I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Sử dụng vật liệu màu nhạt để trang trí nội thất sẽ thân thiện môi trường hơn” trích từ sách “Hướng đến cuộc sống carbon thấp thân thiện với môi trường”.
Cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, thì các loại vật liệu xây dựng, trang trí nội thất ngày càng nhiều màu sắc. Ngôi nhà của chúng ta cũng trở nên sặc sỡ với đủ loại màu sắc khác nhau. Nhưng chúng ta cần biết rằng, nếu sử dụng quá nhiều vật liệu xây dựng màu đậm chẳng hạn như xanh đậm, đỏ thẫm v.v…, trong trang trí nội thất, thì vào mùa hè các vật liệu này sẽ hấp thu quá nhiều năng lượng ánh nắng mặt trời vào ban ngày, đến buổi tối lại giải phóng năng lượng này, từ đó làm tăng nhiệt độ trong nhà. Nếu sử dụng điều hòa, thì cần tiêu tốn nhiều điện năng hơn mới làm cho ngôi nhà của bạn trở nên mát mẻ. Vì thế khi trang trí nội thất, không nên sử dụng vật liệu trang trí màu tối cho mảng diện tích lớn. Sử dụng vật liệu màu nhạt sẽ tiết kiệm hơn, thân thiện với môi trường hơn.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Biết ơn thầy cô.
- Cẩm nang sơ cấp cứu thường thức.
BIẾT ƠN THẦY CÔ
Thầy cô - hai tiếng thân thương. Thầy cô chính là người truyền thụ kiến thức để chúng ta vững tin bước vào đời. Công ơn dạy bảo của thầy cô luôn được các thế hệ học trò ghi nhớ.
Quyển sách “Biết ơn thầy cô” với những câu chuyện sinh động về tình thầy trò sẽ là món quà ý nghĩa gởi đến bạn đọc, giúp các bạn có những phút giây quay về với tuổi học trò. Sách do Trung Kiên biên soạn, Nxb. Thanh niên ấn hành năm 2018. Sách gồm 59 câu chuyện mang đậm tính nhân văn và giáo dục sâu sắc được chuyển tải qua 223 trang.
Đọc quyển sách ta sẽ cảm thấy bồi hồi xúc động trước những câu chuyện thật ý nghĩa như: Cô giáo; Một lời khen; Dù thầy không phải là cha; Ba người thầy vĩ đại; Người thầy tuyệt nhất; Vết đen trên tờ giấy trắng; Người thầy năm xưa; Ơn thầy khắc ghi; Đôi tay cô; Lời thầy dạy; Bài học về sự tự tin; Bài học đầu tiên; Một bóng đò; Ơn người cõng chữ; Cô nâng bước em vào đời; Hãy giữ lại những ước mơ; Cuộc sống luôn có hai đáp án;… Mỗi câu chuyện với những tình tiết khác nhau, nhưng đều cho cho chúng ta thấy được lòng biết ơn thầy cô luôn cần có trong lòng mỗi người dù ở bất cứ thời đại nào. Sau mỗi câu chuyện sẽ để lại cho chúng ta một bài học, một lời khuyên để chúng ta học hỏi và áp dụng trong cuộc sống thực tế. Những người học trò trong các câu chuyện luôn ghi nhớ công ơn thầy cô, bởi vì trong tiềm thức họ những người thầy là những người khai tâm, khai trí, là những người đã chắp cánh cho những ước mơ của học trò bay cao, bay xa.
Như những khoảng lặng cần thiết trong tiết tấu của cuộc sống, những câu chuyện trong quyển sách “Biết ơn thầy cô” sẽ mang đến cho bạn cơ hội để suy ngẫm và rung động về những chuyện có thực về tình cảm thầy trò, về những điều có thể nhỏ nhặt nhưng ý nghĩa đối với mỗi chúng ta. Đó là tình cảm thầy trò thiêng liêng. Qua đó, chúng ta sẽ được sống lại quãng đời học sinh quý giá, đồng thời cũng biết phải hành động sao để xứng đáng với tấm lòng và sự kì vọng của các thầy cô giáo.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Biết ơn thầy cô” tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 895.92234 / B308Ơ; ▪ PHÒNG MƯỢN: MV.020810; MV.020809
CẨM NANG SƠ CẤP CỨU THƯỜNG THỨC
Bạn xử trí ra sao khi: Phát hiện khói tại khu nhà mình ở? Con bị ngã chảy máu ở công viên? Người thân có dấu hiệu khó thở?. Và vô vàn tình huống cấp bách khác về sức khỏe trong cuộc sống thường nhật?
Quả thật, “nước xa không cứu được lửa gần” và trong chúng ta không phải ai cũng biết cách xử trí đúng đắn các tình huống khẩn cấp này. Chính vì vậy, việc trang bị các kỹ năng sơ cứu cơ bản, chính xác và vận dụng kịp thời có ý nghĩa sống còn đối với các tình huống tai nạn.
Các bạn hãy tìm đọc quyển “Cẩm nang sơ cấp cứu thường thức” do Tổ chức Giáo dục Y khoa Wellbeing dịch (Vũ Việt Hà, Lê Ngọc Hà, Nguyễn Văn Công Hiệu đính), Nxb. Dân trí ấn hành năm 2019. Đây là tài liệu được các nhà cung cấp dịch vụ sơ cứu hàng đầu của nước Anh giới thiệu, hướng dẫn giúp các bạn trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để xử trí nhanh những tình huống tai nạn thường gặp.
Sách dày 288 trang, trình bày 12 nhóm nội dung chính gồm: Trở thành người sơ cứu; Kiểm soát sự cố; Đánh giá tình trạng nạn nhân; Xử trí khi nạn nhân bất tỉnh; Xử lý các vấn đề hô hấp; Xử lý các vết thương và chảy máu; Xử lý chấn thương xương, cơ, khớp; Kiểm soát các ảnh hưởng của nhiệt độ; Xử trí dị vật, ngộ độc, vết cắn và vết đốt; Xử trí các tình trạng bệnh; Hiểu và sử dụng đúng các kỹ thuật và dụng cụ; Nắm vững sơ cứu trong các trường hợp khẩn cấp.
Trong đó, nêu các ưu tiên khi sơ cứu đó là: Bình tĩnh nhanh chóng đánh giá tình hình; Bảo vệ bạn và nạn nhân khỏi nguy hiểm - tránh đặt mình vào rủi ro (đừng cố gắng làm anh hùng trong tình huống nguy hiểm); Ngăn ngừa tối đa việc lây nhiễm chéo giữa bạn và nạn nhân; An ủi và trấn an nạn nhân mọi lúc; Vận dụng khả năng đánh giá tình trạng nạn nhân; Đưa ra hành động xử lý sớm và giải quyết trước hết với những nạn nhân trong tình trạng sức khỏe nguy hiểm nhất (đe dọa tính mạng); gọi sự trợ giúp phù hợp (cấp cứu 115 hoặc phòng cháy chữa cháy và cứu nạn 114).
Được in trên giấy tốt, nhiều hình minh họa chi tiết các phương pháp, tư thế xử trí cấp cứu, đồng thời trình bày cụ thể các thông tin về điều trị thương tích và tình trạng bệnh lý thường gặp, quyển “Cẩm nang sơ cấp cứu thường thức” sẽ giúp các bạn thực hiện vai trò người sơ cứu, xử lý tình huống an toàn và học cách đánh giá người bệnh hoặc người bị thương một cách hiệu quả. Đây là những kiến thức, kỹ năng vô cùng thiết thực trong cuộc sống.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 616.02 / C120N;
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.058115 ; ▪ PHÒNG MƯỢN : ME.007697; ME.007698
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Đứa học sinh cá biệt” trích từ báo điện tử Vietnamnet.
Tôi là một học sinh… không dạy nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét như vậy với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng. Mẹ tôi khóc. Ba thở dài: thằng này vậy là coi như xong...
Chuyển qua trường mới. Tôi được xếp vào lớp thầy Tiến. Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố đích thân dẫn tôi đến “trao tận tay thầy”.
Tôi lén quan sát “đối thủ” của mình. Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi: “A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”. Thầy xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi 1-0 rồi.
Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi, tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh nhìn của thầy.
Ôm hộp phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười bảo: “Em ngoan lắm!”. Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.
Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì dính đến văn chương là tôi mù tịt.
Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà tôi. Thầy đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba tôi. Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài liệu giúp thầy. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường.
Tôi vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được. Thầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch lạc, thêm vào một số ý.
Thỉnh thoảng, thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc. Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.
Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học.
Ngày khai trường, tôi tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Sau đó, tôi biết được thầy đã chuyển vào Nam ở với con trai. Thầy nhờ người gửi cho tôi bức thư ngắn: “Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em luôn là học trò ngoan của thầy”. Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người. Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của em!
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.