I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những rủi ro về sức khỏe có thể gặp phải khi uống nhiều cà phê” trích từ tạp chí Sức khỏe và đời sống.
Uống cà phê với mức độ vừa phải sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt chúng có thể giúp chúng ta cơ thể tỉnh táo. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều lại có thể gây hại cho sức khỏe. Theo The Healthy, dưới đây là những rủi ro có thể gặp phải khi uống nhiều cà phê:
Đau dạ dày
Các nhà khoa học châu Âu phát hiện ra rằng, một số hợp chất trong cà phê kích thích sự tiết acid dạ dày của các tế bào dạ dày. Chính vì thế, chúng ta không nên tiêu thụ quá nhiều cà phê.
Tiêu chảy
Uống nhiều hơn hai hoặc ba ly cà phê mỗi ngày có thể dẫn đến tiêu chảy. Một số người có thể gặp vấn đề này nếu uống nhiều cà phê, do nhu động ruột mạnh hơn khi uống cà phê.
Cảm thấy lo lắng
Các chuyên gia khuyến cáo, những người mắc chứng lo âu nên tránh dùng caffeine. Uống quá nhiều sẽ làm gia tăng sự lo lắng và gây mất ngủ.
Trong một nghiên cứu đã cho thấy những người uống cà phê thường xuyên, có huyết áp cao hơn, hormone gây căng thẳng tăng lên.
Tim đập nhanh
Một số người sử dụng cà phê có một số biểu hiện như tim đập nhanh, hồi hộp, ... Nguyên nhân do trong cà phê có chứa caffein, chất kích thích này thúc đẩy sản xuất hormone làm gia tăng nhịp tim, gây khó thở và đau tức ngực.
Đau đầu
Một lượng vừa phải lượng caffein giúp giảm đau đầu. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều cà phê trong một khoảng thời gian lâu dài (uống quá 500 mg caffein hoặc tương đương năm cốc cà phê hằng ngày), có thể sẽ dẫn đến đau đầu và mệt mỏi.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Những ngày đầy nắng: Cẩm nang cho những tâm hồn ngọt ngào nơi bếp bánh.
- Câu chuyện nhỏ, bài học lớn.
NHỮNG NGÀY ĐẦY NẮNG: CẨM NANG CHO NHỮNG TÂM HỒN NGỌT NGÀO NƠI BẾP BÁNH
“Những ngày đầy nắng là những ngày dù bên ngoài có như thế nào, dù là giông bão hay là những bộn bề lo toan đến mệt nhoài hay những vất vả của cơm, áo, gạo, tiền đè nặng trên vai... thì chỉ cần bước vào căn bếp nhỏ, được hít hà vị bánh thơm lừng từ chiếc lò cũ kỹ, được thấy đứa con bé bỏng í ới gọi mẹ cho ăn bánh, được sống là mình và rõ ràng đó là chính mình, một cách nguyên bản không hề mảy may nghi ngờ về bản thân, với tôi, đó thật sự là những ngày đầy nắng...”
Đó là chia sẻ của Hoàng Yến, tác giả quyển sách “Những ngày đầy nắng: Cẩm nang cho những tâm hồn ngọt ngào nơi bếp bánh”. Sách do Nhà xuất bản Lao động xã hội ấn hành năm 2019.
Thông qua quyển sách, tác giả ghi lại công thức, kinh nghiệm và chia sẻ với bạn đọc về tất cả những gì đã trải qua trong căn bếp đầy yêu thương của mình. Đó là những giây phút đầy thú vị với những công đoạn làm nên những loại bánh ngọt ngào. Sách dày 175 trang với bố cục gồm 3 chương:
Chương một với tiêu đề “Chút ngọt ngào mang theo” hướng dẫn làm các loại bánh mứt như: Mứt hoa quả, Oreo Cream Choux, Bánh con sò, Bánh quy bơ, Bánh quy bơ đậu phộng, Bánh quy dừa, Banana chocolate chip muffin, Vanilla Cupcake.
Chương hai tiêu đề “Mùa gọi yêu thương” tác giả hướng dẫn làm các loại bánh đặc trưng quen thuộc thường thấy vào mùa lễ hội và các dịp sum họp, đoàn viên. Đó là các loại bánh như: Gato cơ bản phương pháp đánh bông nguyên trứng và phương pháp đánh bông lòng trắng trứng, Chocolate cake, Matcha cupcake, Bông lan cuộn vân thủy, Bánh khúc cây - Buche de Noel, Chiffon cam, Chiffon lá dứa, Chiffon trứng muối sốt phô mai.
Chương ba tiêu đề “Những ngày đầy nắng” là phần hướng dẫn các món bánh như: Summer Panna Cotta, Matcha Panna Cotta, Key Lime Pie, Chocolate Mousse, Strawberry Yogurt Mousse, Avocado Cheesecake, Tofu Cheesercake,...
Quyển sách với nhiều ảnh đẹp minh họa sinh động các công đoạn làm bánh, cùng với những hướng dẫn chi tiết từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho từng loại bánh và các lưu ý như: cách đánh trứng, cách đánh bông kem, cách chống dính khuôn, cách bọc khuôn, cách lấy bánh,... giúp bạn đọc dễ dàng thực hiện.
Tác giả cũng chia sẻ những nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi làm bánh, đó là: Hãy đọc kỹ công thức bánh và nắm rõ những lưu ý về nguyên liệu, quy trình và nếu được hãy tóm tắt công thức theo cách riêng của bạn. Thế giới bánh là môi trường thỏa sức cho bạn sáng tạo, nhưng nếu là lần đầu tiên bước vào bếp bánh, hãy tuân thủ theo công thức đã có, thực hành và tự tìm ra nguyên tắc để dễ dàng sáng tạo cho những lần sau. Hãy hiểu rõ về căn bếp của mình, về cái lò nướng, cái máy đánh trứng, khuôn bánh,... hiểu tại sau lò nhà mình phải nướng thế này, cây trộn bột nhà mình phải trộn thế kia. Cuối cùng, hãy chuẩn bị cho mình một tâm trạng thật thoải mái khi bước vào căn bếp nhỏ, nhưng tràn đầy sức sống cùng những năng lượng tích cực. Những mẻ bánh ngon được ra đời dưới bàn tay khéo léo của mẹ, của chị, của những người yêu bếp bánh... luôn là những món quà thật tuyệt vời dành tặng cho những người thân trong gia đình.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Những ngày đầy nắng” tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 641.8 / NH556NG; mã số phòng Mượn: MD.009409.
CÂU CHUYỆN NHỎ, BÀI HỌC LỚN
Mỗi câu chuyện đơn giản cũng có thể mang đến cho chúng ta những bài học sâu sắc trong cuộc sống. Đó là những câu chuyện trong quyển sách “Câu chuyện nhỏ, bài học lớn” do Hồng Thanh, Nguyễn Thị Vi Khanh biên soạn, Nxb. Văn học ấn hành năm 2020. Qua 163 trang sách với 72 câu chuyện được phân chia theo 2 nhóm chủ đề: Sự thành thật và lòng dũng cảm; Tính kiên cường và sự lạc quan.
Không phải là những triết lý giáo điều, những lý luận khô khan, mỗi câu chuyện trong quyển sách là những bài học đạo đức giúp các độc giả nhỏ tuổi hấp thụ một cách tự nhiên nhất, hiệu quả nhất.
Đọc câu chuyện “Chiếc đinh sắt nhỏ đổi lấy một khoản tiền lớn” kể về hai anh em nhặt ve chai, người anh thì chăm chỉ nhặt từng mẩu đinh sắt nhỏ, người em thì lại nghĩ những thứ nhỏ nhặt ấy không đáng nhặt nên đã bỏ qua. Sau một thời gian người anh đã có được một túi sắt kha khá và đổi được một số tiền, còn người em thì không có gì cả. Từ đó người em cảm thấy hối hận vì những suy nghĩ thiển cận của mình. Bài học được rút ra đó là: “Cho dù tiền bạc hay kiến thức điều phải tích góp từng chút một, đừng cho rằng chút việc nhỏ thì không đáng làm, không bỏ công làm mà bỏ qua. Biết đâu chính việc nhỏ ấy lại biến ước mơ của bạn thành hiện thực. “Không làm việc nhỏ sao làm được việc lớn” đây cũng chính là đạo lý mà câu chuyện muốn nói đến”.
Câu chuyện “Em muốn làm Bill Gate thứ hai” kể về một cậu bé trong giờ học tiếng Anh đã nói lên ước mơ của mình bằng tiếng Anh là trở thành Bill Gate thứ hai. Bạn bè cười nhạo cậu, nhưng khi kể cho bố mình nghe, bố cậu rất xúc động trước vẻ tự tin của con trai và luôn ủng hộ khuyến khích cậu thực hiện ước mơ. Trước nhất khi cậu bị điểm kém môn tiếng Anh, bố cậu đã không trách mắng mà tiếp tục động viên cậu chăm chỉ học tập và rèn luyện. Một thời gian sau trình độ tiếng Anh của cậu đã rất khá. Nói lên ước mơ và nỗ lực từng ngày và sự động viên của bố đã giúp cậu bé có được đức tính tự tin đáng quý. Vậy mới thấy, ước mơ một điều tốt, nhưng quan trọng hơn chúng ta phải có niềm tin và dũng khí để theo đuổi ước mơ đó. Nếu bạn muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực, ngay từ bây giờ hãy không ngừng cố gắng nỗ lực. Tương lai tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta.
Đọc sách, học điều hay. Còn rất nhiều câu chuyện hay, bổ ích trong quyển sách “Câu chuyện nhỏ, bài học lớn”. Các bạn nhỏ hãy tìm đọc quyển sách tại Phòng Thiếu Nhi - Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 158.1 / C125CH; phòng Thiếu nhi: ND.008481; ND.008482.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Chú bé và con sò nhỏ” Ở ngôi làng kia có một chú bé tuổi độ 16. Chú là một chú bé thông minh, tốt bụng, có những suy nghĩ khá sâu sắc so với lứa tuổi của chú. Thế nhưng, chú lại thiếu lòng tin và hay buồn rầu, chú luôn cảm thấy mình thiếu bạn... Một ngày kia, như thường lệ, chú lại cảm thấy buồn chán và không có chuyện gì làm, chú lang thang một mình dọc theo bờ biển, lẩm bẩm tự than với mình: - Chán quá đi... Ta buồn chẳng hiểu vì sao ta buồn? Chẳng có ai hiểu ta! Chẳng có ai làm bạn với ta và thật sự coi ta là bạn...!!! Vô tình chú giẫm phải vật gì đó dưới chân. Cuối xuống xem, chú thấy đó là một con sò nhỏ có lớp vỏ rất đẹp với nhiều màu sắc. Chú thờ ơ bỏ nó vào túi dự định đem về nhà chơi và định đi tiếp. Thình lình, con sò bỗng cất tiếng nói: - Bạn ơi... Hãy thả tôi về với biển... Hãy giúp tôi trở về với nơi sinh ra mình... Có thể tôi không có gì để tặng lại bạn, nhưng tôi sẽ cho bạn một lời khuyên! Cậu bé vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, lại vừa thích thú. Nhìn con sò, cậu nói: - Được thôi, ta sẽ thả bạn về với biển khơi, nhưng... hãy cho ta một lời khuyện trước đi... Ta đang buồn chán vì không có bạn bè đây! Con sò cất tiếng trả lời bằng một giọng nói chậm rãi, nhẹ nhàng: - Bạn hãy nhìn những hạt cát dưới chân bạn và nắm một nắm cát đầy đi. Bạn biết không, nắm cát trong lòng bàn tay của bạn cũng giống như bạn bè của bạn vậy. Những hạt cát quá xa lòng bàn tay bạn sẽ theo kẻ hở giữa những ngón tay bạn mà rơi ra ngoài. Nếu bạn càng siết chặt bàn tay thì chúng càng rơi ra nhiều hơn. Chỉ có những hạt cát nằm giữa lòng bàn tay bạn, được giữ chặt trong đó mới còn lại mà thôi. Đó chính là những người bạn thân thiết mà chúng ta thật sự cần, những người bạn này sẽ ở lại với ta dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nhưng, bạn thấy đó, những hạt cát này rất ít và dễ dàng rơi ra nếu ta không biết giữ gìn. Hãy đem chúng về và ngâm trong những vỉ màu đẹp nhất. Hãy giữ gìn và nâng niu chúng bằng tình cảm của mình. Chúng sẽ ở bên cạnh bạn và không rời xa đâu. Tôi chỉ có thể khuyên bạn như vậy thôi... Chú bé im lặng, thả con sò về lại với lòng biển xanh bao la mà không nói lời nào... Chú còn mãi suy nghĩ về những điều con sò nhỏ nói. Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.