Chuyên mục truyền thanh Tuần 595 (02/9 – 08/9/2019)

Thứ ba - 10/09/2019 03:12 1.582 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG    
   Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “3 thói quen uống nước làm hỏng thận nhiều người mắc” được trích từ tạp chí Gia đình.
    Thận là cơ quan quan trọng trong cơ thể, nếu uống nước sai cách cũng có thể gây tổn hại lớn đến chức năng của thận.
    Thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nước và chất điện giải trong, giúp bài tiết các chất thải, độc tố ra khỏi cơ thể. Thận phải làm việc với hiệu suất cao, có thể nói không có bất kỳ một loại máy lọc nước nào có thể vượt qua thận.
    Thận làm việc 24 giờ không ngừng nghỉ. Trên toàn cầu có 1/10 bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, con số này vẫn còn đang tăng lên, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó thói quen xấu khi uống nước cũng là một lý do.
    Ba thói quen uống nước có thể làm hỏng thận
    1. Chỉ uống khi thấy khát
    Khác với ăn, cảm giác khát không mạnh như cảm giác đói, khi thấy khát thì cơ thể đã đến lúc bị mất nước. Thiếu nước sẽ khó tập trung, dễ bị kích động, mệt mỏi, thậm chí còn hoa mắt chóng mặt. Nhiều người có thói quen đợi đến khi nào thấy khát mới uống nhưng họ lại không biết rằng lúc ấy cơ thể đã mất đi một lượng nước cần thiết.
    Ngoài ra, nếu như bạn không uống nước trong một thời gian dài, lượng nước tiểu sẽ giảm và nồng độ chất thải và chất độc chứa trong nước tiểu sẽ tăng lên. Các loại sỏi thận được phát hiện lâm sàng, thận tích nước đều liên quan đến thói quen uống nước không đủ trong thời gian dài.
Chính vì vậy, tốt nhất nên uống điều độ để cơ thể luôn được cung cấp đủ nước, đảm bảo cho các hệ cơ quan hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả.
    2. Thói quen dùng các loại đồ uống khác để thay thế nước lọc
    Thận không thích các loại đồ uống như nước ngọt có ga, nước ép, cà phê…, bởi lượng đường, phốt pho trong đồ uống sẽ thúc đẩy việc bài tiết canxi ra ngoài, từ đó dẫn đến xuất hiện sỏi thận, đối với môi trường vi mô thận cũng sẽ ảnh hưởng nhất định.
    Ngoài ra, thường xuyên uống các loại đồ uống có đường có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu, gây bệnh gút, tăng nguy cơ huyết áp cao và tiểu đường, và những bệnh này là yếu tố quan trọng gây hại cho sức khỏe của thận. Các loại đồ uống khác đều có kèm theo các thành phần dinh dưỡng hoặc chất hóa học, nếu bạn uống quá thường xuyên sẽ không có lợi cho cơ thể.
    3. Thời gian dài uống trà đặc  
    Trà đặc chứa nhiều theophylline, nếu uống trà sau khi uống rượu, sẽ khiến sản phẩm rượu chưa phân hủy vào thận sớm, gây tổn thương cho thận. Mặc dù loại tổn thương này không dễ phát hiện, nhưng tích lũy theo thời gian, hậu quả cũng sẽ rất nghiêm trọng.
    Thời gian dài sử dụng các loại đồ uống ngoài nước lọc. Đường, chất điện giải, sắc tố, hương vị trong những loại thực phẩm này sẽ làm tăng gánh nặng trong quá trình lọc và giải độc, sẽ làm suy giảm chức năng thận.
    Uống nước thế nào là tốt nhất?
    Nói chung, một người trưởng thành khỏe mạnh sẽ thải ra 2.500 ml nước mỗi ngày bằng cách đi tiểu, thở, đại tiện và bốc hơi qua da. Ngoài việc cơ thể nạp khoảng 1000ml nước từ thực phẩm, chuyên gia khuyến nghị nên uống thêm 1700 ml mỗi ngày. 
    Đối với một số bệnh nhân mắc bệnh thận, cần tuân theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát lượng nước uống. Bởi vì bệnh nhân thận uống nước không được bài tiết ra ngoài, sẽ dẫn đến phù nề, cũng dễ làm tăng huyết áp cao. Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bể thận cấp tính, viêm bàng quang, …, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều rất có lợi cho sự phục hồi của bệnh.
    Uống từng ngụm nhỏ: Uống nước trước tiên phải uống từng ngụm nhỏ, sau khi nước thấm vào toàn bộ khoang miệng mới từ từ nuốt xuống, mỗi lần uống khoảng 200ml. Điều này có thể lợi dụng cơ chế phản hồi sinh học để truyền đạt đến khu trung tâm khát, khiến các tế bào trong cơ thể biết rằng có nước đang đi vào cơ thể, để hấp thụ hoàn toàn.
    Nước ấm: Uống nước ấm tốt hơn so với nước lạnh, nước ấm không gây kích ứng, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ. Mỗi sáng uống một cốc nước ấm giúp giảm sưng đau ở cổ họng, giúp nhu động ruột tốt cho tiêu hóa, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu và giúp đào thải các độc tố ra ngoài cơ thể.

II. GIỚI THIỆU SÁCH    
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách: 
    - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    - Cuộc đời một đôi dép cao su.

 
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

    Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, người sáng lập, rèn luyện Đảng - Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta bản Di chúc lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
    Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành năm 2019, trình bày đầy đủ nội dung bản Di chúc thiêng liêng của Bác - văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc Việt Nam. Sách có độ dày 100 trang với bố cục 6 phần.
    Phần 1 và phần 2 trình bày tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) và Thông báo số 151-TB/TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Về tài liệu gốc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người.
    Phần 3 và 4 giới thiệu các bút tích và nguyên văn các bản viết Di chúc của Bác (1965-1969). Bác bắt đầu dự thảo Di chúc từ ngày 10 đến ngày 14/5/1965. Bản Di chúc đầu tiên gồm 3 trang, đề ngày 15/5/1965. Năm 1968, Bác viết tay bổ sung thêm 6 trang, trong đó, viết lại đoạn mở đầu, đoạn nói về việc riêng đã viết trong bản 1965 và thêm một số đoạn. Ngày 10/5/1969, Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay. Những vấn đề cốt lõi được Bác căn dặn trong Di chúc là:
    Trước hết nói về Đảng, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, “Cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đối với đoàn viên và thanh niên, Bác nhấn mạnh, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ - những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Đối với nhân dân lao động, Bác cho rằng Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Sau khi kháng chiến thắng lợi, Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đối với phong trào cộng sản thế giới, Đảng ta cần ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và Chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đối với bản thân, Bác căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Mong muốn cuối cùng của Bác trước lúc đi xa là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
    Phần 5 quyển sách là Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 09/9/1969, thể hiện quyết tâm cả dân tộc Việt Nam biến đau thương thành hành động cách mạng, làm tròn sứ mệnh mà Người đã tin cậy giao phó, nguyện đi theo con đường mà Người đã vạch ra
    Phần 6 khẳng định giá trị của bản Di chúc của Bác - là một văn kiện lịch sử vô giá, tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc của Người gửi lại cho các thế hệ mai sau. Di chúc của Người đã trở thành cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, là ánh sáng chỉ đường, sức mạnh thôi thúc hành động, không chỉ đối với nhân dân ta, mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc con người.
    Quyển sách “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 335.4346/D300CH; Mã số: DN.3195, MH.10419, MH.10420. Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc.

 
CUỘC ĐỜI MỘT ĐÔI DÉP CAO SU

    Nhà văn Phùng Quán là tác giả nổi tiếng với các tác phẩm văn học thiếu nhi - những câu chuyện do tác giả từng trải hoặc chứng kiến trong cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của dân tộc.
    Quyển sách “Cuộc đời một đôi dép cao su” là truyện thiếu nhi hấp dẫn và xúc động tác giả viết vào năm 1957. Với độ dày 152 trang, quyển sách kể về câu chuyện đôi dép cao su đã được nhân cách hóa như một chiến sỹ trải qua bao nhiêu vui buồn nơi chiến trận. 
    Câu chuyện bắt đầu từ việc anh Bảy, một chiến sĩ du kích đầy gan dạ, trong một lần phục kích xe của địch đã nhanh trí cắt về một miếng lốp xe để làm dép. Có đôi dép, chặng đường hành quân của anh cũng bớt đi phần nào vất vả, bàn chân anh sẽ không phải rỉ máu hay sưng phồng vì gai nhọn. Nhưng dép lại thiếu quai và trong một lần dừng chân hành quân, một cậu bé đã tặng người chiến sĩ du kích sợi dây trong chiếc súng cao su yêu thích để giúp anh bộ đội có đôi dép mới. Thế rồi đôi đôi dép cao su ấy đã theo anh Bảy, anh Đích, anh Mau, anh Chòn đi khắp mọi nẻo đường đánh đuổi quân xâm lược. Và khi chiến thắng, ngày hòa bình, đôi dép lại trở thành người bạn thân thương nâng niu bàn chân em nhỏ tới trường.
    Với giọng văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh, gần gũi với trẻ thơ, tác phẩm đã tái hiện những năm tháng khốc liệt ở chiến trường cùng sự gan dạ của người lính, tình quân dân đầy cảm động. Nhà văn Phùng Quán đã tạo nên một thế giới hấp dẫn, sinh động, nơi mà mỗi người chiến sĩ, mỗi em bé, mỗi lão nông đều là một anh hùng kiên cường, dũng cảm. Trong thế giới đó, đôi dép như “đôi hài vạn dặm”, che chở cho bàn chân các anh bộ đội trên mọi nẻo đường.
    Đọc quyển sách, các bạn còn có thể hiểu thêm về cuộc đời của các anh bộ đội và yêu mến các anh hơn. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2018. Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Phòng Thiếu nhi, Thư viện TP Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 895.9223/C514Đ; Mã số: NA.3561, NA.3562.
    
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Mỉm cười – Nghệ thuật sống hạnh phúc” được trích từ tạp chí Thanh niên.
    Đừng xem thường sức mạnh của một cái chạm tay, một nụ cười ấm áp, một câu nói từ ái, một lời khen chân thành, một sự quan tâm lắng nghe hay một cử chỉ ân cần dù nhỏ bé nhất, bởi nó có khả năng thay đổi cuộc sống của một con người.’ Leo F.Buscaglia
    Thật ra, chẳng có gì nghệ thuật gì phía sau nụ cười. Đơn giản là cuộc sống này quá ngắn ngủi để u sầu. Hãy vui sống và biểu lộ niềm hạnh phúc bằng nụ cười rạng rỡ. Ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều cảm nhận được thế nào là một nụ cười thật sự qua đôi mắt người đối diện. Tất cả chúng ta đều rất nhạy bén về điều này. Vậy mà tại sao khi gặp một người quen hay một người lạ trên đường, trong thang máy, khi xếp hàng trong siêu thị..., một cách vô thức và máy móc, chúng ta thường trao cho nhau những nụ cười giả tạo và nhạt nhẽo – “một nụ cười xã giao”.
    Vậy chúng ta nên làm sao? Hãy cười bằng đôi mắt. Hãy thực sự cảm nhận điều đó và để nụ cười lan tỏa một cách tự nhiên. Khi viết những dòng này, tôi cũng đang mỉm cười và cảm thấy hạnh phúc. Một nụ cười thật giản dị nhưng lại có sức mạnh bất ngờ, cho cả bản thân mình lẫn những người xung quanh:
    Bạn trở nên cuốn hút hơn. Khi cười nhiều hơn, bạn sẽ tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực, an lành. Mọi người sẽ cảm thấy bạn cuốn hút và muốn ở gần bên bạn, cho dù đó là bạn bè, đồng nghiệp hay một người xa lạ… Chẳng phải là tất cả chúng ta đều thích ở bên cạnh những người vui vẻ hạnh phúc đó sao?
    Lạc quan – Khi cười, bạn sẽ cảm thấy an vui với chính bản thân mình và thế giới bên ngoài.
Hạnh phúc và niềm vui – Một nụ cười biểu lộ niềm vui và hạnh phúc trong tâm hồn. Hơn thế nữa, nụ cười lại giúp nhân lên niềm vui và hạnh phúc sẵn có trong ta.
    Sức khỏe – Nụ cười có thể tác động một cách tích cực đến cơ thể vật lý và sức khỏe tinh thần của bạn.
    Gần gũi, thân thiện – Nụ cười mang lại sự ấm áp và không khí cởi mở, thoải mái cho mọi người.
Làm người khác cảm thấy vui vẻ - Nụ cười có năng lực cải thiện tâm trạng nhanh chóng và làm cho mọi người cảm thấy tự tin yêu đời hơn. Nụ cười luôn có sức lan tỏa – chúng ta đều dễ dàng đón nhận nụ cười từ người khác và cảm nhận được niềm vui của họ ngay tức thì.
    Đôi khi không phải vì hạnh phúc nên chúng ta cười mà chúng ta cười nên chúng ta hạnh phúc!

IV. GIẢI TRÍ
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bài hát “Đất nước trọn niềm vui”, sáng tác: Anh Bằng.

 
 Tags: 2019

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây