I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những thực phẩm ngăn ngừa lão hóa” trích từ tạp chí Sức khỏe đời sống. Lối sống hiện đại bận rộn khiến bạn nhanh lão hóa hơn. Tóc mỏng hơn, xuất hiện nếp nhăn nhiều hơn khi bước vào tuổi 40 không phải là điều xa lạ. Dinh dưỡng là chìa khóa giúp bạn trông trẻ hơn tuổi thật. Chế độ ăn uống hợp lý giúp làm chậm quá trình xuất hiện các nếp nhăn.
Ăn gì ngăn ngừa lão hóa?
Thực tế, chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với ngủ đủ giấc, uống nhiều nước và tập thể dục có thể giúp bạn trông trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Một số thực phẩm giúp làm chậm quá trình lão hóa bao gồm:
Quả óc chó ngăn ngừa lão hóa
Quả óc chó và các loại hạt khác như đậu phộng, bơ, hạt điều,… là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh. Chất béo lành mạnh là chất béo không bão hòa đơn, giúp dưỡng ẩm da. Những chất béo lành mạnh giúp cơ thể hấp thụ vitamin tốt hơn và giúp da bạn luôn tươi tắn.
Dầu oliu ngăn ngừa lão hóa
Cũng giống như quả óc chó, dầu oliu cũng có trữ lượng lớn các chất béo không bão hòa đơn và axit béo omega-3, rất tốt cho tim mạch. Bạn nên dùng dầu oliu thay cho dầu ăn.
Dầu cá ngăn ngừa lão hóa
Dầu cá giúp bạn sống lâu hơn, tăng cường sức khỏe tim mạch, khớp gối và khả năng chống ung thư. Hơn nữa, dầu cá ngăn ngừa lão hóa sớm. Ăn dầu cá giúp giảm tổn thương tế bào, chống lão hóa.
Tỏi ngăn ngừa lão hóa
Tỏi chứa chất chống oxy hóa allicin, có tác dụng tiêu diệt các gốc tự do, giảm nếp nhăn, ngăn ngừa lão hóa sớm. Ăn tép tỏi sống mang lại hiệu quả cao.
Hạt mè ngăn ngừa lão hóa
Hạt mè cung cấp đủ lượng kẽm cần thiết cho cơ thể. Kẽm rất quan trọng để duy trì sức khỏe của da và tóc. Hơn nữa, kẽm giúp tạo thành collagen, ngăn ngừa hình thành nếp nhăn và chống lão hóa.
Chocolate đen, thực phẩm ngăn ngừa lão hóa
Chocolate đen có đặc tính chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do hình thành nếp nhăn. Chocolate đen cũng giúp cải thiện lưu lượng máu. Tuần hoàn máu hiệu quả làm tăng lượng oxy, điều này rất quan trọng đối với việc phục hồi tế bào. Các hợp chất có hoạt tính sinh học trong sô cô la đen rất tốt cho da. Các flavonol giúp bảo vệ, chống các tổn thương do ánh nắng mặt trời, cải thiện lưu lượng máu lên da, tăng mật độ da và dưỡng ẩm.
Lựu, thực phẩm ngăn ngừa lão hóa
Lựu giàu dinh dưỡng và các vitamin cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, lựu cũng chứa nhiều đường. Ăn lựu ở mức vừa phải giúp giảm viêm và vận động tốt hơn. Theo nghiên cứu, lựu có tác dụng chống ung thư, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và tuyến tiền liệt. Lựu rất tốt cho xương vì giúp ngăn ngừa viêm khớp và đau khớp- những triệu chứng thường gặp khi lão hóa.
Trà xanh ngăn ngừa lão hóa
Trà xanh giúp bạn sống lâu hơn. Những người uống trà xanh mỗi ngày ít bị các bệnh như bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson. Trà xanh giúp ngăn ngừa nhiều loại ung thư khác nhau, tăng cường sức khỏe tim mạch và tăng cường trao đổi chất. Hơn nữa, trà xanh giàu chất chống oxy hoá ngăn ngừa sự hình thành của các gốc tự do và ngăn chặn sự lão hóa sớm.
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Di chúc của Bác Hồ - một giáo trình tiếng việt độc đáo.
- Phong tục đất phương Nam.
DI CHÚC CỦA BÁC HỒ - MỘT GIÁO TRÌNH TIẾNG VIỆT ĐỘC ĐÁO
Đã 50 năm kể từ ngày bản Di chúc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố nhưng cho tới nay, những giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của văn kiện quý giá này vẫn còn nguyên giá trị. Di chúc của Bác là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Quyển sách “Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo” do Dương Thành Truyền biên soạn, NXB Trẻ ấn hành năm 2017 sẽ giúp người đọc tìm hiểu việc sử dụng ngôn ngữ của Người trong Di chúc, để từ đó rút ra những bài học thực tiễn về các trường hợp nói và viết có hiệu lực.
Sách có độ dày 130 trang với bố cục 3 phần, ngoài ra còn có phần mở đầu gồm ảnh chụp toàn bộ bút tích Di chúc của Bác được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam công bố vào dịp 2-9-1989.
Phần 1 có tên gọi “Trên từng trang bản thảo” tập trung phân tích từng cụm từ, câu văn, từ các chữ viết hoa cho đến việc lựa chọn các từ ngữ thay thế. Phần 2 có nhan đề “Bốn năm không ngừng” phân tích sự thay đổi, lựa chọn cách sắp xếp cấu trúc văn bản, ngôn từ của Bác qua tổng thể các bản di chúc được Bác liên tục chỉnh sửa trong suốt 4 năm từ năm 1965 đến năm 1969. Đọc Di chúc của Người trong những bản thảo viết tay, dừng lại và chăm chút vào những chữ, những đoạn, những dòng đảo lên chuyển xuống, xóa đi chữa lại, lược bớt thêm vào, chúng ta nhận biết quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo lập và hoàn thiện một văn bản. Đó là quá trình lao động ngôn từ đầy cẩn trọng, công phu và trách nhiệm.
Ở phần 3 “Một tấm gương lao động ngôn từ”, qua những dẫn liệu cụ thể, tác giả đã chứng minh một cách sinh động tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ: cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiệu quả tối đa. Những bình luận phát hiện xác đáng đầy thuyết phục của tác giả về những điểm sửa đổi trong di chúc giúp bạn đọc thấy được những ý tứ tinh tế, sâu sắc trong ngôn ngữ Bác Hồ và di chúc trở thành một văn bản tiếng Việt độc đáo.
Đọc quyển sách, với việc tìm hiểu và học tập Bác Hồ trong thực hiện bản Di chúc, mỗi cán bộ đảng viên, công chức, viên chức cần rèn luyện cách nói, cách viết là thể hiện sâu sắc tấm gương yêu mến ngôn ngữ dân tộc, là góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng, ngày càng được quý trọng, ngày càng được rộng khắp như lòng mong muốn của Bác Hồ.
Quyển sách “Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo” hiện đang phục vụ tại Thư viện TP Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 959.704092/D300CH; Mã số: DV.52966, MH.8684, MH.8685. Kính mời quý vị và các bạn tìm đọc.
PHONG TỤC ĐẤT PHƯƠNG NAM
Việc trước tiên để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nghiên cứu về phong tục tập quán trong dân gian một cách nghiêm túc, sâu rộng và liên tục để làm nổi bật những giá trị tốt đẹp và tính phong phú trong văn hóa Việt, khiến cho người Việt Nam yêu quý văn hóa Việt và người dân tộc khác cũng thấy được nét đẹp nhân văn trong văn hóa đất nước.
Thư viện TP Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách “Phong tục đất phương Nam” do nhà nghiên cứu Từ Xuân Lãnh biên soạn, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019. Đây là một trong những công trình nghiên cứu mới nhất, tập trung vào việc khai thác khá chi tiết phong tục tập quán của người Kinh từ miền Trung đến miền đất tận cùng của Tổ quốc.
Quyển sách gồm 6 phần, trải dài suốt 484 trang, trình bày tiến trình diễn biến của phong tục tập quán gắn liền với một đời người từ khi sinh ra, ăn ở, giao thiệp, rồi lớn lên dựng vợ gả chồng… cho đến khi trở về với ông bà tổ tiên thành một dòng chảy tiếp diễn không ngừng, hòa chung trong mạch sống của dân tộc. Điều này sẽ giúp cho bạn đọc dễ nhận ra ý nghĩa và cảm nhận được những nét riêng của mỗi phong tục tập quán được kết nối với nhau trong diễn trình của nó.
Sách bắt đầu từ những phong tục của “Con người thời kỳ sơ sinh và ấu thơ” như: Chuyện kiêng kị khi mang thai, Bà mục ta và chuyện sinh đẻ của sản phụ, Việc đặt tên con, … cho đến những phong tục trong “Đời sống sinh hoạt”, “Dựng vợ gả chồng”, “Con người trong gia tộc”: Cất nhà theo địa lý phong thủy, Xưng hô trong giao tiếp, Quan niệm về chọn vợ lấy chồng, Các lễ trong hôn nhân, Phân chi - phân tông trong họ tộc, Hàng đời trong gia đình,… Ở “Tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên” và “Tang ma”, quyển sách đề cập đến: Việc bố trí - quy cách thờ tự, Những ngày cúng giỗ trong năm, Quan niệm và những điều kiêng kỵ khi để tang,…
Theo tác giả, phong tục tập quán là nếp sống của người dân được tích luỹ từ nhiều đời. Nó không thể tồn tại vĩnh viễn mà phải thay đổi qua quá trình phát triển của cuộc sống. Tức là những điều tốt đẹp cần phải bảo tồn, những cái không còn phù hợp nữa thì sẽ bị dần dần bị đào thải. Quyển sách sẽ giúp người đọc nhìn nhận việc tìm hiểu phong tục tập quán trong dân gian là công việc nghiêm túc, để hiểu được ý nghĩa biểu trưng tốt đẹp trong phong tục tập quán, từ có cái nhìn tích cực, càng thêm yêu mến và tự hào về văn hóa dân tộc.
Để hoàn thành quyển sách này, song song với nghiên cứu các tác phẩm đã hình thành từ hàng chục năm trước của tác giả tiên phong, nhà nghiên cứu Từ Xuân Lãnh còn dành thời gian để tìm hiểu thực tế cuộc sống người dân khắp các miền mà ông đã đi qua. “Phong tục đất phương Nam” chính là một đóng góp lớn với nhiều nét mới mẻ về phong tục tập quán của người Việt phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Đây là một quyển sách cần đọc, nhất là với các độc giả trẻ tuổi, để hiểu hơn về bản sắc văn hoá của dân tộc.
Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 390.09597/PH431T; Mã số: DL.17369, MA.20118, MA.20119.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn câu chuyện “Gia đình dấu yêu: Bài học về cuộc sống”.
Thật không dễ để dạy con trở thành một đứa trẻ biết quý trọng những gì chúng đang có, biết yêu thương, chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần cha mẹ đừng nói những điều quá to tát, mà cho con ra ngoài cuộc sống kia, lắng nghe, chứng kiến, cảm nhận...
Con tôi cũng giống với những đứa trẻ thành phố thời nay, được sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đi làm với mức lương đủ để lo một cuộc sống tạm cho là đầy đủ, chứ không cực khổ như thời ông bà cha mẹ ngày xưa. Quần áo đẹp, đồ chơi tốt, cơm ăn nước uống không thiếu… Có lẽ vì vậy mà những đứa trẻ ấy không biết trân trọng những gì mình đang được “thụ hưởng” chăng?
Nhiều lần, con tôi đi học về, hỏi: “Mẹ ơi, hôm nay mẹ nấu món gì thế?”. Nếu là đậu hũ chiên xốt cà, hay thịt bò xào củ hành, hay canh mồng tơi nấu tôm… là con lại xị mặt: “Con ghét mấy món đó”. Cuối tuần đi ra ngoài ăn tối, tôi nói con ăn tôm nướng, ghẹ đi, con bảo con không muốn ăn. Ban đầu, tôi không biết làm thế nào, đành “thỏa hiệp”, chỉ để con ăn những món con thích, món nào không thích thì không ép con.
Một lần chở con đi học về, chúng tôi nhìn thấy một con chó gầy trơ xương, có lẽ bị bỏ đói lâu ngày, đang yếu ớt dùng chân bới đống rác tìm thức ăn. Con tôi thấy thế bèn nói: “Mẹ ơi, con chó nhìn tội quá, chắc nó đói lắm, không biết trong đống rác có gì cho nó ăn không”.
Ngay lúc đó, cách con chó gầy trơ xương vài mét, là một con chó mập mạp đang ngửi ngửi đồ ăn chủ nó để trong một cái tô bên vỉa hè. Ngửi xong nó bỏ vào nhà, không thèm đụng tới. Trong đầu tôi chợt lập tức liên hệ ngay với việc chê bai đồ ăn của con mình.
Tôi hỏi lại: “Con có nhìn thấy con chó mập kia không? Nó không thèm ăn trong khi chú chó kia thì đói như sắp kiệt sức đến nơi! Nếu con chó mập biết ở đống rác có con chó ốm đang tìm đồ ăn, hẳn là nó sẽ không bỏ phí như thế, hoặc nó sẽ rủ con chó ốm tới ăn cùng”. Con trai tôi dường như hiểu được điều gì đó, im lặng rất lâu…
Vì là con nít nên con tôi không tránh khỏi có lúc vẫn “quên” bài học về con chó mà tôi từng gián tiếp nhắc nhở. Thi thoảng, khi con có dấu hiệu ăn rề rà tỏ ý không muốn ăn, tôi giả vờ kể: “Hôm nay mẹ bắt gặp một bạn đi bán vé số cỡ tuổi con. Bạn ấy bán mãi không hết vé số nên không có tiền để mua đồ ăn. Mẹ thấy bạn ấy ăn mỗi một chén cơm chan với canh rau muống, vậy mà bạn ấy ăn hết sạch và ăn rất ngon miệng”. Thế là con tôi lẳng lặng ăn hết tô cơm. Ăn xong, hét to: “Mẹ ơi, con ăn hết sạch rồi nè”.
Thật không dễ để dạy con trở thành một đứa trẻ biết quý trọng những gì chúng đang có, biết yêu thương, chia sẻ. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần cha mẹ đừng nói những điều quá to tát, mà cho con ra ngoài cuộc sống kia, lắng nghe, chứng kiến, cảm nhận. Và bằng sự dẫn dắt đầy yêu thương, bằng những hành động “làm gương”, không lẽ lũ trẻ lại không lĩnh hội được chút nào?
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Kết thúc chương trình hôm nay, xin gửi đến quý vị và các bạn bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”, sáng tác: Thuận Yến.