CHUYÊN MỤC TRUYỀN THANH TUẦN 53 (28/12/2020– 03/01/2021)

Thứ năm - 07/01/2021 22:37 1.014 0
     I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết Bài viết “7 công dụng hữu ích cho sức khoẻ khi ăn mãng cầu xiêm” được trích từ báo Sức khỏe và đời sống.
    Mãng cầu xiêm không chỉ nổi tiếng với món sinh tố mãng cầu thơm ngon, mà còn là vị thuốc nam quý, được sử dụng rộng rãi trong dân gian nhiều nước để phòng và trị bệnh.  Dưới đây là một số lợi ích của mãng cầu xiêm để bạn tham khảo:
     1. Tăng cường hệ thống miễn dịch
 100 g mãng cầu đã có đến 20mg vitamin C, gấp đôi so với chuối, lê, táo, nho và dứa. Do đó, đây là loại trái cây rất hữu ích trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
     2. Cung cấp năng lượng dồi dào
     Nếu bạn là người thường xuyên mệt mỏi, khó tập trung thì chỉ cần ăn mãng cầu thường xuyên sẽ thấy ngay hiệu quả. Hàm lượng carbohydrate cao trong mãng cầu rất cần thiết cho việc duy trì sức mạnh tinh thần lẫn thể xác.  Ngoài ra, mãng cầu còn có một lượng lớn fructose. Đây là một loại đường tự nhiên giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể hoạt động tốt hơn.
     3. Cải thiện hệ tiêu hóa
    Với hàm lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng cao, mãng cầu cón giúp cơ thể bổ sung các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Đồng thời, nó giúp đẩy nhanh sự chuyển động ruột, thúc đẩy việc bỏ chất thải và tăng cường sự tiêu hóa chất béo và đạm nhanh chóng.
     4. Bảo vệ hệ thống xương và răng
     Mãng cầu có chứa phốt pho và canxi. Do đó, ăn mãng cầu sẽ giúp cơ thể bạn củng cố xương và răng chắc khỏe hơn. Đây là một trong những lý do mà mãng cầu được khuyên dùng nhiều cho phụ nữ, trẻ em, và người cao tuổi.
     5. Hỗ trợ giảm cân
     Mãng cầu xiêm chứa nhiều chất xơ, vitamin C tự nhiên và chứa nhiều nước, là những thành phần cần thiết giúp quá trình đốt cháy chất béo diễn ra nhanh. Ngoài ra, chất xơ còn là thành phần giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Để giảm cân, khi chế biến tốt nhất bạn không nên cho thêm đường hay sữa.
     6. Ngăn ngừa thiếu máu
    Điều này tưởng chừng vô lý nhưng trong mãng cầu xiêm rất giàu sắt, với sự hỗ trợ của các khoáng chất này, sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. Thay vì dùng thuốc, các tế bào hồng cầu trong cơ thể sẽ liên tục được bổ sung và thay mới thông qua chế độ dinh dưỡng giàu rau tươi và trái cây, trong đó có mãng cầu xiêm.
     7. Hạ huyết áp
     Mãng cầu gai thường được sử dụng như một phương thuốc dân gian để giảm huyết áp. Huyết áp cao không kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và đột quỵ… 
     Lưu ý: Không nên sử dụng mãng cầu xiêm trong những trường hợp sau đây
    – Người đang dùng thuốc hạ huyết áp: Mãng cầu xiêm có tác dụng hạ huyết áp vì vậy người đang dùng thuốc này không nên uống trà lá mãng cầu.
    – Người đang dùng thuốc tiểu đường: Mãng cầu xiêm có thể làm tăng tác dụng của thuốc.
    – Người mắc bệnh gan hoặc thận: Mãng cầu xiêm có thể gây nhiễm độc gan hoặc thận nếu dùng quá nhiều.
    – Người có lượng tiểu cầu thấp: Mãng cầu xiêm làm giảm số lượng tiểu cầu vì vậy nhóm đối tượng này cũng không nên sử dụng mãng cầu xiêm.
    – Đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú được khuyến cáo không sử dụng. Đặc biệt, không nên dùng các chế phẩm làm từ lá, rễ và hạt mãng cầu xiêm trong các trường hợp phụ nữ có thai.

      II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
     Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
     - Học tấm gương làm việc và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
     - Sách và cuộc sống.

 
HỌC TẤM GƯƠNG LÀM VIỆC
VÀ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã nêu tấm gương sáng về phương pháp làm việc khoa học và học tập suốt đời cho toàn Đảng, toàn dân ta cùng lớp lớp các thế hệ trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam nguyện phấn đấu học tập và noi theo.
    “Học tấm gương làm việc và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh” là quyển sách do PGS.TS Lê Văn Yên biên soạn, Nxb. Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2019 với 198 trang, gồm 02 phần:
    Phần thứ nhất với tiêu đề “Học tấm gương làm việc suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh” phân tích rõ các nội dung như: Làm việc phải có phương hướng, mục đích, chương trình, kế hoạch; Làm việc một cách khoa học, phải siêng năng, cần cù; Làm việc phải có quyết tâm cao, nói đi đôi với làm; Làm việc phải ngăn nắp, sạch sẽ, biết quý trọng thì giờ và sức lao động; Làm việc phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu... Cho chúng ta thấy rõ, học tập tấm gương làm việc của Người để chúng ta có phương pháp làm việc khoa học, giải quyết đúng đắn và thỏa đáng các mối quan hệ trong công việc. Trong đó đối với cán bộ có chức vụ, học theo gương của Người không dựa vào quyền lực để sai khiến, buộc mọi người và cấp dưới phục tùng, mà bằng sự gương mẫu, bằng sự thuyết phục và tấm lòng nhân ái để cảm hóa. 
    Phần thứ hai với tiêu đề “Học tấm gương học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh” giúp chúng ta thấy rõ mục đích học là để mở mang tri thức, để hiểu biết và để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc học nên lưu tâm thực hiện trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là học từ gia đình, học ở trường lớp, học từ bạn bè, nhân dân là điều Bác Hồ đã căn dặn. Sách còn nêu rõ các nội dung phải học gồm: Học lý luận chính trị, học trong thực tiễn, học đi đôi với hành; Học cách đọc, cách nói, cách viết; Học khoa học – kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, rèn luyện sức khỏe, quân sự. Đặc biệt chú trọng việc tự học là chính và phải học với quyết tâm cao.
    Bên cạnh các nội dung lý thuyết, sách còn giới thiệu những mẩu chuyện của những người đã sống, làm việc và được gặp Bác Hồ. Đây là những minh chứng sinh động về tấm gương đạo đức và tình cảm cao đẹp của Bác dành cho đất nước và nhân dân, cũng như tình cảm của các tầng lớp nhân dân dành cho vị lãnh tụ kính yêu.   
    Quyển sách “Học tấm gương làm việc và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh” sẽ giúp bạn đọc hiểu biết thêm để suy ngẫm, quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
    Bạn đọc có thể tra tìm tài liệu tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại:335.4346/H419T;          Phòng Đọc: DV.058571; Phòng mượn: MH.011449; MH.011450

 
SÁCH VÀ CUỘC SỐNG

    Hình thành thói quen, kĩ năng và hứng thú đọc sách đối với cá nhân, cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển văn hóa đọc một cách bền vững. Đặc biệt, đối với học sinh và sinh viên, việc đọc không chỉ đơn thuần giúp các em mở rộng kiến thức, hình thành các kỹ năng mà còn giúp các em hình thành thói quen tự học và học tập suốt đời. 
    Năm 2019, trong các hoạt động triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Cuộc thi được tổ chức dành cho học sinh và sinh viên trên toàn quốc nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh, thiếu niên, nhi đồng. Năm 2019 là năm đầu tiên tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc và đã thu hút hơn 536.557 học sinh, sinh viên với gần 4.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia. 
    “Sách và cuộc sống” là quyển sách tập hợp những bài thi tiêu biểu đạt giải cao của học sinh trung học phổ thông và đại học, cao đẳng trong cuộc thi này. Sách do Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà chủ biên, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2020.
     Với 199 trang, quyển sách gồm 4 phần: “Chia sẻ về cuốn sách em yêu thích hoặc cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức của em về cuộc sống”; “Sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách”; “Viết tiếp lời cho câu chuyện đã đọc”; Kế hoạch và biện pháp khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách nhiều hơn”. Qua đây, các bạn đã chia sẻ những cảm nhận sâu sắc của mình về những quyển sách như: Lược sử loài người, Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Sống như ngày mai sẽ chết, Dám bị ghét, Một ngày của bố, Hãy chăm sóc mẹ, Quê nội, Tuổi trẻ băn khoăn, Tối đa hóa năng lực bản thân, … Những tác phẩm được các thí sinh sáng tác nhằm khích lệ mọi người đọc sách cũng được đánh giá cao như: Phép màu của sách, Truyện, Người đàn ông làng chài và cuốn sách, Sách và cuộc sống, Bạn ơi! Hãy cùng nhau đọc sách,…
    Phần viết tiếp lời cho 2 câu chuyện “Chí Phèo”“Bí mật giao ước bóng tối” cũng được các bạn viết rất thú vị và cảm động. Phần đề xuất biện pháp khuyến khích đọc sách đã được các thí sinh tham gia đề xuất các giải pháp để phát triển văn hóa đọc rất tâm huyết và sáng tạo.
   Có thể thấy thông qua các bài dự thi được tuyển chọn đăng trong quyển sách này, người đọc sẽ thấy vẫn có rất nhiều bạn trẻ yêu thích đọc sách. Chính đọc sách đã giúp các bạn ấy đạt được những thành công bước đầu trên con đường học tập và rèn luyện bản thân. Chính đọc sách đã giúp các bạn biết sống yêu thương, biết nâng niu những quyển sách hay và lan tỏa tình yêu đọc sách rất đáng quý đến mọi người. 
    Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Sách và cuộc sống” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số môn loại: 028.5 / S102V;  Phòng Mượn: MH 11839-11840
 
     III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
      Các bạn thân mến!
     Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết Bài viết “Khai bút đầu xuân - giữ gìn thế nào nét đẹp của người hiếu học?” của Bình An trích từ báo Lao động.
    Khai bút đầu xuân là nét đẹp văn hóa được lưu giữ bao đời. Khai bút đầu xuân cũng là một cách lưu giữ truyền thống, răn dạy cho con cháu đời sau tiếp tục giữ vững tinh thần hiếu học, cố gắng, không ngừng vươn lên của cha ông ta ngày trước. 
    Cũng như nhiều nghi lễ trong dịp Tết, nhiều người chọn ngày đẹp khai bút đầu xuân với hi vọng 1 năm học hành tấn tới, sự nghiệp thuận lợi, vạn sự đều đạt được thành công như ý. 
    Những nét chữ đầu tiên của năm thường gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc trong năm mới; đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng chữ nghĩa và đề cao sự học.
Trước đây, nhiều ông đồ thường chọn những câu tục ngữ, danh ngôn, câu đối mang dư vị Tết sẽ mang đầy ý nghĩa trong ngày đầu xuân, cũng như đem lại sự lạc quan, tinh thần phấn khởi, vui vẻ trong dịp năm mới. Tuy nhiên, hiện nay, viết khai bút đầu xuân đều được mở rộng hơn rất nhiều.
    Theo sử sách, tục khai bút và đi xin chữ đầu xuân bắt đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ XIII, được gắn liền với hình ảnh thầy giáo Chu Văn An – một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học.
Tương truyền, khi học trò đến thăm thầy Chu Văn An, lúc ra về thường được thầy tự tay viết tặng một chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho người đó. Ai nhận được chữ cũng đều cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng.
    Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, không những biểu trưng cho sự hiếu học mà còn thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy.
Lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều.
    Không gian khi khai bút phải yên tĩnh, người viết phải trang nghiêm, tĩnh tại…
   Mỗi người đều thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới. Các cụ đồ nho, các nhà giáo, học sinh tiêu biểu của địa phương sẽ được lựa chọn tham gia vào nghi thức khai bút.
   Những lễ hội này thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và khách thập phương. Bởi khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề…và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện nghi thức này để thể hiện tâm tư, bày tỏ ước muốn, nguyện vọng trong năm mới, tự nhắc nhở bản thân hướng đến những điều tốt đẹp để phấn đấu.
    Một số gợi ý cho việc khai bút đầu xuân:
   - Viết câu đối, tục ngữ, danh ngôn về Tết, năm mới:
   ‘Xuân an khang đức tài như ý/ Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên’
   ‘Tân niên, tân phúc, tân phú quý/ Tấn tài, tấn lộc, tấn bình an’
  ‘Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc/ Tết về cây đức trổ thêm hoa’
   - Chép lại 1 bài thơ hoặc 1 đoạn văn trong sách giáo khoa:
   Các em học sinh có thể lựa chọn một trong những tác phẩm văn học mình thích nhất để khai bút. Sự lựa chọn này còn có thể giúp chúng ta ôn lại những gì đã học hoặc đọc trước một tác phẩm văn học mới. Lưu ý là đoạn văn không cần dài, nhưng phải viết cẩn thận, nắn nót.
   - Viết lời chúc gửi đến cho mọi người:
   Hãy viết những lời chúc chân thành của mình trên những tấm thiệp đầu xuân để gửi đến người thân, anh em, bạn bè.
   - Viết lời tâm nguyện của mình:
   Ngoài câu đối, ca dao, tục ngữ Tết, lời chúc đầu năm thì mọi người cũng có thể tự viết ra những tâm nguyện của chính bản thân mình trong năm mới, những ước muốn hay mục tiêu, kế hoạch để phấn đấu đạt được trong năm này.

    Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
     Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại. 








    




    

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây