Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển lịch sử dân tộc, kỷ nguyên trong đó sự nghiệp giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Về mặt quốc tế, thắng lợi đó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới, đặc biệt là nhân dân châu Á và nhân dân châu Phi.
Với ý nghĩa to lớn đó, Thư viện TP. Cần Thơ trân trọng giới thiệu tới bạn đọc quyển sách “Những cội nguồn của Cách mạng tháng Tám” do Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Văn Khoan chủ biên, do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2015.
Quyển sách dày 300 trang bao gồm 2 phần.
Phần 1 “Suy nghĩ về Cách mạng tháng Tám” tập hợp các bài viết có tính chất nghiên cứu và suy nghĩ của những người có vai trò to lớn trong cuộc cách mạng này như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Thủ đô Hà Nội với Cách mạng Tháng Tám); Giáo sư Trần Văn Giàu (Sài Gòn khởi nghĩa thành công); Nhà thơ Tố Hữu (Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và ý nghĩa lịch sử của nó);… Ngoài ra còn có các bài viết của các nhà sử học người Pháp như: L. Sève (Bạo lực không phải là bản chất của cách mạng); Charles Fourniau (Những cội nguồn của Cách mạng tháng Tám),…
Thông qua những hồi ký, chuyện kể đầy cảm động, sẽ giúp bạn đọc dù rằng gần 70 năm xa cách, vẫn có thể hình dung được một cách sinh động, sống lại được như cảm xúc của các chiến sĩ Cách mạng tháng Tám năm xưa và có một cái nhìn hoàn thiện hơn, có hệ thống về quá trình hình thành, diễn biến và phát triển của cuộc cách mạng này. Dù rằng đã hơn năm thập kỷ qua, ký ức về một chiến công oai hùng của dân tộc không bị phai mờ theo năm tháng, như chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng viết: “Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cùng như lịch sử các nước trên thế giới, Cách mạng tháng Tám là một cuộc Tổng Khởi nghĩa thành công vĩ đại nhất của các dân tộc bị áp bức. Từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, nhân dân ta đã tự lực đứng lên để tự giải phóng, đưa nước ta trở thành một nước độc lập, tự do, với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông – Nam châu Á”.
Phần 2 “Một số tư liệu” giới thiệu những tư liệu lịch sử giúp cho người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc Tổng khởi nghĩa này như: Bài thơ “Khởi nghĩa” đăng trên báo “Hồn nước” số 5 ngày 01/7/1945 của Văn Mạc; Lệnh khởi nghĩa trong cả nước (Quan lệnh số 1) ngày 13/8/1945 của Uỷ ban khởi nghĩa; Lời hiệu triệu của Việt Minh đọc hồi 11 giờ 15 phút trước 20 vạn đồng bào, ngày 19/8/1945 tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội,…
Quyển sách “Những cội nguồn của Cách mạng tháng Tám” là một tư liệu quý mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ Việt Nam. Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: DV.49268, MG.7457, MG.7458; Ký hiệu phân loại: 959.704/NH556C.