CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 42 (12/10– 18/10/2020)

Thứ tư - 14/10/2020 21:58 837 0
I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
 Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “7 lợi ích của gừng với sức khỏe” trích từ báo Sức khỏe và đời sống.
Gừng là một gia vị sẵn có trong gian bếp của mỗi gia đình. Đây là một loại gia vị có nhiều lợi ích cho sức khỏe, ít nhất 7 trong số đó đã được khoa học chứng minh.
Gừng giúp giảm viêm trong bệnh viêm khớp. Những người bị viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp giảm mức độ đau và cải thiện khả năng vận động khi tiêu thụ gừng thường xuyên. Điều này là do các chất hoạt tính sinh học có trong củ gừng giúp ngăn chặn sự hình thành của leukotrienes gây viêm.
Gừng cải thiện tiêu hóa. Các hoạt chất trong gừng kích thích sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non, làm tăng hoạt động cơ của đường tiêu hóa. Chúng cũng làm giảm chướng bụng và đầy hơi. Điều này có thể đặc biệt hữu ích đối với những người mắc chứng khó tiêu.
Gừng chống vi khuẩn. Gừng thúc đẩy hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh, và chiết xuất của nó có thể ức chế sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn có hại. Ngoài ra, loại gia vị này có thể có hiệu quả chống lại vi khuẩn miệng gây ra bệnh viêm nướu.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Nhờ các thành phần chống viêm, giúp giảm mức độ lipid (chất béo) trong máu và ngăn ngừa huyết áp cao.
Chống lại bệnh ung thư. Tiêu thụ gừng có thể làm giảm nguy cơ của một số loại ung thư. Nó đã được chứng minh rằng các hợp chất hoạt tính của gừng có thể làm giảm hoạt động của tế bào (nguyên nhân gây ra thay đổi DNA), sự chết tế bào và sự phát triển hình thành của khối u. Đặc biệt, chúng giúp ngăn ngừa sự phát triển của u bạch huyết, u gan, ung thư ruột, vú, da, gan và bàng quang. Ngoài ra, chúng làm tăng độ nhạy của khối u với các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị.
Giảm đau. Với tác dụng chống viêm và chống co thắt, gừng là một loại thuốc giảm đau tự nhiên cho chứng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt và chứng đau nửa đầu.
Cải thiện độ nhạy insulin. Bổ sung gừng đã được chứng minh là có liên quan đến việc cải thiện tình trạng kháng insulin và tỷ lệ trao đổi chất trong các nghiên cứu. Đối với bệnh nhân tiểu đường loại 2, nó có thể giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói.
Dưới đây là hai cách để thêm gừng vào chế độ ăn uống của bạn: 
- Giã nát gừng tươi rồi cho vào một cốc nước đun sôi và uống vào buổi sáng sau khi thức dậy.
- Cho 5 - 6 lát gừng tươi vào phích, đổ nước nóng vào, ủ một chút rồi uống trong ngày.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     -  Chủ tịch Hồ Chí Minh với tuổi trẻ thế giới.
     -  Việt Nam - Những hành trình yêu thương.

