I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Một số thực phẩm kết hợp với nhau giúp kháng viêm vô cùng hiệu quả” trích từ tạp chí Sức khỏe.
Khi kết hợp một số thực phẩm với nhau, các chất dinh dưỡng sẽ hỗ trợ, tạo nên sự kháng viêm vô cùng hiệu quả.
Rau ăn lá + dầu ô-liu: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng kết hợp rau xanh với một nguồn chất béo lành mạnh sẽ giúp tăng khả năng hấp thu các chất chống oxy hóa như lutein và beta-carotin. Lutein có khả năng kháng viêm ở mắt, ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như thoái hóa điểm vàng. Beta-carotin có khả năng giảm viêm ở người lớn tuổi.
Rau chân vịt + việt quất: Hãy làm một cốc sinh tố với rau chân vịt và việt quất trước khi tập luyện thể chất. Ăn việt quất trước khi tập giúp giảm các chứng viêm sau vận động, đồng thời rau chân vịt giúp cải thiện hô hấp và lưu thông oxy trong quá trình tập. Nito có trong rau chân vịt giúp cơ hoạt động hiệu quả hơn, còn việt quất giúp giảm sưng đau sau tập.
Đậu lăng + chanh: Nếu bạn là phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, bạn có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt. Theo các chuyên gia, đây là do phản ứng viêm của cơ thể, và có thể hạn chế lượng sắt đến các bộ phận còn lại. Ăn các thực phẩm giàu sắt như các loại đậu, kết hợp với các trái cây họ cam giàu axit ascobic và carotenoid như chanh giúp tăng đáng kể lượng sắt hấp thu.
Khoai lang + ớt: Rắc bột ớt lên các thực phẩm giàu beta-carotin như khoai lang hay bí đao giúp cải thiện khả năng hấp thu vitamin A, giúp chống lại các loại viêm da cũng như viêm phế quản phổi.
Quả mâm xôi + nho: Quả mâm xôi và nho đều giàu các chất chống oxy hóa. Quả mâm xôi chứa axit ellagic, giúp tăng tác động của quercetin có trong nho. Khi kết hợp với nhau, chúng trở thành một cỗ máy kháng viêm. Tổ hợp này cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, loãng xương và ung thư phổi.
Hạnh nhân + kefir: Hãy thêm hạnh nhân xắt nhỏ vào một bát sữa chua kefir để có được đường tiêu hóa khỏe mạnh. Giống như sữa chua, kefir cung cấp hàng tỉ lợi khuẩn và men vi sinh cho đường ruột. Chất xơ trong hạnh nhân hỗ trợ các men vi sinh (probiotic) có trong kefir, tạo nên một loại vi khuẩn bảo vệ ruột khỏi các chứng viêm mãn tính.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Chuyện tình người lính Trường Sơn.
- Đọc văn sành như giáo sư văn: Bí kíp giúp bạn đọc sách ngang tầm chuyên gia, nhưng...vui hơn.
CHUYỆN TÌNH NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN
“Chuyện tình người lính Trường Sơn” là tựa đề quyển sách do Quốc Đại sưu tầm và tuyển chọn về đề tài tình yêu của người lính. Sách do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2020 với độ dày 294 trang.
Quyển sách với 22 truyện ngắn và ký là những câu chuyện cảm động tình yêu đôi lứa của những người lính trẻ tuổi gắn liền với tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
Truyện “Nơi em ngã xuống”, “Anh vẫn đi tìm em” viết về chuyện tình cảm động của những người lính Trường Sơn, có những người đã hy sinh khi lời yêu thương còn kịp trao và tình yêu ấy vẫn mãi ở trong tim người còn lại, để mỗi năm tháng 7 về niềm thương nỗi nhớ càng hiện rõ hơn theo khói hương hòa quyện với đất trời.
Ở ký “Chuyện tình một người lính Trường Sơn” là câu chuyên có thật kể về sự hy sinh tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ của nữ thanh niên xung phong Trường Sơn trong những năm chống Mĩ cứu nước. Giờ đây mái tóc hoa râm, người lính năm xưa sống trong tình yêu thương đùm bọc của đồng chí, đồng đội.
Đọc “Tình yêu người lính trong trái tim tôi” chúng ta sẽ bắt gặp tình cảm trong sáng của một cô bé từ nhỏ đã yêu màu xanh áo lính của cha mình. Rồi lớn lên qua từng bài học về quê hương, đất nước, qua hình ảnh người lính nơi biên cương, hải đảo xa xôi, màu xanh áo lính Cụ Hồ, màu xanh của hoài bão, màu xanh của sự yên bình, tin tưởng luôn ở trong tim cô gái. Tuy không có duyên làm người yêu của lính, nhưng cô gái dễ thương vẫn dành tình yêu cho tất cả những người lính, tình yêu ấy đã theo cô từ những bài học ê a đầu đời và sau này được cô thể hiện trong những tác phẩm của mình.
Những câu truyện như: Truyện tình trên biển Hoàng Sa, Gửi người lính biển của tôi, Tâm sự của người yêu chiến sĩ Hải quân Việt Nam thể hiện những cung bậc cảm xúc từ lo lắng, bồi hồi đến vui mừng, tin tưởng và hạnh phúc của những cô gái có người yêu là lính Hải quân. Cảm giác lo lắng luôn hiện hữu khi tình hình Biển Đông căng thẳng, hay khi thời tiết báo bão,…họ chỉ mong người yêu của mình và các chiến sĩ Hải quân đều khỏe để vững vàng nơi đầu sóng. Từ khi làm người yêu lính biển, những cô gái ấy đã chính chắn hơn trong suy nghĩ, biết tự nhủ lòng mình phải là hậu phương vững chắc cho các anh an tâm làm nhiệm vụ, biết chắc lọc và chia sẻ những thông tin chính thức để bạn bè, người thân hiểu đúng về tình hình biển đảo, về nhiệm vụ giữ gìn biển đảo thiêng liêng để mọi người cùng nâng cao ý thức. Dẫu còn những khó khăn, nhưng biển đảo đã mang đến cho họ một tình yêu tuyệt vời gắn liền tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
Đọc sách “Chuyện tình người lính Trường Sơn” chúng ta càng thêm cảm phục và thấu hiểu những hy sinh gian khổ của những người lính Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa và trong bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Ở thời nào cũng vậy, tình yêu của người lính luôn chân thực, thật trong sáng, thật đẹp và luôn song hành cùng tình yêu quê hương, đất nước.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 895.92234 / CH527T; mã số phòng Mượn: MV.021992; MV.021993
ĐỌC VĂN SÀNH NHƯ GIÁO SƯ VĂN:
BÍ KÍP GIÚP BẠN ĐỌC SÁCH NGANG TẦM CHUYÊN GIA,
NHƯNG...VUI HƠN
Nếu là một người thích đọc sách, yêu văn chương, bạn chắc đã từng thấy những người nhìn ra những điều hoàn toàn thú vị và khác hẳn những gì bạn thấy trong cùng một câu chuyện mà mình đã đọc. Bạn cũng đã từng thắc mắc làm sao họ làm được như vậy, và mong muốn mình cũng có khả năng như thế. Nhằm giúp các giáo viên, các độc giả trẻ đọc các tác phẩm văn chương không bị nhàm chán, tác giả Thomas C. Foster - người có thâm niên 27 năm dạy văn chương tại Đại học Michigan - Flint (Mỹ), đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách phê bình văn học đã viết nên quyển sách “Đọc văn sành như giáo sư văn: Bí kíp giúp bạn đọc sách ngang tầm chuyên gia, nhưng...vui hơn”. Sách do Hồng Hạnh dịch, Nxb. Văn học ấn hành năm 2020. Sách dày với 413 trang, lần lượt hướng dẫn các bạn nắm bắt những điểm cốt lõi của các tác phẩm văn chương nổi tiếng. Hơn thế, tác giả cũng trao cho bạn đọc những công cụ được xem như “bí kíp” để mổ xẻ, bóc tách bất kỳ tác phẩm văn học nào. Mọi chi tiết bình thường mà bạn có thể đã bỏ qua khi đọc, từ thời tiết đến yếu tố địa lý, từ bạo lực đến chính trị, từ bệnh tật đến tai nạn đuối nước, tất cả đều có thể được vận dụng để nhìn thấu qua các lớp nghĩa của một tác phẩm văn học. Trong đó, tác giả nêu một điểm mà mọi người đọc cần lưu ý đó là: Đừng chỉ đọc bằng mắt bạn, và đừng chỉ đọc ở điểm nhìn cố định của mình ngay thời gian đang đọc, mà hãy thử tìm kiếm một nhãn quan đọc cho phép bạn đồng cảm với những thời khắc mang tính lịch sử trong câu chuyện, hãy đọc và tìm hiểu văn bản như nó được viết ra trên nền tảng xã hội, lịch sử, văn hóa và cá nhân của chính nó. Thế mới thấy điểm nhìn của người đọc rất quan trọng và có thể khám phá ra rất nhiều điều thú vị trong mỗi tác phẩm văn chương. Cuối quyển sách còn có phần chỉ mục giúp bạn đọc có thể dễ dàng tra cứu những thông tin về các tác phẩm văn học kinh điển. Có thể nói, quyển sách “Đọc văn sành như giáo sư văn: Bí kíp giúp bạn đọc sách ngang tầm chuyên gia, nhưng...vui hơn” sẽ giúp cho việc thưởng thức văn học như một “giáo sư” trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, bạn đọc sẽ càng thấu hiểu và trân trọng các tác phẩm văn chương đã được tạo nên từ những sức lao động trí óc bền bỉ và sáng tạo của người viết ra chúng. Đây thực sực là một quyển sách hay giúp bạn thổi bay lớp áo nhàm chán của việc đọc văn chương và biết trân trọng hơn những gì mình đọc. Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 028 / Đ419V’; mã số phòng Đọc: DL.018386; Phòng Mượn: MH.011063; MH.011064III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN Các bạn thân mến! Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Con yêu mẹ” trích từ tạp chí Sống đẹp. Người mẹ mệt mỏi trở về từ cửa hàng sau một ngày làm việc dài đăng đẵng, kéo lê túi hàng trên sàn bếp. Đang chờ bà là đứa con trai tên David lên 8 tuổi, đang lo lắng kể lại những gì mà em nó đã làm ở nhà: “… lúc con đang chơi ngoài sân còn bố đang gọi điện thoại thì Tom lấy bút chì màu viết lên tường, lên chính tờ giấy dán tường mới mà mẹ dán trong phòng làm việc ấy! Con đã nói với nó là mẹ sẽ bực mình mà!”. Người mẹ than thở rồi nhướng lông mày: “Bây giờ nó đâu?”. Thế rồi bà bỏ hết hàng ở đó, sải bước vào phòng của đứa con trai nhỏ, nơi nó đang trốn. Bà gọi cả tên họ của đứa bé, mà ở các nước phương Tây, khi gọi cả tên lẫn họ như thế này là thường thể hiện sự tức giận. Khi bà bước vào phòng, đứa bé run lên vì sợ, nó biết sắp có chuyện gì ghê gớm lắm. Trong 10 phút, người mẹ nguyền rủa con, là bà đã phải tiết kiệm thế nào và tờ giấy dán tường đắt ra sao! Sau khi rên rỉ về những việc phải làm để sửa lại tờ giấy, người mẹ kết tội đứa con là thiếu quan tâm đến người khác. Càng mắng mỏ con, bà càng thấy bực mình, cuối cùng bà ra khỏi phòng con, cảm thấy cáu đến phát điên! Người mẹ chạy vào phòng làm việc để xác minh nỗi lo lắng của mình. Nhưng khi nhìn bức tường, đôi mắt bà tràn ngập nước mắt. Những gì bà đọc được như một mũi tên xuyên qua tâm hồn người mẹ. Dòng chữ viết: “Con yêu mẹ” được viền bằng một trái tim! Và giờ đây bao thời gian trôi qua, tờ giấy dán tường vẫn ở đó, y như lúc người mẹ nhìn thấy, với một cái khung ảnh rỗng treo để bao bọc lấy nó. Đó là một sự nhắc nhở đối với người mẹ, và với tất cả mọi người: Hãy bỏ một chút thời gian để đọc những dòng chữ viết trên tường! Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.