I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Bí ngòi - kho dinh dưỡng thiên nhiên” trích từ tạp chí Sống khỏe.
Bí ngòi là một loại rau củ cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng lại ít calo và rất dễ trồng. Bí ngòi có vỏ mỏng nên ăn được cả vỏ, thịt trắng kem và hạt mềm. Hình dạng của nó giống như dưa leo, dài khoảng 20cm và là loại thực phẩm đa năng có thể ăn sống hoặc nấu chín, thậm chí sử dụng ăn kèm trong các món nướng. Bí ngòi chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khoẻ tổng thể của bạn.
Thành phần dinh dưỡng dưới đây sẽ giúp bạn lý giải tại sao bí ngòi lại luôn có trong thực đơn hàng ngày của người muốn giảm cân.
Vitamin
Bí ngòi là một nguồn vitamin tuyệt vời cung cấp các chất chống oxy hóa, giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ sự lão hóa cơ thể. Nó được coi là một loại rau cung cấp tới 35 mg vitamin C, chiếm 39 đến 46 % nhu cầu hàng ngày được đề nghị ở người lớn. Bí ngòi cũng giàu vitamin A, cung cấp 392 đơn vị quốc tế hoặc từ 13 đến 17 % nhu cầu hàng ngày của cơ thể người trưởng thành.
Kali
Bí ngòi là một nguồn thực phẩm giàu kali, cung cấp trung bình khoảng 512 mgtương đương 11 % nhu cầu hàng ngày của bạn. Kali được cho là một trong những chất điện giải chính trong cơ thể và cân bằng với natri theo tỉ lệ 2-1.
Vitamin C
Một cốc sinh tố bí ngòi nhỏ có chứa 22,2 mg vitamin C, đáp ứng gần 30% lượng vitamin C cho phụ nữ trưởng thành và khoảng 25% cho nhu cầu của một người đàn ông. Vitamin C, còn được gọi là ascorbic acid, giúp tổng hợp collagen cần thiết cho mạch máu và sụn khớp, hỗ trợ sức khoẻ của hệ miễn dịch và ức chế các gốc tự do từ DNA và mô tế bào chết. Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như bí ngòi có thể làm giảm nguy cơ cao huyết áp, ung thư, viêm xương khớp và bệnh tim. Để tối đa hóa lượng vitamin C bạn có được, hãy sử dụng bí ngòi trong vòng ba đến bốn
Vitamin B6
Bí ngòi nguyên chất chứa 0,202 mg vitamin B6 trong mỗi cốc khẩu phần. Đối với nam giới và phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi, số lượng này cung cấp 15 % yêu cầu mỗi ngày. Vitamin B6 cần thiết cho việc tổng hợp hồng cầu và bạch cầu, chất dẫn truyền thần kinh và hoocmon như melatonin, serotonin và norepinephrine. Vitamin B6 cũng có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm, viêm khớp dạng thấp và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, cũng như các triệu chứng nghiêm trọng về tiền kinh nguyệt ở phụ nữ.
Vitamin K
Cơ thể cần vitamin K để tạo ra một số protein cần thiết cho cơ chế đông máu đúng cách. Vitamin K cũng góp phần tăng trưởng, phát triển và duy trì xương. Bí ngòi chứa 5,3 microgram vitamin K trong mỗi cốc khẩu phần, tương đương 6% nhu cầu hàng ngày. Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin K như bí ngòi có thể làm giảm nguy cơ loãng xương và chảy máu quá mức khi bị thương.
Bí ngòi có ít chất béo, không chứa cholesterol và chỉ có 21 calo trong mỗi khẩu phần. Nó cũng là một nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết như đã kể trên. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng bạn nên luôn ăn bí ngòi cả vỏ, vì vỏ là nơi chứa chất dinh dưỡng nhiều nhất, hơn cả phần thịt quả.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Việt Nam trung hiếu nghĩa tình.
- Đi bộ xuyên việt với cây đàn guitar.
VIỆT NAM TRUNG HIẾU NGHĨA TÌNH
Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam với lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường và những đức tính truyền thống tốt đẹp đã tạo nên bản sắc dân tộc. Trong đó, trung hiếu, nghĩa tình là hai đức tính tiêu biểu trong tính cách con người Việt Nam.
Quyển sách “Việt Nam trung hiếu nghĩa tình” do Vũ Ngọc Khánh biên soạn, Nxb. Văn hoá dân tộc ấn hành năm 2019 giới thiệu đến bạn đọc những tấm gương yêu nước, những câu nói bất hủ và đạo hiếu nghĩa của các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Sách dày 343 trang gồm 2 phần:
Phần 1 “Người Việt Nam trung hiếu” trình bày những câu nói tiêu biểu của các danh nhân nước ta về đạo trung hiếu. Đó là câu nói nổi tiếng của nữ tướng Triệu Thị Trinh: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Hay lời khẳng khái của danh tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Và còn rất nhiều câu nói nổi tiếng của các nhân vật như: Lê Văn Thịnh, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ, Từ Dũ, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Phạm Tất Đắc... Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu thơ nổi tiếng được lưu truyền: “Thờ nước xin hết đạo trung, xin đem đạo hiếu hết lòng thờ dân”. Qua đây cho thấy tư tưởng trung hiếu luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là sức mạnh vô hình bền bỉ của dân tộc ta từ xưa đến nay.
Phần 2 “Người Việt Nam nghĩa tình” giới thiệu những câu chuyện về tình yêu, tình vợ chồng, tình mẹ, tình cha con, tình thầy trò, anh em, bạn bè. Đó là những câu chuyện nổi tiếng từ xưa đến nay như: Tháp Báo Ân, Đá trông chồng, Quan âm Thị Kính, Kim Thạch kỳ duyên, Bà mẹ Vạn Hà, Người thầy học của Phan Bá Vành, Suối Phi Khanh, Hai cha con cùng ngồi tù Côn Đảo, Vượt thầy là trả ơn thầy;.... Thông qua những câu chuyện này cho thấy bên cạnh chữ “trung”, chữ "hiếu" mà ông cha ta đã lấy làm phương châm sống và phục vụ, thì chữ "nghĩa" , chữ “tình” cũng giữ vai trò cốt lõi trong các mối quan hệ ứng xử của người Việt. Đó là những đức tính tốt đẹp, là tấm chân tình hồn hậu của người Việt, nhờ đó mà người Việt có thể sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, có thể chịu đựng mọi gian khổ, khó khăn để hướng đến những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Những đức tính đó đã trở thành truyền thống được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ để củng cố, phát triển quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân.
Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Việt Nam trung hiếu nghĩa tình” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số ký hiệu phân loại: 959.7009 / V308N
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.055834; PHÒNG MƯỢN: MG.009498; MG.009499
ĐI BỘ XUYÊN VIỆT VỚI CÂY ĐÀN GUITAR
“Với nhiều người, chuyện đi bộ từ Nam chí Bắc không mang theo tiền nghe như một chuyện điên rồ tự hành xác viễn vông vậy. Nhưng với Hà, đó không đơn giản là một hành trình nhiều khó khăn mà chính là ước mơ dám dấn thân đi vào thử thách giới hạn của chính mình…
… Hà đã khẳng định được chính mình trong 113 ngày đi bộ từ Sài Gòn đến Hà Giang với nhiều khó khăn cũng như nhiều hạnh phúc khi nơi đâu cũng có những vòng tay sẵn sàng dang rộng. Phải chăng khi quyết tâm đủ mạnh thì chúng ta sẽ vượt qua những giới hạn thông thường? Và phải chăng sức mạnh tình yêu thương luôn hiện hữu có khả năng đỡ con người dù trong bất cứ hoàn cảnh nào?”.
Phương Thu Thủy - Tác giả “Bước chân theo dấu mặt trời”
“Chuyến đi bộ xuyên Việt của chàng nghệ sĩ đưa người đọc vào cuộc dạo chơi đầy chất thơ và trải nghiệm cuộc sống thú vị của con người Việt Nam từ Nam ta Bắc, để ôm vào lòng mình một tình yêu quê hương tha thiết. Hiếm ai lựa chọn một hành trình táo bạo như Nhật Hà vì với anh, mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống”.
Kim Ngân - tác giả của “Nào, mình cùng đạp xe đến Paris”
Đó là những nhận xét cho quyển sách “Đi bộ xuyên Việt với cây đàn Guitar” của tác giả Hồ Nhật Hà, người đã thực hiện thành công hành trình đi bộ 113 ngày vượt qua 2.300 km từ Nam ra Bắc.
Sách do Nxb. Thanh Niên ấn hành năm 2019 với độ dày 344 trang ghi chép lại những trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời chàng nghệ sĩ trẻ. Chỉ với cây đàn ghi ta, một ít vật dụng cá nhân và 100.000 đồng, chàng trai trẻ đã lên đường vượt qua bao địa danh mà mình muốn đến. Sau tất cả những khó khăn là cảm xúc vui mừng hạnh phúc khi tác giả đứng trên đỉnh cột cờ Lũng Cú hát vang bài hát do chính mình sáng tác “Việt Nam trong tim tôi”.
Hành trình đi bộ xuyên Việt thành công của tác giả đã truyền cảm hứng và thông điệp tích cực về cuộc sống tươi đẹp trên dãy đất hình chữ S thân yêu. Đặc biệt, tình yêu thương, tính cách hồn hậu đậm chất Việt Nam luôn đong đầy trong từng trang viết của tác giả. Để rồi sau chuyến đi, tác giả đã tự giải đáp cho những câu hỏi của mình đã đặt ra trước đó: "Người Việt có thật sự xấu xí và vô cảm như trong những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội vẫn đưa lên hay không?" và "Nếu người trẻ có ước mơ đủ lớn. Liệu họ có thể thực hiện ước mơ ấy mà không cần bắt đầu từ tiền hay không?". Tác giả viết: “Tôi vô cùng vui không chỉ vì mình đã hoàn thành được ước mơ, mà còn là niềm vui khi lòng tốt của người Việt Nam đã chiến thắng”. Từ đó, chàng trai trẻ đã khẳng định đức tin của mình: “Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó có sự sống”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Đi bộ xuyên Việt với cây đàn Guitar” để cùng tác giả gặp gỡ những con người, những địa danh nghe xa xôi nhưng cũng rất đỗi quen thuộc với bao câu chuyện thú thị, tin yêu. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số ký hiệu phân loại: 915.9704 / Đ300B; PHÒNG ĐỌC: DV.056543; PHÒNG MƯỢN: MG.009691; MG.009692
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Chữ hiếu làm đầu” của Lưu Đình Long đăng trên báo Tuổi Trẻ.
Xưa, Chử Đồng Tử thể hiện lòng hiếu thảo của mình bằng cách nhường chiếc khố - thứ quý nhất của hai cha con - cho cha, khi ông qua đời. Và người con chí hiếu ấy đã được đáp đền bằng tình yêu của công chúa Tiên Dung, người con gái ở ngôi cao, cảm được tấm lòng hiếu thuận của Chử Đồng Tử nên trao gửi tình yêu.
Ta sẽ thấy từ câu chuyện này, chữ hiếu được Chử Đồng Tử nêu gương chính là dành cho cha mình cái tốt nhất có thể. Tiên Dung cảm được sự hiếu thảo của người con tên Chử Đồng Tử mà trao gửi tình yêu để chàng thành phò mã!
Nay, chữ hiếu được người ta bàn và thêm vào “thời @” để có tính thời sự, nhưng vẫn không ngoài việc “thờ cha, kính mẹ”. Thờ không phải chỉ lúc chết mới cúng giỗ linh đình mà phải thương, kính ngay từ thuở người còn sống. Kính vì ơn nghĩa sinh thành, dưỡng dục ví tựa “Thái sơn”, tựa “nước trong nguồn chảy ra”. Đỗ Trung Quân thì khẳng khái ví quê hương như là mẹ. Và mỗi người chỉ một, nên phải nhớ, nhớ để “lớn thành người”.
Mỗi lần nhắc tới ơn cha nghĩa mẹ, thì y như rằng ta có lớn bao nhiêu, có già lụm cụm cũng trở thành trẻ con, rồi nước mắt ngắn dài, thương và xót. Thương vì cái ơn quá lớn chưa có đền đáp được bao nhiêu, xót vì có lúc nghịch ngợm, và có khi đã từng là... nghịch tử, cãi cha mắng mẹ! Người ta nói xã hội xuống cấp về đạo đức, lòng người trở nên vô cảm, lạnh lùng, nhưng nếu quả tình họ vô cảm, lạnh lùng với cả cha mẹ mình thì... chẳng còn gì để nói.
Đau lòng quá đi chứ, nhưng tiếc là cái điều đau lòng ấy thời nay sao nhiều quá, báo chí vài ba bữa lại có tin con cái ngược đãi cha mẹ...
Trong cuộc sống mỗi ngày, mong sao sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương hiếu hạnh của các bạn trẻ. Cố gắng sống tốt, sống có ích cho bản thân và xã hội chính là cách đền đáp công dưỡng dục các bậc sinh thành có ý nghĩa nhất...
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.