Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết; việc đăng ký hộ tịch là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm xác định các sự kiện: sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch; xác định lại dân tộc; xác định lại giới tính. Giấy tờ hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch là căn cứ pháp lý xác nhận sự kiện hộ tịch của cá nhân đó.
Luật Hộ tịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Luật quy định về hộ tịch; quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch.
Để đảm bảo thực thi Luật Hộ tịch có hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Nhằm giúp bạn đọc nắm rõ được những thông tin về quy định pháp luật về vấn đề này, năm 2021, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật tái bản cuốn sách “Luật Hộ tịch (hiện hành) và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành”.
Qua 103 trang, sách giới thiệu toàn văn Luật Hộ tịch năm 2014 gồm 7 chương, 77 điều trình bày các quy định chung và quy định cụ thể về đăng ký hộ tịch tại uỷ ban nhân dân cấp xã; tại uỷ ban nhân dân cấp huyện; tại cơ quan đại diện; cơ sở dữ liệu hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch và các điều khoản thi hành… Tiếp đến, giới thiệu Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách để trang bị những kiến thức pháp luật cần thiết. Sách có tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 342.59708 / L504H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.060470
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.025173; MA.025174