 
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TUỔI TRẺ THẾ GIỚI
 
Cuộc đời họat động cách mạng đầy sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho hoài bão, ý chí nghị lực và cả sức mạnh của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh cách mạng và thúc đẩy phát triển xã hội.
Cũng từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần vào củng cố cho sự nghiệp đoàn kết quốc tế cao đẹp. Bằng lời nói và việc làm cụ thể, Người đã luôn nêu cao tấm gương tuyệt vời về tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng. Trái tim mênh mông của Người “ôm trọn non sông mọi kiếp người”, không chỉ trải đều tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, già trẻ, gái trai của Việt Nam mà còn dành tình cảm hữu nghị, thân thiết, thủy chung cho đồng chí, bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ. 
 Nằm trong Tủ sách Bác Hồ với thế hệ trẻ, quyển sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tuổi trẻ thế giới” giúp bạn đọc hiểu rõ thêm quá trình hoạt động cách mạng của người, đặc biệt là tình cảm của Người dành cho thế hệ trẻ.
Qua 211 trang, sách chuyển tải đến bạn đọc 30 câu chuyện được bố cục 2 phần:
Phần 1 trình bày “Những câu chuyện về hành trình 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc” như: Trong ngõ hẹp Compoint; Người khách buổi sớm; Người bạn tốt của các dân tộc thuộc địa; Henri Barbusse; Thăm chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc; Người đồng chí từ Phương Đông; Những lần gặp Bác; Thầu Chín ở Xiêm; Những ngày gần Bác; Mãi mãi nhớ ơn Người;
Phần 2 với những câu chuyện như: Những câu chuyện ngoại giao sâu sắc với Bác Hồ; Lần đầu gặp gỡ với Việt Nam; Bác Hồ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười ở Thủ đô mới tiếp quản; Lời hứa với Bác và phần thưởng của Bác; Một buổi đi dạo mát; Bác Hồ với các nghệ sĩ ballet; Trái tim của một chiến sĩ; Chủ tịch Hồ Chí Minh - vĩ đại trong sự giản dị và giản dị trong sự vĩ đại; Tôi được gặp Bác Hồ… thể hiện tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh thiếu niên nước ngoài, cũng như tình cảm của thanh thiếu niên quốc tế đối với Người. 
Đọc sách, chúng ta càng thấy rõ, trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở những nơi Người đã đặt chân tới đều để lại niềm thương yêu quý trọng chân thành của nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. 
Quyển sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tuổi trẻ thế giới” là tài liệu thiết thực giúp bạn đọc nghiên cứu, học tập tấm gương đạo đức và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công tác thanh thiếu niên, công tác đối ngoại trong giai đoạn hiện nay. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 305.235 / CH500T;
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.054058; ▪ PHÒNG MƯỢN: MA.018791; MA.018792

 
VIỆT NAM - NHỮNG HÀNH TRÌNH YÊU THƯƠNG
 
“Việt Nam - Những hành trình yêu thương” là tập sách của tác giả Huỳnh Thu Dung, một người viết báo đam mê du hành và sở hữu hàng trăm nghìn bức ảnh và hành trăm thước phim về phong cảnh, con người đất nước Việt Nam.
Tập sách là thành quả của những chuyến đi gần như trên khắp dải đất hình chữ S thân yêu. 215 trang sách đem đến cho bạn đọc những không gian sống động của các địa điểm nổi tiếng của Việt Nam qua các bài viết: Hà Giang miền địa đầu xa thẳm; Đường lên Tây Bắc đất trời yêu thương; Sapa nơi đất trời gặp gỡ; Đi lên non cao nơi Mù Căng Chải; Qua miền Đông Bắc; Hội An những sớm mai êm đềm; Bình yên đất Phú Yên; Nha Trang thiên đường biển đảo; Ninh Thuận hoang dại và yên bình; Phan Thiết - nồng nàn hương vị biển; Đà Lạt - ngàn thông reo nỗi nhớ; Đồng Tháp - miền đồng quê ngọt ngào; Châu Đốc - bạt ngàn màu xanh biên giới; Trà Vinh - cổ kính dưới những mái chùa; Hà Tiên - xứ thơ; Côn Sơn trời xanh biển biết; Bồng bềnh trời đất Cà Mau.
Đọc bài viết “Miền Tây chan chứa ân tình”, xem những hình ảnh hiền hòa về cảnh sắc xanh tươi, thanh bình cùng nụ cười hồn hậu của cư dân nơi đây qua ống kính của tác giả, bạn đọc sẽ cảm nhận được một vùng đất yên ả, mượt mà. Miền Tây Nam Bộ có mười hai tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau), cùng với thành phố Cần Thơ là 13 địa danh tất cả. Là vùng cộng cư của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, miền Tây là cái nôi của văn hóa đặc trưng sông nước. Đó là những mái chùa cổ kính ẩn hiện đó đây, những lễ hội có từ xa xưa trên trăm năm tuổi mang nhiều ý nghĩa, những điệu múa lời ca truyền thống thú vị sinh động, những vùng quê sông nước chở nặng ân tình, những cánh đồng trĩu hạt hay những vườn cây trái xum xuê, những chợ nổi tấp nập bồng bềnh. Đặc biệt, đây chính là quê hương của đờn ca tài tử, với những giai điệu mùi mẫn, ngọt bùi làm xao xuyến vấn vương lòng du khách gần xa.
Ở bài viết “Cần Thơ gạo trắng nước trong”, tác giả dẫn dắt bạn đọc đến với vùng đất trữ tình, trù phú nằm bên bờ sông Hậu. Cần Thơ còn được gọi là Tây Đô - thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, đây cũng là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đến với Cần Thơ là đến với những vườn cây trái ngọt lành, những cánh đồng lúa trĩu hạt, đến với những phiên chợ nổi nhộn nhịp trên sông, cùng chuyện trò với những con người hào sảng đáng mến, để rồi khi chia tay không khỏi lưu luyến như câu ca “Ai đi đến đó lòng không muốn về”. 
Có thể thấy, tác giả đã viết nên những bài viết bằng sự yêu thương và niềm hân hoan khám phá. Đặc biệt, tác giả đem đến cho bạn đọc những bức ảnh tuyệt vời chân thực nhất về đất nước con người Việt Nam mến yêu.  
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách  “Việt Nam - Những hành trình yêu thương” tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 915.97 / V308N;
PHÒNG ĐỌC: DL.017955;  PHÒNG MƯỢN: MG.009758; MG.009759.     
 III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
   
  Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Lòng tin đến từ chữ tín” trích từ báo Vĩnh Long.
Xưa nay, chữ tín luôn là phẩm chất cao quý của một con người. Từ thực tiễn của cuộc sống, người xưa đã đúc rút ra rằng: “Có lòng tin là có tất cả, mất lòng tin là mất tất cả”. Lòng tin bắt nguồn từ chữ tín. Nó thuộc phạm trù đạo đức và trở thành kim chỉ nam trong các mối quan hệ ứng xử ở mọi lĩnh vực. Người xưa họ rất coi trọng chữ tín. Bởi một lời nói ra là phải có sự tin tưởng tuyệt đối. Một khi họ đã chủ định giữ chữ tín với ai, mà không thực hiện được thì họ cảm thấy những năm tháng cuộc đời về sau sẽ không còn giá trị và ý nghĩa gì nữa.
Đối với người xưa, việc giữ chữ tín là rất quan trọng. Có 2 người bạn họ gặp nhau vào khoảng đầu mùa xuân. Trước khi chia tay, chủ nhà hỏi người bạn của mình rằng khi nào thì bạn lại đến chơi.
Người bạn kia hẹn vào Tết Trung thu sẽ tới để cùng ngắm trăng. Đến Trung thu, chủ nhà mang rượu và thức ăn ra hoa viên sau nhà, không ăn, không uống mà kiên trì ngồi chờ bạn đến. Đến gần tới canh ba, người bạn kia quả nhiên đi đến, đứng ngoài cửa hoa viên hỏi: “Hiện tại chưa qua canh ba nên vẫn tính đang là ngày rằm chứ?”.
Chủ nhà trả lời bạn: “Chưa qua, chưa qua, đương nhiên vẫn là rằm tháng tám rồi. Tôi biết rõ bạn nhất định sẽ đến, bởi vì trong trí nhớ của tôi thì bạn chưa thất tín với tôi bao giờ. Xin mời, mau vào cùng tôi uống rượu ngắm trăng”. Chủ nhà nói xong liền chạy lại cổng của hoa viên mời bạn.
 Người bạn vội nói: “Tôi trên đường đến với bạn nhưng không may bị tai nạn nên đã trút bỏ đi thân thể của mình để có thể đi ba ngàn dặm đến đây trước canh ba. Giờ tôi đã ở đây rồi. Tôi với bạn giờ đã là âm dương cách biệt, nhưng dù sao thì tôi cũng đã giữ được lời hứa với bạn”.
Người xưa là thế đấy! Vì giữ lời hứa mà sẵn sàng trả giá bằng mạng sống của mình. Vậy nên người xưa mới có câu: “Lời nói gói vàng”, “Lời nói đọi máu” thật chẳng ngoa chút nào. Người bạn trong câu chuyện này đã đặt chữ tín ở vị trí trọng yếu nhất, thậm chí còn cao hơn cả tính mạng của mình. Giữ chữ tín là phẩm chất cao quý của một con người. Nếu bội tín lời hứa thì không chỉ làm tha hóa bản thân mà còn gây tác hại cho nhiều người. Còn khi chữ tín được xác lập thì lòng tin sẽ được tăng lên khiến cho mối quan hệ càng thêm bền chặt. 

     Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây