Chuyên mục truyền thanh Tuần 600 (07/10 – 13/10/2019)

Thứ ba - 04/02/2020 22:32 1.501 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Thực phẩm nên và không nên để trong tủ lạnh” trích từ tạp chí Gia đình
Mật ong cho vào tủ lạnh sẽ mất một số dinh dưỡng. Nhiệt độ quá thấp của tủ lạnh cũng khiến dưa chuột hỏng nhanh hơn.
    Đa số chúng ta đều quen với việc cất thực phẩm trong tủ lạnh, từ trái cây, rau đến kẹo, bánh mì. Một số người cho cả nước sốt vào tủ lạnh. Tủ lạnh có thể kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm, nhưng tủ lạnh cũng có thể gây hại cho chúng. Dưới đây là cách lưu trữ các loại thực phẩm khác nhau, theo khuyến cáo của Bright Side:
    Những thứ nên được cất trong tủ, chạn và tránh xa ánh sáng mặt trời:
    Bánh mì: Tốt nhất nên được giữ trong hộp kín và rắc một chút muối để tránh nấm mốc. Nếu bạn để nguyên ổ bánh mì trong túi đựng của siêu thị, nó sẽ mềm, nhưng nhiều khả năng sẽ bị phủ nấm mốc sau vài ngày. Tuy nhiên, cất bánh mì trong ngăn mát tủ lạnh không phải là ý tưởng tốt nhất bởi vì ở đây, bánh mì sẽ nhanh cứng và hỏng. Ngược lại, cho vào ngăn đá, bạn có thể giữ bánh mì từ 4-6 tháng.
    Chocolate: Rất dễ bảo quản. Bạn chỉ cần để chocolate ở nơi tối, lạnh nhưng không nên bỏ vào tủ lạnh. Khi cho chocolate vào tủ lạnh, sau một thời gian trên bề mặt chocolate sẽ xuất hiện một mảng trắng mờ, do hơi nước ngưng tụ lại. Điều này không ảnh hưởng đến hương vị nhưng khiến chocolate trông kém hấp dẫn.
    Mật ong: Không có thời hạn sử dụng nhất định, có thể kéo dài hàng năm nếu được bảo quản đúng cách. Bạn chỉ cần cất mật ong ở nơi tối, lạnh, nhưng không để ở tủ lạnh. Trong tủ lạnh, mật ong có thể kết tinh và mất một số dinh dưỡng.
    Dầu ô liu: Nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Không nên để dầu ô liu vào tủ lạnh, vì nhiệt độ thấp dẫn đến sự hình thành các mảnh màu trắng trong dầu, vốn là nước ngưng tụ.
    Hành, tỏi: Cách bảo quản hành tỏi tốt nhất là cho vào hộp nhỏ rồi cất vào trong tủ chạn, ở nơi khô, lạnh. Nếu nhiều hành, bạn có thể buộc chúng lại với nhau và treo lên. Cất vào tủ lạnh, hành và tỏi sẽ nhanh hỏng hơn, chủ yếu vì chúng bị hơi nước bao quanh.
Những thứ có thể để được trên kệ bếp hoặc trên bàn ăn:
    Cam và các loại trái cây có múi khác: Có thể để ngay trên kệ bếp, chúng sẽ không hỏng quá nhanh. Nếu gọt vỏ rồi và ăn không hết, bạn nên lấy vỏ bọc lại và để trong túi kín. Không cần sử dụng tủ lạnh để bảo quản, nhiệt độ lạnh có thể làm cho trái cây kém ngon và giảm dinh dưỡng.
    Bơ: Bảo quản bơ là một nhiệm vụ khó khăn. Nếu trái cây chín, bạn có thể giữ trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp sẽ cứu nó khỏi bị hỏng. Nhưng nếu trái chưa chín hoàn toàn, bạn không nên cho vào tủ lạnh vì cái lạnh sẽ làm chậm quá trình chín, thậm chí khiến bơ không chín được.
    Dưa chuột: có thể cất vào tủ lạnh, nhưng chỉ tươi một hai ngày. Thực tế, nhiệt độ thấp sẽ khiến dưa chuột hỏng rất nhanh. Để giữ cho dưa chuột tươi lâu, bạn nên giữ nó bên ngoài tủ lạnh, ở nơi tối và mát.
    Cà tím: Loại quả này không thể chịu được nhiệt độ thấp. Trong tủ lạnh, cà tím mềm và mất chất rất nhanh. Tốt nhất, nên để cà tím ở nhiệt độ phòng (25 độ C), tránh ánh nắng trực tiếp.
    Cà chua: Tủ lạnh khiến cà chua mất đi hương vị tự nhiên, ăn rất nhạt do không khí lạnh làm chậm quá trình chín tự nhiên của cà chua và phá hủy các màng mỏng bên trong cà chua. Muốn cà chua ngon, nên cất chúng trong một giỏ hoặc hộp thông gió và để ở nhiệt độ phòng.
    Những thứ để trong tủ lạnh là tốt nhất
    Trứng: Trứng có thể tươi lâu dù bảo quản trong tủ lạnh hay nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, không nên để trứng ở cánh tủ lạnh, vì cánh tủ phải mở ra mở vào, sự thay đổi nhiệt độ liên tục sẽ làm giảm đáng kể tuổi thọ của trứng. Các chuyên gia cũng không khuyến khích bạn bỏ trứng ra khỏi hộp khi mua về, để trứng được tươi lâu hơn.
    Bột mì: Bảo quản bột mì tưởng dễ mà không dễ. Độ ẩm cao và nhiệt độ cao có thể dẫn đến sự xuất hiện của bọ và nấm mốc trong bột và bột cũng hỏng đến mức không ăn được nữa. Tốt nhất là cho bột vào một lọ kín, rồi cất vào tủ lạnh hoặc chạn bếp. Nhiệt độ phù hợp với bột mì là 10-18 độ C.
    Các loại hạt: Thực tế nhiều người để các loại hạt ở nhiệt độ phòng, nhưng đây không phải là lựa chọn tốt nhất. Ví dụ, hạnh nhân và quả óc chó chỉ có thể ngon trong 1-2 tuần ở nhiệt độ phòng, sau đó sẽ hỏng. Tốt hơn, hãy để các loại hạt tránh xa ánh sáng mặt trời, độ ẩm cũng như nhiệt độ cao. Nếu cất vào tủ lạnh, bạn có thể giữ một số loại hạt đến 9 tháng.
    Cần tây: Cần tây tươi lâu nhất khi để trong tủ lạnh, nhưng đừng dùng màng nylon bọc cần tây- nó sẽ nhanh bị thối, thay vào đó hãy sử dụng lá nhôm.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
    - Nam kỳ danh nhân.
    - Chú Tễu kể chuyện tết trung thu.
 
NAM KỲ DANH NHÂN

    Nam Bộ - vùng đất mới của phương nam Tổ quốc. Đây là một vùng châu thổ màu mỡ, trù phú với biết bao huyền thoại thời mở đất. Trải qua mấy trăm năm định hình và phát triển, vùng đất này đã có những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo tạo nên bản sắc rất riêng so với các vùng miền khác, trong đó có những nhân vật nổi tiếng, đã đi vào lòng người.
    Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách “Nam kỳ danh nhân” do Đào Văn Hội - một người Nam bộ nặng tình với quê hương xứ sở - biên soạn. Sách do NXB. Tri thức ấn hành năm 2017 sẽ giúp bạn đọc hiểu biết thêm được rất nhiều điều thú vị về những danh nhân Nam Bộ nổi tiếng và về bản sắc văn hóa vùng đất này.
    Quyển sách có độ dày 293 trang gồm 02 phần.
    Phần 1 giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của 22 danh nhân tiêu biểu nhất của vùng đất Nam bộ, gồm các võ tướng (Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành,…) và các văn nhân (Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký,…). Ở mỗi tiểu sử nhân vật, tác giả còn kèm theo nhiều trích dẫn thơ văn, giai thoại liên quan.
    Phần 2 in lại nguyên văn sách “Hà Tiên Mạc thị sử” (lịch sử họ Mạc ở Hà Tiên) của tác giả Đông Hồ, vốn đã được đăng trên “Nam Phong tạp chí” năm 1929. Đây là một tài liệu quý hiếm để chúng ta ngày nay tìm hiểu về lịch sử đất Hà Tiên.
    Quyển sách “Nam kỳ danh nhân” có thể xem là quyển sách quốc ngữ đầu tiên viết về danh nhân Nam bộ. Tác giả đã tái hiện lại lịch sử đất Nam kỳ mấy trăm năm qua vừa xa xăm vừa gẫn gũi, phủ dưới những sử liệu chân thực cùng những giai thoại mang nhiều màu sắc huyền ảo. Thông qua quyển sách, tác giả mong muốn gửi gắm đến hậu thế: “Mong sao người Nam kỳ biết danh nhân xứ Nam đặng mà sùng bái, vì các ngài đã làm cho vẻ vang đất tổ quê cha, và nhơn đó mà thương mến nước nhà, mà cố gắng làm sao cho xứng đáng với tiền nhân, xứng đáng với con dân đất Việt”.
    Quyển sách hiện đang phục vụ tại Thư viện TP Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 959.7009/N104K; Mã số: DV.53367, MG.8790, MG.8791. Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc.
 
CHÚ TỄU KỂ CHUYỆN TẾT TRUNG THU

    Với trẻ thơ, Trung thu là một trong những tết vui nhất trong năm vì có thật nhiều quà ngon và những trò chơi lí thú. Dưới ánh trăng sáng ngời, các bạn sẽ được đùa vui và hát vang những bài ca rộn ràng về chú Cuội, về chị Hằng, về cả trăng và sao. Hấp dẫn hơn, tất cả còn được thưởng thức những hoa quả và bánh kẹo thơm ngon trong dịp “phá cỗ”. Không chỉ có vậy, trẻ con còn được rước đèn ông sao đi khắp thôn làng, khu phố, trong tiếng trống rộn ràng. Vì sao lại có Tết Trung thu? Chị Hằng và chú Cuội là ai? Lễ rước đèn ông sao ngày xửa ngày xưa diễn ra như thế nào? Mời bạn lắng nghe chú Tễu kể chuyện, khám phá nhiều điều hấp dẫn trong quyển sách “Chú Tễu kể chuyện Tết Trung thu”.
    Quyển sách có độ dày 42 trang, do Lê Phương Liên sưu tầm và biên soạn, NXB Kim Đồng ấn hành năm 2016.
    Trong quyển sách này, bạn sẽ được nghe chú Tễu kể về nguồn gốc Tết Trung thu. Theo đó, Tết Trung thu (hay còn gọi là Tết Trông trăng, Tết Nhi đồng) được diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hằng năm (theo âm lịch). Ở nước ta, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hình vẽ tả Tết Trung thu trên trống đồng có từ thời Hùng Vương. Và theo văn bia chùa Đọi (năm 1121), từ đời nhà Lý, Tết Trung thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Dưới ánh trăng thu, mọi người uống trà, nhắm rượu, ngắm trăng, chiêm nghiệm và dự đoán những điều trong tương lai. Bởi vậy mà thành ngữ dân gian ta vẫn có câu: “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.
    Đối với trẻ con, Trung thu là dịp vui nhất trong năm với biết bao trò chơi và những câu chuyện cổ lí thú, như câu chuyện về Chú Cuội - một anh chàng rất hay nói dối nhưng lại cực kì tốt bụng, hay chị Hằng Nga - tiên nữ trên cung trăng, thường ban cho người dân may mắn và bình an qua phong tục “bái nguyệt” vào Tết Trung thu.
    Theo từng trang sách, bạn còn biết mỗi lễ vật được cúng trong Tết Trung thu đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Vì thế, người Việt quan niệm rằng, ăn uống để tiếp thêm sức mạnh của trời đất, đủ sức chống lại mọi thiên tai, dịch bệnh. Chính vì vậy, Tết Trung thu là dịp các bậc ông bà, cha mẹ đều muốn cho cháu “phá cỗ” thật vui vẻ, ăn uống thật thỏa thích, để mong con mình sẽ “hay ăn chóng lớn”.
    Vào dịp Rằm tháng Tám, từ thời xa xưa, đã có tục lệ làm đèn lồng, đèn con thỏ, đèn con cóc, đèn cá chép… Những vật phẩm này đều làm bằng giấy màu, có cốt nan tre và mang một ý nghĩa riêng: Đèn con thỏ chính là biểu thị của Thỏ Ngọc, vị thần đã tạo nên viên thuốc trường sinh cho Hằng Nga; Đèn con cóc (đèn Thiềm Thừ) biểu thị cho sự cầu mong mưa thuận, gió hòa của cư dân trồng lúa nước; Đèn cá chép là bắt nguồn từ sự tích cá chép hóa rồng, với ý nghĩa cầu mong cho con cháu học hành giỏi giang, tấn tới.
    Và còn rất nhiều thông tin hay và bổ ích khác được chú Tễu kể trong quyển sách này, như không khí rộn ràng của những điệu múa Kì Lân, của lễ rước đèn, hội thi, lễ ngắm trăng... Mời các bạn tìm đọc quyển sách “Chú Tễu kể chuyện Tết Trung thu” tại Phòng Thiếu nhi, Thư viện TP Cần Thơ với Ký hiệu phân loại: 394.269597/CH500T; Mã số: NB.10057, NB.10058.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Lòng người như nước trong bát, rót nhẹ thì nước mới trong”.
    Lòng người thường hay bị ngoại cảnh làm cho thay đổi, cám dỗ làm cho yếu mềm, nên người xưa mới có câu rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng nếu biết rót nhẹ nước vào chiếc bát trong tâm thì con người sẽ có được một sự an hòa và tự tại.
    Tâm lý con người thường hay bị ngoại vật chi phối, từ khi mở mắt chào đời cho đến phút lâm chung, lòng người không ngừng lưu chuyển: sáng bước ra cửa, ánh mặt trời chiếu rọi thì sẽ cảm thấy tâm tình rất sảng khoái; gặp mưa sẽ cảm thấy ủ dột; gặp điều không như ý thì thấy nóng vội sốt ruột; có được chút đỉnh lợi ích thì sẽ thấy mãn nguyện lắm lắm; được khen thì vui mừng hớn hở; bị chê thì cảm thấy mất mặt buồn rầu… Sống như vậy thì mệt mỏi lắm!
    Cũng có người nhận ra được điều ấy, nhưng chẳng biết tìm lối ra ở đâu cả, nên đành để tâm mình bay bổng trong những thú vui riêng. Đó có thể là những chuyến đi bất tận thử thách bản thân mình; là những cảnh thiên nhiên nao lòng mỗi dịp chinh phục một đỉnh núi; là những khi tìm được một món đồ quý hiếm mà mình sưu tập; hay là những dịp sắm sửa được thứ gì mà mình ưng ý lắm. Thế nhưng đó cũng chẳng phải là bị ngoại vật chi phối hay sao?
    Trong thiên “Giải tế” sách Tuân Tử có viết: “Nhân tâm tỉ như bàn thủy, chính thố nhi vật động, tắc trạm trọc tại hạ, nhi thanh minh tại thượng”, có nghĩa là lòng người giống như nước trong bát, rót vào một cách nhẹ nhàng không dao động thì tạp chất sẽ lắng xuống dưới, còn nước sạch trong sẽ nổi lên trên.
    Lòng người như nước trong bát, rót nhẹ thì nước mới trong. Nếu lòng ta bất động, tâm tĩnh như mặt hồ, tâm như chỉ thủy, thì còn có thứ gì có thể ảnh hưởng tới lòng mình?
Người ta nếu muốn được đến tâm không động ấy, thì chẳng phải là nên tu tâm hay sao? Được lợi thì đừng đắc ý, chịu thiệt mà vẫn nhẫn nhịn; không khoe khoang, cũng không đố kỵ; biết coi nhẹ cái lợi của mình, biết nghĩ cho người khác; hiểu rõ trách nhiệm của bản thân nhưng lại không cầu được mất. Làm được như thế thì ắt sẽ luôn tự tại.
    Tất nhiên, đạt được tâm cảnh như vậy ngay lập tức thì cũng không thực tế, cần phải từ từ cải biến bản thân mình thì mới được. Hôm nay người khác làm ta phương hại, ta nhẫn được đôi phần, lần sau gặp việc tương tự, lại cố gắng nhẫn thêm một chút nữa. Gặp việc gì hoan hỉ thì tự hỏi bản thân mình, gặp việc gì buồn bã thì tự hỏi bản thân mình, gặp việc gì khó chịu thì tự hỏi bản thân mình… Dần dần bạn sẽ biết cách giữ tâm mình bình lặng.
    “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, ấy cũng là một cách nói vậy. Con người cần vứt bỏ chính là những ích kỷ cá nhân, những kích động được mất. Điều đó không chỉ có lợi cho bản thân, mà cũng có lợi cho những người xung quanh bạn. Tu tâm ấy, có lẽ đó mới là mục đích để làm người.

IV. GIẢI TRÍ
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bài hát “Gợi nhớ quê hương”, sáng tác Thanh Sơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây