CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 48 (23/11– 29/11/2020)

Thứ hai - 16/11/2020 01:41 1.038 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Nấu cơm bằng nước sôi sẽ tiết kiệm điện” trích từ sách “Hướng đến cuộc sống carbon thấp thân thiện với môi trường”, tác giả Chu Truyền Lâm, Nxb. Thanh niên xuất bản năm 2019.
   Việc dùng gạo nấu cơm bằng nước lạnh rất phổ biến ở nhiều gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nấu cơm bằng nước nóng sẽ tốt hơn nấu cơm bằng nước lạnh. Điều này áp dụng cho cả nồi cơm điện hay nồi gang đun bếp gas hoặc bếp củi. Bởi nước sôi vừa giúp hạt gạo nhanh chín hơn khiến thời gian nấu cơm ngắn đi vừa làm hạt gạo chín đều và dẻo hơn nhờ các chất dinh dưỡng ít bị mất đi.
   Nấu cơm bằng nước lạnh sẽ khiến hạt gạo trương lên và các chất dinh dưỡng đồng thời cũng tan ra trong nước. Nếu nấu cơm bằng nước nóng, lớp ngoài của hạt gạo sẽ co nhanh lại và tạo thành lớp màng bảo vệ giúp hạt gạo không bị vỡ nứt, từ đó các chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại.
Nấu cơm bằng nước sôi, đậy vung giữ nhiệt, tránh cho gạo tiếp xúc với không khí sẽ khiến lượng vitamin B1 được giữ lại nhiều hơn 30% so với cách nấu bằng nước lạnh. Nấu cơm bằng nước sôi, không chỉ giúp tiết kiệm 30% điện năng, mà còn giúp cơ thể hấp thu và tiêu hóa cơm tốt hơn.
II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                       
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Chu Văn An – Gương mặt người thầy.
     - Những yếu tố cơ bản của nghề dạy học.


                                    CHU VĂN AN - GƯƠNG MẶT NGƯỜI THẦY

    Chu Văn An sinh năm 1292 và mất năm 1370, ông vừa là một nhà giáo vừa là nhà văn Việt Nam đời Trần. Ông đậu Thái học sinh (tiến sĩ) nhưng không ra làm quan, mở trường dạy học ở nhà. Đời vua Trần Minh Tông, ông được mời đến Thăng Long giữ chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám. Đến đời Trần Dụ Tông, chính trị đổ nát, ông viết Thất trảm sớ (Sớ xin chém bảy nịnh thần). Không được chấp nhận, ông từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông truy tặng tước Văn Trình công, được thờ ở Văn Miếu.
    Nhằm giới thiệu đến các độc giả tấm gương về sự cống hiến và đóng góp to lớn của nhà giáo Chu Văn An trong lịch sử giáo dục nước nhà, năm 2007 Nxb. Kim Đồng đã xuất bản quyển truyện “Chu Văn An – Gương mặt người thầy” của tác giả Hoài Việt.
    Qua 131 trang sách, hình ảnh người thầy đức độ Chu Văn An với sự gương mẫu, nghiêm khắc luôn hết lòng dạy bảo học trò được thể hiện rõ nét. Ông có rất nhiều học trò, trong số đó có những học trò làm quan lớn như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… nhưng khi họ có điều gì chưa đúng, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Chuyện kể về quan tể tướng Phạm Sư Mạnh, trong một lần về thăm thầy đem theo quân lính làm huyên náo cả vùng. Chuyện đến tai thầy Chu, lúc Phạm Sư Mạnh vào nhà, ông nghiêm khắc trách dạy: Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ, thì ta còn mặt mũi nào mà ngẩng đầu lên nhìn mọi người? Từ đó về sau, mỗi khi về thăm thầy, quan tể tướng chỉ mặc áo vải thâm, đi một mình như người dân thường để giữ đúng lễ thầy trò.
    Không chỉ là một người thầy đức độ, Chu Văn An còn được biết đến là một người thẳng thắn, cương trực. Câu chuyện ông dâng “Thất trảm sớ” với nội dung xin chém 7 tên nịnh thần đã gây ra tiếng vang lớn. Tuy không được thực hiện, nhưng nghĩa khí và tấm lòng vì dân, vì nước của ông đã được truyền tụng đến muôn đời. 
    Đọc “Chu Văn An – Gương mặt người thầy” sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chân thực và sâu sắc hơn về một nhân vật lịch sử, một nhà giáo mẫu mực đã góp phần xây dựng truyền thống hiếu học và tinh thần yêu nước của dân tộc. Thầy giáo Chu Văn An mãi là tấm gương sáng được người đời sau kính trọng.
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Chu Văn An – Gương mặt người thầy” tại Phòng thiếu nhi Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 895.9223 / CH500V; ▪ PHÒNG THIẾU NHI: NA.001001; NA.001002

