I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “6 lợi ích của ánh sáng mặt trời đối với sức khỏe” trích từ Báo Sức khỏe gia đình.
Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng ánh sáng mặt trời rất có hại cho sức khỏe của con người. Nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại nếu bạn ra ngoài trời với nhiệt độ và thời gian hợp lý thì nó hoàn toàn tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích của ánh nắng mặt trời:
Ánh sáng mặc trời giúp xương chắc khỏe. Trong ánh sáng mặt trời có rất nhiều vitamin D hỗ trợ cho xương của chúng ta hấp thụ nhiều hơn canxi để xương được chắc khỏe hơn.
Ánh nắng mặt trợi giúp làn da khỏe hơn. Phần lớn mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ hay nghĩ rằng ánh sáng mặt trời rất hại cho da, làm tăng hắc tố da, gây ung thư da... Nhưng bên cạnh đó, ánh sáng mặt trời có tác dụng to lớn hơn là giúp da khỏe mạnh chống lại những nguyên nhân gây bệnh chàm, vảy nến… Bởi vì ánh sáng mặt trời có độ sát khuẩn rất cao, có thể tiêu diệt và ngăn chặn một số loại vi khuẩn ở nhiệt độ cao.
Ánh nắng mặt trời giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng lượng bạch cầu và các kháng thể miễn dịch. Đồng thời tăng vận chuyển lượng hồng cầu và ôxy trong máu, diệt vi khuẩn.
Vào mùa mưa, hay mùa ẩm ướt, ít nắng, tình trạng bệnh cúm, phổi, viêm họng gia tăng vì mùa này ánh sáng mặt trời rất yếu, lượng vi khuẩn trong không khí tăng cao, đặc biệt là những loại vi khuẩn gây bệnh kể trên, nên chúng ta rất dễ mắc bệnh. Vì vậy, ánh sáng mặt trời là cần thiết đối với chúng ta.
Ánh nắng mặt trời giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Bời vì ánh sáng mặt trời làm tăng khả năng vận chuyển hồng cầu và ôxy, máu lưu thông tốt hơn, nên hệ tim mạch sẽ khỏe khoắn hơn. Tuần hoàn máu tốt thì sức khỏe của bạn cũng tốt hơn.
Làm tâm trạng tốt hơn, vui vẻ hơn. Như những công dụng đã đưa ra ở trên, ánh sáng mặt trời làm tăng lưu thông máu cũng như tăng khả năng miễn dịch, góp phần hỗ trợ sức khỏe tốt hơn. Sức khỏe tốt thì tinh thần sẽ minh mẫn, tâm trạng thoải mái vui vẻ hơn.
Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên và trong một thời gian cố định mỗi ngày sẽ khiến cơ thể bạn tốt hơn. Thời điểm để “tận hưởng” được ánh sáng mặt trời tốt và an toàn cho da nhất là khung giờ sáng từ 6-9h, buổi chiều 16-17h, mỗi lần phơi không quá 10-20 phút.
Lưu ý: Nếu tiếp xúc nắng quá lâu, chọn thời điểm nắng quá gay gắt thì sẽ làm mọi thứ phản tác dụng, gây hại cho cơ thể chúng ta.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Tìm hiểu Luật thanh niên - Giải đáp Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuyển chọn, tham khảo các bài diễn văn khai mạc dành cho Bí thư Đoàn.
- Biên cương huyền thoại và yêu thương.
TÌM HIỂU LUẬT THANH NIÊN - GIẢI ĐÁP ĐIỀU LỆ ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH VÀ TUYỂN CHỌN, THAM KHẢO CÁC BÀI DIỄN VĂN KHAI MẠC
DÀNH CHO BÍ THƯ ĐOÀN
Ngày 16/6/2020 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thanh niên thay thế Luật Thanh niên năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Việc ban hành Luật Thanh niên có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc trong điều kiện mới; bảo đảm tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; quy định trách nhiệm của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Nhằm giúp các cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước, của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên trong giai đoạn mới; năm 2020 Nxb. Lao động đã xuất bản quyển sách “Tìm hiểu Luật thanh niên - Giải đáp Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuyển chọn, tham khảo các bài diễn văn khai mạc dành cho Bí thư Đoàn”. Sách do Hữu Đại hệ thống với độ dày 398 trang, nội dung gồm 05 phần:
Phần I. Luật thanh niên (sửa đổi) năm 2020.
Phần II. Giải đáp các vấn đề về Điều lệ Đoàn Thanh niên Công sản Hồ Chí Minh.
Phần III. Hướng dẫn hoạt động cho cán bộ Đoàn, Đoàn viên Thanh niên giai đoạn 2018 - 2022.
Phần IV. Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2023.
Phần V. Bài phát biểu, bài diễn văn dành cho Bí thư Đoàn.
Tập hợp nhiều nội dung cần thiết dành cho công tác Đoàn - Đội, quyển sách “Tìm hiểu Luật thanh niên - Giải đáp Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuyển chọn, tham khảo các bài diễn văn khai mạc dành cho Bí thư Đoàn” là cẩm nang hữu ích góp phần thực hiện tốt công tác chăm lo cho thế hệ trẻ. Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 324.2597 / T310H ▪ PHÒNG MƯỢN: MH.011821
BIÊN CƯƠNG HUYỀN THOẠI VÀ YÊU THƯƠNG
Biên cương là vùng lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Tấm bản đồ với đường biên màu đỏ đã được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc được vẹn toàn, bởi ở đó có những cột mốc chủ quyền được dựng nên bằng máu xương và tuổi trẻ của những người lính. Hình ảnh những người lính biên cương với những tên goi thân thương: Thầy giáo quân hàm xanh, thầy thuốc quân hàm xanh,… đã nói lên phần nào sự tin yêu, quý mến của dân bản dành cho những người lính, nhằm góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.
Quyển sách “Biên cương huyền thoại và yêu thương” do Cao Văn Tư biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn ấn hành năm 2019 là tập bút ký viết về cuộc sống của những con người ở vùng đất biên cương huyền thoại, nơi gắn với bao lịch sử và truyền thuyết ly kỳ.
Với 287 trang, sách tập hợp những bút ký khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa, nhịp sống hàng ngày của các đồng bào dân tộc thiểu số ở biên cương, là tài liệu quý giá mang đậm chất sử thi. Tiêu biểu như các bút ký: Tiếng chim miền ký ức tuổi thơ; Chuyện ở thôn Cửa Cải; Tết ở Mường San; Thuyền độc mộc; Bát canh tập tàng; Dọc theo nẻo đường con chữ;… Ở bài “Biên cương huyền thoại và yêu thương” là những câu chuyện kể về cuộc sống và tình cảm của những con người vùng biên. Ở đó có mối tình bền chặt cao đẹp của các chiến sĩ biên phòng, có sự hy sinh chịu đựng vất vả của những người vợ bộ đội biên phòng.
Đến với bút ký “Ký ức thiêng liêng” là niềm phấn khởi và tự hào của một người phụ nữ khi kể lại câu chuyện năm xưa được vinh dự tặng hoa Bác Hồ ở mỏ đá, niềm vinh dự đó là ký ức thiêng liêng được bà kể lại và nhắn nhủ con cháu tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.
Ở bài “Lỡ phiên chợ Khau Vai”, người đọc sẽ thêm hiểu biết về tập tục tìm gặp lại người bạn của cuộc tình lỡ dở năm xưa trong phiên chợ tình được tổ chức vào cuối tháng ba hàng năm. Nơi đây có sự tiếc nuối của những mối tình trắc trở không đến được với nhau, có những ký ức, những kỷ niệm đẹp được nhắc nhớ làm cho lòng người dịu lại để tiếp tục cuộc sống mới.
Mỗi một bút ký có những câu chuyện khác nhau, nhưng đều có điểm chung giúp người đọc hiểu hơn về các tập tục của người dân vùng biên giới nước ta. Đặc biệt, những chi tiết về sự gắn bó, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau giữa bộ đội biên cương và đồng bào dân tộc cho thấy được mối quan hệ keo sơn giữa quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng của Tổ quốc.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Biên cương huyền thoại và yêu thương” để cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những người lính, cũng như tình cảm quý báu của nhân dân vùng biên giới hòa chung tình yêu đất nước sâu đậm. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 895.9228403 / B305C; Phòng Đọc: DV.058414; Phòng Đọc: MV.022222
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Giáng sinh và sự hoà hợp” của tác giả Cẩm Thúy, trích từ báo Đại Đoàn Kết.
Chúc nhau một Giáng sinh vui vẻ an lành bây giờ đã là một cử chỉ văn hoá không còn xa lạ đối với người Việt Nam, bất kể có phải là người theo đạo Ki tô giáo hay không. Truyền thống của một đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, với đặc điểm của một nền văn hoá bao dung và hoà hợp đã tạo ra những sinh hoạt văn hoá ngày càng phong phú trong đời sống tinh thần người Việt.
Lễ Giáng sinh không có nguồn gốc ở Việt Nam, nó nguyên là ngày lễ của những người theo Ki tô giáo như đạo Thiên chúa, đạo Tin lành… Thế nhưng, càng ngày, cứ đến đầu tháng 12 thì ở khắp nơi, nhất là các thành phố lớn, không ai không nhận thấy không khí của ngày lễ Giáng sinh đang đến gần với khung cảnh trang trí rực rỡ, các mặt hàng phục vụ cho lễ Noel phong phú và người ta bắt đầu lên kế hoạch vui chơi cho đêm Giáng sinh. Với đa số người Việt Nam, chào đón đêm Giáng sinh không nhất thiết là để phục vụ một nhu cầu tâm linh, đón Giáng sinh đã trở thành một nét văn hoá lễ hội, một sự hoà nhập và tận hưởng một tập tục đẹp. Trẻ em háo hức chờ quà của ông già Noel, người lớn tặng quà cho nhau và chúc nhau những lời tốt đẹp, những gia đình và bạn bè quây quần bên nhau ở nhà, ở quán ăn hoặc quán café… Không khí yêu thương, ấm cúng và bình an…
Cách đón Giáng sinh của người có đạo và người không theo đạo Thiên chúa, đạo Tin lành có thể khác nhau, nhưng cùng chung một điểm: Trao gửi cho nhau những yêu thương và cùng nhau hướng tới sự an lành, hạnh phúc…
Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, trong suốt nhiều ngàn năm lịch sử, nền văn hoá Việt Nam luôn luôn thích ứng với hoàn cảnh, tiếp nhận các sinh hoạt tôn giáo mới một cách nhanh chóng, nhưng lại làm cho nó hoà hợp với văn hoá bản địa, hoà hợp với các tôn giáo khác. Người Việt Nam đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau, mà các nhà nghiên cứu gọi đó là tính hỗn dung tôn giáo có lẽ bắt nguồn từ tinh thần nhân ái, nhân bản. Bởi vì suy cho cùng tôn giáo nào cũng hướng thiện, tôn giáo nào cũng hướng con người tới đời sống hạnh phúc hơn.
Đêm qua, mọi người ở khắp nơi chào đón lễ Giáng sinh, dù ở nơi se se lạnh hay nơi khí hậu ấm áp, thông điệp yêu thương mà con người trao gửi cho nhau thì không nơi nào là khác. Điều đó lý giải tại sao ngày lễ Giáng sinh được chào đón, góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hoá của người Việt, trên bước đường hội nhập cùng thế giới. Không có khoảng cách nào giữa con người với con người khi người ở bên nhau, cùng cầu nguyện cho sự an lành, sự yêu thương và đoàn kết.
Không có gì mạnh mẽ hơn việc thông qua sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng, người dân là những người theo đạo hay không theo đạo đều có dịp hiểu và đoàn kết nhau hơn, tăng cường đoàn kết giữa các tôn giáo, các dân tộc. Nhận thức rõ được điều này thì trong bối cảnh toàn cầu hoá, chúng ta vẫn không lo sợ việc đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, bởi vì truyền thống dung hoà văn hoá - tôn giáo, đang làm cho nền văn hoá dân tộc phong phú hơn lên.Tiếp nhận văn hóa của những tôn giáo vào Việt Nam, văn hóa Việt Nam đang được làm giàu thêm bởi những yếu tố văn hóa, đạo Thiên chúa hay đạo Tin lành trải qua thời gian đều đang có những đóng góp đáng kể cho nền văn hóa Việt Nam. Hội nhập Công giáo vào Việt Nam đã làm cho nền văn hóa ấy trở nên phong phú, đa dạng, cũng giống như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo đã làm trước kia. Trong sự hội nhập này không có gì mất đi, trái lại cả văn hóa Việt Nam cũng như các tôn giáo, đều có thêm những nét độc đáo của riêng mình. Các tôn giáo vào Việt Nam đã được bản địa hóa, tiếp nhận những dấu ấn của văn hóa Việt Nam.
Đêm Giáng sinh với những bản nhạc đã vang lên, người ta nắm tay nhau cùng cầu mong hạnh phúc. Lễ Noel đã thực sự trở thành một phần của sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng của mọi người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo. Một mùa Lễ Giáng sinh ấm áp và an lành đã được đón mừng, chờ một năm mới đến, trong yêu thương.
Các bạn thân mến! Chương trình phát thanh hôm nay đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình phát thanh tuần này trên địa chỉ website thư viện TP. Cần Thơ www.cantholib.org.vn
Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.