selen; Kiểm định sản phẩm nông nghiệp giàu selen. Đặc biệt, sách còn hướng dẫn chi tiết bạn đọc kỹ thuật sản xuất sản phẩm nông nghiệp giàu selen có trong các loại thực phẩm như: lúa, ngô, khoai lang, cam quýt, vải, thanh long, dưa hấu, ớt, cà chua, thịt bò, thịt gà,…
   Với những thông tin giới thiệu về công dụng của selen và hướng dẫn cụ thể phương pháp trồng trọt và chăn nuôi tạo nên các sản phẩm nông nghiệp có lợi cho sức khỏe, quyển sách “Nông nghiệp xanh, sạch – Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi giàu selen” là tài liệu hữu ích dành cho những sinh viên, học viên ngành nông nghiệp, đặc biệt giúp cho bà con nông dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.  
    Trân trọng giới thiệu quyển sách đến các bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 631.5 / N455NGH
    ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.057454; ▪ PHÒNG MƯỢN: MF.003948; MF.003949

     III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết Bài viết “Ý nghĩa của việc chúc tụng ngày đầu xuân” của Bình An trích từ báo Lao động.
    Tết là dịp gia đình vui vầy sum họp, trao cho nhau nụ cười và những lời chúc tụng, mừng tuổi để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình thương yêu của mọi người trong gia đình. Phong tục chúc Tết là một nét đẹp văn hóa, mang nhiều điều tốt đẹp tới những người thân thuộc quanh mình.
     Lệ và tục chúc tết đầu năm
    Xuân là điểm khởi phát quan trọng của năm, do đó, ở thời điểm này người ta nhiều cầu mong và hy vọng. Hy vọng cuộc sống trong năm tới tốt đẹp hơn, khỏe mạnh hơn, an bình hơn, no ấm hơn, hạnh phúc hơn. Cái mình mong cầu đó cũng chính là điều mong cầu của mọi người. Bởi vậy, người ta chúc nhau những điều tốt đẹp để cùng nhau xác tín rằng năm tới vạn sự như ý, được những việc cát tường...
Tập tục này trước hết thể hiện qua lời nói: Chúc năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý, phát tài… Ngoài ngôn từ còn có những hình thức biểu đạt như câu đối, thiệp và những biểu hiện khác: mượn giấy để viết chữ, mượn hình vẽ thành tranh khánh chúc, vẽ trên bao lì xì và gởi gắm lời cầu mong và chúc tụng trên các đồ trang trí ngày Tết.
     Sáng ngày mồng Một - ngày đầu tiên của năm mới, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Theo tục lệ, cứ năm mới tới, kể cả người lớn lẫn trẻ con, mỗi người đều tăng lên một tuổi. Bởi vậy, ngày mồng một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà, cha mẹ. Con cháu trong nhà, lần lượt từ người lớn đến trẻ nhỏ nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khỏe và những điều tốt lành. Ông bà, cha mẹ chúc Tết lại con cháu, kèm theo những đồng tiền mừng tuổi để trong giấy hồng (ngày nay gọi là phong bao “lì xì”) cầu chúc cho con trẻ một tuổi mới may mắn, nhiều niềm vui.
    Suốt 3 ngày Tết, mỗi người sẽ đi chúc tụng họ hàng, làng xóm, bạn bè và những người đã giúp đỡ, đồng hành cùng mình suốt cả năm trước.
    Ý nghĩa của việc chúc tụng ngày đầu xuân
    Không chỉ mang đến niềm hy vọng đầu xuân, việc qua thăm hỏi nhau, gặp gỡ đầu năm cũng là dịp để mỗi người nói lời cảm ơn đến những người xung quanh mình. Việc cảm ơn này cũng ý nhị nhắn nhủ rằng một năm mới tới, còn nhiều điều tốt đẹp sẽ mong muốn được đồng hành cùng nhau. Tục chúc tết đầu năm đậm nét tinh thần “uống nước nhớ nguồn" của người Việt.
    Ngoài ra, nhiều người đi làm ăn xa quê hay vì bận rộn mà ít có dịp gặp gỡ xóm làng, họ hàng. Chúc tết đầu năm cũng là lúc người ta tìm về nguồn cội, giao tiếp, gắn kết và cho nhau biết tình hình cuộc sống.
    Hiếu thảo chính là gốc của đạo đức gia đình. Vì vậy, từ lâu người Việt đã chọn hai ngày đầu tiên của năm mới để tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hai gia đình nội, ngoại. Năm mới người nhỏ chúc ông bà trường thọ, theo truyền thống, người ta coi việc sống lâu (trường thọ) là thiên tước (tước vị của trời ban cho) khác với chức vị do con người, vua chúa phong tặng. Việc sống lâu đến 70, 80 đối với thời xưa là rất hiếm. Do đó, việc chúc thọ cũng hướng đến mức thượng thọ, thiên thọ này để bày tỏ lòng tôn kính cao nhất của mình với đối tượng được chúc tụng.
Không chỉ có người nhỏ chúc tụng người lớn, mà ông bà hay cao niên trong gia đình cũng ban lời chúc cho con cháu như một lời nhắn gửi và tin tưởng. Mong cầu những điều tốt đẹp và nuôi dưỡng hy vọng là điều rất nên làm vào dịp khai niên vận.
     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây