I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “3 cách giúp cải thiện mất ngủ hoàn toàn từ tự nhiên” trích từ tạp chí Sức khỏe.
Giấc ngủ là liều thuốc quý đối với sức khỏe con người. Do đó, tham khảo 3 cách tự nhiên chống mất ngủ là bí quyết đơn giản giúp bạn chấm dứt tháng ngày “cú đêm” kéo dài.
Khi nào được gọi là mất ngủ?
Mất ngủ là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ, không duy trì được giấc ngủ sâu vào ban đêm hoặc thức giấc quá sớm, khó trở lại giấc ngủ ban đầu trong thời gian dài.
Áp dụng ngay 3 cách tự nhiên chống mất ngủ
Khi bị mất ngủ kéo dài, nhiều người có xu hướng sử dụng thuốc ngủ, tuy nhiên điều này sẽ khiến cơ thể mất dần khả năng kiểm soát giấc ngủ tự nhiên. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng sở hữu một giấc ngủ tự nhiên, bằng cách:
Gạt bỏ căng thẳng
Các chuyên gia đã chứng minh, những căng thẳng trong cuộc sống là nguyên nhân chính khiến gốc tự do tăng sinh quá mức tấn công lên não gây tổn thương tế bào thần kinh và mạch máu não. Từ đó, khiến trung tâm điều hành giấc ngủ gặp trục trặc, dẫn tới mất ngủ.
Để quên đi những khó khăn và căng thẳng, trước khi đi ngủ, bạn nên nghĩ đến những điều khiến bản thân hạnh phúc, đây được coi là “vũ khí” lợi hại để xua tan căng thẳng.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Đừng coi thường việc ăn uống trong cuộc chiến chống mất ngủ. Thủ phạm trực tiếp gây mất ngủ là các chất kích thích như: Cồn và caffeine và các thực phẩm chứa nhiều chất béo như: Bơ sữa, những món chiên xào, đồ ngọt, ...
Thay vào đó, các chuyên gia khuyên bạn nên tăng cường vitamin nhóm B có trong gạo lứt, thịt, cá, gà, sữa, trứng và bổ sung những thức ăn giàu magie như: Rau mồng tơi, trái bơ, hạnh nhân, hạt bí…
Ngoài việc ăn đủ chất, bạn còn phải ăn đúng cách, không nên ăn trước khi đi ngủ vì lúc đó, cơ quan tiêu hóa phải hoạt động hết công suất để hấp thụ thức ăn, khiến việc đến với giấc ngủ trở nên khó khăn.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Vận động thể chất giúp giảm căng thẳng và stress. Cách khắc phục mất ngủ hiệu quả là tập thể dục vào thời điểm 17 – 19 giờ hàng ngày. Tuyệt đối không tập trước khi đi ngủ 1 - 2 tiếng, điều này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức và khó đi vào giấc ngủ.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa
- Những trò chơi vui, bổ ích cho thiếu nhi
TÔI ĐÃ ĂN CẢ CÁNH ĐỒNG HOA
Như chúng ta đã biết, có một yếu tố không thể thiếu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc đó là văn hóa ẩm thực. Phong cách ẩm thực luôn gắn liền với địa lý, thổ nhưỡng và tính cách dân cư bản địa.
“Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” là tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li với 53 bài viết là những trải nghiệm hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Qua 319 trang sách, bằng giọng văn hào hứng tác giả dẫn dắt người đọc cùng thưởng thức các món ăn đặc sắc của thế giới và Việt Nam. Đó là những món ăn mà tác giả đã trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc không chỉ bằng vị giác mà bằng tất cả các giác quan về phong cảnh vùng đất, con người đã tạo nên nó.
Qua những bài viết như: Bánh cuốn vùng biên; Bún đỏ phố núi; Cá sấu và đà điểu; Cháo trắng Sài Gòn; Cháo vịt Thanh Đa; Lang thang quà vặt Sài Gòn; Ăn kiểu Hội An; Vô chợ Đông Ba; Ẩm thực Quy Nhơn; Bánh đa cua đêm Noel; Ăn món miệt vườn; Mắm tép; Bánh mì; Con đường di sản ẩm thực; Hải sản Phú Quốc; Bách xèo rau rừng trên núi Cấm; Đến Châu Đốc ăn tung lò mò; Ăn ứng dụng thời 4.0; ... ẩm thực của các vùng miền trên nước ta hiện lên vừa quen vừa lạ, quen vì cũng món ăn ấy nhưng đã được cảm nhận một cách độc đáo riêng biệt hơn bằng tình cảm, sự liên tưởng và đôi khi là những hồi ức không thể quên của tác giả. Chẳng hạn, khi thưởng thức “Phở trên xứ người” ở Đức rất sạch sẽ, sang trọng mà tác giả vẫn thấy thiếu thiếu thứ gì đó không thể gọi tên, thì ra là thiếu cái không khí quen thuộc của những giọng nói dân dã hay tiếng kể lể oang oang của thực khách bình dân nơi quán phở quê nhà mà tác giả đã hít thở cả nửa đời người. Và đọc bài viết “Mùi xứ sở” chúng ta cũng sẽ thấy tác giả cũng dành một tình yêu rất lớn cho ẩm thực Hà Nội với những câu chuyện khác cũng về món phở. Ở bài “Tết này ai có rao đêm” làm người đọc phải mắc thèm những món ăn quen thuộc như bánh mì, bánh bao, bánh giò, bánh khúc, ... mà đối với Việt Kiều sống nơi xứ người thì còn thèm nghe cả tiếng rao, giọng rao của quê nhà.
Riêng bài “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” được tác giả lấy làm tựa sách sẽ đem đến bao cảm nhận thú vị về ẩm thực miền Tây Nam Bộ. Chị viết: “Người Bắc chỉ ăn có mỗi thiên lý, hoa chuối và bông bí, vô đây người ta chén sạch cả đồng hoa chắc. Hóa ra miền Tây cũng có một món lẩu gọi là “Lẩu hoa”. Thiệt là đúng là “ăn hương ăn hoa” mà hổng phải thế.... Thì đây, kim châm, bông bí, điên điển vàng rực, so đũa đỏ tươi, lục bình tím ngắt, thiên lý biếc xanh, hoa hẹ trắng ngần... Thả hết vô nồi lẩu, nom giống in một đồng nước nổi thu nhỏ, có cá bơi và hoa lá cành đẹp đẽ dập dềnh, trước khi rũ cánh trong nồi...”
Còn rất nhiều điều thú vị khác khi các bạn tìm đọc quyển sách “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” để cùng tác giả thưởng thức và cảm nhận về văn hóa ẩm thực, trong đó có kỳ hoa dị thảo khắp năm châu bốn biển và cả những hương đồng cỏ nội rất đỗi thân quen trên khắp vùng miền Việt Nam.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 394.109597 / T452Đ; mã số phòng Đọc: DL 18183; phòng Mượn vớ mã số: MA 22018.
NHỮNG TRÒ CHƠI VUI, BỔ ÍCH CHO THIẾU NHI
Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích hấp dẫn học sinh để tránh cho các em vướng vào các loại hình trò chơi, các loại game bạo lực, vô bổ là trách nhiệm của người lớn, trong đó có trách nhiệm của nhà trường và các đoàn thể. Quyển sách “Những trò chơi vui, bổ ích cho thiếu nhi” do Trương Hưởng biên soạn, Nxb. Trẻ ấn hành năm 2012 sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích về công tác chăm lo tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi. Sách dày 148 trang, gồm 3 phần: Phần 1 “Trò chơi thi đua trong các dịp hội thao” hướng dẫn các trò chơi gồm: Trò chơi vượt khó sa mạc, Kéo co kỵ sĩ, Mù bắt vịt, Bóng rỗ đôi, Bố giúp mẹ, Nấu cơm bay, vượt qua gian khổ, Ném bóng rổ, Vẽ tranh. Phần 2 “Trò chơi thi đua trong sinh hoạt nhẹ” gồm: Nhảy bao, Đi cầu bằng bao, Nhảy kẹp bong bóng tiếp sức, Câu cá bằng miệng, Đạp bong bóng, Đánh trống, Bong bóng nổ tiếp sức, Truyền tin, Xỏ vòng, Giật cờ, Kéo co tay ba, Xếp số nhanh nhất, Đổ nước tiếp sức, Đổ nước đầy chai, Đua xe đạp chậm, Gắp vòng thun, Kiến tha lâu đầy tổ, Tìm nhau, Truyền tin bí mật, Thi tìm bạn, Đoán nhanh đồ vật, Vẽ tiếp sức, Xuất khẩu thành thơ, Cướp cờ, Họa sĩ mù,... Phần 3 “Trò chơi sinh hoạt vòng tròn” hướng dẫn các trò chơi như: Đoán xem, Đoán nghề, Đèn giao thông, Viết thư, Trao tặng nhau, Nhà sáng tạo kiểu mẫu đẹp, Đối đáp con cò, Tập làm quen cho nhanh, Đố nhau, Tập tự chủ, ... Thông qua các trò chơi sinh hoạt, hội thao, thi đua với các loại hình trò chơi phù hợp lứa tuổi sẽ giúp các em thiếu nhi vừa chơi vui, vừa được rèn luyện các kỹ năng như: đoàn kết, can đảm, thông minh, lanh lợi và kỷ luật. Hơn thế, các trò chơi lành mạnh sẽ giúp các em sẽ trở thành người có sức khỏe dẻo dai, tinh thần vui vẻ, lạc quan và thành công trong xã hội. Với 108 trò chơi, quyển sách “Những trò chơi vui, bổ ích cho thiếu nhi” là tài liệu dành cho Đoàn thanh niên, gia đình và nhà trường có thể tham khảo, chọn lựa các loại hình trò chơi phù hợp để tổ chức sân chơi cho các em thiếu nhi đạt hiệu quả. Các bạn và các em thiếu nhi hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 796.5 / NH556TR; mã số phòng Thiếu nhi: ND.001639.III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Bài học từ loài ngỗng” Vào mùa thu, khi bạn thấy đàn ngỗng bay về phương Nam để tránh đông theo hình chữ V, bạn có tự hỏi những lý lẽ khoa học nào đó có thể rút ra từ đó? Mỗi khi một con ngỗng vỗ đôi cánh của mình, nó tạo ra một lực đẫy cho con ngỗng bay sau nó. Bằng cách bay theo hình chữ V, đàn ngỗng tiết kiệm được 71% sức lực so với khi chúng bay từng con một. Khi là thành viên của một nhóm, ta cùng chia sẻ những mục tiêu chung, ta sẽ đi đến nơi ta muốn nhanh hơn và dễ dàng hơn, vì ta đang đi dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Mỗi khi con ngỗng bay lạc khỏi hình chữ V của đàn, nó nhanh chóng cảm thấy sức trì kéo và những khó khăn của việc bay một mình. Nó nhanh chóng trở lại đàn để bay theo hình chữ V như cũ. Nếu chúng ta cũng cảm nhận sự tinh tế của loài ngỗng, chúng ta sẽ chia sẻ thông tin với những người cũng đang cùng một mục tiêu như chúng ta. Khi con ngỗng đầu đàn mệt mỏi, nó sẽ chuyển sang vị trí bên cạnh và một con ngỗng khác sẽ dẫn đầu. Chia sẻ vị trí lãnh đạo sẽ đem lại lợi ích cho tất cả và những công việc khó khăn nên được thay phiên nhau đảm nhận. Tiếng kêu của đàn ngỗng từ đằng sau sẽ động viên những con đi đầu giữ được tốc độ của chúng. Những lời động viên sẽ tạo nên sức mạnh cho những người đang ở đầu con sóng, giúp họ giữ vững tốc độ, thay vì để họ mỗi ngày phải chịu đựng áp lực công việc và sự mệt mỏi triền miên. Cuối cùng khi một con ngỗng bị bệnh hay bị thương rơi xuống, hai con ngỗng khác sẽ rời khỏi bầy để cùng xuống với con ngỗng bị thương và bảo vệ nó. Chúng sẽ ở lại cho đến khi nào con ngỗng bị thương có thể bay lại được hoặc là chết và khi đó chúng sẽ nhập vào một đàn khác và bay về Phương Nam. Nếu chúng ta có tinh thần của loài ngỗng, chúng ta sẽ sát cánh bên nhau khi có khó khăn. Lần sau có cơ hội thấy một đàn Ngỗng bay bạn hãy nhớ.... Bạn đang hưởng một đặc ân khi là thành viên của một nhóm. Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.