Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta đã ban hành kịp thời và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về văn hóa, văn nghệ phù hợp với bối cảnh thế giới và sự phát triển đất nước.
Để cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu đường lối và quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cũng như vai trò lãnh đạo của đảng đối với sự nghiệp văn hóa, văn nghệ - nền tảng tinh thần của xã hội; mục tiêu, động lực của sự phát triển trong điều kiện mới, năm 2022 Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật xuất bản cuốn sách “Sự lãnh đạo của Đảng về văn hoá, văn nghệ” của GS.NGND Hà Minh Đức.
Quyển sách với 188 trang gồm 5 phần, trình bày khái lược đường lối, quan điểm chỉ đạo nền văn hoá, văn nghệ nước ta qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng, văn hoá, văn nghệ, cũng như thực tiễn cách mạng Việt Nam và truyền thống, đặc điểm của nền văn hoá dân tộc.
Trong đó, phần thứ nhất với tiêu đề “C.Mác, PH.Ăngghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ” gồm các nội dung: Tính Đảng là tiêu chuẩn cao nhất về thẫm mỹ và lịch sử; Tổ chức của Đảng và văn học Đảng là một tiên đoán lịch sử; “Văn hóa soi đường cho quốc dân. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh, chị, em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; Tư tưởng Hồ Chí Minh - ngọn nguồn sáng tạo và sức mạnh lan tỏa.
Phần thứ hai đến phần thứ tư viết về sự lãnh đạo của Đảng về văn hoá, văn nghệ qua các chặng đường lịch sử; kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và văn hóa, văn nghệ; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong quá trình này có thể thấy Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo vào năm 1943 đã mở ra một chặng đường mới cho văn hóa Việt Nam. Đây có thể xem là cột mốc quan trọng của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng được ban hành khi Đảng đang lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục định hướng cho sự phát triển văn hóa, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.
Hai phần cuối quyển sách là những bài viết như: Bản lĩnh và tài năng của người nghệ sĩ; công chúng và sự tiếp nhận văn hóa, văn nghệ; Đặc điểm của dân tộc trong quá trình chi phối trực tiếp đến nền văn hóa, văn nghệ dân tộc; Dân tộc và hiện đại; Tính dân tộc trong văn hóa, văn nghệ - cấp độ và hình thức biểu hiện.
Trân trọng giới thiệu quyển sách đến bạn đọc. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 306.09597 / S550L
▪ PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.062023