                          NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN CỦA NGHỀ DẠY HỌC

      “Những yếu tố cơ bản của nghề dạy học” là quyển sách dành cho những người đang và sẽ đi dạy, những người muốn tìm hiểu điều gì đã làm nên nghệ thuật dạy học và muốn biết được thành quả của nghệ thuật đó. Sách do James M. Banner và Harold C. Cannon biên soạn (Nguyễn Phúc Thành dịch), Nxb. Văn hóa Sài Gòn ấn hành 2015. 
    Qua 247 trang sách, các tác giả đề cập đến việc dạy học và những phẩm chất tốt đẹp cần có của các nhà giáo giỏi nghề. Đó là: Nắm vững về kiến thức cần dạy; Tạo lập bầu không khí học tập nghiêm túc; Hết lòng truyền dạy kiến thức cho học sinh; Giúp học sinh ý thức giữ gìn trật tự và có kỷ luật trong việc học; Không ngừng sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học; Thấu hiểu cá tính và hoàn cảnh của học sinh; Kiên nhẫn và tận tâm truyền đạt kiến thức cho những học sinh đặc biệt; Yêu nghề và giúp cho học sinh cảm nhận được niềm vui trong học tập. Đó là những kinh nghiệm và nghệ thuật dạy học đã được sách đúc kết, chuyển tải đến bạn đọc.
    Trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi người dạy học phải có phẩm chất và năng lực để đáp ứng nhu cầu của xã hội, người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Nghề nào cũng vậy, nhất là nghề dạy học thì cần phải trải qua thử thách khó khăn lâu dài mới trở thành một nhà giáo có bản lĩnh, có tâm, có đức và có tài.
     Với những phân tích sâu sắc thông qua các tình huống thực tế, quyển sách “Những yếu tố cơ bản của nghề dạy học” là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho những nhà giáo chuyên nghiệp và những người mong muốn gắn bó với nghề dạy học, cũng như cho những ai đang giảng dạy điều gì đó cho người khác. 
      “Nếu bạn là nhà giáo hoặc có ý định trở thành nhà giáo, hãy xem cuốn sách này như người bạn đồng hành suốt đời.” - Community College Journal.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại 371.1 / NH556Y
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.050952; ▪ PHÒNG MƯỢN: MA.016086; MA.016087

 III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Hiếu học, truyền thống quý báu của dân tộc Việt” của Đặng  Hoài  Dũng trích từ báo An Giang.
     Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Từ thời Bắc thuộc, mặc dù chưa có chữ viết, song dân tộc Việt Nam đã biết mượn chữ Hán và văn hóa Hán để học hành, mở mang trí tuệ. Nhờ học vấn mà ý thức Việt được củng cố, từ đó liên tục dấn thân, tổ chức các cuộc khởi nghĩa chống phong kiến phương Bắc.
      Do không có chữ viết, giai đoạn đầu phải mượn chữ Hán và văn hóa Hán. Nho sĩ Việt học chữ Hán nhưng phát âm khác, âm Hán - Việt. Nhờ ý thức Việt mà các nho sĩ Việt đã mô phỏng chữ Hán, sáng tạo chữ Nôm, thể hiện tiếng Việt và củng cố ý thức độc lập tự chủ của dân tộc Việt.
    Nhờ ý thức Việt, năm 1077, Lý Thường Kiệt đã tuyên bố trong bài thơ thần: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Nhờ ý thức Việt, năm 1428, Nguyễn Trãi viết Cáo Bình Ngô đã khẳng định: “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có…”.
   Từ vương triều Trần về sau, trường học được mở khắp nơi. Ngoài Quốc tử giám do triều đình tổ chức, trường học mở ở cấp tỉnh, huyện và còn rất nhiều trường tư, do các thầy đồ mở ở nông thôn… Và trong những người được học hành, đỗ đạt, có không ít người xuất thân từ giới bình dân, cuộc sống lúc nhỏ nghèo khổ, nhưng rất ham học như: Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh...
    Tinh thần hiếu học của dân tộc, được cổ vũ bởi tư tưởng khuyến học của những bậc minh quân, đất nước và dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ bên cạnh đế quốc phong kiến Trung Hoa suốt gần một ngàn năm, kể từ khi chúng ta tái lập bờ cõi, năm 939. Mặc dù, các vương triều Trung Hoa lúc nào cũng muốn thôn tính, áp đặt sự thống trị, đô hộ lên đất nước ta, thông qua các cuộc chiến tranh xâm lược.
    Nửa sau thế kỷ XIX, với chính sách ngu dân để cai trị, thực dân Pháp mở nhà tù nhiều hơn trường học. Nhờ tài lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Một phong trào bình dân học vụ nhằm xóa mù chữ quốc ngữ được phát động và tổ chức rộng rãi cả nước, nhất là vùng nông thôn, căn cứ cách mạng, kích thích mạnh mẽ tâm lý hiếu học của dân tộc. Phong trào đã được toàn dân hưởng ứng tích cực. Một lần nữa, tinh thần hiếu học của dân tộc Việt, được sự cổ vũ tư tưởng khuyến học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”
   Đến tháng 6-1950, phong trào bình dân học vụ đã giúp cho hơn 10 triệu người biết đọc, biết viết (dân số nước ta lúc đó khoảng 25 triệu), 10 tỉnh, 80 huyện, 1.424 xã đã thanh toán nạn mù chữ. Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa I quyết định đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa. Nhờ vậy mà dân trí Việt Nam, trí tuệ Việt Nam tăng nhanh hơn bao giờ hết. Đó là yếu tố rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân ta tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày 30-4-1975 trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, 95% dân số mù chữ, thất học, chỉ sau không đầy nửa thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã giành lấy độc lập cho đất nước, tự do cho mỗi người dân và đang vươn lên xây dựng một Tổ quốc Việt Nam XHCN dân chủ và giàu mạnh; trí tuệ Việt Nam đã vươn lên ngang tầm với thời đại. Đó là nhờ tài lãnh đạo, tổ chức của Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam nhờ truyền thống bất khuất, truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc.
Thế kỷ XXI, nhiều quốc gia tiến hành xây dựng một nền giáo dục mới theo hướng xã hội học tập. Đó là một xã hội mà mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần đều có cơ hội học tập như nhau và học tập suốt đời. Mỗi người dân Việt Nam ngày nay cần phát huy truyền thống hiếu học, vượt mọi khó khăn để học tốt, đạt đỉnh cao trí tuệ. Qua đó, mà góp phần xây dựng một nước Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như mong muốn của Bác Hồ.
     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây