Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường / Hoàng Thị Tuyết. - Đà Nẵng : Nxb. Đà Nẵng, 2020. - 115tr.; 30cm

Thứ năm - 31/03/2022 05:36 692 0
Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường / Hoàng Thị Tuyết. - Đà Nẵng : Nxb. Đà Nẵng, 2020. - 115tr.; 30cm
Sứ mệnh lan tỏa thói quen đọc sách cho mọi người, đặc biệt là học sinh thời nay không chỉ của riêng ai mà là của chung tất cả mọi người. Trong đó, vai trò của thầy cô giáo ở nhà trường rất quan trọng trong việc tạo lập thói quen đọc sách cho học sinh. Điều này giúp các em học tập, rèn luyện nhân cách tốt hơn, trở thành những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. 

Là quyển sách góp phần hình thành thói quen đọc sách của các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để từ đó hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, quyển sách “Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường” của PGS. TS Hoàng Thị Tuyết, Nxb. Đà Nẵng ấn hành năm 2020. Sách với 115 trang, bao gồm 3 phần chính:

Phần 1 trình bày những ý tưởng cơ bản giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh trong nhà trường như: Các biểu hiện đặc trưng của thói quen đọc; Lợi ích của việc có thói quen đọc; Đọc để thưởng thức, vui – con đường tốt nhất để hình thành thói quen đọc; Giáo viên là một người đọc gương mẫu;… Trong đó, để trở thành người đọc tốt cần rèn luyện, trau dồi kỹ năng đọc hiểu, thái độ khi đọc, thường xuyên đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho bản thân trong suốt lúc đọc, thói quen tốt trong lúc đọc và hành động cần thiết để việc đọc đạt hiểu quả tốt nhất. 

Và khi đề cập đến những lợi ích của thói quen đọc sách, tác giả nói về lợi ích hấp thụ các giá trị sống tích cực, đó là: Đọc những sách hay kiểu như: Hạt giống tâm hồn, Vui sống,… giúp học sinh mỗi ngày nhận ra, học và hình thành giá trị sống trong nội tâm mình. Giá trị sống là bộ rễ của cây “Thái độ - suy nghĩ - cảm xúc - hành động của mỗi chúng ta”. Nếu như những gì chúng ta thấy bên ngoài mỗi người: các mối quan hệ, sức khỏe, tâm trí, sử dụng thời gian, kỹ năng là “thân cây”, thì thân cây được quyết định bởi chất lượng bộ rễ - các giá trị sống. Có 12 giá trị sống: Tôn trọng, khoan dung, trách nhiệm, khiêm tốn, trung thực, tự do, hạnh phúc, hợp tác, giản dị, đoàn kết, yêu thương, bình an. Giá trị sống là những nguyên tắc hướng dẫn, giúp ta chọn đường đi đúng, suy nghĩ đúng, hành động đúng theo chuẩn mực đạo đức làm người. Giá trị sống làm cho các em có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương, thấu hiểu đồng loại, biết chia sẻ những khó khăn với người khác, biết lên án những thói hư tật xấu, những hành vi trái đạo đức. Từ đó hình thành cho các em cách nghĩ tích cực hơn, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, tới lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với lợi ích của những người xung quanh.

Phần 2 trình bày 4 dạng thức tổ chức học sinh đọc có thể áp dụng vào tiết đọc sách giúp các em dần trở thành người đọc độc lập. Đó là: Đọc lớn và đọc tương tác; Đọc có hướng dẫn; Đọc chia sẻ; Đọc độc lập hay còn gọi là Đọc thầm không gián đoạn. 

Phần 3 là các biện pháp hoạt động để phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường như: Gia tăng cơ hội đọc độc lập; Đưa cộng đồng phụ huynh học sinh vào cuộc; Sử dụng câu hỏi; Phỏng đoán;… giúp tạo nên những thay đổi tích cực, hình thành thói quen đọc cho học sinh. 

Phần cuối là các phụ lục giúp thầy cô giáo có căn cứ thực hiện việc xây dựng văn hóa đọc cho học sinh: Trích Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 03 năm 2017 Về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Trích Công văn đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường PT, MN số 6841/BGDdT-GDTX ngày 31/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;...

Quyển sách “Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường” là tài liệu cung cấp kiến thức hữu ích dành cho các thầy cô giáo, đồng thời giúp cho các em học sinh thình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học tập suốt đời của mỗi người. 
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:  
▪ Ký hiệu phân loại: 028.5 / C102TH
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019088
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.011822; MH.011823

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây