Trong những năm 1950, khi phong trào yêu nước sôi sục khắp Nam Bộ, cùng với học sinh - sinh viên Sài Gòn, anh Trần Văn Ơn đã hăng hái tham gia phong trào học sinh yêu nước của trường Pétrus Ký, cùng xuống đường chống chính phủ bù nhìn của Bảo Đại và sự thống trị của thực dân Pháp. Ngày 9 tháng 1 năm 1950, một cuộc biểu tình lớn đã xảy ra. Bị đàn áp dã man nhưng Trần Văn ơn và bạn bè vẫn hiên ngang tiến về phía trước… Kẻ thù đã nổ súng. Khi đó, Trần Văn Ơn chuẩn bị bước sang tuổi mười chín…
Trích "Trần Văn Ơn"
Các em thân mến! trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của đất nước ta, đã có sự hiện diện của tuổi trẻ Việt Nam với tinh thần dũng cảm hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Quyển truyện “Trần Văn Ơn” của nhà văn Đoàn Giỏi sẽ kể cho các em biết về cuộc đời hào hùng, nhiệt huyết của người học sinh yêu nước Trần Văn Ơn.
Anh Trần Văn Ơn sinh năm 1931, trong cảnh đất nước loạn ly, xóm làng bị giặc tàn phá, gia đình anh phải bỏ quê Bến Tre lưu lạc đến Sài Gòn sinh sống.
Với tư chất thông minh, hiếu học, anh đã thi đậu và theo học tại Trường Pétrus Ký. Không chỉ học tập tốt, anh đã hăng hái tham gia vào phong trào học sinh yêu nước.
Ngày 9 tháng 1 năm 1950, cuộc biểu tình của học sinh- sinh viên và giáo viên Sài Gòn đã diễn ra, yêu cầu chính quyền thả học sinh, sinh viên bị bắt. Những người biểu tình đã bị cảnh sát đã đàn áp, đánh đập tàn nhẫn. Trần Văn Ơn cùng một số bạn bè không khuất phục và tiến về phía trước tố cáo tội ác của chúng. Trần Văn Ơn đã ngã xuống trước họng súng dã man của giặc Pháp.
Cái chết của anh đã làm dâng trào làn sóng căm thù, phản đối mạnh mẽ chính quyền thực dân Pháp lúc bấy giờ. Tang lễ của anh có hàng chục ngàn người tập trung tại trường Trương Vĩnh Ký thể hiện lòng thương xót cảm phục người anh hùng trẻ tuổi. Trong điếu văn dành cho anh, của đại biểu sinh viên học sinh đã tuyên thệ: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Trần Văn Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã không sợ chết, quyết đem xương máu, sinh mạng của mình để đổi lấy tự do… Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt !”.
Các bạn và các em hãy tìm quyển “Trần Văn Ơn” để đọc hết nội dung truyện và có được những cảm nhận sâu sắc, thêm khâm phục, ghi nhớ tinh thần yêu nước nồng nàn, bất khuất của Anh - người học sinh yêu nước đã lưu danh vào sử sách.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.704092 / TR121V
▪ PHÒNG THIẾU NHI: NA.004840; NA.004841