Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam là quyển sách tập hợp các bài nghiên cứu của GS. TS. Ngô Đức Thịnh và các đồng nghiệp về một số hình thức tín ngưỡng dân gian và hình thức văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam. Mối quan hệ giữa tôn giáo tín ngưỡng với văn hoá nghệ thuật dân gian. Trong đó, một số tín ngưỡng dân gian cụ thể như thờ cúng Tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ Mẫu, tín ngưỡng Đức Thánh Trần và các anh hùng dân tộc được đề cập khá chi tiết.
Quyển sách cũng đề cập đến khái niệm “văn hóa tôn giáo tín ngưỡng”, trước nhất biểu hiện trên các hình thức khác nhau trong sinh hoạt tâm linh của cộng đồng, như nhạc lễ, hát thờ, múa thiêng, tranh thờ, giáng bút, diễn xướng nghi lễ, lễ hội… Từ đó, xét trên bình diện nguồn gốc của các hình thái nghệ thuật, cho thấy giữa các hình thức nghệ thuật tín ngưỡng và nghệ thuật đời thường có mối quan hệ nguồn gốc khá chặt chẽ.
Tác giả cũng nhận định: Từ sau Đổi mới (1986) đến nay, đời sống tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân trổi dậy mạnh mẽ tạo nên áp lực đối với xã hội cũng như các nhà quản lý, khiến các nhà nghiên cứu phải vào cuộc. Các nhà nghiên cứu văn hóa, nhất là văn hóa dân gian, từ góc độ đời sống tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng để có thể tiếp cận văn hóa dân tộc một các sâu sắc hơn. Bởi tôn giáo tín ngưỡng không phải là “mê tín dị đoan” như quan niệm sai lầm và thành kiến xã hội như trước kia, ngày nay nhận thức xã hội có sự thay đổi cơ bản, rằng tôn giáo tín ngưỡng cũng như nhiều hiện tượng khác, đều là sản phẩm của một xã hội, phản ánh nhận thức xã hội. Nhờ tính đặc thù của nó nên tôn giáo, tín ngưỡng không chỉ là một bọ phận của đời sống văn hóa tinh thần, mà còn là bộ phận hữu cơ gắn bó mật thiết với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các nhà quản lý văn hóa, những người nghiên cứu và quan tâm đến lĩnh vực này. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
- Môn loại: 398.09597 / T311NG
- Phòng đọc Tổng hợp: DL 20961
- Phòng Mượn: MA 26969-26970