I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Chữa bệnh bằng liệu pháp đọc sách” trích từ tạp chí Sống khỏe.
Theo Bodyandsoul – Xu hướng sử dụng liệu pháp đọc sách (bibliotherapy) đang được áp dụng phổ biến trên thế giới để chữa bệnh một cách hiệu quả ở mọi lứa tuổi.
Chữa bệnh cho người trẻ trầm cảm
Những người bị trầm cảm từ mức độ nhẹ đến trung bình có thể chọn liệu pháp đọc sách là liều thuốc tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần. Chủ đề sách được chọn cho đối tượng bệnh nhân này là liệu pháp hành vi nhận thức giúp bệnh nhân khám phá những cách suy nghĩ và hành động không lành mạnh và vô ích. Một nghiên cứu được xuất bản trên chuyên san Tâm lý học lâm sàng và tư vấn (Mỹ) cho thấy các bệnh nhân đã cải thiện triệu chứng bệnh sau 2 năm điều trị.
Áp dụng cho các bệnh nhân mất trí nhớ
Liệu pháp đọc sách cho những độc giả lớn tuổi sẽ giúp các bệnh nhân tìm thấy ý nghĩa của sự tự tin và cảm giác thân thuộc. Các bệnh nhân sẽ đọc lớn những bài thơ và văn chương cổ điển. Nghiên cứu tại Anh và Úc cho thấy các bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mất trí nhớ đã giảm được các triệu chứng của bệnh, ngay cả với những bệnh nhân bị mất trí nhớ ngắn hạn.
Đọc sách giúp trẻ con dễ dàng thể hiện cảm xúc hơn
Đối với những trẻ gặp khó khăn trong việc xác định và bày tỏ cảm xúc, liệu pháp đọc truyện ngắn hay tiểu thuyết hư cấu – nơi các nhân vật trong truyện sẽ đối phó với những vấn đề tương tự như ngoài đời thật các em đã trải qua. Từ đó, trẻ sẽ nhận định được cảm xúc của chính nhân vật trong câu chuyện để giúp trẻ hiểu được cảm xúc của chính mình và không cảm thấy cô đơn.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Bác Hồ với nông dân.
- Di tích lịch sử - văn hoá địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960.
BÁC HỒ VỚI NÔNG DÂN
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ luôn dành sự quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến giai cấp nông dân. Người đã bôn ba tìm đường cứu nước vì nền độc lập của dân tộc, để “người cày có ruộng”, để “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Bác đi cùng.
“Bác Hồ với nông dân” là quyển sách do Lường Thị Lan sưu tầm, biên soạn Nxb. Thanh niên ấn hành năm 2017 sẽ gửi đến bạn đọc hơn 40 bài nói, bài viết, câu chuyện cảm động về tình cảm sâu sắc của Bác Hồ đối với nông dân Việt Nam.
Dõi theo 247 trang sách, bạn đọc sẽ đến với những bài nói, bài viết, câu chuyện kể thắm đượm ân tình của Bác Hồ đối với người nông dân. Đó là các câu chuyện như: Bác giao chú đi cứu đói; Bác Hồ tăng gia sản xuất; Bác đi làm ruộng với nông dân; Đối với nông dân, điều đầu tiên là phải chân thực; Mỗi bước đi đều có Bác chỉ đường; Trồng cây theo lời dạy của Bác; Bác Hồ về thăm Thái Bình; Bác đi thăm nông dân chống hạn; Bác dạy phải đoàn kết công nông; Bác về thăm hợp tác xã Phương Đông; Mọi người phải cố gắng tăng gia sản xuất; Ngày xuân đón Bác; Rừng cây đón Bác; Thấm sâu lời Bác dạy;…
Đọc sách, bạn đọc sẽ cảm nhận rõ hơn sự thấu hiểu và cảm thông của Bác với những nỗi vất vả, gian truân, một nắng hai sương của nông dân. Vì thế, dù bận rất nhiều công việc người vẫn dành thời gian quan tâm đến những việc nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày, điều kiện lao động sản xuất, tâm tư nguyện vọng của nông dân. Khi đến thăm đồng bào, Bác không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục. Đứng trước bà con, Bác không đọc diễn văn mà chuyện trò thăm hỏi. Đến với người nông dân là Bác đến với những người chân lấm tay bùn, cho nên Bác cũng tát nước, đạp guồng chống hạn với người dân, Bác thăm hệ thống đê điều, hỏi han nông dân ngay trên cánh đồng đang gặt; Bác vào thăm những chuồng trại gia súc, gia cầm, thăm bếp ăn, giếng nước, Bác vào nhà trẻ, mẫu giáo ở nông thôn để xem con em nông dân có được trông coi cẩn thận, có đủ chế độ dinh dưỡng hằng ngày hay không...
Được tập hợp, tuyển chọn từ các bài nói, bài viết, buổi gặp gỡ, chuyến công tác, câu nói chân thực, các chuyện kể cảm động của những nhân vật từng có dịp được gặp Bác Hồ, được Người quan tâm, thăm hỏi, động viên; quyển sách nhỏ “Bác Hồ với nông dân” là nguồn động viên quý giá để giai cấp nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò cách mạng to lớn của mình, nâng cao hơn nữa vị thế trong trong công cuộc tiếp tục đổi mới đất nước.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 305.509597 / B101H; ▪ PHÒNG ĐỌC: DV.053485; ▪ PHÒNG MƯỢN: MA.018264; MA.018265
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG ÔNG ĐƯA NĂM 1960
Ngày 18/5/2011 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-UBND xếp hạng “Địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960” là Di tích lịch sử - văn hóa. Đây là Di tích ghi nhớ chiến công oanh liệt của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời tiếp tục giáo dục tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ về di tích này, năm 2019 Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ. Bảo tàng TP Cần Thơ đã xuất bản quyển sách “Di tích lịch sử - văn hoá địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960”.
Qua 23 trang, sách giới thiệu về nguồn gốc và địa danh Ông Đưa tại ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Ô Môn (nay thuộc huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Nơi đây đã ghi dấu chiến công của Đơn vị Tây Đô phối hợp với du kích xã Trường Thành lần đầu tiên đánh bại cuộc càn quét quy mô của địch vào ngày 06/6/1960.
Với nhiều ảnh tư liệu và nội dung ghi lại chi tiết diễn biến chiến thắng Ông Đưa năm 1960 đã cho thấy đường lối lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng đối với cách mạng miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Chiến thắng đã đi vào lịch sử như một minh chứng về khí phách, tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ Đơn vị Tây Đô, của lực lượng du kích và nhân dân địa phương hai xã Trường Thành, Định Môn. Chiến thắng còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tình yêu thương quê hương đất nước, niềm tin tuyệt đối của nhân dân Cần Thơ và sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ngày nay thành phố Cần Thơ đã đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử - văn hoá địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960 tại xã Định Môn, huyện Ô Môn (nay thuộc huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ), đưa vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Khu di tích với nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh chân thực về tinh thần đấu tranh kiên cường và tình quân dân của người Cần Thơ trong thời kỳ kháng chiến. Sau khi tham quan di tích này, du khách còn có thể trải nghiệm tại các làng nghề thủ công truyền thống, chiêm ngưỡng những cánh đồng mẫu lớn chuyên trồng lúa, trồng sen, những vườn trái cây trĩu quả của quê hương Ô Môn và Thới Lai.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Di tích lịch sử - văn hoá địa điểm Chiến thắng Ông Đưa năm 1960” và tổ chức chuyến tham quan ý nghĩa đến với địa điểm lịch sử này.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 959.793 / D300T; PHÒNG ĐỌC: DV.057221; PHÒNG ĐỌC ĐỊA CHÍ: DC.002743, DC.002744, DC.002745; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.009897, MG.009898, MG.009899.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Cái lọ và những viên đá” trích từ tạp chí Ngôi sao.
Một giáo sư Triết học đứng trước lớp với một số đồ vật trên bàn. Khi giờ học bắt đầu, không nói lời nào, ông nhặt một cái lọ lớn và trống rỗng. Sau đó bắt đầu đổ một ít đá vào trong bình.
Sau đó, ông hỏi các học sinh liệu chiếc bình như vậy đã đầy hay chưa? Mọi người đều đồng ý là có.
Vì vậy, ngay sau đó giáo sư đã chọn một hộp sỏi và đổ tiếp chúng vào bình. Ông lắc nhẹ bình, tất nhiên, các viên sỏi lăn vào các khe hở giữa những tảng đá.
Sau đó, ông hỏi các học sinh một lần nữa nếu bình đã đầy. Họ vẫn đồng ý.
Vị giáo sư cầm lên một hộp cát và đổ vào tiếp theo. Tất nhiên, cát lấp đầy mọi thứ khác.
Kế đến ông hỏi một lần nữa nếu bình đã đầy. Các sinh viên phản ứng rất nhanh và nhất trí "Có".
"Bây giờ," giáo sư nói, "Tôi muốn bạn nhận ra rằng chiếc bình này đại diện cho cuộc sống của bạn. Các hòn đá là những điều quan trọng - gia đình của bạn, người yêu thương của bạn, sức khỏe của bạn. Nếu tất cả mọi thứ khác bị mất và chỉ có họ vẫn còn ở lại, cuộc sống của bạn vẫn sẽ đầy đủ. Các viên sỏi là những thứ khác mà chúng quan trọng như công việc của bạn, ngôi nhà của bạn, xe của bạn. Cát là tất cả mọi thứ còn lại. Các công cụ nhỏ".
"Nếu bạn đặt cát vào bình đầu tiên", ông tiếp tục, "sẽ không có chỗ cho các viên sỏi hoặc đá. Những thứ gắn liền với cuộc sống của bạn".
Hãy lựa chọn, cân nhắc thật kỹ điều gì là phù hợp với mình nhất trong từng giai đoạn và đặt vào chiếc lọ của mình những viên đá quan trọng trước rồi hãy nghĩ đến và thực hiện những việc khác tiếp theo.
Nếu bạn dành tất cả thời gian và năng lượng vào những thứ nhỏ, bạn sẽ không bao giờ có chỗ cho những điều quan trọng. Hãy ưu tiên chăm sóc các loại đá đầu tiên - những điều thực sự quan trọng. Phần còn lại chỉ là cát.
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.